Điểm tin Văn bản mới số 14.2025

Điểm tin văn bản

Thuế-Phí-Lệ phí
Hà Nội sẽ thực hiện kiểm tra lĩnh vực thuế tại 11 quận, huyện

Ủy ban nhân dân TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 1924/QĐ-UBND về việc kiểm tra thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế trên địa bàn Thành phố. 

Theo Quyết định 1924/QĐ-UBNDviệc kiểm tra này sẽ được thực hiện tại các Chi cục Thuế Khu vực I và Đội Thuế của 11 quận, huyện từ Quý III năm 2025.

* Về nội dung kiểm tra

Việc kiểm tra sẽ tập trung vào hai nội dung chính:

(1) Kiểm tra về việc quản lý nhà nước: Đánh giá công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.

(2) Kiểm tra việc áp dụng pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính: Kiểm tra các đơn vị liên quan trong việc áp dụng các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.

Đối tượng được kiểm tra là Chi cục Thuế Khu vực IĐội Thuế các quận, huyện: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Đông Anh, Đan Phượng, Hoài Đức, Gia Lâm, Long Biên, Đội Thuế liên huyện Thạch Thất, Quốc Oai.

Thời kỳ kiểm tra: tính từ 01/01/2024 đến 31/12/2024; dự kiến triển khai trong Quý III năm 2025.

* Đoàn kiểm tra và trách nhiệm của các bên

Đoàn kiểm tra được thành lập với sự chỉ đạo của Giám đốc Sở Tư pháp Ngô Anh Tuấn, người làm Trưởng đoàn. Các thành viên của đoàn là đại diện của các Sở, ngành của TP Hà Nội, có quyền và trách nhiệm kiểm tra thực hiện công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Chính phủ.

Trưởng đoàn sẽ báo cáo Ủy ban nhân dân TP Hà Nội về kết quả kiểm tra và trình Chủ tịch UBND TP Hà Nội ban hành kết luận kiểm tra. Đoàn kiểm tra sẽ sử dụng con dấu của Sở Tư pháp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra.

* Trách nhiệm của đơn vị bị kiểm tra

Các đơn vị được kiểm tra sẽ có quyền nhận Kế hoạch và Quyết định kiểm tra từ Đoàn kiểm tra. Đồng thời, các đơn vị này có trách nhiệm xây dựng báo cáo thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính của đơn vị theo Đề cương báo cáo và Phụ lục yêu cầu của Đoàn kiểm tra. Báo cáo này cần được gửi về Sở Tư pháp trước 3 ngày làm việc trước thời điểm kiểm tra.

Ngoài ra, các đơn vị này phải cung cấp thông tin, hồ sơ tài liệu trung thực, kịp thời và giải trình những vấn đề có liên quan đến nội dung kiểm tra. Lãnh đạo đơn vị cần bố trí công tác với Đoàn kiểm tra và đảm bảo các điều kiện cho Đoàn kiểm tra thực hiện nhiệm vụ trong suốt quá trình kiểm tra.

Hộ kinh doanh có doanh thu 1 tỷ đồng trở lên phải sử dụng hóa đơn điện tử

Đây là một trong những quy định mới được Chính phủ quy định tại Nghị định 70/2025/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung Điều 11 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, có hiệu lực từ 01/6/2025.

Theo đó, khoản 8 Điều 1 Nghị định 70/2025/NĐ-CP bổ sung quy định hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hằng năm từ 01 tỷ đồng trở lên sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.

Quy định này cũng áp dụng với doanh nghiệp có hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Trong đó có bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng như:

  • Trung tâm thương mại; siêu thị; bán lẻ trừ ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác;
  • Ăn uống; nhà hàng; khách sạn;
  • Dịch vụ vận tải hành khách, dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải đường bộ, dịch vụ nghệ thuật, vui chơi, giải trí, hoạt động chiếu phim, dịch vụ phục vụ cá nhân khác theo quy định về Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.

Đồng thời, nội dung của hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền gồm:

  • Tên, địa chỉ, mã số thuế người bán hoặc số định danh cá nhân/số điện thoại của người mua nếu người mua yêu cầu
  • Tên hàng hóa, dịch vụ, đơn giá, số lượng, giá thanh toán. Nếu nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thì phải ghi rõ nội dung giá bán chưa tính thuế giá trị gia tăng, thuế suất thuế giá trị gia tăng, tiền thuế giá trị gia tăng, tổng tiền thanh toán có thuế giá trị gia tăng;
  • Thời điểm lập hóa đơn;
  • Mã của cơ quan thuế/dữ liệu điện tử để người mua có thể truy xuất, kê khai thông tin hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Hình thức để người bán gửi hoá đơn điện tử cho người mua là điện tử (tin nhắn, thư điện tử và các hình thức khác) hoặc cung cấp đường dẫn hoặc mã QR để người mua tra cứu, tải hoá đơn điện tử.

LuatVietnam đã có Bản so sánh Nghị định 70/2025/NĐ-CP và Nghị định 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn, chứng từ, liên hệ ngay LuatVietnam theo số 0936385236 (điện thoại/Zalo) để hỗ trợ đăng ký mua.
Cán bộ-Công chức-Viên chức
Đã có Thông tư 002/2025 sửa đổi Thông tư 1/2025 về thực hiện chính sách khi sắp xếp bộ máy

Thông tư 002/2025/TT-BNV sửa đổi Thông tư 1/2025/TT-BNV về thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức khi sắp xếp bộ máy được ban hành ngày 04/4/2025.

Điều 1 Thông tư 002/2025/TT-BNV sửa đổi Thông tư 1/2025/TT-BNV về phạm vi điều chỉnh như sau:

Thông tư này hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (bao gồm người làm việc trong tổ chức cơ yếu - bổ sung mới) trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại Điều 1 Nghị định 178/2024/NĐ-CP được sửa đổi tại Nghị định 67/2025/NĐ-CP) trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính các cấp, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, gồm:

  • Cách xác định thời điểm và tiền lương tháng để tính hưởng chính sách, chế độ;
  • Cách tính hưởng chính sách đối với người nghỉ hưu trước tuổi;
  • Cách tính hưởng chính sách thôi việc đối với cán bộ, công chức và cán bộ, công chức cấp xã;
  • Cách tính hưởng chính sách thôi việc đối với viên chức, người lao động (bổ sung mới);
  • Cách tính hưởng chính sách thôi việc đối với viên chức, người lao động và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ, công chức, viên chức sau sắp xếp.

Khoản 2 Điều 1 Thông tư 002 cũng sửa đổi, bổ sung Điều 2 Thông tư 1/2025/TT-BNV về đối tượng áp dụng như sau:

  • Cán bộ, công chức, viên chức;
  • Cán bộ, công chức cấp xã và người lao động quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm e khoản 1 và khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 2 và người làm việc trong tổ chức cơ yếu (không bao gồm đối tượng thuộc Nghị định khác của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quy định tại Điều 22 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP) quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP được sửa đổi tại Nghị định số 67/2025/NĐ-CP).

Quy định trước đó tại Thông tư 1/2025: Đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức cấp xã và người lao động quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP.

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề
Bộ Giáo dục Đào tạo có chỉ đạo mới về hoạt động dạy thêm, học thêm

Bộ GDĐT đã ban hành Công văn 1479/BGDĐT-GDPT tiếp tục tăng cường thực hiện Công điện 10/CĐ-TTg về tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh THCS, tuyển sinh THPT và quản lí hoạt động dạy thêm, học thêm.

Theo đó, tại Công văn 1479/BGDĐT-GDPT (ban hành ngày 02/4/2025) có đề cập đến việc thực hiện Công điện 10/CĐ-TTg ngày 07/02/2025 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh THCS, tuyển sinh THPT và quản lí hoạt động dạy thêm, học thêm, Bộ GDĐT đã ban hành văn bản chỉ đạo, thành lập Đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra trực tiếp tại 06 tỉnh.

Vào ngày 28/3/2025, Bộ GDĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá công tác quản lý dạy thêm, học thêm và công tác tuyển sinh đầu cấp theo quy định của Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT và công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2025.

Mặc dù Bộ GDĐT đã yêu cầu các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc báo cáo tình hình triển khai thực hiện Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, nhưng 7 tỉnh đã gửi báo cáo muộn so với quy định.

Một số địa phương cũng gặp khó khăn trong việc triển khai do chưa ban hành văn bản quy định về quản lý dạy thêm, học thêm theo thẩm quyền của mình.

Bộ GDĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ và chịu trách nhiệm toàn diện về công tác tuyển sinh THCS, THPT và quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn.

Đồng thời, các cơ quan này cần kịp thời báo cáo Bộ GDĐT những vấn đề vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện.

Bộ GDĐT có chỉ đạo mới liên quan đến xét tuyển đại học năm 2025

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn 1586/BGDĐT-GDĐH về tổ chức tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2025 vào ngày 09/4/2025.

Theo Công văn 1586/BGDĐT-GDĐH, Bộ GDĐT nhận được phản ánh từ các cơ sở đào tạo về việc sử dụng các tổ hợp môn xét tuyển không phù hợp với chương trình đào tạo.

Điều này đặc biệt quan trọng trong năm 2025, khi là năm đầu tiên tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thôngxét tuyển đại học cho học sinh học theo chương trình giáo dục mới (2018). Theo chương trình này, học sinh có thể lựa chọn tổ hợp môn theo nhóm kiến thức và không phải học tất cả các môn.

Để bảo đảm tuyển sinh đại học và tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2025 diễn ra đúng quy chế và đảm bảo chất lượng đào tạo, Bộ GDĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo thực hiện nghiêm túc các quy định, đặc biệt lưu ý các nội dung sau:

- Rà soát tổ hợp môn xét tuyển: Các chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo cần ráo soát các tổ hợp môn và phương thức xét tuyển.

Việc lựa chọn tổ hợp môn phải đảm bảo đáp ứng yêu cầu về kiến thức nền tảngnăng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để theo học. Đặc biệt, đối với các ngành đào tạo sư phạm, tổ hợp môn xét tuyển hoặc ngưỡng đầu vào cần có yêu cầu cụ thể về kiến thức môn học tương ứng.

- Trách nhiệm của cơ sở đào tạo: Các cơ sở đào tạo phải chịu trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn khi xác định phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển và tổ hợp xét tuyển.

Hành chính
Kết luận 137-KL/TW: Đã có thời điểm cấp huyện hiện nay kết thúc hoạt động

Ngày 28/3/2025, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Kết luận 137-KL/TW về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Một trong những nội dung về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, Bộ Chính trị, Ban Bí thư có ý kiến sẽ kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện hiện nay kể từ ngày 01/7/2025 sau khi Hiến pháp năm 2013 (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.

Đồng thời, Kết luận 137-KL/TW cũng giao Đảng ủy Chính phủ kết hợp Đảng ủy Quốc hội nghiên cứu thời gian chuyển tiếp để hoàn thành bàn giao, kết thúc hoạt động của chính quyền địa phương cấp huyện và thời gian đi vào hoạt động chính thức của cấp tỉnh, cấp xã sau khi sắp xếp, sáp nhập.

Đồng thời, Kết luận 137 cũng đưa ra ý kiến của Bộ Chính trị về tổ chức chính quyền địa phương cấp tỉnh gồm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau:

- Chính quyền địa phương cấp tỉnh gồm có Hội đồng nhân dân tổ chưucs 03 - 04 ban chuyên môn giúp việc và Ủy ban nhân dân tổ chức 14 Sở và tương đương. Riêng TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thì tổ chức 15 Sở và tương đương.

- Số lượng cán bộ, công chức, viên chức của cấp tỉnh sau sắp xếp tối đa không vượt quá tổng số cán bộ, công chức, viên chức (số có mặt) của cấp tỉnh trước sắp xếp và thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm trong thời hạn 05 năm cơ bản bố trí theo đúng quy định.

Sau khi chính quyền địa phương cấp tỉnh đi vào hoạt động, căn cứ quy mô dân số, diện tích tự nhiên, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh để xây dựng vị trí việc làm trình cấp có thẩm quyền giao biên chế công chức, viên chức cho địa phương.

Kết luận 137-KL/TW được ban hành ngày 28/3/2025.

Trước 30/6/2025, hoàn thành Nghị định sửa đổi Nghị định 204/2004 về hệ số lương công chức

Nội dung này được đề cập đến tại Nghị quyết 74/NQ-CP ngày 07/4/2025 ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Tại Nghị quyết 74/NQ-CP, Bộ Nội vụ được giao tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung bảng phụ cấp chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; cơ quan đơn vị thuộc quân đội nhân dân, công an nhân dân ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Thời gian hoàn thành: Trước ngày 30/6/2025.

Nghị quyết 74/NQ-CP Chính phủ cũng đã quy định về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp xã như sau:

- Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định tổ chức Hội nghị triển khai ngay sau Hội nghị quán triệt của Bộ Chính trị (tại Hội nghị này, các bộ, ngành có liên quan trình bày hướng dẫn sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp theo phân công của Ban Chỉ đạo tại Quyết định 571/QĐ-TTg năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ). 

- Căn cứ các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng và trình hồ sơ đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã

- Thẩm định và trình hồ sơ đề án: Sau khi nhận được hồ sơ đề án của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi đến, Bộ Nội vụ thẩm định, trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo tiến độ gửi Hồ sơ đề án của từng địa phương.

Sẽ kết thúc hoạt động của công đoàn viên chức, công đoàn lực lượng vũ trang

Theo Nghị quyết 60-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, chủ trương kết thúc hoạt động của công đoàn viên chức, công đoàn lực lượng vũ trang đã được thống nhất.

Theo Nghị quyết 60-NQ/TW, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đồng ý với một số chủ trương quan trọng, bao gồm:

  • Kết thúc hoạt động của công đoàn viên chức và công đoàn lực lượng vũ trang: Đây là một trong những chủ trương quan trọng nhằm tinh gọn bộ máy tổ chức và giảm mức đóng góp công đoàn phí của đoàn viên công đoàn.
  • Sắp xếp tổ chức Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân: Nghị quyết đã đồng ý sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân. Hệ thống tổ chức này sẽ chỉ còn 3 cấp: Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cấp tỉnh, và cấp khu vực. Các cấp Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao và cấp huyện sẽ kết thúc hoạt động.
  • Hệ thống tổ chức đảng ở địa phương: Nghị quyết cũng thống nhất chủ trương lập chức đảng ở địa phương tương ứng với hệ thống hành chính cấp tỉnh và cấp xã, đồng thời kết thúc hoạt động của đảng bộ cấp huyện (bao gồm các huyện, thị xã, thành phố, quận trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương). Việc lập tổ chức đảng sẽ được thực hiện đúng theo Điều lệ Đảng và quy định của Trung ương.

Bộ Chính trị được giao nhiệm vụ căn cứ vào ý kiến thảo luận của Trung ương và Báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị để chỉ đạo và hoàn thiện, ban hành các quy định, hướng dẫn có liên quan. Mục tiêu là đảm bảo hệ thống tổ chức đảng ở địa phương hoạt động ổn định, không gián đoạn trong quá trình thực hiện các chủ trương mới.

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM

Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919

Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724

Email: [email protected]

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.