Điểm tin Văn bản mới số 13.2021

Điểm tin văn bản

Bảo hiểm nhân thọ - Phi nhân thọ
Sắp có Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm

Ngày 31/3/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 43/2021/NĐ-CP quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm.

Theo đó, Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm là Cơ sở dữ liệu quốc gia lưu trữ thông tin về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và thông tin về y tế, an sinh xã hội được cơ quan có thẩm quyền ghi nhận và đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ về bảo hiểm của công dân.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm là cơ sở dữ liệu của Chính phủ được xây dựng thống nhất trên toàn quốc, dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm cung cấp chính xác, kịp thời thông tin về bảo hiểm phục vụ công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu chính đáng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

 Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm bao gồm các thông tin sau:

- Dữ liệu cơ bản cá nhân bao gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân; dân tộc; quốc tịch; nơi đăng ký khai sinh; quê quán, nơi thường trú; họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp;

- Thông tin liên hệ của công dân;

- Nhóm thông tin về hộ gia đình: Mã hộ gia đình; địa chỉ; danh sách các thành viên trong hộ gia đình;

- Nhóm thông tin về bảo hiểm xã hội: Mã số bảo hiểm xã hội; mã đơn vị quản lý người tham gia; cơ quan bảo hiểm xã hội quản lý; loại đối tượng bảo hiểm xã hội; phương thức đóng; quá trình đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; mã số thuế;

- Nhóm thông tin về bảo hiểm y tế: Mã mức hưởng; loại đối tượng; nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu; thời điểm hết hạn; thời điểm đủ 05 năm liên tục; quá trình đóng, hưởng;

- Nhóm thông tin về bảo hiểm thất nghiệp: Quá trình đóng, hưởng; thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp;

- Nhóm thông tin về người sử dụng lao động gồm: Tên; mã số doanh nghiệp/số quyết định thành lập; mã số thuế; địa chỉ trụ sở chính; ngành, nghề kinh doanh (hoặc ngành, nghề kinh doanh chính)/lĩnh vực hoạt động; số điện thoại, thư điện tử; loại hình doanh nghiệp/loại hình tổ chức; phương thức đóng;

- Nhóm thông tin cơ bản về y tế;

- Nhóm thông tin về an sinh xã hội.

Nghị định này chính thức có hiệu lực từ 01/6/2021.
Đất đai-Nhà ở
Kéo dài thời hạn vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội

Nghị định 49/2021/NĐ-CP do Chính phủ ban hành đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Đối với vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở thì mức vốn vay quy định như sau:

- Trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội thì mức vốn cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê mua nhà;

- Trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay, tối đa không quá 500 triệu đồng và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.

Với lãi suất vay:

- Lãi suất cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội cho từng thời kỳ;

- Lãi suất cho vay tại các tổ chức tín dụng được chỉ định do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác định và công bố trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc không vượt quá 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong cùng thời kỳ…

Ngoài ra, thời hạn vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội do ngân hàng và khách hàng thỏa thuận phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng và tối đa không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên (thay vì thời hạn vay tối thiểu là 15 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên như quy định cũ).

Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký 01/4/2021.

>> Nhà ở xã hội: Đối tượng, điều kiện, hồ sơ và thủ tục mua

Lãi suất cho vay ưu đãi để mua nhà ở xã hội 2021 là 4,8%

Tại Điều 1 Quyết định 532/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quy định về mức lãi suất cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở.

Theo đó, mức lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng với các khoản vay có dư nợ để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở theo quy định tại Điều 16 Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 là 4,8%/năm.

Đồng thời, mức vốn vay trong trường hợp mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà; nếu xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.

Thời hạn vay tối thiểu là 15 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên. Nếu khách hàng có nhu cầu vay với thời hạn thấp hơn thời hạn vay tối thiểu thì được thỏa thuận với ngân hàng về thời hạn cho vay thấp hơn.

Trước đó, mức lãi suất cho vay ưu đãi để mua nhà ở xã hội năm 2020 tại Ngân hàng Chính sách xã hội nêu tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 13/8/2020 để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở cũng là 4,8%/năm.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 01/4/2021 đến ngày 01/01/2023.

>> Nhà ở xã hội: Đối tượng, điều kiện, hồ sơ và thủ tục mua

Bảo hiểm
Sẽ điều chỉnh mức đóng, tiền lương tính đóng BHXH bắt buộc

Ngày 30/3/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 500/QĐ-TTg giao dự toán thu, chi bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… năm 2021.

Theo đó, điểm c khoản 3 Điều 2 Quyết định này nêu rõ:

Chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, cơ quan có liên quan khẩn trương sửa đổi quy định về căn cứ đóng BHXH của khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập có tính chất tiền lương của người lao động để khắc phục tình trạng trốn đóng, đóng không đủ BHXH, ảnh hưởng đến khả năng cân đối quỹ BHXH và quyền lợi của người lao động.

Như vậy, theo quy định này, sắp tới sẽ sửa đổi về căn cứ đóng BHXH của khu vực doanh nghiệp để bằng ít nhất khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập có tính chất tiền lương của người lao động.

Ngoài ra, tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện:

- Đề xuất chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 nhằm đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 28 năm 2018 về cải cách chính sách BHXH.

- Nghiên cứu đề xuất về chính sách hỗ trợ BHXH tự nguyện để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung các chính sách BHXH theo Nghị quyết số 28.

- Khẩn trương quy định giá dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp thực hiện thống nhất trên toàn quốc để có cơ sở triển khai thực hiện việc tư vấn, giới thiệu việc làm sử dụng từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp…

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 30/3/2021 và áp dụng đối với năm tài chính 2021.

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề
Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố lịch thi tốt nghiệp THPT 2021

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 1318/BGDĐT-QLCL hướng dẫn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2021.

Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 diễn ra từ ngày 06 - 09/7/2021, trong đó, hai ngày thi chính là ngày 07 và 08/7/2021.

- Ngày 07/7/2021: Sáng thi Ngữ văn (120 phút), chiều thi Toán (90 phút).

- Ngày 08/7/2021: Sáng thi bài thi tổ hợp (150 phút), chiều thi Ngoại ngữ (60 phút).

Cụ thể, lịch thi tốt nghiệp THPT 2021 chính thức như sau:

Ngày

Buổi

Bài thi/môn thi thành phần của bài thi tổ hợp

Thời gian làm bài

Giờ phát đề cho thí sinh

Giờ bắt đầu làm bài

06/7/2021

Sáng

8h: Họp cán bộ làm công tác coi thi tại Điểm thi

Chiều

14h: Thí sinh đến phòng thi làm thủ tục dự thi, đính chính sai sót (nếu có) và nghe phổ biến Quy chế thi, lịch thi

07/7/2021

Sáng

Ngữ văn

120 phút

7h30

7h35

Chiều

Toán

90 phút

14h20

14h30

08/7/2021

Sáng

Bài thi Khoa học tự nhiên

Vật lý

50 phút

7h30

7h35

Hóa học

50 phút

8h30

8h35

Sinh học

50 phút

9h30

9h35

Bài thi Khoa học xã hội

Lịch sử

50 phút

7h30

7h35

Địa lý

50 phút

8h30

8h35

Giáo dục công dân

50 phút

9h30

9h35

Chiều

Ngoại ngữ

60 phút

14h20

14h30

09/7/2021

Sáng

Dự phòng

 

 

 

          

Theo đó, các thí sinh chỉ được dự thi duy nhất 01 bài thi tổ hợp hoặc tổ hợp Bài thi Khoa học tự nhiên  hoặc tổ hợp Bài thi Khoa học xã hội.

Đã có mẫu Phiếu đăng ký thi tốt nghiệp THPT năm 2021

Cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn 343/QLCL-QLT ngày 25/3/2021 về sử dụng mẫu Phiếu đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2021.

Để đảm bảo thống nhất toàn quốc về thông tin đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, tạo điều kiện thuận lợi và giảm tối thiểu sai sót đăng ký dự thi cho thí sinh, Công văn này đã quy định mẫu chung, thống nhất do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

Thí sinh dùng mẫu này để đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng (ngành đào tạo Giáo dục Mầm non) năm 2021.

Trong đó, mẫu hồ sơ đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2021 gồm: 01 túi đựng hồ sơ, 02 phiếu đăng ký dự thi và 01 hướng dẫn ghi phiếu.

Lưu ý: Có thể căn chỉnh văn bản lại cho đẹp, cân đối nhưng không được thay đổi nội dung trên các trang, các mục, không được sắp xếp lại thứ tự các mục…

Đặc biệt, các địa phương cần hướng dẫn chi tiết cho thí sinh ghi đúng và đầy đủ thông tin, tránh các sai sót dẫn đến ảnh hưởng tới quyền lợi của thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành đào tạo Giáo dục Mầm non năm 2021.

Giao thông
Dự kiến thời gian các chuyến bay quốc tế chở khách vào Việt Nam

Tại Công văn 1215/CHK-VTHK, Cục Hàng không Việt Nam đã đưa ra phương án tổ chức các chuyến bay quốc tế thường lệ có chở khách nhập cảnh Việt Nam.

Cụ thể, phương án tổ chức chuyến bay quốc tế thường lệ nhập cảnh Việt Nam chia làm 03 giai đoạn:

Giai đoạn 1: khôi phục các chuyến bay trọn gói (combo)

Ø Đối tượng: công dân Việt Nam;

Ø Hình thức: các hãng hàng không Việt Nam cùng đối tác (doanh nghiệp lữ hành) phối hợp cơ quan đại diện ngoại giao, địa phương tiếp nhận cách ly tại khách sạn tổ chức chuyến bay sau khi có phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền (Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia) với chi phí trọn gói vé máy bay, xét nghiệm Covid-19, khách sạn cách ly + ăn trong 15 ngày, phương tiện mặt đất đón về khách sạn cách ly...;

Ø Thị trường triển khai: theo đề nghị của hãng hàng không Việt Nam;

Ø Tổ chức thực hiện: triển khai ngay đồng thời với các chuyến bay giải cứu công dân do Chính phủ tổ chức (công dân về cách ly tại các cơ sở cách ly quân đội);

Ø Tần suất khai thác: theo năng lực tiếp nhận cách ly của địa phương, chỉ được cấp phép bay sau khi phương án tiếp nhận cách ly được địa phương thống nhất.

Giai đoạn 2: triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam có cách ly sau khi nhập cảnh

Ø Đối tượng: công dân Việt Nam và nước ngoài;

Ø Thị trường triển khai thực hiện ban đầu: các đường bay giữa Việt Nam và Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan;

Ø Tần suất ban đầu: 04 chuyến/tuần/chiều cho các hãng hàng không của mỗi bên;

Ø Hình thức triển khai:

+ Hãng hàng không đệ trình kế hoạch bay phải bao gồm phương án tiếp nhận khách cách ly được phê duyệt của địa phương nơi có cảng hàng không tiếp nhận chuyến bay;

+ Hành khách thanh toán cho hãng hàng không hoặc đối tác được chỉ định trọn gói dịch vụ gồm tiền vé máy bay, chi phí cách ly 15 ngày tại các khách sạn của địa phương nơi có cảng hàng không tiếp nhận chuyến bay, chi phí phương tiện mặt đất đón từ sân bay tới khách sạn cách ly, tiền ăn tiêu chuẩn 03 bữa/ngày, chi phí xét nghiệm Covid-19 theo quy định; Các chi phí phát sinh khác (nếu có), hành khách sẽ thanh toán tại khách sạn cách ly. Mỗi chuyến bay định hướng bố trí hành khách nhập cảnh lưu trú tại 02 - 03 khách sạn để công tác giải tỏa khách được tập trung, nhanh chóng.

+ Hành khách không yêu cầu phải có xét nghiệm Covid.

Như vậy, tổng số lượng chuyến bay hàng tuần có chở khách vào Việt Nam từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan là 24 chuyến bay/tuần với lượng hành khách cần cách ly là 6.000 ~ 7.000 hành khách/tuần.

Ø Tổ chức thực hiện: triển khai từ tháng 07/2021 và tiến hành đồng thời với các chuyến bay trọn gói (combo) được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chở công dân Việt Nam về nước từ các thị trường khác ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.

Giai đoạn 3: triển khai các chuyến hay thường lệ chở khách vào Việt Nam không yêu cầu cách ly sau nhập cảnh khi áp dụng cơ chế “hộ chiếu vắc- xin”

Ø Thị trường triển khai thực hiện: các quốc gia/vùng lãnh thổ công bố chấp nhận hiệu quả phòng dịch Covid-19 của cùng loại vắc-xin mà Việt Nam đã công bố để áp dụng rộng rãi trong lãnh thổ Việt Nam;

Ø Tần suất ban đầu: 07 chuyến/tuần/chiều cho các hãng hàng không của mỗi bên;

Ø Hình thức triển khai:

+ Không yêu cầu cách ly tập trung đối với hành khách có Giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Real-time PCR trong thời gian 03 - 05 ngày trước khi nhập cảnh Việt Nam và Giấy chứng nhận tiêm chủng quốc tế do các cơ sở tiêm chủng được Chính phủ phê duyệt hoặc thuộc hệ thống cơ sở tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đối với loại vắc-xin phòng Covid-19 được Việt Nam công nhận tính hiệu quả để triển khai áp dụng tại Việt Nam. Hành khách sau nhập cảnh phải khai báo với chính quyền địa phương nơi cư trú và tự cách ly tại nơi cư trú từ 07 - 14 ngày (theo hướng dẫn của Bộ Y tế);

+ Hành khách không có đủ Giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và Giấy chứng nhận tiêm chủng quốc tế phải cách ly đủ 14 ngày theo hình thức chi phí trọn gói (tương tự chuyến bay combo).

Ø Tổ chức thực hiện: dự kiến triển khai từ tháng 09/2021, tùy thuộc vào tiến trình tiêm vắc-xin tại Việt Nam và đánh giá về tính miễn dịch cộng đồng sau khi tiêm vắc-xin đại trà trong xã hội.

An ninh trật tự
Nghiên cứu cho phép ngân hàng tra cứu CCCD trên CSDLQG

Nội dung này được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 31/3/2021 về công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong lĩnh vực du lịch trong tình hình mới.

Theo đó, để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế du lịch với bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, với Bộ Công an, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu biện pháp cho phép các tổ chức tín dụng được tra cứu, xác thực căn cước công dân (CCCD) trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư để ngăn chặn tội phạm sử dụng CCCD giả.

Với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ tướng yêu cầu kiến nghị các biện pháp quản lý khách du lịch (nhất là khách tự do, khách được miễn thị thực) và các loại hình lưu trú, loại hình du lịch mới, kinh doanh tour du lịch “giá rẻ”… để phục hồi du lịch Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới.

Ngoài ra, phối hợp với Bộ Công an tăng cường công tác quản lý người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú và hoạt động tại Việt Nam.

Riêng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có chính sách và hướng dẫn các Ngân hàng Thương mại Việt Nam cung cấp dịch vụ thanh toán qua ví điện tử được cấp phép, hạn chế tối đa hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tiền, ngoại tệ của khách hàng và đối tác qua thanh toán điện tử…

Đầu tư
25 ngành nghề kinh doanh "cấm" nhà đầu tư nước ngoài

Phụ lục 1 Nghị định 31/2021/NĐ-CP đã trình bày danh mục ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, 25 ngành nghề này gồm:

1. Kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện độc quyền nhà nước trong lĩnh vực thương mại.

2. Hoạt động báo chí và hoạt động thu thập tin tức dưới mọi hình thức.

3. Đánh bắt hoặc khai thác hải sản.

4. Dịch vụ điều tra và an ninh.

5. Các dịch vụ hành chính tư pháp, bao gồm dịch vụ giám định tư pháp, dịch vụ thừa phát lại, dịch vụ đấu giá tài sản, dịch vụ công chứng, dịch vụ của quản tài viên.

6. Dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

7. Đầu tư xây dựng hạ tầng nghĩa trang, nghĩa địa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng.

8. Dịch vụ thu gom rác thải trực tiếp từ các hộ gia đình.

9. Dịch vụ thăm dò ý kiến công chúng (thăm dò dư luận).

10. Dịch vụ nổ mìn.

11. Sản xuất, kinh doanh vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

12. Nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.

13. Dịch vụ bưu chính công ích.

14. Kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa.

15. Kinh doanh tạm nhập tái xuất.

16. Thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối đối với các hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không được thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối.

17. Thu, mua, xử lý tài sản công tại các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang.

18. Sản xuất vật liệu hoặc thiết bị quân sự; kinh doanh quân trang, quân dụng cho lực lượng vũ trang, vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dụng quân sự và công an, linh kiện, bộ phận, phụ tùng, vật tư và trang thiết bị đặc chủng, công nghệ chuyên dùng chế tạo chúng;

19. Kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp và dịch vụ giám định về sở hữu trí tuệ.

20. Dịch vụ thiết lập, vận hành, duy trì, bảo trì báo hiệu hàng hải, khu nước, vùng nước, luồng hàng hải công cộng và tuyến hàng hải; dịch vụ khảo sát khu nước, vùng nước, luồng hàng hải công cộng và tuyến hàng hải phục vụ công bố Thông báo hàng hải; dịch vụ khảo sát, xây dựng và phát hành hải đồ vùng nước, cảng biển, luồng hàng hải và tuyến hàng hải; xây dựng và phát hành tài liệu, ấn phẩm an toàn hàng hải.

21. Dịch vụ điều tiết bảo đảm an toàn hàng hải trong khu nước, vùng nước và luồng hàng hải công cộng; dịch vụ thông tin điện tử hàng hải.

22. Dịch vụ kiểm định (kiểm tra, thử nghiệm) và cấp Giấy chứng nhận cho các phương tiện giao thông vận tải (gồm hệ thống, tổng thành, thiết bị, linh kiện của phương tiện); dịch vụ kiểm định và cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các phương tiện, thiết bị chuyên dùng, container, thiết bị đóng gói hàng nguy hiểm dùng trong giao thông vận tải; dịch vụ kiểm định và cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các phương tiện, thiết bị thăm dò, khai thác và vận chuyển dầu khí trên biển; dịch vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động đối với các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động được lắp đặt trên các phương tiện giao thông vận tải và phương tiện, thiết bị thăm dò, khai thác và vận chuyển dầu khí trên biển; dịch vụ đăng kiểm tàu cá.

23. Dịch vụ điều tra, đánh giá và khai thác rừng tự nhiên (bao gồm khai thác gỗ và săn bắn, đánh bẫy động vật hoang dã quý hiếm, quản lý quỹ gen cây trồng, vật nuôi và vi sinh vật sử dụng trong nông nghiệp).

24. Nghiên cứu hoặc sử dụng nguồn gen giống vật nuôi mới trước khi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, đánh giá.

25. Kinh doanh dịch vụ lữ hành, trừ dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

An ninh quốc gia
Tổ chức Công an xã chính quy trên cả nước trước 30/6/2022

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 42/2021/NĐ-CP về xây dựng công an xã thị trấn chính quy ngày 31/3/2021.

Theo đó, công an xã chính quy là công an cấp cơ sở, bố trí ở các đơn vị hành chính xã, thị trấn, thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa bàn xã, thị trấn.

Đặc biệt, khoản 3 Điều 6 Nghị định này khẳng định:

Hoàn thành việc tổ chức Công an xã chính quy ở các xã, thị trấn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự trước 30/6/2021; ở các xã, thị trấn còn lại trong toàn quốc hoàn thành tổ chức Công an xã chính quy trước 30/6/2022.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 4 Nghị định này, nguyên tắc xây dựng Công an xã chính quy đảm bảo không tăng biên chế của Bộ Công an đến năm 2021, có lộ trình và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Đồng thời, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trao đổi, thống nhất với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trước khi báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Bộ trưởng Bộ Công an quyết định tổ chức Công an xã chính quy.

Lưu ý: Việc tổ chức Công an xã chính quy phải bảo đảm ở mỗi xã, thị trấn có các chức danh: Trưởng Công an, Phó trưởng Công an, Công an viên.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 16/5/2021.

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM

Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919

Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724

Email: [email protected]

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.