Điểm tin Văn bản mới số 13.2020

Điểm tin văn bản

Thuế-Phí-Lệ phí
Thay đổi giá tính lệ phí trước bạ một số dòng ô tô, xe máy

Ngày 31/3/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 452/QĐ-BTC điều chỉnh, bổ sung Bảng giá tính lệ phí trước bạ đối với ô tô, xe máy.

Theo đó, giá tính lệ phí trước bạ của một số dòng xe được đề cập tại Quyết định này như sau:

* Đối với xe máy 2 bánh sản xuất, lắp ráp trong nước:

- Honda JA391 Wave: 18 triệu đồng

- Honda JF515 SH Mode: 55 triệu đồng

- Honda JF583 Vision: 30,8 triệu đồng

- Honda JF633 Air Blade: 42,4 triệu đồng

* Đối với xe máy 2 bánh nhập khẩu:

- Piaggio Vespa PX200: 120 triệu đồng

- Suzuki GSX-S1000 ABS: 359 triệu đồng

- Suzuki Satria F150: 52 triệu đồng

- Suzuki V-Strom 1000 ABS: 369 triệu đồng

- Yamaha Lexi: 27,1 triệu đồng

* Đối với xe máy 2 bánh (điện) sản xuất, lắp ráp trong nước:

- Vinfast Impes: 14,9 triệu đồng

- Vinfast Klara S: 39,9 triệu đồng

- Vinfast Ludo: 12,9 triệu đồng

- Yadea G5: 40 triệu đồng

* Đối với xe máy 2 bánh (điện) nhập khẩu:

- Niu N-Series: 35,6 triệu đồng

* Đối với ô tô pick up, tải Van sản xuất, lắp ráp trong nước:

- Suzuki Blindvan: 308 triệu đồng

- Toyota Hiace TRH213L-JDMNK: 823 triệu đồng

- Mercedes-Benz MB140D: 550 triệu đồng

* Đối với ô tô pick up, tải Van nhập khẩu:

- Ford Ranger (ANLK96F): 799 triệu đồng

- Isuzu D-Max (TFR87JDL-RLPHVN): 595 triệu đồng…

Quyết định có hiệu lực từ ngày 03/4/2020.

Bảo hiểm
Hướng dẫn cấp, gia hạn thẻ BHYT trong thời gian cách ly xã hội

Ngày 01/4/2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành Công văn 1071/BHXH-BT về việc cấp, gia hạn thẻ BHYT.

 

Theo Công văn này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các nhiệm vụ sau nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân tham gia và hưởng chính sách BHYT trong thời gian thực hiện cách ly theo Chỉ thị 16:

- Đối với các đại lý thu BHXH, BHYT: 

+ Thực hiện tiếp nhận hồ sơ và thu tiền đóng BHYT đối với trường hợp tăng mới hoặc gia hạn thẻ BHYT. Nếu chưa nộp tiền ngay cho cơ quan BHXH thì phải gửi tin nhắn cam kết với cơ quan BHXH đã thu tiền đối với các trường hợp này để cơ quan BHXH cấp mới hoặc gia hạn thẻ BHYT.

+ Sau ngày 15/4/2020 khi hết thực hiện cách ly theo Chỉ thị 16, phải nộp ngay số tiền đã thu nêu trên cho cơ quan BHXH theo quy định. 

- BHXH các tỉnh phải bố trí cán bộ thường trực để thực hiện việc cấp, đổi, gia hạn thẻ BHYT để đảm bảo quyền lợi người tham gia. Trực tiếp thu tiền của người dân trong trường hợp người dân đến nộp tiền để gia hạn thẻ BHYT do đại lý không thu tiền vì lý do bất khả kháng. 

- Thực hiện đúng quy định về phòng, chống dịch Covid-19 trong quá trình tiếp xúc với người dân.

Từ 07/4/2020, Hà Nội bắt đầu trả gộp lương hưu tháng 4, 5

Thông tin về việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 tại Hà Nội đã chính thức được Ủy ban nhân dân Thành phố đề cập tại Công văn số 1123/UBND-KGVX.

Cũng giống như tất cả các địa phương khác trên cả nước, Hà Nội sẽ thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tháng 4 và tháng 5 gộp cùng một lần.

Thời gian chi trả sẽ bắt đầu từ ngày 07/4 đến ngày 10/4/2020 đối với những người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua tài khoản ngân hàng (thẻ ATM).

Đối với những người nhận tiền mặt, thời gian chi trả sẽ diễn ra muộn hơn, từ ngày 16/4 đến ngày 10/5/2020. 

Riêng với những người đang trong giai đoạn cách ly tập trung, cách ly tại nhà để phòng chống dịch, Thành phố yêu cầu các quận, huyện, thị xã phối hợp với các cơ quan bưu điện, cơ quan bảo hiểm xã hội xây dựng phương án chi trả cho người hưởng.

Trước đó, ngày 30/3/2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành Công văn 1020/BHXH-TCKT trong đó nhấn mạnh trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tháng 4 và tháng 5/2020 vào cùng một kỳ chi trả.

Lao động-Tiền lương
Lương hưu tháng 4, tháng 5 được trả cùng 1 lần

Ngày 30/3/2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ra Công văn số 1020/BHXH-TCKT hướng dẫn bổ sung về việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tháng 4 và tháng 5/2020.

Theo đó, trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tháng 4 và tháng 5/2020 vào cùng một kỳ chi trả.

Thời gian chi trả sẽ được thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và xong trước ngày 31/5/2020.

Cơ quan bưu điện có trách nhiệm xây dựng phương án tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người hưởng nhận bằng tiền mặt đảm bảo an toàn, không tập trung đông người theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.

Trước đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã ban hành Công văn 972/BHXH-TCKT về việc thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, BHTN hằng tháng qua hệ thống bưu điện trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19.

Cấm lao động Việt Nam ra nước ngoài làm nghề massage

Ngày 03/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

 

Theo Nghị định này, có 07 công việc lao động Việt Nam không được làm ở nước ngoài, bao gồm:

- Nghề massage làm việc tại các nhà hàng, khách sạn hoặc các trung tâm giải trí;

- Công việc phải tiếp xúc thường xuyên với chất nổ, chất độc hại trong luyện quặng kim loại màu (đồng, chì, thủy ngân, bạc, kẽm), tiếp xúc thường xuyên với mangan, điôxit thủy ngân;

- Công việc tiếp xúc với nguồn phóng xạ hở, khai thác quặng phóng xạ các loại;

- Công việc sản xuất, bao gói phải tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất axit nitơric, natri sunfat, disunfua cacbon, các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ, diệt chuột, sát trùng, chống mối mọt có độc tính mạnh;

- Công việc săn bắt thú dữ, cá sấu, cá mập;

- Công việc thường xuyên ở nơi thiếu không khí, áp suất lớn (dưới lòng đất, lòng đại dương);

- Công việc liệm, mai táng tử thi, thiêu xác chết, bốc mồ mả.

Như vậy, theo Nghị định mới, lao động Việt Nam không còn bị cấm làm ca sĩ, vũ công ở nước ngoài.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 20/5/2020.

Y tế-Sức khỏe
Hà Nội công bố các cửa hàng, nhà máy, xí nghiệp được hoạt động

Để thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống Covid-19 theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 05/CT-UBND.

 

Theo Chỉ thị này, các nhà máy, xí nghiệp, các cơ sở sản xuất, công trường xây dựng phải tổ chức cho cán bộ, công nhân viên, người lao động nghỉ tại nhà, nơi cư trú, tại nhà máy, công trường xây dựng (nếu có).

Tuy nhiên, Hà Nội cho phép các nhà máy, xí nghiệp sau được phép hoạt động:

- Sản xuất, kinh doanh hàng hóa thiết yếu như: Sản xuất, sơ chế, chế biến lương thực, thực phẩm, hoa quả, dược phẩm, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch bệnh, an ninh quốc phòng;

- Dịch vụ cung cấp điện, nước, vệ sinh môi trường;

- Các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản;

- Các nhà máy cung cấp nước sạch;

- Các xưởng may sản xuất khẩu trang y tế;

- Nhà máy sản xuất nước đóng chai, nước trái cây;

- Các nhà máy xí nghiệp đang phải sản xuất các đơn hàng phải trả theo hợp đồng đã ký trước ngày 15/4/2020.

Tuy nhiên, các trường hợp được tổ chức sản xuất, kinh doanh được yêu cầu bắt buộc đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt về bảo hộ lao động, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn, đồng thời áp dụng các giải pháp phòng chống dịch tại cơ sở, và đảm bảo sức khỏe cho người lao động.  Đồng thời, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ sau vẫn được phép mở cửa, gồm: - Siêu thị tổng hợp (trừ dịch vụ vui chơi, ăn uống tại chỗ) - Trung tâm thương mại; - Chợ dân sinh - Các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini (trừ dịch vụ ăn uống tại chỗ); - Các cửa hàng tạp hóa, kinh doanh hoa, quả, trái cây - Các cơ sở lưu trú du lịch - Chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm, thuốc chữa bệnh; - Dịch vụ khám chữa bệnh; - Dịch vụ bưu điện;  - Dịch vụ ngân hàng, thanh toán điện tử; - Dịch vụ viễn thông truyền hình;  - Dịch vụ bảo vệ;  - Cửa hàng kinh doanh xăng dầu gas khí đốt; - Dịch vụ tang lễ, nghĩa trang, hỏa táng; - Cơ sở cai nghiện, cơ sở bảo trợ xã hội.

Việt Nam chính thức công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc

Sáng ngày 01/4/2020, Thủ tướng Chính phủ chính thức ký Quyết định số 447/QĐ-TTg về việc công bố dịch Covid-19.

Theo Quyết định này, thời gian xảy ra dịch từ ngày 23/01/2020 - thời điểm xác định trường hợp đầu tiên mắc ca bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra. Địa điểm và quy mô xảy ra dịch: Toàn quốc. 

Về tính chất, mức độ nguy hiểm: Đây là bệnh truyền nhiễm nhóm A (thuộc nhóm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh), nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu.

Bệnh có thể lây truyền qua đường hô hấp từ người sang người. Trước đó, vào ngày 01/02/2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona gây ra. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, Thủ tướng mới chỉ công bố dịch với quy mô ở Khánh Hòa, Vĩnh Phúc và Thanh Hóa. Nay, với Quyết định 447, Thủ tướng đã chính thức công bố dịch trên quy mô toàn quốc. 

Hôm qua (31/3/2020), Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, trong đó nhấn mạnh yêu cầu thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 01/4/2020 trên phạm vi toàn quốc.

Quyết định có hiệu lực ngay trong ngày 01/4/2020.

Hỏa tốc: Hướng dẫn Chỉ thị 16/CT-TTg về cách ly toàn xã hội

Ngày 03/4/2020, Văn phòng Chính phủ đã ra Công văn hỏa tốc số 2601/VPCP-KGVX nhằm hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là nội dung về cách ly toàn xã hội.

Theo Công văn này, khi Chỉ thị được ban hành và áp dụng, một số nội dung của Chỉ thị chưa được hiểu và thực hiện thống nhất, do đó Thủ tướng yêu cầu:

- Thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội theo đúng tinh thần của Chỉ thị, bảo đảm giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng;

- Người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp cần thiết (Mua lương thực, thực phẩm dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; Các trường hợp khẩn cấp như đi cấp cứu, khám chữa bệnh, thiên tai, hỏa hoạn; Làm việc tại các cơ quan, đơn vị Nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các cơ sở nêu dưới đây).

- Các nhà máy, cơ sở sản xuất, công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu; cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm..), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ... được tiếp tục hoạt động.

- Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tổ chức làm việc tại nhà phù hợp với điều kiện cụ thể của mình, không để đình trệ công việc, nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề
Đã có hướng dẫn tinh giản chương trình học kỳ II

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn 1113/BGDĐT-GDTrH nhằm hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học kỳ II năm học 2019 - 2020 đối với học sinh THCS và THPT.

 

Theo Công văn này, tiếp tục thực hiện Công văn số 5842/BGDĐT-GDTrH ngày 01/9/2011 về việc hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông và thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học các môn học để dạy và học phù hợp với thời gian còn lại của năm học 2019 - 2020.

Đối với các môn thực hiện theo chương trình nâng cao, cơ sở giáo dục trung học căn cứ vào nội dung Công văn này để chủ động điều chỉnh nội dung dạy học tương ứng, phù hợp theo đặc thù môn học.

Đối với các môn học Mĩ thuật, Âm nhạc, Thể dục, cơ sở giáo dục trung học chủ động điều chỉnh nội dung và hình thức tổ chức dạy học phù hợp với điều kiện thực tiễn của cơ sở giáo dục.

Đặc biệt, không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung kiến thức đã tinh giản theo Công văn số 5842/BGDĐT-GDTrH và các nội dung “Không dạy”, “Không làm”, “Không thực hiện”, “Khuyến khích học sinh tự học (tự đọc, tự xem, tự làm, tự thực hiện)” theo hướng dẫn tại Công văn này. Đối với cấp Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ban hành Công văn 1125/BGDĐT-GDTH hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II cho cấp học này. Theo đó, ưu tiên tối đa tổ chức dạy học các môn học bắt buộc...

Tư pháp-Hộ tịch
Sắp xử lý hình sự một số vụ điển hình về Covid-19 để răn đe

Ngày 03/4, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Chỉ thị 03/CT-VKSTC về việc tăng cường công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong xử lý tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Theo Chỉ thị này, Viện Kiểm sát phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp thống nhất chọn một số vụ việc điển hình để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nhằm đáp ứng yêu cầu răn đe, giáo dục chung, góp phần hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh.

Đối với các vụ án có đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn thì áp dụng ngay thủ tục rút gọn. Đối với những vụ án không áp dụng thủ tục rút gọn thì phải khẩn trương tiến hành các hoạt động tố tụng để xử lý tội phạm trong thời hạn ngắn nhất.

Những hành vi phạm tội điển hình liên quan đến dịch bệnh Covid-19 như:

- Không chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng (như hành vi trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly…);

- Vi phạm quy định ở nơi đông người gây thiệt hại do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh Covid-19 từ 100 triệu đồng trở lên;

- Đưa ra những thông tin bịa đặt, không đúng sự thật về dịch bệnh gây hoang mang, lo lắng trong xã hội;

- Lợi dụng tình hình dịch bệnh để thực hiện hành vi trái pháp luật nhằm trục lợi (như hành vi đầu cơ, buôn lậu; làm giả hàng hóa, lương thực thực phẩm, thuốc chữa bệnh; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tham nhũng hoặc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng;…);

- Chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng.

Đầu tư
Chính phủ bổ sung 4 ngành nghề ưu đãi đầu tư

Đây là nội dung chính tại Nghị định 37/2020/NĐ-CP bổ sung Danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư ban hành kèm theo Nghị định 118/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư.

 

Nghị định 37 đã bổ sung vào danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư ban hành kèm theo Nghị định số 118/2015/NĐ-CP các hoạt động đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, gồm:

  • Đầu tư kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa;
  • Đầu tư kinh doanh cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa;
  • Đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;
  • Đầu tư kinh doanh khu làm việc chung cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.
Tại Nghị định 118, các ngành nghề ưu đãi đầu tư thuộc các ngành khoa học, công nghệ, điện tử, cơ khí, sản xuất vật liệu, công nghệ thông tin; nông nghiệp; bảo vệ môi trường, xây dựng kết cấu hạ tầng; giáo dục, văn hóa, xã hội, thể thao, y tế và các ngành nghề khác. Việc Nghị định 37 bổ sung thêm 04 ngành nghề ưu đãi đầu tư nhằm đảm bảo phù hợp với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 33 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017.

Nghị định này ban hành ngày 30/3/2020 và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2020.

Việt Nam có thêm hãng hàng không Vietravel Airlines

Quyết định 457/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 03/4/2020 đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam.

Theo Quyết định này, hãng hàng không mới sẽ có tên Vietravel Airlines do Công ty TNHH hàng không lữ hành Việt Nam đầu tư và thực hiện tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (Thừa Thiên Huế).

Dự án này nhằm xây dựng hãng hàng không gắn với du lịch, cung cấp các dịch vụ vận chuyển hàng không trong nước và quốc tế đến các nước trong châu lục, góp phần nâng cao năng lực vận tải hàng không của Việt Nam và phát triển ngành du lịch lữ hành, cũng như phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập.

Tổng vốn đầu tư của dự án lên tới 700 tỷ đồng và hoạt động trong vòng 50 năm.

Về quy mô, số lượng tàu bay khai thác năm đầu tiên của Vietravel Airlines là 03 tàu bay, tăng dần đến năm thứ 5 là 08 tàu bay.

Ngoài ra, theo Quyết định, dự án sẽ có 09 tháng thực hiện đầu tư, tính từ khi phê duyệt chủ trương, bắt đầu khai thác và kinh doanh từ tháng thứ 10.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 03/4/2020.

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM

Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919

Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724

Email: [email protected]

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.