Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Đây là nội dung được nêu tại Quyết định 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/3/2022 quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
Đối với người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp:
Theo Điều 7, doanh nghiệp gửi danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà theo Mẫu số 02 đến cơ quan bảo hiểm xã hội để xác nhận người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Trong 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị, cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động.
Doanh nghiệp gửi hồ sơ theo quy định đến Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đặt trụ sở chính hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp có thể gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ gộp 02 tháng hoặc 03 tháng.
Theo Điều 11, trước ngày 15 hằng tháng, người sử dụng lao động gửi danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà theo Mẫu số 03 đến cơ quan bảo hiểm xã hội để xác nhận người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Trong 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị, cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động.
Người sử dụng lao động gửi hồ sơ theo quy định đến Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đặt trụ sở chính hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm sản xuất, kinh doanh.
Thời gian tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 15/8/2022.
Nếu còn vướng mắc liên quan, bạn đọc gọi ngay tổng đài 1900.6192 để được tư vấn cụ thể.
Ngày 23/3/2022, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn 2688/BTC-TCT về thuế giá trị gia tăng (GTGT) tại Nghị định 15/2022/NĐ-CP.
Theo Công văn, để đảm bảo thực hiện thống nhất nội dung Nghị định 15/2022 Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung như sau:
Về các nhóm hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế GTGT:
Các nhóm hàng hóa, dịch vụ cụ thể không được giảm thuế chi tiết tại Phụ lục I, II, III ban hành kèm theo Nghị định 15/2022.
Về thời điểm lập hóa đơn
- Trường hợp cơ sở kinh doanh ký hợp đồng cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ, đã lập hóa đơn tại thời điểm thu tiền trước ngày 01/02/2022 với thuế suất 10% nhưng dịch vụ hoàn thành trong thời gian từ ngày 01/02/2022 đến hết ngày 31/12/2022 thì đối với phần tiền đã lập hóa đơn trường ngày 01/02/2022 không thuộc trường hợp được áp dụng chính sách giảm thuế GTGT.
Đối với phần tiền còn lại chưa thanh toán, được lập hóa đơn từ ngày 01/02/2022 đến hết ngày 31/12/2022 theo quy định của pháp luật thì được áp dụng chính sách giảm thuế GTGT.
- Trường hợp cơ sở kinh doanh cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc mức thuế suất 10% trong tháng 01/2022 nhưng đến tháng 02/2022 cơ sở kinh doanh mới lập hóa đơn đối với doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong tháng 01/2022 thì thuộc trường hợp lập hóa đơn không đúng thời điểm và không thuộc đối tượng được giảm thuế GTGT.
- Đối với các hóa đơn đã lập trước ngày 01/02/2022 với thuế suất 10% sau ngày 01/02/2022 phát sinh các nội dung sai sót cần điều chỉnh về tiền hàng, thuế GTGT hoặc trả lại hàng thì hóa đơn điều chỉnh, hóa đơn trả lại hàng được lập với thuế suất là 10%.
- Đối với hoạt động cung cấp hoàng hóa, dịch vụ đặc thù như cung cấp điện, cơ sở kinh doanh được giảm thuế GTGT theo quy định đối với các hóa đơn lập từ ngày 01/02/2022 đến hết ngày 31/12/2022.
Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Hôm nay - ngày 24/3/2022, Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành Công văn số 882/UBND-VX về việc hướng dẫn biện pháp y tế đối với người tiếp xúc gần (F1) đi làm, học tập.
Theo Công văn, dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh đang được kiểm soát và hầu hết người dân trên 12 tuổi đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19, đa số các trường hợp mắc Covid-19 không thuộc nhóm nguy cơ đều không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ và khỏi bệnh sau đó.
Trong khi chờ hướng dẫn của Bộ Y tế, nhằm thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn, Ủy ban nhân dân Thành phố cho phép F1 đã được tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc đã từng mắc Covid-19 trong vòng 03 tháng, được tiếp tục đi làm, đi học nhưng phải chấp hành nghiêm các quy định:
- Tự theo dõi sức khoẻ ít nhất 10 ngày kể từ ngày tiếp xúc gần lần cuối với F0, thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ 05 và khi có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 (bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên, do bản thân hoặc người chăm sóc tự thực hiện hoặc do nhân viên y tế, cơ sở y tế thực hiện).
Trong thời gian này, F1 di chuyển từ nơi lưu trú đến nơi học tập, làm việc bằng phương tiện cá nhân.
- Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch như thường xuyên đeo khẩu trang; sát khuẩn tay; không dùng chung vật dụng cá nhân trong sinh hoạt, làm việc, học tập.
- Tránh tiếp xúc gần với những người thuộc nhóm nguy cơ (người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai, người chưa tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19) trong gia đình, tại các nơi làm việc, học tập...đồng thời khai báo y tế trên ứng dụng PC-COVID.
Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký Nghị quyết 17/2022/UBTVQH15 về số giờ làm thêm trong 01 năm, trong 01 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Về số giờ làm thêm trong 01 năm, khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết quy định: Trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 01 năm.
Quy định trên không áp dụng với các trường hợp:
- Người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi;
- Người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
- Người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
- Lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; Lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Về số giờ làm thêm trong 01 tháng, Điều 2 của Nghị quyết nêu rõ: Trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 01 năm có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì sử dụng người lao động làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 01 tháng.
Trong khi trước đây theo Bộ Luật lao động 2019, người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người lao động làm thêm giờ tối không quá 40 giờ trong 01 tháng.Việc thực hiện quy định về số giờ làm thêm tại Nghị quyết này phải tuân thủ đầy đủ các quy định khác có liên quan của Bộ luật Lao động.
Người sử dụng lao động có trách nhiệm áp dụng các biện pháp nâng cao năng suất lao động và các biện pháp khác nhằm giảm thiểu việc làm thêm giờ; trong trường hợp phải làm thêm giờ, người sử dụng lao động thực hiện các chế độ phúc lợi bảo đảm cho người lao động có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2022. Quy định tại khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022.
Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Ngày 04/3/2022, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 15/2022/TT-BTC về việc quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Theo đó, nhằm hỗ trợ bảo vệ và phát triển các dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù, Điều 5 Thông tư 15 quy định các chính sách hỗ trợ trẻ em dưới 05 tuổi như sau:
- Hỗ trợ trẻ sơ sinh thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị các loại bệnh bẩm sinh phổ biến theo Danh mục bệnh tật bẩm sinh phổ biến do Bộ Y tế quy định. Mức chi theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập do cấp có thẩm quyền quy định tại thời điểm thực hiện dịch vụ;
- Hỗ trợ 01 lần chi phí đi lại cho trẻ đến cơ sở y tế thực hiện tầm soát các loại bệnh tật bẩm sinh tối đa 500.000 đồng/trẻ;
- Hỗ trợ đảm bảo bữa ăn dinh dưỡng cân đối hợp lý cho trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập tối đa 550.000 đồng/tháng/trẻ;
- Hỗ trợ điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng tối đa 03 triệu đồng/trẻ.
Bên cạnh đó, cũng tại Điều 5, bà mẹ mang thai là người dân tộc thiểu số và miền núi còn được tổ chức hoạt động tư vấn dinh dưỡng tối thiểu 03 lần/thai kỳ; hỗ trợ dinh dưỡng cho bà mẹ trước, trong và sau sinh tối đa 500.000 đồng/bà mẹ/thai kỳ...
Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Đây là nội dung được nêu tại Công văn 1506/BYT-DP ngày 25/3/2022 của Bộ Y tế về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại.
Cụ thể, Bộ Y tế đề nghị người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vắc xin mRNA (vắc xin do Pfizer hoặc Moderna sản xuất) có thể tiêm liều nhắc lại bằng vắc xin do AstraZeneca sản xuất, thời gian tiêm tối thiểu là 03 tháng sau tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản.
Theo đó, Cục Y tế, Bộ Công an và Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng tham mưu lãnh đạo của đơn vị mình quyết định đối tượng tiêm phù hợp; xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19, bảo đảm an toàn, hiệu quả, khoa học.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định đối tượng tiêm phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn, xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19, bảo đảm an toàn, hiệu quả, khoa học.Các Viện vệ sinh dịch tễ, viện Pasteur hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các địa phương trong việc tổ chức triển khai tiêm chủng.
Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Đây là nội dung tại Công văn 1474/SYT-NVY ngày 04/3/2022 của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh về việc cập nhật hướng dẫn quy trình xử lý F0 tại cộng đồng.
Cụ thể, quy trình phát hiện và xử lý F0 tại cộng đồng được thực hiện như sau:
Bước 1: Phát hiện ca bệnh F0
Trạm y tế cấp xã chịu trách nhiệm tiếp nhận danh sách F0 trên địa bàn từ nhiều nguồn khác nhau. Trong trường hợp chưa đủ chứng cứ để xác nhận là F0, trạm y tế cấp xã, trạm y tế lưu động thực hiện lại xét nghiệm bằng test nhanh do Bộ Y tế cấp phép.
Bước 2: Chăm sóc, quản lý F0
Trạm y tế cấp xã, trạm y tế lưu động đánh giá tình trạng sức khỏe của F0. Qua đó, trường hợp F0 có dấu hiệu suy hô hấp (thở nhanh hoặc khó thở hoặc SpO2 dưới 96%) thì gọi tổ phản ứng nhanh cấp xã, cấp huyện để được hỗ trợ xử trí cấp cứu và chuyển người bệnh đến bệnh viện gần nhất.
Nếu F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ thì cho cách ly điều trị tại nhà (nếu đủ điều kiện) và cấp phát thuốc điều trị Covid-19 theo “Hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0” do Sở Y tế ban hành và phác đồ điều trị của Bộ Y tế.
Trường hợp F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ nhưng không đủ điều kiện cách ly tại nhà thì chuyển đến cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 (cơ sở cách ly của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; cơ sở cách ly có thu phí, cơ sở cách ly tập trung của địa phương) tùy theo tình trạng, mức độ bệnh và nguyện vọng của F0 hay gia đình.
Bước 3: Điều tra dịch tễ, xác định F1 trong cùng hộ gia đình
Trạm y tế cấp xã, trạm y tế lưu động điều tra dịch tễ, tiền sử tiêm vắc xin phòng Covid-19 của tất cả người sống cùng nhà; lập danh sách người thuộc nhóm nguy cơ (người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai, người trên 18 tuổi chưa tiêm đủ vắc xin phòng Covid-19).
Tiếp đến, xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho tất cả các thành viên sống cùng nhà với F0.Nếu thành viên trong hộ gia đình không phải là F1 thì hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe trong vòng 10 ngày; tổ chức tiêm chủng ngay cho đối tượng chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin phòng ngừa Covid-19 theo lứa tuổi; đặc biệt cần theo dõi sát những người thuộc nhóm nguy cơ.
Bước 4: Điều tra dịch tễ, xác định các hộ gia đình có nguy cơ lây lan dịch bệnh
Thực hiện khi xuất hiện F0 ở ít nhất 02 hộ liền kề hoặc 02 hộ có giao lưu tiếp xúc trong 03 ngày. Theo đó, xác định các hộ gia đình liền kề với hộ gia đình có F0 để điều tra dịch tễ, điều tra tiền sử tiêm vắc xin, lập danh sách người thuộc nhóm nguy cơ, thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho tất cả người thuộc nhóm nguy cơ để tầm soát.Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Ngày 19/3/2022, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo 77/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về việc mua vắc xin cho trẻ em từ 05 đến dưới 12 tuổi; thực hiện hợp đồng mua vắc xin AstraZeneca; cấp phép thuốc điều trị Covid-19.
Theo đó, liên quan đến việc mua vắc xin cho trẻ em từ 05 đến dưới 12 tuổi, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế khẩn trương thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản trước đó.
Đồng thời, làm rõ các loại vắc xin có thể tiêm cho trẻ em; tình hình, dự báo nhiễm vi rút của trẻ em và việc tiêm sau khi bị nhiễm virus; kinh nghiệm của các nước tiêm cho trẻ em; các cam kết tài trợ vắc xin của các nước, trên cơ sở đó kiến nghị tổng số vắc xin cần mua.
Về việc thực hiện hợp đồng mua vắc xin AstraZeneca: Bộ Y tế báo cáo rõ về lô vắc xin 1.109.600 liều đã được đưa về Việt Nam từ ngày 22/12/2021; chính sách giảm giá của AstraZeneca đối với các nước và Việt Nam; về 73.504 liều vắc xin VNVC để lại để tiêm miễn phí cho nhân viên…
Về việc nhận chuyển giao công nghệ sản xuất và cấp phép thuốc điều trị Covid-19: Bộ Y tế tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ và sản xuất thuốc điều trị tại Việt Nam...
Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn thiện trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định chi tiết khoản 5 Điều 6 Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của pháp luật.
Khoản 5 Điều 6 Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 quy định:
Đối với giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết hiệu lực trong khoảng thời gian từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực đến trước ngày 31/12/2022 mà không thể thực hiện kịp thời thủ tục gia hạn đăng ký lưu hành do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2022 để bảo đảm phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh.
Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Ngày 28/3/2022, Bộ Y tế đã ra Quyết định 775/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn chăm sóc, quản lý tại nhà đối với phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú và trẻ sơ sinh mắc Covid-19.
Theo đó, Bộ Y tế hướng dẫn cách theo dõi tình trạng sức khỏe tại nhà đối với phụ nữ có thai mắc Covid-19 như sau:- Đo thân nhiệt ít nhất 02 lần/ngày vào buổi sáng, buổi chiều và khi có dấu hiệu bất thường. Đếm nhịp thở, đếm mạch, SpO2 và huyết áp (nếu có thể) hàng ngày;
- Các dấu hiệu của thai kỳ: cử động thai; các dấu hiệu bất thường về sản khoa.
- Thông báo ngay với nhân viên y tế hoặc đến khám tại cơ sở y tế khi có một trong các dấu hiệu bất thường hoặc có một trong bất cứ dấu hiệu cấp cứu hoặc bất thường sản khoa.
Về quản lý thai, chăm sóc thai nghén
- Duy trì khám thai định kỳ và khám thai vào bất kỳ thời điểm nào nếu phát hiện dấu hiệu bất thường hoặc khi có chỉ định của nhân viên y tế;
- Nếu thai phụ đến ngày hẹn khám thai và không có các dấu hiệu bất thường về sản khoa, có thể khám thai từ xa hoặc tư vấn thai phụ đợi đến ngày hết cách ly;
- Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, vận động và tập thể dục, bổ sung vi chất dinh dưỡng, không sử dụng thuốc lá và tiếp xúc với khói thuốc thụ động, không sử dụng rượu, bia và các chất kích thích, chất gây nghiện khác;
- Duy trì bổ sung sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn của nhân viên y tế (tạm dừng khi có các triệu chứng nôn, tiêu chảy).
Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Ngày 21/3/2022, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 773/QĐ-UBND về Kế hoạch huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học 2022 - 2023.
Theo Kế hoạch, thời gian dự kiến thi tuyển vào lớp 10 của TP. HCM sẽ diễn ra trong 02 ngày từ 11 - 12/6/2022 với 03 môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ (nếu đăng ký nguyện vọng vào lớp thường) và môn chuyên, tích hợp (nếu đăng ký nguyện vọng vào lớp chuyên, tích hợp).
Học sinh đăng ký 03 nguyện vọng ưu tiên 1, 2, 3 để xét tuyển vào lớp 10 các trường trung học phổ thông (THPT) công lập, trừ THPT chuyên Lê Hồng Phong, chuyên Trần Đại Nghĩa và trường Phổ thông Năng khiếu Đại học Quốc gia.
Thời gian làm bài thi môn Ngữ văn và Toán là 120 phút; Ngoại ngữ là 90 phút. Các môn thi đều có hệ số 1.
Điểm xét tuyển là tổng điểm 03 môn thi và điểm cộng thêm dành cho đối tượng ưu tiên. Nội dung sẽ nằm trong chương trình trung học cơ sở do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, chủ yếu ở lớp 9.
Học sinh không được thay đổi nguyện vọng sau thời gian cho phép điều chỉnh nguyện vọng và sau khi có kết quả trúng tuyển. Trường hợp học sinh không đỗ cả 03 nguyện vọng thì có thể đăng ký xét tuyển lớp 10 tại các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, các trường tư thục hoặc trung cấp, cao đẳng nghề.
Căn cứ vào tình hình thực tế trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, TP. HCM có thể có kế hoạch tổ chức thi tuyển đợt 2 hoặc xây dựng phương án xét tuyển.
Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Ngày 21/3/2022, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã có Quyết định 975/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch, kiến trúc tại khu vực các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng Thành phố.
Theo đó, Thành phố Hà Nội cho phép các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng được kết hợp bố trí trường mầm non tại tầng 01 và 02 của các công trình chung cư nhưng phải bảo đảm:
- Diện tích sân chơi, lối đi riêng phục vụ học sinh và các quy định về an toàn vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật và các quy định chuyên ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế.
- Chỉ tiêu tính toán 1,1 m2 sàn/người hoặc 15,2 m2 sàn/trẻ và phải bảo đảm đủ các công năng theo quy định.
Ngoài ra, các trường mầm non ngoài chung cư chỉ được xây dựng tối đa 04 tầng. Tầng 04 chỉ phục vụ cho các công trình phụ trợ, không bố trí phòng học.
Các công trình trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông xây dựng không quá 05 tầng. Phòng học của học sinh được bố trí từ tầng 04 trở xuống. Gara ô tô không bố trí dưới tầng hầm khối nhà học.Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Ngày 22/3/2022, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Quyết định 359/QĐ-BGTVT hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải của 03 lĩnh vực (đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải) đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Theo đó, các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh vận tải, bến xe khách, trạm dừng nghỉ trên đường bộ; cảng biển; cảng, bến thủy nội địa; đầu mối xếp dỡ hàng hoá khác trên địa bàn có dịch ở cấp 1, cấp 2, cấp 3, cấp 4 (vùng đỏ) được phép hoạt động nhưng phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo yêu cầu, hướng dẫn của Bộ Y tế và Y tế địa phương.
Cụ thể, người điều khiển phương tiện (lái xe, phụ xe, nhân viên bốc xếp đi theo xe; lái tàu, thủy thủ, nhân viên bốc xếp đi theo tàu), hành khách tham gia giao thông 03 lĩnh vực (đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải) phải đáp ứng các yêu cầu sau:
- Tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế;
- Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế;
- Xét nghiệm y tế, cách ly y tế: Thực hiện theo yêu cầu và hướng dẫn của Bộ Y tế và Y tế địa phương.
Hướng dẫn tạm thời này áp dụng đối với hoạt động vận tải của 03 lĩnh vực (đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải) trên phạm vi toàn quốc đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Đồng thời bảo đảm vận tải hàng hóa liên tỉnh lưu thông, tổ chức vận tải hành khách công cộng liên tỉnh phù hợp với tình hình diễn biến dịch Covid-19.
Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!
Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919
Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724
Email: [email protected]
Lưu ý:
* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.
* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.