Điểm tin Văn bản mới số 12.2020

Điểm tin văn bản

Bảo hiểm
Do dịch Covid-19: Chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm qua bưu điện

Để việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, BHTN đầy đủ, kịp thời, an toàn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành Công văn 972/BHXH-TCKT thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, BHTN hằng tháng qua hệ thống bưu điện trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19.

 

Theo Công văn này, bưu điện thực hiện chi trả lương hưu tại các cơ sở bưu điện bắt đầu từ kỳ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm tháng 04/2020.

Người hưởng cần chủ động lựa chọn thời gian phù hợp theo thông báo của bưu điện, mang thẻ chi trả đến các bưu cục để nhận tiền.

Ngoài ra, bưu điện sẽ tổ chức chi trả tận nhà (khi có yêu cầu) đối với người hưởng lương hưu, người hưởng trợ cấp BHXH từ 80 tuổi trở lên; người hưởng dưới 80 tuổi ốm đau, đi lại khó khăn, không tự đến hoặc không ủy quyền cho người khác; người hưởng bị bệnh mãn tính đang được điều trị ngoại trú…

Đối với những người hưởng thuộc địa bàn cách ly do dịch bệnh, sẽ có phương án chi trả kịp thời, an toàn cho người hưởng, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa bàn…

Lao động-Tiền lương
Nóng: Đã có hướng dẫn giải quyết chế độ cho NLĐ do Covid-19

Ngày 25/3/2020, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ra Công văn số 1064/LĐTBXH-QHLĐTL hướng dẫn trả lương ngừng việc và giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch Covid-19.

Công văn nêu rõ, việc trả lương ngừng việc phải căn cứ vào Điều 98 Bộ luật Lao động để xem xét các trường hợp gây ra ngừng việc (do lỗi của người sử dụng lao động hay người lao động hay do nguyên nhân khách quan) để xác định trả lương ngừng việc cho người lao động. Cụ thể:

Với trường hợp người lao động phải ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch Covid-19

Bao gồm:

- Lao động là người nước ngoài trong thời gian chưa được quay trở lại doanh nghiệp làm việc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

- Người lao động phải ngừng việc trong thời gian thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

- Người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận không hoạt động được vì chủ sử dụng lao động hoặc những lao động khác cùng doanh nghiệp, bộ phận đang trong thời gian cách ly hoặc chưa được quay trở lại làm việc.

Thì tiền lương ngừng việc thực hiện theo khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động (tiền lương do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng).

Với trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn nguyên vật liệu, thị trường dẫn tới không bố trí đủ việc làm

Người sử dụng lao động có thể tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 31 Bộ luật Lao động.

Nếu thời gian ngừng việc kéo dài ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp thì người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Lao động.

Nếu doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, dẫn tới giảm chỗ làm việc thì thực hiện sắp xếp lao động theo Điều 38 hoặc Điều 44 Bộ luật Lao động.

Với những trường hợp phát sinh khác

Sở Lao động Thương binh và Xã hội căn cứ từng nội dung và trường hợp cụ thể để giải quyết theo đúng quy định.

Xuất nhập khẩu
Bộ Công Thương chính thức đề nghị cho tiếp tục xuất khẩu gạo

Ngỳ 28/3/2020, Bộ Công Thương đã gửi đi Công văn 2237/BCT-XNK trình Thủ tướng Chính phủ về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh, hạn hán và xâm nhập mặn.

Theo Công văn này, sau khi tính toán kỹ để đảm bảo an ninh lương thực, có thể cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo, nhưng phải kiểm soát chặt số lượng theo từng tháng, trước mắt là tháng 4 và 5 năm 2020.

Theo Bộ Công Thương, nhu cầu an ninh lương thực trong tháng 4, tháng 5 sẽ được Tổng cục Dự trữ Nhà nước mua vào 300.000 tấn gạo và giữ lại thêm 400.000 tấn gạo để dự phòng. Như vậy, lượng gạo xuất khẩu giữ lại cho nhu cầu trong nước trong 02 tháng là 700.000 tấn.

Về xuất khẩu, lượng gạo xuất khẩu dự kiến trong tháng 4, tháng 5/2020 vào khoảng 800.000 tấn. Trước mắt trong tháng 4 cho phép xuất khẩu 400.000 tấn. Vào tuần cuối cùng tháng 4, căn cứ diễn biến dịch bệnh và báo cáo của các bộ, ngành, Thủ tướng chính phủ sẽ xem xét, quyết định phương hướng điều hành xuất khẩu gạo tháng 5.

Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm quản lý số lượng 400.000 tấn gạo được phép xuất khẩu trong tháng 04 thông qua cộng dồn và trừ lùi số lượng theo tờ khai hải quan hàng xuất khẩu.

Doanh nghiệp đăng ký tờ khai trước sẽ được xuất khẩu trước. Số lượng mở trên tờ khai được trừ lùi vào tổng số lượng được phép xuất khẩu trong tháng 4.

Y tế-Sức khỏe
Cách ly toàn xã hội từ 0h ngày mai (01/4)

Hôm nay (31/3), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

 

Điểm đáng chú ý nhất của Chỉ thị này là yêu cầu thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 01/4/2020 trên phạm vi toàn quốc.

Việc cách ly thực hiện theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

Thủ tướng yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác.

Đồng thời, thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 02 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng. Ngoài ra, sẽ cơ bản dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng. Hạn chế tối đa việc di chuyển từ địa bàn, khu vực này sang địa bàn, khu vực khác; dừng việc di chuyển từ vùng có dịch đến các địa phương khác, trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất. Các cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ dành cho người qua lại sẽ được tạm đóng cửa từ 00 giờ ngày 01/4/2020 trên tuyến biên giới với Lào và Campuchia. Tất cả người nhập cảnh từ Lào, Campuchia đều phải cách ly tập trung 14 ngày.

8 thay đổi trong Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 mới nhất

Ngày 25/3/2020, Bộ Y tế ra Quyết định 1344/QĐ-BYT ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 (Covid-19) thay thế Quyết định số 322/QĐ-BYT trước đó.

So với trước đây, Hướng dẫn mới có nhiều thay đổi. Cụ thể:

1. Thay đổi định nghĩa ca bệnh nghi ngờ (do tình hình dịch tễ thay đổi, có nhiều vùng dịch, ổ dịch tại Việt Nam).

 2. Bỏ các định nghĩa ca bệnh có thể (do năng lực xét nghiệm cao hơn trước).

 3. Về điều trị: Tập trung chính là điều trị suy hô hấp, cập nhật những khuyến cáo mới nhất theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới về ô xy liệu pháp và đích ô xy máu.

 4. Theo dõi sát bệnh nhân, đặc biệt từ ngày thứ 7 đến ngày thứ 10 của bệnh, sử dụng các dấu hiệu lâm sàng, các thang điểm cảnh báo sớm, theo dõi tiến triển hàng ngày của XQ phổi để phát hiện và xử trí kịp thời các biến chứng/tiến triển nặng của bệnh.

5. Với bệnh nhân suy hô hấp nặng, nên đặt ống nội khí quản sớm và thở máy xâm nhập. Chỉ cân nhắc các biện pháp hỗ trợ hô hấp không xâm nhập cho từng trường hợp cụ thể chứ không áp dụng thường quy và cần theo dõi sát bệnh nhân.

 6. Về các thuốc kháng virus đặc hiệu (như Lopinavir/ritonavir, Chloroquine, Hydroxychloroquine, Remdesivir..): Do chưa có đủ bằng chứng về hiệu quả và an toàn của những thuốc này trong điều trị nên chưa khuyến cáo áp dụng thường quy trong điều trị.

7. Tiêu chuẩn ra viện: Cải thiện các dấu hiệu lâm sàng, cần có 02 mẫu liên tiếp bệnh phẩm đường hô hấp (cả dịch tỵ hầu và dịch họng), lấy cách nhau ≥ 24 giờ âm tính với virus SARS-CoV-2.

 8. Sau khi ra viện, người bệnh tiếp tục cách ly tại nhà 14 ngày. Người bệnh cần được ở phòng riêng thoáng khí, đeo khẩu trang, ăn riêng, vệ sinh tay, hạn chế tiếp xúc với các thành viên khác trong gia đình và không được ra ngoài. Theo dõi sát thân nhiệt 02 lần/ngày, khám lại ngay nếu sốt hoặc có dấu hiệu bất thường khác.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 25/3/2020.

Hà Nội công bố các cửa hàng được mở cửa trong cao điểm mùa Covid

Mới đây, Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội đã ra Công văn hỏa tốc số 1047/UBND-KGVX về việc quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 với nhiều nội dung quan trọng.

Theo đó, danh sách cơ sở kinh doanh được phép mở cửa, gồm:

- Siêu thị tổng hợp (trừ dịch vụ vui chơi, ăn uống tại chỗ);

- Trung tâm thương mại (gồm siêu thị tổng hợp như trên, văn phòng cho thuê, bệnh viện);

- Chợ dân sinh (gồm các gian hàng lương thực, thực phẩm, rau hoa quả, đồ khô);

- Các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini (trừ dịch vụ ăn uống tại chỗ);

- Các cửa hàng tạp hóa, kinh doanh hoa, quả, trái cây;

- Chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm, thuốc chữa bệnh;

- Dịch vụ khám chữa bệnh;

- Dịch vụ ngân hàng;

- Cửa hàng kinh doanh xăng dầu gas khí đốt.

Ngoại trừ các cơ sở kinh doanh nêu trên, tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác đều phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động.

Ngoài ra, Công văn còn nêu rõ, áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người từ 00 giờ ngày 28/3/2020:

- Tạm dừng toàn bộ hoạt động xe buýt đến ngày 15/4/2020. Đối với các loại xe taxi và xe hợp đồng, yêu cầu không được dùng điều hòa, hạ kính, bắt buộc đeo khẩu trang đối với lái xe và hành khách, khử khuẩn trước và sau khi đón trả khách;

- Các trường học, cơ sở dạy nghề tiếp tục nghỉ học đến 15/4/2020, không tổ chức cho học sinh đến trường dưới mọi hình thức.

- Dừng các hoạt động hội họp, sự kiện tập trung trên 20 người trong 01 phòng. Khi tập trung dưới 20 người phải tiến hành khử khuẩn vệ sinh y tế, kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang và thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người… Công văn được ban hành ngày 27/3/2020.

Tham gia chống dịch Covid-19 được phụ cấp đến 300.000 đồng/ngày

Ngày 29/3/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 37/NQ-CP về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19.

Các chế độ cho người bị cách ly, người tham gia chống dịch Covid-19 quy định cụ thể như sau:

1. Phụ cấp chống dịch cho cán bộ y tế, người lao động tham gia phòng, chống dịch: từ 150.000 - 300.000 đồng/ngày tùy đối tượng. Theo đó, những đối tượng sau được phụ cấp 300.000 đồng/ngày (kể cả ngày nghỉ, ngày lễ), gồm:

- Người đi giám sát, điều tra, xác minh dịch;

- Người trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị người mắc bệnh dịch tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Những đối tượng sau được phụ cấp chống dịch mức 200.000 đồng/ngày (kể cả ngày nghỉ, ngày lễ):

- Người vận chuyển người bệnh, bệnh phẩm; bảo quản tử thi người bệnh; người giặt đồ vải, quần áo bác sĩ, bệnh nhân; thu gom vỏ chai, lọ, hộp hóa chất; bảo vệ khu điều trị cách ly; vệ sinh, tẩy uế, diệt tác nhân gây bệnh trong khu cách ly tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

- Cán bộ y tế thực hiện giám sát dịch tễ, theo dõi y tế tại cơ sở cách ly y tế tại nhà và cơ sở cách ly y tế theo chỉ định của cơ quan quản lý nhà nước.

2. Tiền ăn của người bị cách ly y tế Người Việt Nam, người nước ngoài đang bị cách ly y tế (trừ cách ly tại nhà, nơi lưu trú, khách sạn, resort, doanh nghiệp): hỗ trợ 80.000 đồng/ngày.

Địa phương đang áp dụng mức hỗ trợ tiền ăn khác mức này trước ngày Nghị quyết có hiệu lực thì thanh quyết toán theo số đã chi. Căn cứ vào tình hình địa phương để tiếp tục mức hỗ trợ cũ hoặc điều chỉnh về 80.000 đồng/ngày.

Người bị cách ly yêu cầu bữa ăn riêng phải tự chi trả.

3. Người bị cách ly được cấp không thu tiền: nước uống, khăn mặt, khẩu trang, nước rửa tay, nước sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng tắm gội… mức 40.000 đồng/ngày.

4. Người bị cách ly mắc bệnh khác phải khám, điều trị:

+ Người có thẻ BHYT được Quỹ BHYT thanh toán như trường hợp khám, chữa bệnh đúng tuyến. Ngân sách Nhà nước chi trả phần chi phí đồng chi trả của người bệnh và các chi phí ngoài phạm vi hưởng BHYT;

+ Người không có thẻ BHYT là người Việt Nam: Ngân sách Nhà nước chi trả;

+ Người nước ngoài: Tự chi trả.

5. Phụ cấp cho người tham gia thường trực chống dịch 24/24 giờ là 130.000 đồng/ngày; người lao động thường trực chống dịch 24/24 hỗ trợ 80.000 đồng/phiên trực.

6. Cán bộ y tế, công an, quân đội thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở cách ly tập trung (trừ cách ly tại nhà, nơi lưu trú, khách sạn, resort, doanh nghiệp)… hỗ trợ 80.000 đồng/ngày.

7. Cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia chống dịch: mức hỗ trợ 80.000 - 130.000 đồng/ngày.

Nghị quyết có hiệu lực từ ngày ký 29/3/2020.

Đã có hướng dẫn xét xử tội phạm liên quan đến dịch Covid-19

Hôm nay (30/3/2020) Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn 45/TANDTC-PC về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Tại Công văn này, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật phổ biến có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh.

1. Không khai báo y tế, trốn tránh cách ly bị xử lý hình sự

1.1 Người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người, gồm các hành vi:

- Trốn khỏi nơi cách ly;

- Không tuân thủ quy định về cách ly;

- Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly;

- Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.

1.2 Người chưa bị xác định mắc bệnh Covid-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295 Bộ luật hình sự:

- Trốn khỏi khu vực bị cách ly, khu vực bị phong tỏa;

- Không tuân thủ quy định cách ly;

- Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly;

- Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.

2. Cơ sở kinh doanh “cố tình” kinh doanh có thể bị xử lý hình sự

Chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (như quán ba, vũ trường, karaoke, dịch vụ mát-xa, cơ sở thẩm mỹ...) thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để phòng chống dịch bệnh Covid-19 của cơ quan, người có thẩm quyền, gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự.

3. Thông tin sai sự thật về dịch bệnh bị xử lý hình sự

Người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự.

4. Xử lý hình sự người lợi dụng dịch bệnh để mua/bán thuốc, vật tư y tế thu lợi bất chính

Người có hành vi đã, đang hoặc nhằm đưa trái phép thuốc, vật tư y tế dùng vào việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ra khỏi biên giới nước CHXHCN Việt Nam nhằm thu lợi bất chính thì bị xử lý về tội buôn lậu theo quy định tại Điều 188.

Người có hành vi lợi dụng sự khan hiếm hoặc tạo sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh Covid-19 để mua vét hàng hóa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố là mặt hàng bình ổn giá hoặc hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì bị xử lý về tội đầu cơ theo quy định tại Điều 196.

Tại Công văn này, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với trường hợp phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng (như làm lây lan dịch bệnh cho từ 02 người trở lên, làm chết người...). Đồng thời, trong thời gian có dịch bệnh Covid-19 phải đưa các vụ án liên quan đến phòng, chống Covid-19 ra xét xử (nhưng phòng xử án tối đa 10 người, khoảng cách giữa những người tham gia phiên tòa tối thiểu 02 mét...) và có phương án tuyên truyền phù hợp để bảo đảm công tác giáo dục, phòng ngừa chung.

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề
Thi THPT quốc gia 2020: Hủy toàn bộ kết quả của thí sinh bị đình chỉ thi

Ngày 23/3/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 08/2020/TT-BGDĐT sửa đổi Quy chế thi trung học phổ thông (THPT) và xét công nhận tốt nghiệp THPT ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BGDĐT.

Một trong những nội dung mới đáng chú ý nhất của Quy chế thi THPT được ban hành và áp dụng từ năm nay là quy định về việc đình chỉ thi tại khoản 10 Điều 1. Cụ thể:

- Thí sinh bị đình chỉ thi phải nộp bài thi, đề thi, giấy nháp cho cán bộ coi thi và ra khỏi phòng thi ngay sau khi có quyết định;

- Thí sinh bị đình chỉ thi chỉ được ra khỏi khu vực thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài thi tự luận và sau khi hết thời gian làm bài thi trắc nghiệm;

- Thí sinh bị đình chỉ thi sẽ bị hủy kết quả toàn bộ các bài thi của kỳ thi năm đó (quy định mới).

Ngoài ra, Thông tư này cũng bổ sung “cán bộ công an, bảo vệ, y tế, phục vụ” vào thành phần ban Phúc khảo bài thi tự luận.  Trong Ban Chấm thi trắc nghiệm, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo thanh tra trực tiếp tất cả các nhiệm vụ của Ban này theo quy định của Quy chế - đây cũng là một nội dung mới được bổ sung vào Quy chế.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 08/5/2020. Xem toàn văn Thông tư 08/2020/TT-BGDĐT tại đây.    

Vi phạm hành chính
Tăng mạnh mức phạt khi xả thải chứa hóa chất độc hại vào nguồn nước

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 36/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản để thay thế Nghị định 33/2017/NĐ-CP.

 

Theo Nghị định này, hành vi xả nước thải có chứa hóa chất độc hại, chất phóng xạ vào nguồn nước với lưu lượng nước thải không vượt quá 5 m3/ngày đêm có mức phạt 60 - 90 triệu đồng đối với cá nhân và 120 - 180 triệu đồng đối với người vi phạm là tổ chức.

Mức phạt này tăng mạnh so với quy định cũ, chỉ bị phạt từ 20 - 30 triệu đồng đối với cá nhân và 40 - 60 triệu đồng đối với tổ chức.

Ngoài ra, hành vi xả nước thải vào nguồn nước không có giấy phép theo quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt đến 500 triệu đồng.

Mức phạt cụ thể phụ thuộc vào lưu lượng xả nước thải trên ngày đêm. Cụ thể như sau:

STT

Lưu lượng xả nước thải

Lưu lượng xả nước thải nuôi trồng thủy sản

Mức phạt với cá nhân

1

Trên 5 - 50 m3

10.000 - 30.000 m3

30 - 40 triệu đồng

2

50 - 100 m3

30.000 - 50.000 m3

40 - 50 triệu đồng

3

100 - 500 m3

50.000 - 70.000 m3

60 - 80 triệu đồng

4

500 - 1000 m3

70.000 - 100.000 m3

100 - 120 triệu đồng

5

1000  - 2.000 m3

100.000 - 150.000 m3

140 - 160 triệu đồng

6

2.000 - 3.000 m3

150.000 - 200.000 m3

180 - 220 triệu đồng

7

3.000 m3 trở lên

200.000 m3 trở lên

220 - 250 triệu đồng

Đối với tổ chức vi phạm, mức phạt gấp đôi cá nhân. Vì thế, mức phạt tối đa đối với hành vi xả nước thải vào nguồn nước không có giấy phép theo quy định của pháp luật là 500 triệu đồng.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10/5/2020.

Đấu thầu-Cạnh tranh
Đã có Nghị định hướng dẫn Luật Cạnh tranh 2018

Sau gần 09 tháng Luật Cạnh tranh 2018 có hiệu lực, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 35/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật này.

 

Nghị định này đã hướng dẫn việc xác định thị trường sản phẩm liên quan (thị trường của những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả) như sau:

Hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế cho nhau về đặc tính nếu hàng hóa, dịch vụ đó có sự giống nhau hoặc tương tự nhau về một hoặc một số yếu tố như sau:

- Đặc điểm của hàng hóa, dịch vụ;

- Thành phần của hàng hóa, dịch vụ;

- Tính chất vật lý, hóa học của hàng hóa;

- Tính năng kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ;

- Tác dụng phụ của hàng hóa, dịch vụ đối với người sử dụng;

- Khả năng hấp thu của người sử dụng;

- Tính chất riêng biết khác của hàng hóa, dịch vụ.

Hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế cho nhau về mục đích sử dụng nếu hàng hóa, dịch vụ đó có mục đích sử dụng chủ yếu giống nhau.

Hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế cho nhau về giá cả khi giá chênh lệch nhau không quá 5% trong điều kiện giao dịch tương tự.

Nếu các yếu tố trên chưa đủ xác định thị trường sản phẩm liên quan thì có thể xem xét thêm một hoặc một số yếu tố như thời gian sử dụng của hàng hóa, dịch vụ; tập quán tiêu dùng…

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2020.

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM

Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919

Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724

Email: [email protected]

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.