Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết 171/2024/QH15 thí điểm thưc hiện dự án nhà ở thương mại qua thỏa thuận nhận quyền hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Cụ thể, khoản 3 Điều 3 Nghị quyết 171/2024/QH15 nêu rõ, tổ chức kinh doanh bất động sản được nhận chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất nông nghiệp để thực hiện dự án thí điểm nếu đáp ứng điều kiện:
- Phạm vi khu đất, thửa đất thực hiện dự án phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị;
- Phạm vi khu đất, thửa đất thực hiện dự án phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương đã được phê duyệt;
- Phạm vi khu đất, thửa đất thực hiện dự án nằm trong danh mục các khu đất dự kiến thực hiện dự án thí điểm do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua;
- Có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án thí điểm đối với dự án của tổ chức kinh doanh bất động sản nhận quyền sử dụng đất và dự án của tổ chức kinh doanh bất động sản đang có quyền sử dụng đất và nhận quyền sử dụng đất.
- Tổ chức kinh doanh bất động sản phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Riêng trường hợp sử dụng diện tích đất quốc phòng, đất an ninh đã được quy hoạch đưa ra khỏi đất quốc phòng, đất an ninh để thực hiện dự án thí điểm thì phải đáp ứng các điều kiện trên và có văn bản chấp thuận của Bộ Quốc phòng đối với đất quốc phòng, Bộ Công an đối với đất an ninh.
Nghị quyết này được thông qua ngày 30/11/2024 và chính thức có hiệu lực từ 01/4/2025.
Đây là một trong những quy định mới được Chính phủ quy định tại Nghị định 70/2025/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung Điều 11 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, có hiệu lực từ 01/6/2025.
Theo đó, khoản 8 Điều 1 Nghị định 70/2025/NĐ-CP bổ sung quy định hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hằng năm từ 01 tỷ đồng trở lên sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.
Quy định này cũng áp dụng với doanh nghiệp có hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Trong đó có bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng như:
- Trung tâm thương mại; siêu thị; bán lẻ trừ ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác;
- Ăn uống; nhà hàng; khách sạn;
- Dịch vụ vận tải hành khách, dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải đường bộ, dịch vụ nghệ thuật, vui chơi, giải trí, hoạt động chiếu phim, dịch vụ phục vụ cá nhân khác theo quy định về Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.
Đồng thời, nội dung của hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền gồm:
- Tên, địa chỉ, mã số thuế người bán hoặc số định danh cá nhân/số điện thoại của người mua nếu người mua yêu cầu
- Tên hàng hóa, dịch vụ, đơn giá, số lượng, giá thanh toán. Nếu nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thì phải ghi rõ nội dung giá bán chưa tính thuế giá trị gia tăng, thuế suất thuế giá trị gia tăng, tiền thuế giá trị gia tăng, tổng tiền thanh toán có thuế giá trị gia tăng;
- Thời điểm lập hóa đơn;
- Mã của cơ quan thuế/dữ liệu điện tử để người mua có thể truy xuất, kê khai thông tin hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Hình thức để người bán gửi hoá đơn điện tử cho người mua là điện tử (tin nhắn, thư điện tử và các hình thức khác) hoặc cung cấp đường dẫn hoặc mã QR để người mua tra cứu, tải hoá đơn điện tử.
Nội dung này quy định tại Nghị định 67/2025/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 178/2024/NĐ-CP về chính sách, chế độ khi sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Theo đó, khoản 2 Điều 1 Nghị định 67/2025/NĐ-CP (ban hành và có hiệu lực từ 15/3/2025) đã sửa đổi, bổ sung Điều 2 Nghị định 178/2024/NĐ-CP về đối tượng áp dụng chính sách nghỉ hưu trước tuổi trong quá trình tinh giản bộ máy của hệ thống chính trị.
Theo đó, 04 nhóm đối tượng mới được bổ sung vào diện hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi gồm:
1. Cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị và lực lượng vũ trang chịu sự tác động trực tiếp của việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính các cấp
Nhóm đối tượng đầu tiên được bổ sung là cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có nguyện vọng nghỉ việc để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình sắp xếp nhân sự lãnh đạo, quản lý.
2. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước và lực lượng vũ trang
Nhóm thứ hai bao gồm:
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước trước ngày 15/1/2019.
- Lực lượng vũ trang có thời gian còn đủ 5 năm trở xuống đến tuổi nghỉ hưu.
Những đối tượng này không chịu tác động trực tiếp từ việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhưng cần được tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ.
3. Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế tại các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ
Nhóm đối tượng thứ ba là những người làm việc trong chỉ tiêu biên chế, hưởng lương từ ngân sách nhà nước tại các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện. Những cá nhân này chịu tác động trực tiếp từ việc sắp xếp, hợp nhất, sáp nhập tổ chức bộ máy.
4. Cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm hoặc có thời gian công tác còn từ 2,5 năm đến 5 năm đến tuổi nghỉ hưu
Nhóm thứ tư bao gồm:
- Cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm.
- Cán bộ đủ điều kiện tái cử, tái bổ nhiệm cấp ủy cùng cấp, nhưng thời gian công tác tính từ ngày bắt đầu tổ chức đại hội chỉ còn từ 2,5 năm (30 tháng) đến 5 năm (60 tháng) đến tuổi nghỉ hưu.
- Cán bộ đang tham gia cấp ủy ở các đảng bộ phải kết thúc hoạt động, kiện toàn tổ chức bộ máy, còn 5 năm trở xuống đến tuổi nghỉ hưu và có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi để tạo điều kiện sắp xếp nhân sự cấp ủy trong kỳ đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 14 của Đảng.
Những cán bộ thuộc nhóm này cần có sự đồng ý của cấp có thẩm quyền để được hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi.
Điều 7 Nghị định 178/2024/NĐ-CP quy định các trường hợp áp dụng chính sách nghỉ hưu trước tuổi bao gồm cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị và lực lượng vũ trang do sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính các cấp, cụ thể:
(1) Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý và công chức, viên chức;
(2) Cán bộ, công chức cấp xã;
(3) Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động trước thời điểm ngày 15/01/2019 và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động được áp dụng chính sách như công chức;
(4) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam;
(5) Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, công nhân công an và lao động hợp đồng hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc Công an nhân dân;
(6) Người làm việc trong tổ chức cơ yếu.
Ngày 17/3/2025, Bộ Nội vụ đã ra Thông tư 001/2025/TT-BNV ban hành Nội quy và Quy chế tuyển dụng, nâng ngạch, xét thăng hạng công chức, viên chức.
Ban hành kèm theo Thông tư 001/2025/TT-BNV là Nội quy và Quy chế tuyển dụng, nâng ngạch, xét thăng hạng công chức, viên chức.
Tại Điều 1 Nội quy ban hành kèm Thông tư 001/2025/TT-BNV quy định đối với thí sinh như sau:
(1) Phải có mặt tại phòng thi đúng giờ quy định. Thí sinh dự thi đến muộn sau thời điểm bắt đầu tính giờ làm bài thi, phần thi, môn thi (sau đây viết tắt là bài thi) thì được dự thi trong các trường hợp sau:
- Không quá 05 phút đối với bài thi có thời gian thi tối đa 30 phút hoặc không quá 10 phút đối với bài thi có thời gian thi tối đa từ 60 phút trở lên;
- Xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của pháp luật làm cho thí sinh không thể có mặt đúng giờ hoặc trong thời gian quy định tại điểm a khoản này. Trưởng ban coi thi, Trưởng ban phỏng vấn, Trưởng ban kiểm tra sát hạch báo cáo Chủ tịch Hội đồng xem xét, quyết định việc thí sinh được dự thi đối với các trường hợp cụ thể.
(2) Trang phục gọn gàng, văn minh, lịch sự.
(3) Xuất trình thẻ Căn cước công dân hoặc thẻ Căn cước hoặc một trong các loại giấy tờ tùy thân hợp pháp khác có ảnh và thông tin cá nhân.
(4) Ngồi đúng vị trí theo số báo danh hoặc theo vị trí do Hội đồng thi quy định.
(5) Chỉ được mang vào phòng thi: thước kẻ, bút viết để làm bài thi; nước uống đựng trong bình chứa trong suốt không gắn tem mác hay có bất kỳ ký hiệu, ký tự nào; các loại giấy tờ, tài liệu theo yêu cầu của từng bài thi; một số loại thuốc mà thí sinh dự thi có bệnh án phải mang theo...
Xem chi tiết tại Thông tư 001/2025/TT-BNV có hiệu lực từ ngày 01/5/2025; Thông tư 001/2025/TT-BNV bãi bỏ Thông tư 06/2020/TT-BNV ban hành Thông tư ban hành Quy chế tổ chức thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức.
Đã có hướng dẫn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 của Bộ Giáo dục tại Công văn 1239/BGDĐT-QLCL ngày 24/3/2025 về một số nội dung tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025.
Cụ thể, lịch thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 được nêu tại Công văn 1239/BGDĐT-QLCL như sau:
Với thí sinh dự thi đề thi của Chương trình giáo dục phổ thông 2006:
Ngày | Buổi | Bài thi/Môn thi | Thời gian làm bài | Giờ phát đề thi cho thí sinh | Giờ bắt đầu làm bài | |
25/6/2025 | SÁNG | 08 giờ 00: Họp cán bộ làm công tác coi thi tại Điểm thi | ||||
CHIỀU | 14 giờ 00: Thí sinh làm thủ tục dự thi tại phòng thi, đính chính sai sót (nếu có) và nghe phổ biến Quy chế thi, Lịch thi | |||||
26/6/2025 | SÁNG | Ngữ văn | 120 phút | 07 giờ 30 | 07 giờ 35 | |
CHIỀU | Toán | 90 phút | 14 giờ 20 | 14 giờ 30 | ||
27/6/2025 | SÁNG | Bài thi KHTN | Vật lí | 50 phút | 07 giờ 30 | 07 giờ 35 |
Hóa học | 50 phút | 08 giờ 30 | 08 giờ 35 | |||
Sinh học | 50 phút | 09 giờ 30 | 09 giờ 35 | |||
Bài thi KHXH | Lịch sử | 50 phút | 07 giờ 30 | 07 giờ 35 | ||
Địa lí | 50 phút | 08 giờ 30 | 08 giờ 35 | |||
Giáo dục công dân | 50 phút | 09 giờ 30 | 09 giờ 35 | |||
CHIỀU | Ngoại ngữ | 60 phút | 14 giờ 20 | 14 giờ 30 | ||
28/6/2025 | Dự phòng |
Với thí sinh thi đề thi của Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành:
Ngày | Buổi | Bài thi/Môn thi | Thời gian làm bài | Giờ phát đề thi cho thí sinh | Giờ bắt đầu làm bài | |
25/6/2025 | SÁNG | 08 giờ 00: Họp cán bộ làm công tác coi thi tại Điểm thi | ||||
CHIỀU | 14 giờ 00: Thí sinh làm thủ tục dự thi tại phòng thi, đính chính sai sót (nếu có) và nghe phổ biến Quy chế thi, Lịch thi | |||||
26/6/2025 | SÁNG | Ngữ văn | 120 phút | 07 giờ 30 | 07 giờ 35 | |
CHIỀU | Toán | 90 phút | 14 giờ 20 | 14 giờ 30 | ||
27/6/2025 | SÁNG | Bài thi tự chọn | Môn thứ 1 | 50 phút | 07 giờ 30 | 07 giờ 35 |
Môn thứ 2 | 50 phút | 08 giờ 35 | 08 giờ 40 | |||
28/6/2025 | Dự phòng |
Đồng thời, một số nội dung đáng chú ý thí sinh cần lưu ý gồm:
- Hình thức đăng ký dự thi, đăng ký xét công nhận tốt nghiệp: Trực tiếp theo hồ sơ tại Công văn số 1277/BGDĐT-QLCL ngày 22/3/2024 hoặc trực tuyến.
- Thí sinh sử dụng thống nhất một loại giấy tờ tuỳ thân là thẻ Căn cước/CCCD/ĐDCN/Số hộ chiếu.
- Xét công nhận tốt nghiệp THPT:
- Thí sinh là học viên GDTX không thuộc diện xếp loại hạnh kiểm và học theo hình thức tự học có hướng dẫn nếu được xét đặc cách theo quy định tại Điều 40 Quy chế thi thì không phải có điều kiện về xếp loại hạnh kiểm.
- Đối với các thí sinh đủ điều kiện dự thi nhưng không có điểm trung bình cả năm lớp 12 theo quy định thì chỉ dùng điểm thi của các bài thi theo quy định để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Nội dung được đề cập tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025, được Quốc hội thông qua ngày 19/02/2025.
Theo quy định, đại biểu Hội đồng nhân dân, các cá nhân được bầu vào cơ quan này phải đáp ứng các điều kiện đảm bảo năng lực, phẩm chất và trách nhiệm đối với Nhân dân. Cụ thể:
(1) Tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân
Theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025, đại biểu Hội đồng nhân dân phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
- Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.- Chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.
- Có phẩm chất đạo đức tốt, thực hiện lối sống cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tuân thủ pháp luật và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, cũng như các hành vi vi phạm pháp luật khác.
- Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ; có điều kiện tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân dân.
- Cư trú hoặc công tác tại đơn vị hành chính mà mình là đại biểu Hội đồng nhân dân.
- Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân và được Nhân dân tín nhiệm.
(2) Nhiệm kỳ và quyền giám sát đối với Hội đồng nhân dân
- Nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân là 05 năm, tính từ ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của khóa đó đến ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của khóa sau.
- Trước khi nhiệm kỳ cũ kết thúc 45 ngày, Hội đồng nhân dân khóa mới phải được bầu xong. Việc rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ chỉ được thực hiện theo quyết định của Quốc hội trên cơ sở đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội có trách nhiệm giám sát, hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân và ban hành quy chế làm việc mẫu.
- Chính phủ có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, đồng thời tạo điều kiện để Hội đồng nhân dân thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.
Nội dung này được nêu tại Công văn 43-CV/BCĐ về kế hoạch tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ban hành ngày 20/3/2025.
Công văn 43-CV/BCĐ đã đưa ra kế hoạch về việc sắp xếp, bố trí cán bộ công chức tại các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương sau khi thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính. Một trong những yêu cầu quan trọng là phải hoàn thành việc sắp xếp cán bộ công chức trước ngày 15/7/2025.
Các nhiệm vụ cần triển khai như sau:
(1) Thành lập và sắp xếp các cơ quan chức năng
Các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương cần thành lập và quyết định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc cấp ủy tỉnh, thành phố.
(2) Sắp xếp cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố
Lãnh đạo, chỉ đạo việc thành lập, quyết định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố.
(3) Sắp xếp cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Chỉ đạo việc thành lập và quyết định chức năng, nhiệm vụ của cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở tỉnh, thành phố.
(4) Bố trí cán bộ, công chức, viên chức
Lãnh đạo, chỉ đạo việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cùng với việc bố trí trụ sở làm việc, trang thiết bị và các điều kiện phục vụ công tác của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan chức năng tỉnh, thành phố. Công việc này phải hoàn thành trước ngày 15/7/2025.
(5) Kiện toàn tổ chức cán bộ đảng ủy
Chỉ đạo việc kiện toàn tổ chức, cán bộ đảng ủy các cơ quan đảng, đảng ủy ủy ban nhân dân, đảng ủy quân sự, đảng ủy công an và các đảng ủy ở nơi có đặc điểm riêng trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy, hoàn thành trước 15/7/2025.
(6) Đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2025-2030
Chỉ định đại biểu dự Đại hội đảng bộ tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Hoàn thiện các văn kiện, công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2025 - 2030, hoàn thành trước 31/10/2025.
(7) Phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương
Phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương trong việc tham mưu Bộ Chính trị chỉ định đại biểu của đảng bộ sau khi hợp nhất, để đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
(8) Đề bạt và chỉ định các chức danh lãnh đạo cấp xã, phường, đặc khu
Chỉ định ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy viên ủy ban kiểm tra và các chức danh khác của đảng ủy xã, phường, đặc khu nhiệm kỳ 2025 - 2030, đồng bộ với chuẩn bị nhân sự hội đồng nhân dân xã, phường, đặc khu nhiệm kỳ 2026 - 2031.
Đây là một trong những nội dung đang chú ý tại Luật Công chứng 2024, số 46/2024/QH15.
Theo đó từ ngày 01/7/2025, theo quy định tại Luật Công chứng 2024, các đối tượng đã có ≥ 05 năm kinh nghiệm trong nghề như luật sư, thừa phát lại, hoặc các chức danh tư pháp khác vẫn phải tham gia đào tạo nghề công chứng trong thời gian 06 tháng.
Cụ thể, tại khoản 3 Điều 11 Luật Công chứng 2024, các đối tượng sau đây sẽ không được miễn đào tạo nghề công chứng như hiện hành theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Công chứng 2014:
- Người có ≥ 05 năm làm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, thẩm tra viên chính trong các ngành Tòa án, Kiểm sát, Tư pháp, hay các chức danh tương đương.
- Thừa phát lại, luật sư, đấu giá viên đã hành nghề ≥ 05 năm.
- Giáo sư, Phó Giáo sư chuyên ngành luật, Tiến sĩ luật.
- Người đã là Thẩm tra viên cao cấp, Kiểm tra viên cao cấp, Thẩm tra viên cao cấp thi hành án dân sự và các chức danh tương tự trong ngành Tòa án và Kiểm sát.
Hiện hành, các đối tượng này chỉ cần tham gia khóa bồi dưỡng kỹ năng hành nghề công chứng và quy tắc đạo đức hành nghề công chứng trong 03 tháng trước khi đề nghị bổ nhiệm công chứng viên.
Tuy nhiên, từ 01/7/2025, yêu cầu đào tạo nghề công chứng 06 tháng sẽ được áp dụng đối với các đối tượng nêu trên, nhằm đảm bảo tính chuyên nghiệp và chuẩn hóa trong lĩnh vực công chứng.
Thông tin trên được quy định tại Nghị định 45/2025/NĐ-CP về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện
Theo Nghị định 45/2025/NĐ-CP, mỗi sở chuyên môn cấp tỉnh sẽ có bình quân 3 Phó Giám đốc. Quy định này được nêu rõ trong Điều 6 của Nghị định về tổ chức, chức năng và số lượng cấp phó của các tổ chức thuộc sở.
Cụ thể về các quy định liên quan như sau:
(1) Người đứng đầu Sở
Người đứng đầu sở, hay còn gọi là Giám đốc Sở, sẽ do Chủ tịch UBND cấp tỉnh bổ nhiệm và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân và Chủ tịch UBND cấp tỉnh về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của sở.
(2) Cấp phó của Giám đốc sở
Các Phó Giám đốc Sở do Chủ tịch UBND cấp tỉnh bổ nhiệm theo đề nghị của Giám đốc sở. Các Phó Giám đốc sở giúp Giám đốc sở thực hiện các nhiệm vụ cụ thể và chịu trách nhiệm về các công việc được phân công. Trong trường hợp Giám đốc sở vắng mặt, một Phó Giám đốc sẽ được ủy quyền thay Giám đốc điều hành hoạt động của sở.
(3) Số lượng Phó Giám đốc
Bình quân, mỗi Sở có 3 Phó Giám đốc, tuy nhiên, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền quyết định số lượng Phó Giám đốc cụ thể tùy vào số lượng sở và nhu cầu thực tế của tỉnh. Đặc biệt, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh sẽ có thêm không quá 10 Phó Giám đốc ngoài số lượng Phó Giám đốc bình quân theo quy định.
Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!
Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919
Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724
Email: [email protected]
Lưu ý:
* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.
* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.