Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Ngày 16/3/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp.
Theo đó, Thông tư này ban hành biểu mẫu sử dụng trong đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh và hướng dẫn chi tiết một số vấn đề liên quan đến đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh. Các biểu mẫu này được sử dụng thống nhất trên toàn quốc.
Cụ thể gồm các mẫu sau đây:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp tư nhân; công ty TNHH một thành viên; công ty TNHH hai thành viên trở lên; công ty cổ phần; công ty hợp danh;
- Danh sách thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên, danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần, danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài…
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp; thông báo thay đổi người đại diện theo pháp luật; thông báo về việc bổ sung, cập nhật thông tin đăng ký doanh nghiệp; thông báo về việc cho thuê doanh nghiệp tư nhân...
- Giấy đề nghị cấp đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế;
- Giấy đề nghị bổ sung, cập nhật thông tin đăng ký doanh nghiệp với doanh nghiệp hoạt động theo Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán;
- Giấy đề nghị dừng thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp;
- Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh; Giấy đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/5/2021.
Để đảm bảo kịp thời hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân thực hiện việc quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) thống nhất theo quy định Luật Quản lý thuế 2019, có hiệu lực từ 01/7/2020, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn hỏa tốc 636/TCT-DNNCN.
Đối tượng không phải quyết toán thuế TNCN được Công văn này hướng dẫn như sau:
- Đối với cá nhân trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan Thuế:
+ Cá nhân có số thuế TNCN phải nộp thêm sau quyết toán của từng năm từ 50.000 đồng trở xuống. Cá nhân được miễn thuế trong trường hợp này tự xác định số tiền thuế được miễn, không bắt buộc phải nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN và không phải nộp hồ sơ miễn thuế.+ Cá nhân có số thuế TNCN phải nộp nhỏ hơn số thuế đã tạm nộp mà không có yêu cầu hoàn thuế hoặc bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp theo.
+ Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một đơn vị, đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế TNCN theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu thì không phải quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.
+ Cá nhân được người sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm hưu trí tự nguyện), bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm mà người sử dụng lao động hoặc doanh nghiệp bảo hiểm đã khấu trừ thuế TNCN theo tỷ lệ 10% trên khoản tiền phí bảo hiểm tương ứng với phần người sử dụng lao động mua hoặc đóng góp cho người lao động thì người lao động không phải quyết toán thuế TNCN đối với phần thu nhập này.
- Đối với tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ tiền lương, tiền công: Trường hợp tổ chức không phát sinh chi trả thu nhập thì không phải khai quyết tóan thuế TNCN.
Mới đây, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn 776/UBND-KGVX yêu cầu 100% công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn đăng ký tài khoản giao dịch hồ sơ điện tử, cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số trên thiết bị di động.
Cụ thể, để đẩy mạnh việc ứng dụng VssID trên địa bàn thành phố, góp phần thực hiện chiến lược số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội yêu cầu 100% công chức, viên chức, người lao động đăng ký tài khoản giao dịch hồ sơ điện tử, cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID trên thiết bị di động của mỗi cá nhân, hoàn thành trước ngày 31/3/2021.
Ủy ban nhân dân Thành phố giao các quận, huyện, thị xã, Bưu điện Thành phố chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, các đại lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Bưu điện huyện và Bưu điện trung tâm phổ biến, hướng dẫn, hỗ trợ người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đăng ký giao dịch điện tử với cơ quan bảo hiểm xã hội cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID.
Bảo hiểm xã hội Thành phố Hà Nội phổ biến, cung cấp tài liệu hướng dẫn người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đăng ký giao dịch điện tử với cơ quan bảo hiểm xã hội, cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID gửi các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, các đại lý thu và các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn Thành phố.
Ngày 18/03/2021, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 1624/QĐ-BYT Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca.
Theo Quyết định này, có 09 đối tượng trì hoãn tiêm chủng vắc xin Covid-19 của AstraZeneca, gồm:- Người đang mắc bệnh cấp tính;
- Phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ;- Những người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù;
- Người trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao hoặc điều trị hóa trị, xạ trị;- Người trong vòng 90 ngày trước có điều trị immunoglobulin hoặc điều trị huyết tương của người bệnh Covid-19;
- Tiêm vaccine khác trong vòng 14 ngày trước;- Người đã mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng;
- Người trên 65 tuổi;- Người bị giảm tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu.
Ngoài 09 đối tượng trên, các đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng là người từ 18 tuổi trở lên, không quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào liệt kê trong thành phần của vắc xin.
Hướng dẫn này cũng quy định 04 đối tượng cần thận trọng tiêm chủng:
- Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác;- Người có bệnh nền nặng, bệnh mạn tính chưa được điều trị ổn định;
- Người mất tri giác, mất năng lực hành vi;- Người có bệnh mạn tính có phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống (Mạch dưới 60 lần/phút hoặc trên 100 lần/phút; huyết áp tăng hoặt giảm, nhịp thở trên 25 lần/phút …)
Ngày 19/3/2021, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn 1797/VPCP-TCCV về việc báo cáo nội dung về các loại chứng chỉ bồi dưỡng đối với viên chức.
Theo Công văn này, thời gian vừa qua, một số báo chí phản ánh về những vướng mắc, bất cập của quy định sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và các chứng chỉ bồi dưỡng khác đối với viên chức, nhất là đối với giáo viên cơ sở đào tạo công lập trong việc thi thăng hạng, bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý viên chức, trên cơ sở đó xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và quy định khác có liên quan:
- Bộ Nội vụ:
+ Chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành tổng hợp, báo cáo cụ thể về các loại chứng chỉ đối với đội ngũ viên chức, trong đó nêu rõ những loại chứng chỉ nào là điều kiện để được bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, chứng chỉ nào là bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ;
+ Phân loại chứng chỉ bắt buộc và không bắt buộc trong quản lý viên chức.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo:
+ Báo cáo cụ thể về nội dung tương tự nêu trên đối với chức danh nghề nghiệp giáo viên cơ sở công lập các cấp;
+ Đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan cho phù hợp để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập trong thời gian vừa qua về vấn đề này.
Như vậy, theo Công văn này, Thủ tướng yêu cầu có phương án sửa quy định về chứng chỉ thăng hạng giáo viên để giải quyết các vướng mắc, bất cập.
Thời gian qua, nhiều giáo viên và viên chức nhiều ngành nghề khác nêu lên những bất cập trong việc học, thi các chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, nhất là đối với giáo viên. Việc yêu cầu phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp để thăng hạng giáo viên vừa gây tốn kém cho giáo viên, viên chức nhưng lại không thực chất, dẫn đến tâm lý đối phó, bổ sung chứng chỉ. |
Ngày 12/3/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 05/2021/TT-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT.
Theo Thông tư này, thí sinh đã dự thi đủ các bài thi/môn thi quy định nhưng chưa tốt nghiệp THPT và không bị kỷ luật hủy kết quả thi được bảo lưu điểm thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT trong kỳ thi năm liền kề tiếp theo. Bài thi, môn thi được bảo lưu gồm:- Bài thi độc lập đạt từ 5,0 điểm trở lên;
- Bài thi tổ hợp đạt từ 5,0 điềm trở lên và các môn thi thành phần của bài thi này đều đạt trên 1,0 điểm;
- Môn thi thành phần của bài thi tổ hợp đạt từ 5,0 điểm trở lên.
Ở khâu sắp xếp phòng thi, thí sinh đã tốt nghiệp THPT, thí sinh đã hoàn thành chương trình THPT nhưng chưa tốt nghiệp THPT ở những năm trước, thí sinh tốt nghiệp trung cấp tham dự kỳ thi và thí sinh giáo dục thường xuyên được bố trí dự thi chung với thí sinh Giáo dục THPT là học sinh lớp 12 trong năm tổ chức thi tạo một số Điểm thi do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định, bảo đảm có ít nhất 60% thí sinh lớp 12 Giáo dục THPT trong tổng số thí sinh của Điểm thi.
Cũng theo Thông tư này, với các thí sinh vi phạm một trong các lỗi sau đây sẽ bị đình chỉ thi:- Đã bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo một lần nhưng trong giờ thi bài thi đó vẫn tiếp tục vi phạm quy chế thi ở mức khiển trách hoặc cảnh cáo;
- Mang vật dụng trái phép theo quy định tại Điều 14 Quy chế này vào phòng thi/phòng chờ hoặc khi di chuyển giữa phòng thi và phòng chờ;- Đưa đề thi ra ngoài phòng thi hoặc nhận bài giải từ ngoài vào phòng thi;
- Viết, vẽ vào tờ giấy làm bài thi của mình những nội dung không liên quan đến bài thi;
- Có hành động gây gổ, đe dọa nhũng người có trách nhiệm trong kỳ thi hay đe dọa thí sinh khác; - Không tuân thủ hướng dẫn của cán bộ giám sát hoặc người quản lý phòng chờ khi di chuyển trong khu vực thi và trong thời gian ở phòng chờ.Thông tư này có hiệu lực từ ngày 27/4/2021.Xem chi tiết: Đề thi thử THPT quốc gia tất cả các môn. >> Những điểm mới trong Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2021
Nội dung này được đề cập tại Quyết định 406/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục dịch vụ công trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia năm 2021.
Quyết định này phê duyệt Danh mục dịch vụ công trực tuyến cần sớm được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia năm 2021. Trong đó có thủ tục xác nhận số Chứng minh nhân dân (CMND) khi đã được cấp thẻ Căn cước công dân.
Cơ quan thực hiện: Bộ Công an, thời hạn hoàn thành là Quý II/2021.
Ngoài ra, thủ tục cấp, cấp lại, đổi thẻ Căn cước công dân cũng được giao hoàn thành trong thời gian này (thủ tục cấp, cấp lại, cấp đổi thẻ Căn cước công dân được tích hợp ở mức độ dịch vụ 3 và thủ tục xác nhận số CMND ở mức độ 4).
Quyết định cũng nêu rõ, ngoài những dịch vụ công phê duyệt tại Điều 1 Quyết định này, căn cứ vào điều kiện thực tiễn của bộ, ngành, địa phương, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt danh mục, lộ trình, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trực thuộc trong việc tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến thuộc phạm vi quản lý trên cổng Dịch vụ công Quốc gia năm 2021 bảo đảm đạt tỷ lệ tối thiểu theo quy định tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.
Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp nghiên cứu, cải thiện trải nghiệm người dùng theo hướng phát triển ứng dụng trên thiết bị di động của cổng Dịch vụ công Quốc gia giúp người dân chỉ cần sử dụng một ứng dụng có thể kết nối, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương, cũng như cung cấp các thư viện để các ứng dụng khác của bộ, ngành, địa phương có thể tích hợp, kết nối tạo nhiều tiện ích hơn cho người dân, doanh nghiệp...
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2021 tới đây.
Điều 4 Nghị định này đã điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội lên 360.000 đồng/tháng từ 01/7/2021. Trong khi, mức trợ cấp cũ theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 136/2013/NĐ-CP là 270.000 đồng.
Theo đó, các đối tượng người cao tuổi thuộc đối tượng bảo trợ xã hội sẽ được trợ cấp xã hội hàng tháng cụ thể như sau:
STT | Đối tượng người cao tuổi | Hệ số | Mức trợ cấp (đồng/tháng) |
1 | - Thuộc hộ nghèo; - Không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; - Từ 60 - 80 tuổi. | 1,5 | 540.000 |
2 | - Thuộc hộ nghèo; - Không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; - Đủ 80 tuổi trở lên; | 2,0 | 720.000 |
3 | - Từ đủ 75 - 80 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; - Không thuộc các trường hợp (1) và (2); - Sống ở xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn; | 1,0 | 360.000 |
| - Từ đủ 80 tuổi trở lên; - Không thuộc trường hợp (1) và (2); - Không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng. | ||
4 | - Thuộc hộ nghèo; - Không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng; - Không có điều kiện sống ở cộng đồng; - Đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng. | 3,0 | 1.080.000 |
Như vậy, từ ngày 01/7/2021 tới đây, người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên, không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng được trợ cấp 360.000 đồng/tháng (tăng 90.000 đồng/tháng so với quy định cũ tại điểm l khoản 1 Điều 6 Nghị định 136/2013/NĐ-CP).
Nghị định 20/2021/NĐ-CP được ban hành ngày 15/3/2021.
Nội dung này được đề cập tại Chỉ thị 07/CT-TTg về thu hút các nguồn lực xã hội cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới đất liền, trên biển và hải đảo, gắn liền bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nâng cao đời sống nhân dân.
Để từng bước hiện đại hóa công tác quản lý biên giới; hỗ trợ người dân, các cơ quan, tổ chức, cá nhân làm việc, sinh sống ở khu vực biên giới, tập trung vào vấn đề định canh, định cư, ổn định sinh kế, giảm tình trạng di cư tự do; giảm đói, nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với quản lý các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường..., Thủ tướng giao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội:
- Theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện Nghị định 76/2019/NĐ-CP ngày 08/10/2019 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
- Kịp thời đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các quy định về chính sách nhằm bảo đảm thu hút cán bộ, công chức, người lao động cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống cư dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới đất liền, trên biển và hải đảo.
Ngoài ra, giao Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành, cơ quan liên quan tham mưu cho Chính phủ ban hành các chế độ, chính sách khuyến khích, thu hút cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên người lao động công tác tại các vùng biên giới đất liền, trên biển và hải đảo, các trường chuyên biệt.
Các bộ, ngành, địa phương khác hiện tại phải thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định 76/2019/NĐ-CP về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; không để xảy ra chậm chi trả, không chi trả, hoặc chi trả không đầy đủ ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 21/2021/NĐ-CP về việc quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Theo Nghị định này, tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ gồm:
- Tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan cấm mua bán, cấm chuyển nhượng hoặc cấm chuyển giao khác về quyền sở hữu tại thời điểm xác lập hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm;- Tài sản bán trong hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu;
- Tài sản thuộc đối tượng của nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ bị vi phạm đối với biện pháp cầm giữ;- Tài sản thuộc sở hữu toàn dân trong trường hợp pháp luật liên quan có quy định.
Việc dùng quyền sử dụng đất để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ có thể không đồng thời với tài sản gắn liền với đất dùng tài sản gắn liền với đất để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ có thể không đồng thời với quyền sử dụng đất.
Trường hợp tài sản gắn liền với đất là tài sản pháp luật không quy định phải đăng ký và cũng chưa được đăng ký theo yêu cầu mà chủ sở hữu và bên nhận bảo đảm thỏa thuận dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì quyền, nghĩa vụ các bên được thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm.
Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 15/5/2021.
Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!
Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919
Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724
Email: [email protected]
Lưu ý:
* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.
* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.