Điểm tin Văn bản mới số 08.2022

Điểm tin văn bản

Thuế-Phí-Lệ phí
Đã có Thông tư mới hướng dẫn chi tiết về lệ phí trước bạ

Ngày 28/02/2022, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 13/2022/TT-BTC quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 10/2022/NĐ-CP về lệ phí trước bạ. Thông tư này có hiệu lực thi hành ngay từ ngày 01/3/2022.

Theo đó, đối tượng chịu lệ phí trước bạ theo Điều 3 Nghị định 10/2022/NĐ-CP được quy định chi tiết như sau:

- Nhà, gồm: Nhà ở; nhà làm việc; nhà sử dụng cho các mục đích khác.

- Đất, gồm: Các loại đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp theo quy định của Luật Đất đai (không phân biệt đất đã sử dụng công trình hay chưa xây dựng công trình).

(Trước đây, theo Thông tư 301/2016 quy định đất gồm các loại đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp theo quy định của Luật Đất đai thuộc quyền quản lý sử dụng của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân).

- Thuyền, kể cả du thuyền là các loại thuyền, kể cả du thuyền phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

- Vỏ, tổng thành khung, tổng thành máy, thân máy (block) của tài sản là các bộ phận thay thế làm thay đổi số khung, số máy của tài sản đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng. (So với trước đây, bổ sung thân máy - block).

Ngoài ra, tại Điều 4 Thông tư 13/2022 quy định cụ thể về mức thu lệ phí trước bạ với ô tô, xe máy như sau:

- Xe máy áp dụng mức thu tại khoản 4 Điều 8 Nghị định 10/2022/NĐ-CP. Mức thu với các trường hợp riêng như sau:

+ Xe máy của tổ chức, cá nhân ở các thành phố trực thuộc Trung ương; thành phố thuộc tỉnh; thị xã nơi Ủy ban nhân dân tỉnh đóng trụ sở: Nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu là 5%.

+ Xe máy nộp lệ phí trước bạ lần thứ 02 trở đi được áp dụng mức thu là 1%. Trong đó:

  • Trường hợp chủ tài sản đã kê khai, nộp lệ phí trước bạ đối với xe máy là 2%, sau đó chuyển giao tổ chức, cá nhân ở địa bàn quy định tại điểm a khoản này thì nộp lệ phí trước bạ với mức thu là 5%.
  • Trường hợp xe máy đã nộp lệ phí trước bạ theo mức thu 5% thì các lần chuyển nhượng tiếp theo nộp lệ phí trước bạ theo mức thu 1%.

Địa bàn kê khai, nộp lệ phí lần trước được xác định theo “Nơi thường trú”, “Nơi Đăng ký nhân khẩu thường trú” hoặc “Địa chỉ” ghi trong Giấy đăng ký xe hoặc Giấy chứng nhận thu hồi đăng ký, biển số xe và được xác định theo địa giới hành chính nhà nước tại thời điểm kê khai lệ phí trước bạ.  

 

- Ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, các loại xe tương tự xe ô tô: Áp dụng mức thu quy định tại khoản 5 Điều 8 Nghị định số 10/2022. Trong đó:

+ Căn cứ vào loại phương tiện, khối lượng chuyên chở ghi tại Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hoặc Giấy chứng nhận kiểm định do đơn vị đăng kiểm Việt Nam cấp, cơ quan thuế xác định mức thu lệ phí trước bạ với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, các loại xe tương tự xe ô tô theo quy định tại khoản này.

+ Cơ quan thuế xác định mức thu lệ phí trước bạ xe ô tô trên cơ sở:

  • Số chỗ ngồi trên xe ô tô được xác định theo thiết kế nhà sản xuất.
  • Khối lượng chuyên chở.
  • Loại xe được xác định (với xe nhập khẩu và xe sản xuất, lắp ráp trong nước)…

Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Chính thức dừng thu phí đường bộ thủ công từ 01/6/2022

Hôm nay (22/02/2022), Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 155/CĐ-TTg về việc triển khai dán thẻ định danh đối với xe ô tô để sử dụng dịch vụ thu phí giao thông đường bộ theo hình thức điện tử không dừng.

Tại Công điện, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, tổ chức chỉ đạo dán thẻ định danh đối với toàn bộ phương tiện xe ô tô thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị (kể cả đối với các đơn vị trực thuộc) để sử dụng dịch vụ thu phí ETC khi tham gia giao thông qua các trạm thu phí.

Đồng thời, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị, địa phương gương mẫu thực hiện dán thẻ định danh đối với xe ô tô cá nhân để tham gia dịch vụ thu phí ETC. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, không sử dụng hình thức thu phí thủ công kể từ ngày 01/6/2022.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo nhà cung cấp dịch vụ thu phí tổ chức tốt công tác dán thẻ định danh cho phương tiện giao thông, bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện (lưu ý công bố số điện thoại và địa chỉ liên hệ để tạo thuận tiện cho công tác dán thẻ).

Ngoài ra, cần có giải pháp xử lý ngay các lỗi kỹ thuật của hệ thống thu phí ETC (nếu phát sinh), đồng thời làm rõ nguyên nhân, xử lý trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị khi để xảy ra lỗi kỹ thuật, gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Nếu còn thắc mắc về các nội dung trên bạn đọc gọi ngay tổng đài 1900.6192 để được các chuyên gia pháp lý của LuatVietnam hỗ trợ giải đáp.

Bảo hiểm
Hướng dẫn khám, chữa bệnh BHYT bằng Căn cước công dân gắn chip

Hôm nay (28/02/2022), Bộ Y tế đã có Công văn 931/BYT-BH hướng dẫn triển khai thí điểm khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp.

Theo đó, các cơ sở khám, chữa bệnh thông báo công khai cho người bệnh biết và triển khai tiếp đón người bệnh khi đi khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD có gắn chíp hoặc qua ứng dụng VNEID (chỉ áp dụng đối với công dân đã đăng ký thành công tài khoản định danh điện tử do Bộ Công an cung cấp).

Tại Công văn này, Bộ Y tế hướng dẫn như sau:

- Đối với người bệnh đã được cấp CCCD có gắn chíp:

+ Trường hợp khi kiểm tra CCCD (quét mã QR code) hoặc qua ứng dụng VNEID đã có thông tin hợp lệ về tham gia BHYT thì cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện kiểm tra, đối chiếu thông tin về BHYT và tiếp đón người bệnh theo quy trình khám, chữa bệnh BHYT hiện hành.

+ Thông tin cho người bệnh biết để đi khám, chữa bệnh BHYT kể từ lần sau bằng CCCD gắn chíp hoặc bằng ứng dụng VNEID.  

 

- Trường hợp khi kiểm tra thông tin nhưng không có thông tin hợp lệ về tham gia BHYT:

+ Giải thích để người bệnh đó biết tình trạng của thẻ BHYT trên CCCD chưa thể thực hiện được;

+ Thực hiện tiếp đón người bệnh theo quy trình khám, chữa bệnh BHYT hiện hành (xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh).

- Đối với người bệnh chưa được cấp CCCD có gắn chíp: Thực hiện tiếp đón người bệnh theo quy trình khám, chữa bệnh BHYT hiện hành (xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh).

Bộ Y tế cũng đề nghị Thủ trưởng các đơn vị khẩn trương nghiên cứu, tổ chức thực hiện theo đúng hướng dẫn tạm thời tại Công văn này.

Bộ Y tế sẽ thống nhất với Bộ Công an và Bảo hiểm xã hội Việt Nam sớm có tài liệu hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật hoặc hàm API (nếu có), để các đơn vị thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Nếu còn vấn đề khác liên quan đến khám, chữa bệnh BHYT, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để gặp chuyên gia tư vấn của LuatVietnam.

Tài chính-Ngân hàng
Từ tháng 4/2022, áp dụng hóa đơn điện tử tại 57 tỉnh, thành phố

Bộ Tài chính đã ký ban hành Quyết định số 206/QĐ-BTC ngày 24/02/2022 về việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử đối với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên địa bàn 57 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo đó, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương áp dụng hóa đơn điện tử từ tháng 4/2022 gồm: Hà Giang, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hậu Giang, Hòa Bình, Hưng Yên, Khánh Hòa, Lạng Sơn, Lào Cai, Long An, Nam Định, Nghệ An, Ninh Bình, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Sóc Trăng, Sơn La, Tây Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang, Trà Vinh, Tuyên Quang, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc, Yên Bái…

Quyết định nêu rõ, việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử tại 57 tỉnh, thành phố thực hiện theo quy định về hóa đơn điện tử tại Luật Quản lý thuế, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC.

Cục Thuế 57 tỉnh, thành phố có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo triển khai áp dụng hóa đơn điện tử tại địa phương do Lãnh đạo tỉnh, thành phố làm Trưởng Ban và thành viên là đại diện lãnh đạo của Cục Thuế và các sở, ban, ngành có liên quan.

Cục Thuế các địa phương chủ động phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các báo đài, tổ chức truyền thông tại địa phương để tuyên truyền kịp thời lợi ích của việc thực hiện hóa đơn điện tử và những nội dung mới của hóa đơn điện tử theo quy định tại Luật Quản lý thuế, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC.

Đồng thời, rà soát, phân loại người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn là đối tượng sử dụng các loại hoá đơn điện tử theo quy định để thông báo đến từng đơn vị các nội dung ngay từ ngày bắt đầu triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, chuẩn bị điều kiện về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để thực hiện việc lập, chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế, gửi hóa đơn điện tử cho người mua và các nội dung khác về quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử.

Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Y tế-Sức khỏe
Không dùng thuốc Molnupiravir với F0 không có triệu chứng

Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 437/QĐ-BYT ngày 27/02/2022 sửa đổi, bổ sung một số điểm của Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 trước đó.

Theo Quyết định mới này, Bộ Y tế nhấn mạnh không dùng thuốc Molnupiravir cho người không có triệu chứng bệnh, đồng thời bổ sung cho phép sử dụng Remdesivir cho trẻ em dưới 12 tuổi.  

Cụ thể, Bộ Y tế đã bổ sung nội dung liên quan đến thuốc Molnupiravir trong nguyên tắc điều trị bệnh nhân Covid-19 như sau:

Mức độ

Triệu chứng

Chỉ định dùng

Người nhiễm không triệu chứng

 

Không

Nhẹ

- SpO2 lớn hơn 96%

- Nhịp thở thấp hơn 20 lần/phút

Có (Nhân viên y tế theo dõi)

Trung bình

- SpO2 94- 96%

- Nhịp thở 20-25 lần/phút

- Tổn thương trên X-quang nhỏ hơn 50%

Hoặc

- Người bệnh Covid-19 mức độ nhẹ có bệnh lý nền, coi như mức độ trung bình.

Có (Nhân viên y tế theo dõi)

Nặng

- SpO2 thấp hơn 94%

- Nhịp thở lớn hơn 25 lần/phút

- Tổn thương trên X-quang lớn hơn 50%

Không

Nguy kịch

- Người bệnh suy hô cần đặt nội khí quản thông khí xâm nhập

Hoặc

- Hoặc người bệnh có sốc

Hoặc

- Người bệnh có suy đa tạng

Không

Theo đó, các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng hoặc ở mức độ nhẹ trong bảng trên được xét ở cả người điều trị tại nhà hoặc cơ sở y tế tùy tình hình dịch.

Cũng theo Bộ Y tế, Molnupiravir không được khuyến cáo sử dụng trong thời kỳ mang thai. Không khuyến cáo F0 là phụ nữ nuôi con nhỏ cho con bú trong thời gian điều trị và trong 04 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng.

Đồng thời, không được phép sử dụng thuốc cho bệnh nhân dưới 18 tuổi vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và sụn. 

Molnupiravir có thể ảnh hưởng đến tinh trùng của nam giới, do đó nên sử dụng một phương pháp tránh thai tin cậy trong thời gian điều trị và ít nhất 03 tháng sau liều Molnupiravir cuối cùng.

Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Bộ Y tế: Tiêm vắc xin Pfizer liều 0,2ml cho trẻ từ 5-11 tuổi

Hôm nay (ngày 01/3/2022), Bộ Y tế đã ký Quyết định số 457/QĐ-BYT sửa đổi Điều 1 Quyết định số 2908/QĐ-BYT phê duyệt có điều kiện vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, vắc xin được phê duyệt có tên Comirnaty (tên khác: Pfizer BioNTech COVID-19 Vaccine). Người từ 12 tuổi trở lên được tiêm mỗi liều 0,3ml chứa 30mcg vắc xin mRNA COVID-19 (được bọc trong các hạt nano lipid). Trẻ từ 05 đến dưới 12 tuổi được tiêm mỗi liều 0,2ml chứa 10mcg.

Về dạng bào chế, đối với vắc xin cho người từ 12 tuổi trở lên là hỗn dịch đậm đặc pha tiêm và hỗn dịch tiêm; vắc xin cho trẻ từ 05 đến dưới 12 tuổi là hỗn dịch đậm đặc pha tiêm.

 

Về quy cách đóng gói:

- Đối với vắc xin cho người từ 12 tuổi trở lên: 01 khay chứa 195 lọ, mỗi lọ chứa 06 liều; 01 hộp chứa 25 lọ, mỗi lọ chứa 06 liều; 01 hộp chứa 10 lọ, mỗi lọ chứa 06 liều.

- Đối với vắc xin cho trẻ từ 05 đến dưới 12 tuổi: 01 khay chứa 195 lọ, mỗi lọ chứa 10 liều; 01 hộp chứa 10 lọ, mỗi lọ chứa 10 liều.

Trước đó, tại Nghị quyết số 14/NQ-CP, Chính phủ quyết nghị đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu đối với việc mua 21,9 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 của Pfizer cho trẻ em từ 05 đến dưới 12 tuổi.

Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Hà Nội hướng dẫn về Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho F0

Đây là nội dung được nêu tại Công văn 415/SYT-NVY ngày 21/01/2022 của Sở Y tế Thành phố Hà Nội về việc hướng dẫn hồ sơ quản lý theo dõi, điều trị người nhiễm Covid-19.

Cụ thể, Sở Y tế Hà Nội hướng dẫn việc cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) và cách ghi nội dung giấy nghỉ việc hưởng BHXH như sau:

- Việc cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH và cách ghi nội dung thực hiện theo Thông tư 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành Luật BHXH và Luật An toàn vệ sinh lao động.

- Đối với người nhiễm Covid-19 là lao động điều trị tại nhà: Trạm y tế nơi quản lý, điều trị bệnh nhân có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH theo mẫu tại Phụ lục 7 Thông tư 56/2017/TT-BYT.

- Đối với người nhiễm Covid-19 là người lao động điều trị tại trạm y tế lưu động: Y, bác sĩ được phân công trực tiếp chăm sóc, điều trị người nhiễm Covid-19 ký xác nhận vào vị trí "người hành nghề KB, CB".

Đơn vị chủ quản là Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm ký đóng dấu vào giấy chứng nhận hoặc ủy quyền bằng văn bản cho trạm y tế xã, phường, thị trấn ký đóng dấu.

Hà Nội hướng dẫn về Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho F0 (Ảnh minh họa)

 

- Các trạm y tế cập nhật thông tin người bệnh Covid-19 được cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH lên Cổng thông tin giám định bảo hiểm y tế của cơ quan BHXH.

- Các trạm y tế thực hiện quản lý, theo dõi, điều trị người nhiễm Covid-19 đăng ký mẫu dấu, mẫu chữ ký của y, bác sĩ trên Giấy chứng nhận nghỉ việc, hưởng BHXH.

Trường hợp ủy quyền ký thay thủ trưởng đơn vị tại giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH theo quy định tại mục c khoản 5 Điều 26 của Thông tư 56/2017/TT-BYT.

- Đối với các hồ sơ, giấy tờ không theo mẫu quy định tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT do các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã cấp chưa đúng mẫu lệch ngày cấp.. các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH theo quy định tại mục a khoản 5 Điều 26 của Thông tư 56/2017/TT-BYT.

Nếu còn vấn đề khác liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để gặp chuyên gia tư vấn của LuatVietnam.

Mới: Đã có hướng dẫn điều trị Covid-19 cho trẻ em

Ngày 22/02/2022, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 405/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 ở trẻ em.

Theo đó, thời gian ủ bệnh khi trẻ mắc Covid-19 từ 02 - 14 ngày, trung bình là 04 - 05 ngày; có một hoặc nhiều triệu chứng như sốt, mệt mỏi, đau đầu, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, sổ mũi, mất vị giác/khứu giác, nôn và tiêu chảy, đau cơ. Tuy nhiên, thường thì trẻ em không có triệu chứng.

Một số triệu chứng khác ít gặp hơn như hồng ban các ngón chi, nổi ban da, rối loạn nhịp tim, trang dịch màng phổi, tràn dịch màng bụng, tràn dịch màng tim, gan to, viêm gan, bệnh não như co giật, hôn mê hoặc viêm não...

Thường trẻ sẽ hồi phục từ ngày 07 - 10 ngày nếu không có các biến chứng nặng, trẻ sẽ hết dần các triệu chứng lâm sàng và khỏi bệnh.

Đặc biệt, một trong các biến chứng nặng của bệnh như hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, bão cytokin (Đây là nguyên nhân quan trọng làm nặng hơn tình trạng hô hấp, suy đa tạng), nhiễm trùng đường huyết và sốc nhiễm trùng, tổn thương thận cấp...

Khi trẻ có một trong các dấu hiệu sau đây sẽ bị xem là nhiễm Covid-19 mức độ nặng: Viêm phổi nặng (trẻ khó chịu, quấy khóc, bú, ăn hoặc uống khó khăn, thở nhanh ≥ 1 dấu hiệu co rút lồng ngực hoặc thở rên, phập phồng cánh mũi; SpO2: 90-<94% khi thở khí trời...

Khi trẻ có một trong các dấu hiệu sau đây thì bị xem là mức độ nguy kịch: Suy hô hấp nặng SpO2<90% khi thở khí trời và có dấu hiệu nguy hiểm de doạ tính mạng nếu tim trung tâm, thở bất thường, rối loạn nhịp thở, hôn mê, khó đánh thức, huyết áp tụt, sốc, sốc nhiễm trùng, suy đa tạng...

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 22/02/2022.

Nếu có thắc mắc về các quy định liên quan đến phòng, chống Covid-19, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề
Bộ GDĐT trả lời đề xuất không tổ chức thi tốt nghiệp THPT

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT)đã có Công văn 5806/BGDĐT-QLCL về việc trả lời kiến nghị cử tri gửi tới trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, cử tri TP. Hải Phòng đề nghị Bộ GDĐT xem xét, nghiên cứu phương án không tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), thay vào đó là thực hiện xét công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh căn cứ vào kết quả học tập và rèn luyện ở trường phổ thông.

Trả lời đề xuất trên, Bộ GDĐT cho biết, kết quả của kỳ thi này rất quan trọng, được sử dụng cho nhiều mục tiêu khác nhau: Đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông…

Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức với mục đích đánh giá mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; nếu thí sinh đáp ứng chuẩn đầu ra thì sẽ được công nhận tốt nghiệp THPT.

 

Việc phân hóa này rất có ý nghĩa cho công tác quản lý giáo dục, tạo động lực để chất lượng giáo dục được duy trì ổn định, không ngừng nâng cao. Thêm nữa, với đặc điểm văn hóa của người Việt Nam, nếu không tổ chức một kỳ thi kết thúc bậc học THPT sẽ không tạo động lực học tập tích cực, thậm chí sẽ có một bộ phận không nhỏ học sinh phổ thông không học với suy nghĩ không thi, không học.

Với các lý do trên, việc học sinh phải tham gia kỳ thi cuối cùng khi kết thúc 12 năm học tập ở bậc phổ thông được tổ chức nghiêm túc, khách quan, công bằng lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và sử dụng kết quả vào nhiều mục tiêu khác nhau là cần thiết.

Bộ này cũng lưu ý thêm, cùng với việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, công tác phân luồng học sinh cấp THPT cũng được Bộ GDĐT chú trọng.

Các vấn đề liên quan đến phương án thi tốt nghiệp THPT quốc gia sẽ được LuatVietnam cập nhật liên tục. Nếu có thắc mắc liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192  để được hỗ trợ, giải đáp.

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM

Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919

Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724

Email: [email protected]

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.