Điểm tin Văn bản mới số 08.2021

Điểm tin văn bản

Lao động-Tiền lương
Bộ LĐTBXH giải đáp về 3 trường hợp được về hưu năm 2021

Một số nội dung vướng mắc trong thực hiện Nghị định 135/2020/NĐ-CP về tuổi nghỉ hưu đã được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội giải đáp tại Công văn 362/LĐTBXH-BHXH.

1. Các trường hợp đủ điều kiện giải quyết hưởng lương hưu từ ngày 01/01/2021 gồm:

- Lao động nam sinh tháng 12/1960 và lao động nữ sinh tháng 12/1965 làm việc trong điều kiện lao động bình thường;

- Lao động nam sinh tháng 12/1965 và lao động nữ sinh tháng 12/1970:

+ Có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

+ Hoặc có từ đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01/01/2021);

+ Hoặc được xác định bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81% trước ngày 01/01/2021;

- Lao động nam sinh tháng 12/1970 và lao động nữ sinh tháng 12/1975 được xác định bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên trước ngày 01/01/2021.

2. Đối với trường hợp người lao động tiếp tục làm việc sau khi đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định thì thời điểm nghỉ hưu là thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.

3. Việc xác định mốc tuổi để tính số năm nghỉ hưu trước tuổi làm cơ sở tính giảm tỷ lệ hưởng lương hưu quy định tại khoản 3 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 135/2020/NĐ-CP, trong đó căn cứ vào thời điểm nghỉ hưu trước tuổi của người lao động để xác định mốc tuổi theo tuổi nghỉ hưu đã được quy định tại khoản 2 Điều 4 và khoản 2 Điều 5 Nghị định 135/2020/NĐ-CP.

4. Việc xác định số năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 45% được căn cứ vào thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu hàng tháng của người lao động.

5. Việc xác định “đủ tuổi hưởng lương hưu” để làm cơ sở xem xét, giải quyết hưởng BHXH một lần theo điểm a khoản 1 Điều 60 và điểm a khoản 1 Điều 77 Luật Bảo hiểm xã hội được căn cứ vào tuổi nghỉ hưu tại năm người lao động đề nghị giải quyết hưởng BHXH một lần.

6. Việc giải quyết hưởng lương hưu hàng tháng và trợ cấp hàng tháng đối với người lao động đã có quyết định nghỉ việc chờ giải quyết chế độ hưu trí, trợ cấp hằng tháng, đề nghị thực hiện theo quy định tại Điều 25 Nghị định 115/2015/NĐ-CP.

Đã có Thông tư hướng dẫn sử dụng lao động chưa thành niên

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động chưa thành niên.

Thông tư này quy định danh mục 13 công việc nhẹ mà người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi được làm gồm: Biểu diễn nghệ thuật; Vận động viên thể thao; Lập trình phần mềm; Các nghề truyền thống như chấm men gốm, cưa vỏ trai, làm giấy dó, làm nón lá, chấm nón… (không bao gồm các giai đoạn sử dụng hóa chất độc hại); Chăn thả gia súc tại nông trại; Cắt chỉ, đơm nút, thùa khuyết, đóng gói vào hộp các sản phẩm dệt thủ công…

Ngoài ra, Thông tư này cũng quy định danh mục 69 công việc gây tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa thành niên gồm: Trực tiếp luyện quặng kim loại màu (đồng, chì, thiếc, thuỷ ngân, kẽm, bạc); Đốt và ra lò luyện cốc; Đốt lò đầu máy hơi nước; Thu gom bã thải sản xuất cồn công nghiệp; Nhuộm, hấp, vải sợi; Khai thác đá, đập đá thủ công, cậy bẩy đá trên núi…

Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/3/2021.

Tài chính-Ngân hàng
Phải hoàn thành kê khai tài sản, thu nhập lần đầu trước 31/3/2021

Đây là yêu cầu đặt ra tại Công văn 252/TTCP-C.IV ngày 19/02/2021 của Thanh tra Chính phủ về việc kiểm soát tài sản, thu nhập.

Tại Công văn này, Thanh tra Chính phủ đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện kê khai, công khai về tài sản, thu nhập như sau:

- Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải xây dựng kế hoạch để thực hiện việc kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật.

- Các cơ quan, tổ chức, đơn vị lập danh sách những người giữ vị trí công tác quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 34 của Luật Phòng, chống tham nhũng để yêu cầu thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập lần đầu, người có nghĩa vụ kê khai nộp 02 bản kê khai cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai theo đúng quy định.

Trong đó, cần lưu ý:

- Việc kê khai, công khai Bản kê tài sản, thu nhập lần đầu nêu trên phải hoàn thành trước ngày 31/3/2021.

- Trong đợt này chỉ thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập lần đầu.

Việc kê khai hàng năm, kê khai bổ sung của năm 2021 sẽ thực hiện vào cuối năm 2021 bảo đảm hoàn thành trước ngày 31/12/2021.

Trường hợp phải kê khai tài sản, thu nhập để phục vụ công tác cán bộ mà người đó chưa kê khai tài sản, thu nhập lần đầu theo quy định thì thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập lần đầu và sử dụng Bản kê khai lần đầu để phục vụ công tác cán bộ lần đó.

Y tế-Sức khỏe
13 tỉnh, thành phố trả gộp lương hưu tháng 3, 4/2021

Tại Công văn 396/BHXH-TCKT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã quy định việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng trong thời gian tiếp tục thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, Bảo hiểm xã hội 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hải Dương, Quảng Ninh, Gia Lai, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Hòa Bình, Hà Giang, Điện Biên, Bình Dương, Hải Phòng, Hưng Yên thực hiện các nội dung sau:

- Chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tháng 03 và tháng 04/2021 vào cùng một kỳ chi trả.

- Bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp Bưu điện tỉnh đề xuất các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 tại các điểm chi trả và thời gian chi trả trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với từng địa bàn, tránh tập trung đông người…

Tại tất cả các điểm chi trả, bưu điện 13 tỉnh, thành phố phải tổ chức phun khử khuẩn trước và trong thời gian cơ quan bưu điện tổ chức chi trả; yêu cầu nhân viên bưu điện, người hưởng đeo khẩu trang trong suốt quá trình chi trả; trang bị nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang tại tất cả các điểm chi trả; tăng cường thêm nhân viên chi trả, bố trí thêm bàn chi trả để giảm thời gian chờ đợi của người hưởng, không để tập trung quá số người theo Chỉ thị số 05/CT-TTg, Thông báo số 28/TB-VPCP.

Riêng các địa bàn đang có dịch và bị phong tỏa: Xây dựng phương án tổ chức chi trả tại nhà cho người hưởng.

- Tăng cường vận động, khuyến khích người hưởng nhận chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp qua tài khoản cá nhân…

9 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm miễn phí vắc xin Covid-19

Tại Nghị quyết 21/NQ-CP do Chính phủ ban hành đã quy định 09 nhóm đối tượng ưu tiên tiêm và miễn phí vắc xin phòng Covid-19.

09 nhóm đối tượng này gồm:

1. Lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, gồm:

- Người làm việc trong các cơ sở y tế;

- Người tham gia phòng chống dịch (Thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ covid dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên...);

- Quân đội; Công an.

2. Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam được cử đi nước ngoài; hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh;

3. Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước...;

4. Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người;

5. Người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi;

6. Người sinh sống tại các vùng có dịch;

7. Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội;

8. Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài.

9. Các đối tượng khác do Bộ Y tế quyết định căn cứ yêu cầu phòng chống dịch.

Đồng thời, Nghị quyết này cũng quy định ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng trên ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có dịch; trong tỉnh, thành phố ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng ở vùng đang có dịch.

Xây dựng
5 huyện Hà Nội sắp lên quận, có thêm 3 thành phố Trung ương

Tại Quyết định 241/QĐ-TTg ban hành ngày 24/02/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030.

Theo Danh mục đô thị thực hiện phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030 ban hành kèm theo Quyết định 241, tại Hà Nội, các huyện: Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng dự kiến thành lập quận.

Ngoài ra, đáng chú ý, dự kiến Việt Nam sẽ có thêm 03 thành phố trực thuộc Trung ương gồm:

- Bắc Ninh;

- Thừa Thiên Huế;

- Khánh Hòa.

Thủ tướng giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Khẩn trương tổ chức rà soát, thực hiện phân loại đô thị trên địa bàn đáp ứng quy định của pháp luật về phân loại đô thị và Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030.

- Đối với các đô thị mới thành lập hoặc đã thực hiện sắp xếp sáp nhập đơn vị hành chính đô thị thì thực hiện rà soát điều chỉnh quy hoạch đô thị, chương trình phát triển đô thị, đầu tư phát triển đô thị đảm bảo tiêu chí phân loại đô thị; đánh giá phân loại lại để kiểm soát chất lượng đô thị.

- Nghiên cứu, tích hợp kế hoạch thực hiện phân loại đô thị giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn vào Quy hoạch tỉnh, Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh. Đối với đơn vị hành chính dự kiến tiếp tục thực hiện sắp xếp sáp nhập giai đoạn 2019 - 2021 và giai đoạn 2022 - 2030 phải đảm bảo sự phù hợp về Quy hoạch, Chương trình phát triển đô thị, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và hiệu quả kinh tế của địa phương.

Hành chính
Ấn định độ tuổi ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV

Cuối tháng 01/2021, Ban Tổ chức Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Hướng dẫn 36-HD/BTCTW về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Tiêu chuẩn về độ tuổi đại biểu Quốc hội khóa XV được quy định như sau:

- Cán bộ, công chức, viên chức lần đầu ứng cử nói chung phải đủ tuổi tham gia 02 khóa Quốc hội trở lên hoặc ít nhất trọn một khóa:

+ Nam sinh từ tháng 02/1966;

+ Nữ sinh từ tháng 01/1971 trở lại đây.

- Đại biểu Quốc hội chuyên trách tái cử (trừ các đồng chỉ ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội) phải còn đủ tuổi công tác ít nhất là 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên tính đến tháng 5/2021:

+ Nam sinh từ tháng 8/1963;

+ Nữ sinh từ tháng 7/1968 trở lại đây.

- Riêng những người ứng cử đại biểu Quốc hội là cán bộ Quân đội, Công an thực hiện theo độ tuổi quy định tại Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân.

- Đối với những trường hợp tuổi ứng cử cao hơn, như ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các hội theo Kết luận số 58-KL/TW ngày 12/9/2019 của Ban Bí thư do cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ xem xét, quyết định.

- Đại biểu Quốc hội là cán bộ nữ thuộc đối tượng nghỉ hưu ở tuổi cao hơn theo Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị định của Chính phủ được tính tuổi công tác như nam, người ứng cử lần đầu sinh từ tháng 01/1966, tái cử sinh từ tháng 07/1963 trở lại đây.

- Các đồng chí không đủ tuổi tái cử nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu thì cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ xem xét, bố trí công tác phù hợp hoặc giữ nguyên một số chế độ, chờ đủ tuổi nghỉ hưu; những đồng chí có nguyện vọng nghỉ chế độ trước tuổi thì giải quyết theo Nghị định 26/2015/NĐ-CP và Hướng dẫn 27-HD/BTCTW 2019.

- Đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương khi đến tuổi nghỉ hưu được giữ chức vụ công tác đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương khi đến tuổi nghỉ hưu thì thôi giữ các chức vụ và tiếp tục làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đến hết nhiệm kỳ.

Tư pháp-Hộ tịch
Thêm giấy tờ chứng minh được miễn đào tạo nghề công chứng

Ngày 03/02/2021, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư 01/2021/TT-BTP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật công chứng.

Theo đó, so với quy định hiện nay tại Thông tư số 06/2015/TT-BTP, khoản 2 Điều 3 Thông tư 01 này đã bổ sung nhiều loại giấy tờ chứng minh người được miễn đào tạo nghề công chứng.

Cụ thể, một trong các giấy tờ sau đây được xem là giấy tờ chứng minh người được miễn đào tạo nghề công chứng:

- Quyết định bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm lại thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên hoặc Giấy chứng minh thẩm phán, kiểm sát viên, Giấy chứng nhận điều tra viên kèm theo giấy tờ chứng minh đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên từ 05 năm trở lên (bổ sung thêm quyết định bổ nhiệm lại);

- Quyết định bổ nhiệm chức danh (trước đây là phong hàm) Giáo sư, Phó Giáo sư chuyên ngành luật, Bằng tiến sĩ luật; trường hợp Bằng tiến sĩ luật được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài thì phải được công nhận văn bằng theo quy định (bổ sung thêm trường hợp bằng tiến sĩ được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài);

- Chứng chỉ hành nghề luật sư và Thẻ luật sư kèm theo giấy tờ chứng minh thời gian hành nghề luật sư từ 05 năm trở lên (trước đây đang quy định giấy xác nhận của Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư về thời gian hành nghề luật sư)…

Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 26/3/2021.

Vi phạm hành chính
Đánh đập, hành hạ tàn nhẫn chó, mèo bị phạt tới 3 triệu đồng

Nghị định 14/2021/NĐ-CP do Chính phủ ban hành đã quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi, có hiệu lực từ ngày 20/4/2021.

Khoản 1 Điều 29 Nghị định này quy định mức phạt với vi phạm về đối xử nhân đạo với vật nuôi như sau:
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi.

Ngoài ra, phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng đối với cơ sở giết mổ tập trung có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Không có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh trước khi giết mổ;

- Đánh đập vật nuôi trước khi giết mổ;

- Không có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ.

Trước đây, Luật Chăn nuôi 2018 cũng yêu cầu chủ vật nuôi phải đối xử nhân đạo với vật nuôi trong chăn nuôi, trong vận chuyển, giết mổ và nghiên cứu khoa học.

Không được bỏ đói, phải cung cấp đủ thức ăn, nước uống đảm bảo vệ sinh cũng như không được đánh đập, hành hạ vật nuôi. Phòng bệnh và trị bệnh theo quy định của pháp luật về thú y.

Khi giết mổ, hạn chế gây sợ hãi, đau đớn cho vật nuôi; không đánh đập, hành hạ vật nuôi. Có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ; không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ...

Lưu ý: Mức phạt tiền nêu trên là đối với cá nhân. Đối với tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì bị phạt tiền gấp đôi.

Nghị định 14/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/4/2021 và thay thế Nghị định 90/2017/NĐ-CP, Nghị định 64/2018/NĐ-CP.

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM

Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919

Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724

Email: [email protected]

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.