Điểm tin Văn bản mới số 07.2022

Điểm tin văn bản

Thuế-Phí-Lệ phí
Đã có hướng dẫn của Tổng cục Hải quan về giảm thuế VAT

Ngày 18/02/2022, Tổng cục Hải quan đã có Công văn hỏa tốc số 521/TCHQ-TXNK thực hiện Nghị định 15/2022/NĐ-CP.

Tại Công văn, Tổng cục Hải quan đưa ra một số nội dung hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 43/2022 và Nghị định số 15/2022 như sau:

- Việc khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hàng hóa nhập khẩu căn cứ vào thực tế hàng hóa nhập khẩu, đối chiếu với hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế GTGT và mức thuế suất thuế GTGT theo quy định.

- Chính sách giảm thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu thực hiện theo phạm vi hàng hóa quy định tại Nghị quyết số 43/2022 và Nghị định số 15/2022.

Đối với việc khai thuế GTGT hàng hóa nhập khẩu được giảm thuế GTGT, yêu cầu thực hiện theo đúng quy định nêu trên.

Ngoài ra, hàng hóa nhập khẩu thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế GTGT, đáp ứng tiêu cí nêu tại cột 8 “Tên sản phẩm”, cột 9 “Nội dung” của Phụ lục I và phần A Phụ lục III, cột 3 “Hàng hóa” của Phần B Phụ lục III, hàng hóa nhập khẩu chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 15/2022 thì áp dụng thuế GTGT 10%.

Trường hợp hàng hóa tại Phụ lục I và Phụ lục II xác định mã số HS là:

- Chương (02 chữ số), không chi tiết nhóm (04 chữ số), phân nhóm (06 chữ số) hoặc mã số (08 chữ số) thì toàn bộ mã hàng 08 chữ số thuộc chương đó áp dụng thuế GTGT 10%.

- Chương (02 chữ số) có chi tiết đến nhóm (04 chữ số), không chi tiết phân nhóm (06 chữ số) hoặc mã số (08 chữ số) thì toàn bộ mã hàng 08 chữ số thuộc nhóm đó áp dụng thuế GTGT 10%.

- Chương (02 chữ số), có chi tiết đến phân nhóm (06 chữ số), không chi tiết mã số (08 chữ số) thì toàn bộ mã hàng 08 chữ số thuộc phân nhóm đó áp dụng thuế GTGT 10%.

- Chương (02 chữ số), có chi tiết đến mã HS 08 chữ số thì chỉ mã hàng 08 chữ số đó áp dụng thuế GTGT 10%.

Nếu có thêm thắc mắc, các doanh nghiệp và bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6199 .

Quy định mới về thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ

Ngày 31/12/2021, Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư 45/2021/TT-BGTVT quy định về hoạt động trạm thu phí đường bộ.

Trước đây, Thông tư 15/2020/TT-BGTVT quy định về hoạt động trạm thu phí đường bộ chưa có quy định rõ ràng về hình thức và phương thức thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ.

Tuy nhiên, từ ngày 31/3/2022, Thông tư 15 sẽ được thay thế bởi Thông tư 45/2021/TT-BGTVT. Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải đã quy định cụ thể về hình thức và phương thức thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ như sau:

- Thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ được thực hiện theo hình thức điện tử không dừng và hình thức một dừng.

+ Hình thức điện tử không dừng là hình thức thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ tự động, phương tiện tham gia giao thông đường bộ không phải dừng lại để trả tiền sử dụng đường bộ khi qua trạm thu phí;

+ Hình thức một dừng là hình thức thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ mà khi qua trạm thu phí, phương tiện giao thông đường bộ thực hiện một lần dừng khi qua cửa kiểm soát làn thu phí để trả tiền dịch vụ sử dụng đường bộ.

- Thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ được thực hiện theo phương thức mở và phương thức kín.

+ Phương thức mở là phương thức thu mà chủ phương tiện phải trả một mức tiền tại trạm thu phí không phụ thuộc vào chiều dài quãng đường phương tiện đã đi được trên đoạn đường thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ mà chỉ phụ thuộc vào kiểu loại phương tiện;

+ Phương thức kín là phương thức thu mà chủ phương tiện phải trả một mức tiền tại trạm thu phí dựa vào chiều dài quãng đường phương tiện đã đi được trên đoạn đường thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ và kiểu loại phương tiện.

Các đoạn tuyến cao tốc; các đoạn tuyến cao tốc nối tiếp nhau; các tuyến cao tốc; các tuyến cao tốc liên kết với nhau được tổ chức thu thành một hệ thống thu thực hiện theo phương thức kín.

Làn thu phí hỗn hợp (làn thu phí áp dụng cả hình thức điện tử không dừng và hình thức một dừng) tại trạm thu phí được bố trí theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều 5 Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg.

Hình thức và phương thức thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ được cấp có thẩm quyền quyết định trong Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đầu tư hoặc trong Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 31/3/2022.

Mọi thắc mắc liên quan, quý độc giả có thể liên hệ đến tổng đài 1900.6199 để được LuatVietnam hỗ trợ kịp thời.

Lao động-Tiền lương
Hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng

Ngày 31/12/2021, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 37/2021/TT-BLĐTBXH về việc hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) và trợ cấp hằng tháng, thời điểm hưởng lương hưu đối với trường hợp không còn hồ sơ gốc.

Theo đó, từ ngày 01/01/2022, mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng tăng 7,4% so với mức của tháng 12/2021, đối với:

- (1) Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động, quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng;

- (2) Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng lương hưu hằng tháng;

- (3) Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng theo quy định của pháp luật; người đang hưởng trợ cấp hằng tháng trước 01/01/2022.

Công thức tính:​

Mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng từ 01/2022 = Mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng từ 12/2021 x 1,074

Từ ngày 01/01/2022, với các đối tượng (1) và (3) hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng trước 01/01/1995:

- Người có mức lương hưu, trợ cấp hằng tháng với người có mức lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ 2,3 triệu đồng/người/tháng trở xuống sẽ tăng thêm 200.000 đồng/tháng:

Mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng sau điều chỉnh = Mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng trước điều chỉnh + 200.000 đồng/tháng

- Người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hằng tháng từ trên 2,3 đến dưới 2,5 triệu đồng/người/tháng:

Mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng sau điều chỉnh = 2,5 triệu đồng/tháng

Ngoài ra, Thông tư này còn quy định thời gian hưởng lương hưu với trường hợp không còn hồ sơ gốc làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01/01/1995 là thời điểm ghi trong văn bản giải quyết của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Thông tư có 37 hiệu lực từ ngày 15/3/2022.

Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6199  để được hỗ trợ, giải đáp.

Y tế-Sức khỏe
Công điện mới nhất của Bộ Y tế về phòng chống Covid-19

Ngày 21/02/2022, Bộ Y tế đã có Công điện 235/CĐ-BYT về việc tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Tại Công điện, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường thực hiện một số biện pháp sau:

- Điều trị toàn diện, phân tầng điều trị, giảm tối đa các trường hợp tử vong là ưu tiên hàng đầu; kịp thời chuyển tuyến, chuyển tầng điều trị; không để xảy ra tình trạng người mắc Covid-19 không liên hệ được với cơ sở y tế, không được quản lý, theo dõi y tế, cấp phát thuốc điều trị.

- Bao phủ liều bổ sung, liều nhắc lại cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên và đủ liều cơ bản cho các đối tượng từ 12-17 tuổi. Chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiêm vắc xin cho trẻ từ 05 - 11 tuổi ngay khi có hướng dẫn.  

 

- Căn cứ vào việc đánh giá cấp độ dịch của địa phương (đến địa bàn cấp xã), tổ chức sớm đưa học sinh trở lại trường để tổ chức dạy, học trực tiếp; bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, tạo sự yên tâm, đồng thuận cho trẻ em mầm non, học sinh đến trường an toàn.

- Không tụ tập, không đến nơi đông người khi không cần thiết; tham gia tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ, không vì đã tiêm vắc xin mà lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, tuyên truyền người dân, các cơ quan, đơn vị, trường học, xí nghiệp,... thực hiện thông thoáng nhà cửa, nơi làm việc để giảm nguy cơ lây nhiễm. Khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe (ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác...) thì báo ngay cơ quan y tế....

Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Các địa phương được tự quyết định việc mở lại karaoke, vũ trường

Ngày 18/02/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn 497/BVHTTDL-VHCS về việc tổ chức các hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường trong điều kiện bình thường mới.

Tại Công văn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ kết quả đánh giá cấp độ dịch bệnh theo Hướng dẫn của Bộ Y tế tại mỗi địa phương, khu vực để xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch mở cửa lại các hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường.

Theo đó, các địa phương hướng dẫn điều kiện đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch trước khi tổ chức hoạt động trở lại dịch vụ karaoke, vũ trường.

Trong đó, yêu cầu các chủ cơ sở kinh doanh tuân thủ nghiêm Hướng dẫn của địa phương về các biện pháp vệ sinh phòng, chống dịch lây nhiễm Covid-19 tại khu vực cung cấp dịch vụ karaoke, vũ trường (khử khuẩn, thông khí...).

Người tham gia dịch vụ cần thực hiện nghiêm 5K, tiêm phòng vắc xin đủ liều. Đặc biệt, không cung cấp dịch vụ cho người đang có triệu chứng mắc Covid-19 (ho, sốt...).

Ngoài ra, Bộ này cũng yêu cầu tổ chức triển khai phương án kiểm tra, rà soát các biện pháp vệ sinh, phòng, chống lây nhiễm tại khu vực cung cấp dịch vụ karaoke, vũ trường.

Đồng thời, xây dựng Kế hoạch dự phòng với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra trong khu vực cung cấp dịch vụ để khoanh vùng gọn, không để lây lan ra cộng đồng (nếu ghi nhận ổ dịch).

Nếu có thắc mắc về các chính sách phòng, chống Covid-19, bạn đọc liên hệ 1900.6192 để được giải đáp.

Nóng: Bộ Y tế ban hành giá xét nghiệm Covid-19 mới từ 21/02/2022

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 02/2022/TT-BYT quy định giá xét nghiệm SARS-CoV-2 mới sẽ áp dụng ngay từ ngày 21/02/2022 tới đây.

Cụ thể, Điều 3 Thông tư này quy định mức giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 từ ngày 21/02/2022 - ngày Thông tư này có hiệu lực như sau:

- Test nhanh mẫu đơn: Mức giá chưa gồm sinh phẩm xét nghiệm là 11.200 đồng/xét nghiệm và đã gồm chi phí trực tiếp và chi phí tiền lương cộng chi phí sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 tối đa không quá 78.000 đồng/xét nghiệm (quy định cũ tại Thông tư 16 là 109.700 đồng/xét nghiệm).

- Test bằng máy miễn dịch tự động hoặc bán tự động mẫu đơn: Mức thanh toán tối đa không quá 178.900 đồng/xét nghiệm (quy định cũ tại Thông tư 16 là 186.600 đồng/xét nghiệm).

- Test PCR:

+ Trường hợp mẫu đơn: Giá dịch vụ tối đa không quá 501.800 đồng/xét nghiệm (quy định cũ tại Thông tư 16 là không quá 518.400 đồng/xét nghiệm).

+ Trường hợp gộp mẫu ≤ 5 que tại nơi lấy mẫu: Mức giá thanh toán chi phí dịch vụ xét nghiệm khi gộp 02 que: 223.300 đồng/xét nghiệm; gộp 03 que: 175.100 đồng/xét nghiệm; gộp 04 que: 151.000 đồng/xét nghiệm; gộp 05 que: 136.600 đồng/xét nghiệm.

+ Trường hợp gộp mẫu ≤ 5 mẫu tại phòng xét nghiệm: Mức giá thanh toán chi phí dịch vụ xét nghiệm khi gộp 02 mẫu: 257.000 đồng/xét nghiệm; gộp 03 mẫu: 208.800 đồng/xét nghiệm; gộp 04 mẫu: 184.700 đồng/xét nghiệm; gộp 05 mẫu: 170.300 đồng/xét nghiệm...

Lưu ý: Cơ cấu giá dịch vụ xét nghiệm tại Thông tư này bao gồm chi phí trực tiếp lấy mẫu, bảo quản mẫu, thực hiện, trả kết quả xét nghiệm; chi phí tiền lương không bao gồm phụ cấp phòng, chống dịch; chi phí sinh phẩm xét nghiệm theo thực tế sử dụng và giá mua.

Thông tư 02 này được ban hành ngày 18/02/2022.

Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6199 để được chuyên gia của LuatVietnam giải đáp, hỗ trợ.

Nóng: Bộ Y tế giảm thời gian cách ly F1 tại nhà

Bộ Y tế đã ban hành Công văn 762/BYT-DP ngày 21/02/2022 về cách ly y tế đối với ca bệnh Covid-19 và các trường hợp tiếp xúc gần (F1).

Theo đó, tại Công văn, Bộ Y tế điều chỉnh thời gian cách ly F1 như sau:

- Trường hợp đã tiêm đủ ít nhất 02 mũi vắc xin phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 03 tháng tính đến thời điểm được xác định là đối tượng F1:

+ Thực hiện cách ly y tế 05 ngày tại nhà, nơi lưu trú hoặc các khu vực đủ điều kiện cách ly khác do cơ quan, tổ chức, đơn vị địa phương, trường học bố trí, thiết lập kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng;

+ Xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR, kháng nguyên (xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc bằng máy miễn dịch) vào ngày cách ly thứ 05.

Nếu kết quả âm tính thì tiếp tục tự theo dõi sức khoẻ trong 05 ngày tiếp theo và nghiêm túc thực hiện 5K, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe (sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác... thì báo cho cơ quan y tế.

 

- Trường hợp chưa tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19:

+ Cách ly y tế 07 ngày tại nhà, nơi lưu trú hoặc các khu vực đủ điều kiện cách ly khác do cơ quan, tổ chức, đơn vị địa phương, trường học bố trí, thiết lập kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng;

+ Xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR hoặc kháng nguyên (xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc bằng máy miễn dịch) vào ngày cách ly thứ 07.

Nếu kết quả âm tính thì tiếp tục tự theo dõi sức khoẻ trong 03 ngày tiếp theo và nghiêm túc thực hiện 5K, nếu có dấu hiệu bất thường về sức thì báo cho cơ quan y tế để theo dõi, xét nghiệm và xử trí.

Theo Hướng dẫn trước đây tại Công văn 10696, F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi Covid-19 thì được cách ly tại nhà trong vòng 07 ngày nếu nhà có đủ điều kiện cách ly, tự theo dõi sức khoẻ 07 ngày tiếp theo.

Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Tiêu chuẩn dỡ bỏ cách ly với người mắc Covid-19 điều trị tại nhà

Đây là nội dung quy định tại Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 ban hành kèm Quyết định 250/QĐ-BYT ngày 28/01/2022 của Bộ Y tế.

Cụ thể, đối với người bệnh Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà theo quy định sẽ được dỡ bỏ cách ly, điều trị tại nhà khi:

-Thời gian cách ly, điều trị đủ 07 ngày và kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính vi rút SARS-CoV-2 do NVYT thực hiện hoặc người bệnh tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.

- Trong trường hợp sau 07 ngày kết quả xét nghiệm còn dương tính thì tiếp tục cách ly đủ 10 ngày đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin theo quy định; và 14 ngày đối với người chưa tiêm đủ liều vắc xin theo quy định.

- Trạm Y tế nơi quản lý người bệnh chịu trách nhiệm xác nhận khỏi bệnh cho người bệnh.

Bên cạnh đó, đối với người bệnh Covid-19 không mắc bệnh nền nằm điều trị các các cơ sở thu dung, điều trị, điều kiện xuất viện như sau:

- Thời gian cách ly, điều trị tại các cơ sở thu dung, điều trị ít nhất là 05 ngày, các triệu chứng lâm sàng đỡ, giảm nhiều, hết sốt (không dùng thuốc hạ sốt) trước ngày ra viện từ 03 ngày trở lên và:

+ Có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp Real-time RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 hoặc nồng độ vi rút thấp (Ct ≥ 30, bất kỳ gen đặc hiệu nào) hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính với vi rút SARS-CoV-2, người bệnh được ra viện.

+ Nếu kết quả xét nghiệm bằng phương pháp Real-time RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2 với nồng độ vi rút cao (Ct < 30, bất kỳ gen đặc hiệu nào) hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên còn dương tính với vi rút SARS-CoV-2 thì tiếp tục cách ly đủ 10 ngày (không nhất thiết phải làm lại xét nghiệm).

- Người bệnh sau khi ra viện tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong 07 ngày. Đo thân nhiệt 02 lần/ngày. Nếu thân nhiệt cao hơn 380C ở hai lần đo liên tiếp hoặc có bất kỳ dấu hiệu lâm sàng bất thường nào thì cần báo cho y tế cơ sở để thăm khám và xử trí kịp thời. Tuân thủ thông điệp 5K.

Nếu có thắc mắc liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6199  để được hỗ trợ, giải đáp. 

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề
Nhà trường có F0, học sinh không phải F1 vẫn đi học bình thường

Đây là nội dung được nêu tại Công văn 796/BYT-MT ngày 21/02/2022 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi tổ chức dạy, học trực tiếp.

Cụ thể, Bộ Y tế hướng dẫn quy trình xử trí khi phát hiện trường hợp mắc Covid-19 trong cơ sở giáo dục như sau:

Bước 1: Khi có trường hợp F0, báo ngay Hiệu trưởng/Ban chỉ đạo/Tổ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 của nhà trường.

Cán bộ y tế trường học hoặc Ban chỉ đạo/Tổ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 của nhà trường chuyển ngay trường hợp F0 xuống phòng cách ly tạm thời của trường học theo lối đi riêng đã được phân luồng. 

Bước 2: Thông báo đồng thời ngay cho trạm y tế cấp xã hoặc cơ sở y tế đã được giao nhiệm vụ phân công hỗ trợ trường học để ngay lập tức đến xử lý cùng.

Bước 3: Đối với lớp học có học sinh F0:

Giáo viên chủ nhiệm cho học sinh ngồi yên tại chỗ. Cán bộ y tế trường học và Ban chỉ đạo/Tổ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 của nhà trường, cán bộ y tế cấp xã tổ chức điều tra xác định các trường hợp F1 theo hướng dẫn của ngành y tế.

Tổ chức xét nghiệm kháng nguyên nhanh ngay cho toàn bộ học sinh của lớp đó, nếu trường hợp có kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2 thì được xác định là F0 và xử lý theo qui định.

Nếu không phải là F1 và kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính: cho những học sinh này đi học trở lại bình thường.

Nhà trường có F0, học sinh không phải F1 vẫn đi học (Ảnh minh họa)

 

Nếu là F1 và kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính:

- Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 05 ngày và xét nghiệm ngày thứ 05 đối với:

+ Học sinh là F1 và đã tiêm đủ ít nhất 02 liều vắc xin phòng Covid-19 theo qui định, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày;

+ Hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 03 tháng tính đến thời điểm được xác định là đối tượng F1 (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh Covid19).

- Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 07 ngày và xét nghiệm ngày thứ 07 đối với những học sinh là F1 và chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin phòng Covid-19.

Riêng đối với khối mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ: Nếu trong lớp học có 01 ca xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính thì cho toàn bộ trẻ trong lớp đó cách ly, theo dõi sức khoẻ tại nhà, nơi lưu trú 07 ngày và xét nghiệm (RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh) vào ngày thứ 7. 

 

Bước 4: Đối với lớp học có F0, sau khi xác định F1, cho học sinh không phải F1 di chuyển sang lớp học dự phòng và khử khuẩn toàn bộ lớp học.

Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM

Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919

Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724

Email: [email protected]

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.