Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Tại Công văn số 427/TCT-TTHT ngày 22/02/2021, Tổng cục Thuế giới thiệu điểm mới và triển khai thực hiện Thông tư hướng dẫn quản lý hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế.
Ngày 26/01/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 10/2021/TT-BTC hướng dẫn quản lý hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế, có hiệu lực từ ngày 12/3/2021, thay thế Thông tư số 117/2012/TT-BTC.
Theo đó, Tổng cục Thuế giới thiệu nội dung điểm mới của Thông tư này gồm:
- Bổ sung thêm 02 dịch vụ đại lý thuế được cung cấp cho người nộp thuế gồm: Dịch vụ tư vấn về thuế và dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ (khoản 1 Điều 2 Thông tư 117/2012/TT-BTC chỉ quy định dịch vụ làm thủ tục về thuế).
- Người dự thi phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc ngành, chuyên ngành kinh tế, thuế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật hoặc có bằng tốt nghiệp đại học trở lên (trước đây chỉ yêu cầu bằng cao đẳng trở lên) và nâng thời gian công tác thực tế lên 36 tháng (trước đây là 02 năm)…
- Bỏ quy định nộp sơ yếu lý lịch, giấy tờ miễn môn thi vì theo quy định mới không quy định xét miễn môn thi khi dự thi trong hồ sơ thi…
- Người dự thi có thể nộp hồ sơ dự thi bằng phương thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế (khoản 3 Điều 12 Thông tư 117 quy định hồ sơ dự thi được nộp trực tiếp tại Tổng cục Thuế hoặc nộp qua đường bưu chính)…
Ngày 26/01/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 10/2021/TT-BTC hướng dẫn quản lý hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế.
Theo đó, về việc tổ chức thi, cấp, thu hồi chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế, Điều 4 Thông tư 10/2021 đã có nhiều quy định mới về điều kiện dự thi so với Điều 11 Thông tư 117/2012 hiện đang có hiệu lực.
Cụ thể, người dự thi lấy chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế là người Việt Nam hoặc người nước ngoài được phép cư trú tại Việt Nam từ 12 tháng trở lên và phải có các điều kiện sau đây:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (hiện nay không quy định);
- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc ngành, chuyên ngành kinh tế, thuế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật (hiện nay chỉ yêu cầu bằng tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên);
- Hoặc có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc các chuyên ngành khác mà có tổng số đơn vị học trình/tín chỉ/tiết học của môn kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, thuế, phân tích hoạt động tài chính từ 7% trở lên trên tổng số học trình/tín chỉ/tiết học của khóa học;
- Có thời gian công tác thực tế về thuế, tài chính, kế toán, kiểm toán từ 36 tháng trở lên. Trong đó, thời gian này được tính cộng dồn từ thời gian tốt nghiệp ghi trên bằng đại học (hoặc sau đại học) đến thời điểm đăng ký dự thi (hiện nay đang quy định 02 năm);
- Nộp đầy đủ hồ sơ dự thi, chi phí dự thi.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 12/3/2021.
Đây là nội dung được Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành tại Công văn 296/BHXH-CSYT ngày 02/02/2021 hướng dẫn một số quy định tại Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế.
Công văn hướng dẫn một số nội dung về khám chữa bệnh (KCB) trái tuyến như sau:
- Trường hợp người được hẹn khám lại sau khi đi KCB không đúng tuyến theo quy định tại khoản 3 và khoản 6 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế (kể cả trường hợp sau điều trị nội trú) thì lần khám hoặc đợt điều trị có sử dụng giấy hẹn khám lại đó vẫn là KCB trái tuyến.
- Trường hợp người tham gia bảo hiểm y tế đi KCB không đúng tuyến theo quy định tại điểm c khoản 3 và khoản 6 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế có chi phí trong một lần KCB nội trú hoặc ngoại trú (chỉ trường hợp KCB ngoại trú tại bệnh viện tuyến huyện) thấp hơn 15% mức lương cơ sở được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí KCB trong phạm vi hưởng BHYT.
- Để bảo đảm việc sử dụng nguồn kinh phí KCB bảo hiểm y tế hợp lý, hiệu quả, nâng cao trách nhiệm của cơ sở KCB và người tham gia bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội các tỉnh có văn bản đề nghị các cơ sở KCB bảo hiểm y tế sớm xây dựng và hoàn thiện hướng dẫn chẩn đoán và điều trị trong đó có quy định cụ thể tiêu chuẩn nhập viện điều trị nội trú, nội trú ban ngày như chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế tại Chỉ thị 25/CT-BYT.
Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 chiều 15/02/2021 đã được tổng kết tại Thông báo 28/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ.
Thủ tướng giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khẩn trương chỉ đạo:
- Áp dụng các biện pháp cụ thể phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện địa phương như dừng, không tổ chức lễ hội, hoạt động, sự kiện tập trung đông người không cần thiết; có phương án cho học sinh học trực tuyến, nghỉ học; hạn chế việc chúc Tết, du xuân… Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ động quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp trên địa bàn, có sự tham mưu của ngành y tế trước khi quyết định;
- Không dừng hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng phải đảm bảo an toàn tại các cơ sở sản xuất kinh doanh;
- Tiếp tục rà soát chặt chẽ, triệt để, thực hiện truy vết thần tốc, xét nghiệm trên diện rộng với các đối tượng có nguy cơ, các trường hợp tiếp xúc gần với người bệnh, người nhập cảnh trái phép…;
- Thúc đẩy làm việc trên môi trường mạng và các hoạt động trực tuyến;
- Ủy ban nhân dân TP Hà Nội và TP. HCM quyết định biện pháp giãn cách xã hội đối với một số khu vực, địa điểm cụ thể có nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh…
Sở Y tế TP.HCM mới đây đã ban hành Công văn 896/SYT-NVY về tổ chức giám sát đối với người trở về TP.HCM.
Theo Công văn này, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trong nước, nhằm đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, phòng ngừa tối đa nguy cơ xâm nhập và lây nhiễm dịch bệnh tại Thành phố trong giai đoạn hiện nay, Sở Y tế đề nghị triển khai các nội dung sau:
- Tất cả các Sở, ban, ngành, cơ quan, tổ chức, cơ sở y tế trên địa bàn thành phố phổ biến, chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị mình và trong tất cả các đơn vị trực thuộc, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý, nếu từ các tỉnh, thành phố khác trở về TP.HCM trong vòng 14 ngày qua phải thực hiện khai báo y tế nghiêm túc, trung thực:
+ Nếu về từ các tỉnh, thành phố đang có ổ dịch theo thông báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (cập nhật trên trang Thông tin điện tử hcdc.vn), thực hiện khai báo y tế, liên hệ thông báo ngay cho chính quyền và y tế địa phương để được hướng dẫn giám sát y tế, xét nghiệm kiểm tra theo hướng dẫn cụ thể của ngành y tế.
+ Nếu về từ các tỉnh, thành phố khác: thực hiện khai báo y tế trên trang tokhaiyte.vn của Bộ Y tế để phục vụ công tác giám sát khi cần thiết.
- Kiểm tra, vận động người trở về Thành phố từ các tỉnh, thành phố khác trong vòng 14 ngày qua thực hiện khai báo y tế; liên hệ y tế địa phương để được hướng dẫn giám sát y tế, xét nghiệm kiểm tra nếu đi về từ vùng dịch.
Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định 1210/QĐ-BYT về việc phê duyệt kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin phòng Covid-19 giai đoạn 2021-2022 do COVAX Facility hỗ trợ.
Theo đó, các nhóm đối tượng tiêm vắc xin Covid-19 sắp xếp theo mức độ ưu tiên theo tình huống dịch và trong bối cảnh nguồn vắc xin cung cấp hạn chế tại Việt Nam.
Cụ thể gồm 11 nhóm đối tượng sau đây:
- Nhân viên y tế;
- Nhân viên tham gia phòng chống dịch (Ban Chỉ đạo các cấp, nhân viên khu cách ly, phóng viên...);
- Nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh;
- Lực lượng quân đội;
- Lực lượng công an;
- Giáo viên;
- Người trên 65 tuổi;
- Nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện, nước...
- Người mắc các bệnh mãn tính;
- Người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài;
- Người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ.
Trong đó, ưu tiên sử dụng vắc xin đáp ứng tiêu chí về tính an toàn, hiệu lực bảo vệ cao, được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành hoặc giấy phép nhập khẩu…
Theo kế hoạch, Việt Nam hướng tới mục tiêu 80% dân số được tiêm vắc xin phòng Covid-19 với khoảng 20% dân số cả nước được tiêm vắc xin phòng Covid-19 khi có đủ nguồn vắc xin; 95% đối tượng nguy cơ được tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Dự kiến Việt Nam sẽ được cung ứng số lượng 4.886.600 liều vắc xin ngừa Covid-19 với 25-35% trong Quý I/2021 và 65-75% trong Quý II/2021.
Quyết định này được ban hành và có hiệu lực từ ngày 09/02/2021.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch số 528/KH-TTKSBT ngày 16/02/2021 về việc giám sát người từ vùng dịch Covid-19 trong nước đến TP. HCM sau Tết Nguyên đán 2021.
Để chủ động kiểm soát nguy cơ và hướng đến mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”, Kế hoạch nêu rõ, sẽ chỉ định cách ly, giám sát sức khỏe với các đối tượng sau đây:
- Những người tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 xác định: Cách ly tập trung 14 ngày từ ngày tiếp xúc cuối cùng với bệnh nhân;
- Người từng đi, đến, về từ địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ: Cách ly tập trung 14 ngày từ ngày rời khỏi địa phương đang giãn cách xã hội;
- Người từng đi, đến, về từ các ổ dịch đang hoạt động nhưng không phải tiếp xúc gần hoặc từng đi qua các địa điểm Bộ Y tế thông báo nhưng không nằm trong vùng phải giãn cách xã hội: Cách ly tại nhà 14 ngày từ ngày rời khỏi các địa điểm như thông báo;
- Người từng đi, đến, về từ các địa phương bị phong tỏa, các ổ dịch hoạt động, các địa điểm Bộ Y tế thông báo nhưng khi khai báo đã hơn 14 ngày: Tự theo dõi sức khỏe.
Kết luận của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Hà Nội về công tác phòng, chống dịch Covid-19 được nêu tại Thông báo số 10/TB-BCĐ ngày 18/02/2021.
Theo đó, sau Tết người dân sẽ trở lại Hà Nội sinh sống, làm việc nhiều và Hà Nội cũng là nơi có nhiều khu công nghiệp, tập trung nhiều bệnh viện tuyến Trung ương... nên sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc dịch bệnh và lây lan.
Vì vậy, tại Thông báo này, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã, phường, thị trấn tập trung vào các nội dung sau đây:
- Rà soát, thông báo toàn bộ các trường hợp về từ Hải Dương tính từ thời điểm 0 giờ ngày 02/02/2021 và các ổ dịch tại các tỉnh, thành phố khác trong thời gian 14 ngày vừa qua phải tự cách ly tại nhà, tính từ lúc rời ổ dịch đến khi đủ 14 ngày, chủ động liên hệ cơ sở y tế để được tư vấn và lấy mẫu xét nghiệm.
Riêng người về từ huyện Cẩm Giàng, Hải Dương thì phải ra quyết định cách ly tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm.
- Tập trung mở rộng xét nghiệm theo thứ tự ưu tiên được sắp xếp gồm:
- Các trường hợp về từ tỉnh Hải Dương: Ưu tiên các huyện, thành phố của Hải Dương có ổ dịch phức tạp sau đó đến các huyện còn lại, hoàn thành chậm nhất trong ngày 20/02/2021.
- Các trường hợp về từ các ổ dịch của các tỉnh, thành phố khác đã ghi nhận ca nhiễm trong 14 ngày vừa qua.
- Nhóm đối tượng ngẫu nhiên tại các khu vực có nguy cơ cao như nhà máy, nơi có nhiều người từ các địa phương khác trở về, đặc biệt nơi có chuyên gia nước ngoài làm việc.
- Đội ngũ y tế phòng, chống dịch, ưu tiên các nơi có nguy cơ phơi nhiễm cao, cán bộ trong các khu cách ly tại các khu vực đang phòng, chống dịch, quân đội, công an.
Trong đó, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND Thành phố trong công tác phòng, chống dịch tại địa phương.
16 trường được cấp chứng chỉ tiếng Anh 6 bậc vừa được Cục Quản lý chất lượng Bộ Giáo dục và Đào tạo cập nhật tại Thông báo 138/TB-QLCL ngày 08/02/2021.
16 đơn vị được tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh theo khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam, bao gồm:
- Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh;
- Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội;
- Trường Đại học Thái Nguyên;
- Trường Đại học Hà Nội;
- Trường Đại học Sư phạm Hà Nội;
- Trường Đại học Vinh;
- Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh;
- Trường Đại học Văn Lang;
- Trường Đại học Tây Nguyên;
Như vậy, so với danh sách trước đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bổ sung thêm trường Đại học Tây Nguyên vào danh sách các trường được cấp chứng chỉ tiếng Anh 6 bậc.
Ngày 19/02/2021, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định 839/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông (THPT) năm học 2021 - 2022.
Theo dự kiến, kỳ thi lớp 10 năm học 2021 - 2022 sẽ được tổ chức vào ngày 29 và 30/5/2021. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ tổ chức một kỳ thi chung vào lớp 10 cho tất cả trường THPT công lập.
Kỳ thi gồm 04 bài thi độc lập: Toán, ngữ văn, ngoại ngữ và bài thi thứ tư.
Trong đó, bài thi thứ tư được chọn ngẫu nhiên thuộc một trong các môn: Vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, giáo dục công dân, địa lý. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố bài thi thứ tư vào tháng 03/2021.
Với bài thi ngoại ngữ, thí sinh tự chọn một trong các thứ tiếng: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Hàn. Thí sinh được đăng ký thi thứ tiếng ngoại ngữ khác với thứ tiếng ngoại ngữ đang học tại trường trung học cơ sở.Điểm xét tuyển = (Điểm bài thi môn toán + Điểm bài thi môn ngữ văn) x 2 + (Điểm bài thi môn ngoại ngữ + Điểm bài thi môn thứ tư) + Điểm ưu tiên.
Trong đó, điểm các bài thi tính theo thang điểm 10.
Mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào 03 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự ưu tiên, trong đó nguyện vọng 01, nguyện vọng 02 phải thuộc khu vực tuyển sinh mà học sinh có hộ khẩu thường trú. Nguyện vọng 03 có thể thuộc một khu vực tuyển sinh bất kỳ. Học sinh không được thay đổi nguyện vọng dự tuyển sau khi đã đăng ký.
Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!
Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919
Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724
Email: [email protected]
Lưu ý:
* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.
* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.