Điểm tin Văn bản mới số 05.2023

Điểm tin văn bản

Y tế-Sức khỏe
Đã có Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023

Ngày 09/01/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 bao gồm 12 chương với 121 Điều luật. Luật này quy định về quyền, nghĩa vụ của người bệnh; người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh...

Luật mới đã bổ sung quy định cụ thể về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước.

Bên cạnh đó, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẽ được vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế; thuê, cho thuê tài sản, dịch vụ lâm sàng, dịch vụ cận lâm sàng, dịch vụ phi y tế, dịch vụ nhà thuốc, quản lý vận hành cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; mua trả chậm, trả dần; thuê, mượn thiết bị y tế.

Luật này quy định cụ thể các yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; quy định giá khám bệnh, chữa bệnh với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước; các chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh...

Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 có hiệu lực từ ngày 01/01/2024.

Nếu bạn đọc có bất cứ vướng mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 để được LuatVietnam tư vấn chi tiết.

Từ 01/4/2023, Covid-19 là bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH

Ngày 09/02/2023, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-BYT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 15/2016/TT-BYT quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội.

Thông tư 02 đã bổ sung Covid-19 vào danh sách các bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội.

Theo đó, bệnh Covid-19 nghề nghiệp là bệnh phát sinh trong quá trình lao động do người lao động phải tiếp xúc với vi rút SARS-CoV-2 có trong môi trường lao động. 

Yếu tố gây bệnh bao gồm:

- Có tiếp xúc với vi rút SARS-CoV-2 trong môi trường lao động. 

- Yếu tố gây bệnh được ghi nhận tại một trong các văn bản sau: 

  • Biên bản xác định tiếp xúc nghề nghiệp với vi rút SARS-CoV-2 được quy định tại Phụ lục 36 ban hành kèm theo Thông tư này. 

  • Văn bản cử tham gia phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 do lãnh đạo đơn vị ký xác nhận, đóng dấu và các văn bản khác phù hợp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. 

  • Đánh giá yếu tố tiếp xúc nghề nghiệp quy định tại mục VI Mẫu 04 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Nghị định 44/2016/NĐ-CP

  • Biên bản xác nhận tiếp xúc với yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp cấp tính quy định tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư 28/2016/TT-BYT.

Người lao động làm nghề, công việc thường gặp và nguồn tiếp xúc với vi rút SARS-CoV-2 bao gồm:

- Người làm nghề, công việc tại cơ sở y tế. 

- Người làm nghề, công việc trong phòng thí nghiệm, lấy mẫu, vận chuyển mẫu, xử lý, bảo quản và tiêu hủy mẫu có chứa vi rút SARS-CoV-2. 

- Người làm nghề, công việc phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm vi rút SARS-CoV-2: 

  • Người làm nghề, công việc trực tiếp trong khu cách ly tập trung, cách ly y tế tại nhà, cách ly y tế vùng có dịch, hỗ trợ chăm sóc người bệnh Covid-19 tại nhà; 

  • Người vận chuyển, phục vụ người bệnh Covid-19; 

  • Người vận chuyển, khâm liệm, bảo quản, hỏa táng, mai táng thi hài người bệnh Covid-19; 

  • Người giám sát, điều tra, xác minh dịch Covid-19; 

  • Nhân viên hải quan, ngoại giao, nhân viên làm công tác xuất nhập cảnh; 

  • Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng và viên chức quốc phòng; 

  • Chiến sỹ, sĩ quan thuộc lực lượng công an; 

  • Người làm nghề, công việc khác được cử tham gia phòng chống dịch Covid-19. 

Thông tư 02/2023/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/4/2023. Nếu bạn đọc có bất cứ vướng mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192  để được LuatVietnam tư vấn chi tiết.

Hành chính
Lộ trình sáp nhập huyện, xã giai đoạn 2023-2030

Ngày 30/01/2023, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 48-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.

Để thực hiện hiệu quả chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể các cấp thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:

- Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã.

- Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đô thị; xác định rõ đối tượng, lộ trình sắp xếp và phải bảo đảm sự đồng thuận của Nhân dân.

Khuyến khích các địa phương chủ động đề xuất sắp xếp đơn vị hành chính tinh gọn, phù hợp với thực tiễn địa phương (kể cả các đơn vị hành chính đã bảo đảm tiêu chuẩn).

Không bắt buộc thực hiện sắp xếp đối với các đơn vị hành chính đã thực hiện sắp xếp giai đoạn trước, ổn định từ lâu, có vị trí biệt lập, có các yếu tố đặc thù và các đơn vị hành chính nông thôn đã được quy hoạch thành đơn vị hành chính đô thị.

- Căn cứ tiêu chuẩn của đơn vị hành chính, đặc thù vùng miền để tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã như sau:

  • Đến năm 2025: Sắp xếp đối với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có đồng thời cả 02 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% quy định; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định.

  • Đến năm 2030: Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn lại có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% quy định; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% quy định; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% quy định.

Quy định rõ việc sử dụng và lộ trình sắp xếp số lượng biên chế cán bộ, công chức và số lượng cấp phó của các đơn vị hành chính dôi dư sau sắp xếp...

Xem chi tiết Kết luận 48-KL/TW

Nếu bạn đọc có bất cứ vướng mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 để được LuatVietnam tư vấn chi tiết. 

Chính sách
Chính phủ: Giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước

Nội dung này xuất hiện trong Nghị quyết số 10/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2023 trực tuyến với địa phương.

Cụ thể, tại Phiên họp này, Chính phủ đã đưa ra một số nội dung chủ yếu với các Bộ, cơ quan, địa phương. Trong đó, Chính phủ yêu cầu phải chủ động, tích cực triển khai công tác về sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập, giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

Đồng thời, một số nhiệm vụ cần phải chú trọng được nêu tại Nghị quyết này gồm:

- Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, đến hết 2030 cũng cần được chủ động, tích cực thực hiện theo các kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

- Phối hợp để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải cách thể chế.

- Hướng dẫn, đôn đốc thực hiện việc số hoá sổ hộ tịch. Bộ Công an cũng cần nhanh chóng hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương thực hiện kế hoạch số hoá, triển khai nhập dữ liệu từ sổ hộ tịch trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

- Đẩy mạnh công tác thi hành án dân sự đặc biệt là các vụ án tham nhũng, tiêu cực.

- Cắt giảm một cách triệt để các khoản chi thường xuyên, nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách như đi công tác, khánh tiết, hội thảo, hội nghị.

- Tăng cường quản lý thu thuế với một số ngành, nghề, lĩnh vực đặc thù nhất là dịch vụ ăn uống trên cơ sở ứng dụng công nghệ số.

- Sớm có kế hoạch, hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023 đảm bảo phải minh bạch, công khai, công bằng và đúng quy định.

Nghị quyết số 10/NQ-TW được ban hành ngày 03/02/2023 vừa qua.

Nếu cần hỗ trợ thêm, độc giả có thể liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Cơ cấu tổ chức
Lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo: Xem xét tiêu chí gương mẫu của vợ, con

Ngày 02/02/2023, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Lấy phiếu tín nhiệm là nội dung quan trọng trong đánh giá cán bộ, được thực hiện định kỳ. Cán bộ giữ nhiều chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý thì lấy phiếu tín nhiệm tối đa ở 02 nơi cán bộ công tác và sinh hoạt.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm phải báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý và được công khai theo quy định. Những cán bộ có tín nhiệm thấp phải xem xét đưa ra khỏi quy hoạch, cho từ chức, miễn nhiệm hoặc bố trí công tác khác thấp hơn mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.

Có 03 mức độ tín nhiệm: "tín nhiệm cao", "tín nhiệm" và "tín nhiệm thấp".

Quy định nêu rõ các tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm:

- Giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; tinh thần trách nhiệm trong công việc, thái độ phục vụ Nhân dân; liêm chính, trung thực, công tâm, khách quan trong thực hiện nhiệm vụ được giao;

- Ý thức tổ chức kỷ luật, việc chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; chấp hành sự phân công của tổ chức...

- Kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương;

-  Sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước;

- Việc thường xuyên giữ mối liên hệ với cấp ủy nơi cư trú....

Xem đầy đủ nội dung Quy định 96-QĐ/TW

Nếu bạn đọc có bất cứ vướng mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 để được LuatVietnam tư vấn chi tiết.

Điều kiện học trường phổ thông dân tộc bán trú từ ngày 18/3/2023

Ngày 06/02/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Thông tư 03/2023/TT-BGDĐT về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú.

Theo đó, điều kiện để học sinh được học trường phổ thông dân tộc bán trú là học sinh trong độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở thuộc địa bàn tuyển sinh của nhà trường.

Trong đó, học sinh bán trú phải thuộc đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ được cấp có thẩm quyền xét duyệt, đồng thời không thể tự đi đến trường hoặc điểm trường và trở về nhà trong ngày.

Trường phổ thông dân tộc bán trú được thành lập cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhằm góp phần thực hiện bình đẳng trong tiếp cận giáo dục và phát triển bền vững lĩnh vực giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trường phổ thông dân tộc bán trú bảo đảm ổn định tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số và tỷ lệ học sinh bán trú như sau:

- Có ít nhất 50% học sinh toàn trường là người dân tộc thiểu số.

- Tỷ lệ học sinh bán trú:

- Đối với trường tiểu học: Có ít nhất 20% học sinh bán trú;

- Đối với trường trung học cơ sở: Có ít nhất 45% học sinh bán trú;

- Đối với trường tiểu học và trung học cơ sở: Có ít nhất 32,5% học sinh bán trú hoặc ít nhất 20% học sinh tiểu học bán trú và 45% học sinh trung học cơ sở bán trú.

Thông tư 03/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 18/3/2023.

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192  để được hỗ trợ.

An ninh quốc gia
3 trường hợp làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe nghĩa vụ quân sự

Ngày 27/01/2023, Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư 07/2023/TT-BQP về việc hướng dẫn thực hiện một số điều về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu.

Theo đó, Thông tư 07 giải thích cụ thể về hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình để trốn tránh nghĩa vụ quân sự là một trong các trường hợp sau:

- Sử dụng biện pháp cố tình làm thay đổi tình trạng sức khỏe của bản thân ngay trước hoặc trong quá trình khám sức khỏe nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ quân sự và được cơ quan có thẩm quyền kết luận đó là hành vi gian dối.

Ví dụ: Sử dụng thuốc, chất kích thích, chất cấm; tự gây thương tích, tổn hại sức khỏe bản thân, hoặc các biện pháp khác khiến tình trạng sức khỏe của bản thân bị thay đổi.

- Sửa chữa kết quả phân loại sức khỏe của bản thân nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.

- Nhờ người khác kiểm tra/khám sức khỏe thay mình.

Bên cạnh đó, hành vi gian dối nhằm trốn tránh thực hiện lệnh gọi nhập ngũ sau khi đã có kết quả khám tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự đủ điều kiện nhập ngũ là sử dụng các hình thức/biện pháp làm thay đổi tình trạng sức khỏe của bản thân so với kết quả khám tuyển sức khỏe.

Hiện nay, người có hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình để trốn tránh nghĩa vụ quân sự bị phạt hành chính từ 15 - 20 triệu đồng theo Điều 6 Nghị định 120/2013/NĐ-CP, sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP.

Người có hành vi gian dối nhằm trốn tránh thực hiện lệnh gọi nhập ngũ sau khi đã có kết quả khám tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự đủ điều kiện nhập ngũ bị phạt hành chính từ 40 - 50 triệu đồng theo Điều 7 Nghị định 120/2013/NĐ-CP, sửa đổi bởi khoản 9 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP.

Thông tư 07/2023/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 14/3/2023.

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ.

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM

Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919

Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724

Email: [email protected]

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.