Điểm tin Văn bản mới số 05.2021

Điểm tin văn bản

Thuế-Phí-Lệ phí
Tổng cục Thuế giới thiệu nhiều điểm mới của Nghị định 132/2020

Điểm mới về việc quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết được Tổng cục Thuế giới thiệu tại Công văn 271/TCT-TTKT ngày 27/01/2021.

Nghị định 132/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành đã có hiệu lực từ ngày 20/12/2020 về quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết và áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020.

Theo đó, tại Công văn này, Tổng cục Thuế nêu rõ, Bộ Tài chính không ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định 132/2020/NĐ-CP. Đặc biệt, một số nội dung của Nghị định này so với trước đây gồm:

- Bổ sung thuật ngữ quy định “thỏa thuận của nhà chức trách có thẩm quyền”, “thỏa thuận quốc tế về thuế”, “tổ chức thay mặt nộp báo cáo” tại khoản 2, khoản 3, khoản 10 Điều 4 Nghị định 132;

- Bổ sung điểm l khoản 2 Điều 5 về các bên có quan hệ liên kết: Doanh nghiệp có phát sinh các giao dịch nhượng, nhận chuyển nhượng vốn góp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp trong kỳ tính thuế…

- Bổ sung quy định về quản lý sử dụng báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của người nộp thuế phục vụ công tác quản lý rủi ro, trao đổi thông tin theo quy định và cam kết của Việt Nam tại Thỏa thuận quốc tế về thuế, không sử dụng để ấn định thuế;

- Bổ sung thêm quy định về các bên có quan hệ liên kết: Cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng, con riêng của vợ hoặc của chồng, con dâu, con rể, anh chị em cùng cha khác mẹ, anh chị em cùng mẹ khác cha, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cung cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha…

Lao động-Tiền lương
Đã có danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm tại Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH.

Theo đó, thời gian người lao động làm các nghề, công việc ban hành kèm các Quyết định, Thông tư bị bãi bỏ tại Thông tư 11 này vẫn được tính là thời gian làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cho đến ngày 01/3/2021.

Ban hành kèm Thông tư này là các nghề, công việc như:

- Khai thác khoáng sản: Khoan đá bằng búa máy cầm tay trong hầm lò, khai thác mỏ hầm lò; đội viên cứu hộ mỏ…

- Cơ khí, luyện kim: Làm việc trên đỉnh lò cốc, lái xe chặn than cốc nóng; sữa chữa nóng lò cốc…

- Hóa chất: Hàn chì trong thùng tháp kín; vận hành bơm và đóng bình axit H2SO4; xử lý tanh trong sản xuất lốp các loại…

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/3/2021.

Y tế-Sức khỏe
Thông báo mới về vận chuyển hành khách từ 0h ngày 30/01/2021

Ngày 29/01/2021, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục ban hành Công văn số 877/BGTVT-VT về một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid - 19.

Hiện nay, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Bắc Ninh... Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh một số yêu cầu về hoạt động vận tải áp dụng kể từ 0h00 phút ngày 30/01/2021 cho đến khi có thông báo mới.

Về hoạt động vận chuyển hành khách, Công văn nêu rõ:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ tình hình thực tế của dịch bệnh ở tỉnh/địa bàn trong tỉnh để quyết định việc dừng, giãn, hoãn, điều chỉnh tần suất hoạt động vận chuyển nội tỉnh, liên tỉnh đi, đến địa bàn tỉnh trừ trường hợp đặc biệt cần thiết hoặc vì lý do công vụ;

- Hạn chế tối đa hoạt động của các phương tiện cá nhân;

- Bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất;

- Các tuyến xe liên tỉnh cố định, xe hợp đồng, xe du lịch, taxi, xe buýt có hành trình qua vùng có dịch thì không được dừng, đỗ tại vùng có dịch để đón, trả khách.

- Với các tuyến cố định liên tỉnh, nội tỉnh, hoạt động vận tải của xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi, xe buýt không qua vùng có dịch thì thực hiện bình thường;

- Không hạn chế khai thác các chuyến tàu đường thủy, đường sắt không vận chuyển hành khách…

Các tỉnh, thành hạn chế tối đa sự kiện tập trung đông người dịp Tết

Đây là tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, theo Thông báo hỏa tốc số 22/TB-VPCP tại cuộc họp thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải chỉ đạo hạn chế tối đa các hoạt động có tập trung đông người, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán; đồng ý cho dừng một số hoạt động tập trung đông người không cần thiết; vận động hạn chế số người tham gia đám cưới, lễ tang…

Đồng thời, thực hiện nghiêm yêu cầu 5K trong phòng, chống dịch (đeo khẩu trang, khử khuẩn, không tập trung đông người, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, khai báo y tế); xử phạt nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang theo đúng quy định…

Riêng tại các địa phương có ca mắc bệnh, cần khẩn trương chỉ đạo thực hiện truy vết thần tốc, khoanh vùng dập dịch triệt để, tổ chức lẫy mẫu và xét nghiệm trên diện rộng; thực hiện nghiêm việc cách ly tập trung trong thời gian 21 ngày.

TP.HCM khuyến cáo người dân không về quê nếu có dịch bệnh

Ngày 30/01/2021, Ủy ban nhân dân TP.HCM đã ban hành Công văn 322/UBND-VX về tăng cường thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19.

Thành phố giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và Liên đoàn Lao động TP.HCM có hướng dẫn cụ thể cho người dân các tỉnh, công nhân lao động về quê ăn Tết theo phương châm an toàn - lành mạnh - vui tươi - tiết kiệm.

Trong đó, khuyến cáo người dân các tỉnh, công nhân lao động không nên về quê nơi đang có dịch bệnh, nếu về cần phải thực hiện theo đúng yêu cầu 5K. Đối với các vùng chưa có dịch bệnh, người dân khi đi về cần thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch.

Đối với các lễ hội, sự kiện tập trung đông người, Ủy ban nhân dân Thành phố giao Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.Thủ Đức và các quận, huyện tự quyết định quy mô, tính chất, thời điểm tổ chức phù hợp, hạn chế tối đa các hoạt động tập trung đông người.

Các sự kiện cấp thành phố sẽ được tổ chức bình thường nhưng rút ngắn thời gian hoạt động, giảm bớt quy mô, bố trí ngồi giãn cách, thực hiện biện pháp 5K nghiêm ngặt…

Thủ tướng: Phong tỏa TP. Chí Linh, đóng cửa sân bay Vân Đồn

Ngay sau khi phát hiện ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng tại Hải Dương và Quảng Ninh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 05/CT-TTg về một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo:

- Rà soát, siết chặt việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn, đặc biệt tại các cơ sở y tế, trường học, khu công nghiệp, nhà máy xí nghiệp, các khu vực thường xuyên có hoạt động tập trung đông người.

- Quyết định áp dụng các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội căn cứ theo mức độ nguy cơ với từng khu vực trên địa bàn.

- Yêu cầu người dân thực hiện nghiêm các giải pháp về đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập đông người, giữ khoảng cách nơi công cộng.

- Tăng cường kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, xử lý nghiêm các vi phạm.

2. Đối với tỉnh Hải Dương:

a) Phong tỏa toàn bộ thành phố Chí Linh và áp dụng nghiêm các biện pháp theo Chỉ thị 16/CT-TTg 2020:

- Thực hiện giãn cách xã hội toàn bộ thành phố, trong thời gian 21 ngày kể từ 12h00 ngày 28/01/2021 theo nguyên tắc cách ly gia đình với gia đình, thôn với thôn, xã với xã, phường với phường...

Yêu cầu mọi người dân chỉ ra khỏi nhà khi thật cần thiết (như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu), đi làm việc (tại cơ quan, nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa hoặc bị dừng hoạt động) và các trường hợp khẩn cấp khác.

Không tập trung quá 02 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng; giữ khoảng cách tối thiểu 02 mét khi tiếp xúc.

- Tạm dừng tất cả hoạt động trường học, hoạt động công cộng, cơ sở vui chơi, giải trí, tập trung đông người, các hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu.

- Tạm dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng từ thành phố Chí Linh ra bên ngoài, trừ các trường hợp vì lý do công vụ hoặc trường hợp thật sự cần thiết. Hạn chế tối đa hoạt động của các phương tiện cá nhân. Bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất.

- Người đứng đầu các cơ sở sản xuất kinh doanh chịu trách nhiệm về việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương quyết định áp dụng biện pháp đóng cửa, dừng hoạt động các cơ sở không đảm bảo an toàn phòng chống dịch; chỉ đạo truy vết thần tốc, khoanh vùng, dập dịch, xét nghiệm trên diện rộng và thực hiện cách ly tập trung với các trường hợp tiếp xúc gần trong 21 ngày; căn cứ theo mức độ nguy cơ với từng khu vực trên địa bàn, quyết định áp dụng các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg 2020.

 

3. Đối với tỉnh Quảng Ninh:

a) Tạm dừng hoạt động của Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn kể từ 12h00 ngày 28/01/2021;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh quyết định áp dụng biện pháp đóng cửa, dừng hoạt động các cơ sở không đảm bảo an toàn phòng chống dịch; chỉ đạo truy vết thần tốc, khoanh vùng, dập dịch, xét nghiệm trên diện rộng và thực hiện cách ly tập trung với các trường hợp tiếp xúc gần trong 21 ngày…

Hỏa tốc: Hà Nội xử phạt người không đeo khẩu trang đi ngoài đường

Đêm 28/01/2021, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã ban hành Công điện hỏa tốc 02/CĐ-UBND để thực hiện chỉ đại của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 05.

Đáng lưu ý, giao Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các lực lượng chức năng, cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp không tuân thủ việc đeo khẩu trang khi đi ngoài đường, tại nơi công cộng: Khu di tích, điểm tham quan du lịch, công viên, vườn hoa, phố đi bộ, quảng trường, bến tàu, bến xe, chợ, siêu thị, Trung tâm thương mại, các sự kiện văn hóa thể thao tại nơi công cộng/sân vận động.

Như vậy, nếu trước đây, Hà Nội chỉ yêu cầu đeo khẩu trang tại nơi công cộng thì nay sẽ xử phạt cả người đi ngoài đường mà không đeo khẩu trang.

Ngoài ra, Hà Nội yêu cầu người dân hạn chế tập trung đông người, giữ khoảng cách nơi công cộng. Phát động quần chúng, mặt trận các đoàn thể tại địa phương tuyên truyền tới từng tổ dân phố, khu dân cư, hộ gia đình với phương châm: đi từng ngõ, gõ từng nhà, mỗi người dân như một chiến sỹ trinh sát nhằm phát hiện, tố giác những trường hợp không chấp hành việc phòng chống dịch bệnh.

Giao thông
Chính thức: Lùi sử dụng phần mềm mô phỏng dạy lái ô tô đến 2022

Ngày 27/01/2021, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư 01/2021/TT-BGTVT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 29/2015/TT-BGTVT quy định về cấp, sử dụng giấy phép lái xe quốc tế và Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.

Theo Thông tư này, lùi thời hạn sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để sát hạch lái xe đến ngày 01/6/2022 thay vì ngày 01/5/2021 như quy định cũ. Đồng thời, Bộ Giao thông Vận tải cũng quyết định lùi thời hạn cơ sở đào tạo sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để đào tạo lái xe ô tô đến ngày 31/12/2021 mới áp dụng thay vì ngày 01/01/2021.

Trong thời gian chưa sử dụng phần mềm mô phòng các tình huống giao thông và ca bin học lái xe ô tô, cơ sở đào tạo lái xe xây dựng chương trình, giáo trình và tổ chức giảng dạy đảm bảo đủ thời gian đào tạo theo chương trình:

- Số giờ học kỹ thuật lái xe của học viên học lái xe hạng B1, B2, C bao gồm cả thời gian học phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông;

- Số giờ học môn đạo đức và văn hóa giao thông của học viên học lái xe nâng hạng bao gồm cả thời gian học phầm mềm mô phỏng các tình huống giao thông;

- Số giờ học thực hành lái xe trên 02 xe tập lái, gồm cả thời gian học lái xe trên cabin học lái xe ô tô.

Ngoài ra, cơ sở đào tạo trang bị và sử dụng thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên để đào tạo lái xe ô tô từ ngày 01/01/2022; trang bị và sử dụng ca bin học lái xe ô tô để đào tạo lái xe ô tô từ 01/7/2022.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/3/2021.

Tư pháp-Hộ tịch
Đã có mẫu thẻ Căn cước công dân gắn chip

Bộ trưởng Bộ Công an mới đây đã ký ban hành Thông tư 06/2021/TT-BCA quy định về mẫu thẻ Căn cước công dân (CCCD), có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành, 23/01/2021.

Mặt trước thẻ CCCD gồm các thông tin sau:

- Bên trái, từ trên xuống: Hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đường kính 12 mm; ảnh của người được cấp thẻ CCCD cỡ 20 x 30 mm; Có giá trị đến/Date of expiry;

- Bên phải, từ trên xuống: CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM; Độc lập - Tự do - Hạnh phúc; SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM; Independence - Freedom - Happiness; dòng chữ CĂN CƯỚC CÔNG DÂN/Citizen Identity Card; biểu tượng chíp; mã QR; Số/No; Họ và tên/Full name; Ngày sinh/Date of birth; Giới tính/Sex; Quốc tịch/Nationality; Quê quán/Place of origin; Nơi thường trú/Place of residence.

Mặt sau thẻ CCCD gồm các thông tin sau:

- Bên trái, từ trên xuống: Đặc điểm nhân dạng/Personal identification; Ngày, tháng, năm/Date, month, year; CỤC TRƯỞNG CỤC CẢNH SÁT QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH VỀ TRẬT TỰ XÃ HỘI/DIRECTOR GENERAL OF THE POLICE DEPARTMENT FOR ADMINISTRATIVE MANAGEMENT OF SOCIAL ORDER; chữ ký, họ và tên của người có thẩm quyền cấp thẻ; dấu có hình Quốc huy của cơ quan cấp thẻ CCCD; chip điện tử.

-  Bên phải, từ trên xuống: Có 2 ô: Vân tay ngón trỏ trái/Left index finger và Vân tay ngón trỏ phải/Right index finger của người được cấp thẻ CCCD.

- Dòng MRZ.

Đặc biệt, chip điện tử lưu trữ thông tin cơ bản của công dân được gắn ở mặt sau thẻ CCCD.

Chính sách
Chính thức có Nghị định 07 về chuẩn nghèo đa chiều 2021-2025

Sau khi Thủ tướng đồng ý ban hành chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 07/2021/NĐ-CP quy định chính thức về vấn đề này.

Từ ngày 01/01/2021 tiếp tục thực hiện chuẩn nghèo đa chiều tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định 59/2015/QĐ-TTg.

"Điều 1. Các tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020

1. Các tiêu chí về thu nhập

a) Chuẩn nghèo: 700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 900.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị.

b) Chuẩn cận nghèo: 1.000.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 1.300.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị.

Chuẩn hộ nghèo giai đoạn 2022 - 2025 như sau:

+ Khu vực nông thôn: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

+ Khu vực thành thị: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 02 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Trong đó, các dịch vụ xã hội cơ bản (06 dịch vụ), gồm: việc làm; y tá; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin. Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (12 chỉ số), gồm: việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình; dinh dưỡng; bảo hiểm y tế, trình độ giáo dục của người lớn, tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.

Nghị định 07 có hiệu lực từ ngày 15/3/2021.

Mức chuẩn nghèo là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội; hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội khác trong giai đoạn đó.
Nông nghiệp-Lâm nghiệp
Hướng dẫn cách truy xuất nguồn gốc cây đào, cây mai

Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Công văn 133/BKHCN-TĐC về việc thực hiện truy xuất nguồn gốc cây đào, cây mai.

- Tùy theo điều kiện thực tiễn, cụ thể của địa phương, Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể áp dụng biện pháp xác nhận nguồn gốc, xuất xứ phù hợp, nhưng không tạo thêm thủ tục hành chính, ách tắc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa;

- Trường hợp địa phương đã có các giải pháp hỗ trợ truy xuất nguồn gốc cây đào, cây mai đạt yêu cầu thì được tiếp tục áp dụng;

- Trường hợp địa phương có nhu cầu xác định nguồn gốc cây đào, cây mai, quy trình truy xuất nguồn gốc, xuất xứ cây đào, cây mai quy định như sau:

TT

Bước thực hiện

Nội dung công việc

Trách nhiệm thực hiện

1.

Bước 1: Đăng ký nhu cầu

Cán bộ thôn/bản thực hiện thống kê diện tích trồng cây đào, cây mai và số lượng tem truy xuất cần dùng của các hộ trong thôn/bản.

- Các hộ có đào, mai trồng

- Cán bộ thôn/bản

2

Bước 2: Tổng hợp nhu cầu, kiểm tra xác nhận

- UBND xã tổng hợp danh sách đăng ký của các thôn/bản. Kiểm tra xác nhận nhằm đảm bảo thông tin đăng ký của thôn/bản chính xác.

- UBND huyện tập hợp Danh sách đăng ký của các xã gửi cho Sở KH&CN.

- UBND xã

- UBND huyện

- Sở KH&CN

3.

Bước 3: Kê khai thông tin, kích hoạt tem truy xuất

- Sở KH&CN tiếp nhận đăng ký của các huyện, xác định nhu cầu cấp tem, thông báo cho Trung tâm Mã số mã vạch Quốc Gia.

- Trung tâm Mã số mã vạch Quốc Gia thực hiện cấp tem cho Sở KH&CN theo đăng ký.

- Sở KH&CN thực hiện đăng ký tài khoản cho các xã trên hệ thống NBC-TRACE, thực hiện kê khai thông tin.

- Sở KH&CN thực hiện kích hoạt tem truy xuất nguồn gốc cho các thôn/bản, xã theo đăng ký.

- Sở KH&CN

- Trung tâm Mã số mã vạch Quốc Gia

4.

Bước 4: Cấp phát tem truy xuất

- Sở KH&CN thực hiện cấp phát tem truy xuất cho các huyện, xã; các xã cấp phát cho các hộ dân

- Sở KH&CN

- UBND huyện

- UBND xã

- Cán bộ thôn/bản

5.

Bước 5: Sử dụng tem truy xuất

Các hộ dân sau khi tiếp nhận tem, thực hiện dán lên các cành đào, mai của hộ nhà mình trước khi bán cho thương lái, người dân mua đào, mai.

- Các hộ dân trồng đào, mai

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM

Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919

Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724

Email: [email protected]

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.