Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Nội dung này được quy định tại Nghị định 12/2022/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 17/01/2022 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH), người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Cụ thể, khoản 3 Điều 39 Nghị định 12/2022 quy định rõ:
3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không thực hiện thủ tục xác nhận về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động để người lao động hoàn thiện hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.
Theo đó, doanh nghiệp không thực hiện thủ tục xác nhận về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động để người lao động hoàn thiện hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp sẽ bị xử phạt từ 01 - 03 triệu đồng/người lao động và tối đa không quá 75 triệu đồng.
Trước đây, điểm b khoản 2 Điều 38 Nghị định 28/2020/NĐ-CP chỉ quy định mức phạt cố định với hành vi này là từ 500.000 đồng đến 01 triệu đồng.
Ngoài ra, Nghị định 12/2022 còn quy định phạt tiền từ 01 - 03 triệu đồng với các hành vi vi phạm sau:
- Hằng năm, không niêm yết công khai thông tin đóng BHXH của người lao động do cơ quan BHXH cung cấp;
- Không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ thông tin về đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động khi người lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu.
Bên cạnh đó, phạt tiền từ 12% - 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
- Chậm đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;
- Đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng;
- Đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà không phải là trốn đóng;
- Chiếm dụng tiền đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.
Nếu có thắc mắc liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6199 để được hỗ trợ, giải đáp.
Nội dung này được nhắc đến trong Công văn 238/BYT-KCB ngày 14/01/2022 về hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) với người lao động điều trị Covid-19.
Căn cứ Nghị quyết số 12/2021 về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ phòng, chống Covid-19 và các quy định khác, Bộ Y tế đang khẩn trương phối hợp Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, BHXH Việt Nam và các đơn vị có liên quan xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 56/2017/TT-BYT để đảm bảo các quy định phù hợp tình hình thực tế.
Dự kiến Thông tư sẽ được ban hành vào tháng 02/2022.
Ngoài ra, liên quan đến hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng BHXH với người lao động điều trị Covid-19, Bộ Y tế cũng nêu rõ, hiện nay, các Văn bản luật chưa có quy định dùng giấy tờ khác để thay thế Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.
Đồng thời, chưa có quy định chấp nhận những giấy tờ cấp chưa đúng quy định của pháp luật vẫn có giá trị để cơ quan BHXH làm cơ sở quyết hưởng chế độ BHXH đối với người lao động. Do vậy, trong thời gian chờ các Văn bản được ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị thực hiện đúng quy định pháp luật về cấp và quản lý Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.
Nếu có thắc mắc liên quan đến bài viết, bạn đọc vui lòng gọi tới tổng đài1900.6199 để được hỗ trợ.
Đây là nội dung được đề cập tại Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, về chính sách tiền tệ, Nghị quyết nêu rõ:
- Điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Nghiên cứu để giữ ổn định tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, tính toán hợp lý tỷ lệ dự trữ bắt buộc, thực hiện nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên.
- Tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, theo dõi sát diễn biến kinh tế, thị trường tiền tệ để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phù hợp, đồng thời bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.
- Điều tiết thanh khoản phù hợp, tạo điều kiện đẩy nhanh tốc độ giải ngân cho các đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ lãi suất.
- Điều tiết tiền tệ hợp lý, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hành trái phiếu Chính phủ và để các tổ chức tín dụng tiếp tục đầu tư trái phiếu Chính phủ.
- Sử dụng tối đa 46 nghìn tỷ đồng từ các nguồn tài chính hợp pháp khác để nhập khẩu vắc - xin, thuốc điều trị và thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 trong trường hợp cần thiết.
- Tiếp tục tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động, bảo đảm tính khả thi và tổ chức triển khai nhanh trong thực tế.
Cân đối giải pháp về tiền tệ hỗ trợ Chương trình với tổng thể phương án cơ cấu lại các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt.
Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6199 để được hỗ trợ, giải đáp.
Ngày 22/01/2022, Bộ Y tế đã có Công văn 375/BYT-MT về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong nước về quê dịp Tết Nguyên đán.
Theo đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong nước về quê nhân dịp Tết Nguyên đán 2022 và đảm bảo công tác phòng chống dịch, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố không thực hiện cách ly y tế.
Đồng thời, hướng dẫn người dân về quê thực hiện biện pháp, phòng dịch Covid-19 gồm thực hiện 5K, tự theo dõi sức khỏe, trong trường hợp có biểu hiện nghi ngờ mắc Covid-19 như ho, sốt, khó thở… thì hạn chế tiếp xúc, đi lại và thông báo ngay cho y tế địa phương để được hướng dẫn xét nghiệm SARS-CoV-2 để xử trí theo quy định.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp, phòng chống dịch theo quy định, kịp thời chấn chỉnh việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch không phù hợp.
Bộ Y tế cho biết thêm, hiện nay việc tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tại các tỉnh, thành phố đã đạt tỉ lệ cao. Người từ 18 tuổi trở lên được tiêm 01 mũi đạt 100%, tiêm đủ 02 mũi đạt 95,6%, tiêm mũi 03 đạt 18,6%. Trẻ em trên 12 tuổi tiêm mũi 01 đạt 94,1% và tiêm mũi 02 đạt 82,2%.
Nếu có thắc mắc liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6199 để được hỗ trợ, giải đáp.
Ngày 20/01/2022, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn 515/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc xem xét đề nghị của một số doanh nghiệp chiếu phim tại Hà Nội.
Theo Công văn, một số doanh nghiệp hoạt động chiếu phim tại thành phố Hà Nội đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị xem xét cho phép các rạp chiếu phim tại Hà Nội được mở cửa hoạt động trở lại trong bối cảnh chống dịch mới.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan nghiên cứu, chỉ đạo xử lý việc mở cửa trở lại các rạp chiếu phim trên toàn quốc, bảo đảm thống nhất, phù hợp với tình hình Covid-19 tại Việt Nam.
Trước đó, ngày 18/10/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Hướng dẫn 3862/HD-BVHTTDL thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
Theo Hướng dẫn này, việc đưa rạp chiếu phim mở cửa trở lại phù hợp với cấp độ dịch được thực hiện như sau:
- Tại địa bàn có dịch cấp độ 02:
+ Giảm 50% số lượng khách, khán giả, độc giả phục vụ.
+ Thực hiện các biện pháp khử khuẩn định kỳ theo Hướng dẫn của Bộ Y tế.
+ Có bảng nội quy hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
- Tại địa bàn có dịch cấp độ 03:
+ Giảm 70% số lượng khách, khán giả, độc giả phục vụ.
+ Thực hiện các biện pháp khử khuẩn định kỳ theo Hướng dẫn của Bộ Y tế.
+ Có bảng nội quy hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
- Tại địa bàn có dịch cấp độ 04: Dừng tổ chức các hoạt động.
Nếu có thắc mắc liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6199 để được hỗ trợ, giải đáp.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 42/2021/TT-BGDĐT ngày 30/12/2021 về cơ sở dữ liệu giáo dục và đào tạo (GDĐT).
Theo Điều 10 Thông tư 42/2021, mã định danh của mỗi đối tượng được quản lý trên cơ sở dữ liệu giáo dục và đào tạo là duy nhất, được hình thành từ lần nhập dữ liệu đầu tiên và bất biến (không bị thay đổi hoặc xóa bỏ từ khi mã được sinh ra), được dùng thống nhất, xuyên suốt ở tất cả các cấp học.
Mã định danh phục vụ công tác quản lý, báo cáo, kết nối dữ liệu trên cơ sở dữ liệu giáo dục và đào tạo và các mục đích khác do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
Trường hợp cơ sở giáo dục không còn hoạt động, Sở Giáo dục và Đào tạo hoặc Phòng Giáo dục và Đào tạo trực tiếp quản lý chỉ thay đổi thông tin trạng thái của cơ sở giáo dục, không xóa mã định danh và hồ sơ trên cơ sở dữ liệu giáo dục và đào tạo.
Trường hợp giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý và nhân viên chuyển công tác, ngưng làm việc hoặc thôi việc, cơ sở giáo dục cập nhật trạng thái và thông tin hồ sơ điện tử, không xóa hồ sơ và mã định danh trên cơ sở dữ liệu giáo dục và đào tạo.
Trường hợp người học tạm dừng học, thôi học, chuyển đi, cơ sở giáo dục và các cơ quan liên quan chỉ cập nhật trạng thái hồ sơ điện tử của người học, không xóa hồ sơ trên cơ sở dữ liệu giáo dục và đào tạo.
Trước đây, tại Thông tư 26/2019, không quy định mã định danh các đối tượng quản lý trên cơ sở dữ liệu giáo dục và đào tạo sử dụng thống nhất trong ngành giáo dục, đồng thời dùng thống nhất, xuyên suốt ở tất cả các cấp học.
Thông tư này có hiệu lực từ 14/02/2022.
Nếu có thắc mắc liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6199 để được hỗ trợ, giải đáp.
Đây là quy định đáng chú ý tại Thông tư 02/2022/TT-BTNMT do Bộ Tài nguyên Môi trường ban hành ngày 10/01/2022 về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Tại Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường 2020 nêu rõ: Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được tính dựa trên khối lượng hoặc thể tích rác thải sau khi đã phân loại.Hướng dẫn về nội dung này, Điều 29 Thông tư 02/2022/TT-BTNMT quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạtbao gồm:
- Giá dịch vụ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải rắn sinh hoạt là chi phí hộ gia đình, cá nhân, cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh... phải trả cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt;
- Giá dịch vụ áp dụng đối với chủ đầu tư, cơ sở thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt là chi phí mà Ủy ban nhân dân các cấp chi trả cho chủ đầu tư, cơ sở được lựa chọn để cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Trong đó, giádịch vụ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải rắn sinh hoạt được áp dụng theonguyên tắc:
- Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được tính theo nguyên tắc có sự bù đắp thông qua ngân sách địa phương;
- Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp được tính trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý.
Ngoài ra, theo Điều 30 Thông tư 02, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ là cơ quan quyết định hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng hoặc thể tích chất thải theo một trong các trường hợp:
- Thông qua giá bán bao bì đựng chất thải rắn sinh hoạt. Giá bán bao bì bao gồm giá thành sản xuất bao bì và giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt;
- Thông qua thể tích thiết bị chứa đựng chất thải rắn sinh hoạt;
- Thông qua việc cân xác định khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (đối với các cơ quan, tổ chức) hoặc các hình thức khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.
Hiện nay, đa số các địa phương vẫn chưa có điều kiện thay đổi cách tính giá dịch vụ thu gom, xử lý rác thải theo quy định mới.Tuy nhiên, Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường đã đặt ra lộ trình áp dụng quy định tính giá dịch vụ thu gom rác thải theo khối lượng/thể tích chậm nhất đến ngày 31/12/2024. Do đó, từ nay đến hết 2024, các địa phương sẽ dần dần thay đổi cách tính giá thu gom rác thải cho phù hợp.
Thông tư 02/2022 có hiệu lực từ ngày 10/01/2022.
Nếu có thắc mắc liên quan đến bài viết, bạn đọc vui lòng gọi tới tổng đài 1900.6199 để được hỗ trợ.
Ngày 21/01/2022, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Công văn 682/BGTVT-VT về tiêu chuẩn, điều kiện hành khách, tổ bay trên các chuyến bay nội địa chở khách thường lệ.
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh điều kiện hành khách tham gia chuyến bay nội địa như sau:
- Hành khách cư trú, lưu trú trước khi bay tại địa bàn có dịch cấp 4 hoặc vùng cách ly y tế (phong toả) hoặc chuyến bay xuất phát từ địa bàn có dịch cấp 4 hoặc vùng phong toả: Có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-SoV-2 theo phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh có giá trị trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm đến trước khi khởi hành chuyến bay.
- Hành khách phải khai báo y tế, sử dụng ứng dụng PC Covid, chịu trách nhiệm về tính trung thực của các thông tin khai báo.
- Không tham gia chuyến bay nếu có triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng, mất vị giác...
Trong khi đó, theo quy định cũ tại Quyết định 1840/QĐ-BGTVT được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định số 2233/QĐ-BGTVT, Bộ Giao thông Vận tải đang quy định thêm điều kiện với các hành khách khác:
- Người có chứng nhận đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19, trong đó, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm khởi hành chuyến bay;
- Người có giấy chứng nhận khỏi bệnh Covid-19 hoặc có giấy ra viện không quá 6 tháng tính đến thời điểm khởi hành chuyến bay;
- Người có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên có giá trị trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm đến trước thời điểm khởi hành chuyến bay.
Như vậy, theo quy định cũ này, trẻ em dưới 12 tuổi chưa tiêm vắc xin sẽ phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Nhưng với quy định mới, chỉ có trẻ em ở địa bàn có dịch cấp 4/vùng phong toả hoặc chuyến bay xuất phát từ địa bàn có dịch cấp 4/vùng phong toả mới cần phải có giấy xét nghiệm.
Nếu còn thắc mắc liên quan đến các vấn đề về phòng, chống Covid-19, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6199 để được hỗ trợ, giải đáp.
Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!
Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919
Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724
Email: [email protected]
Lưu ý:
* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.
* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.