Điểm tin Văn bản mới số 04.2020

Y tế-Sức khỏe

01

Quyết định 181/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc ban hành "Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV)"

path Hướng dẫn phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp do virut Corona

02

Chỉ thị 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra

path Thủ tướng: Chống dịch do virut Corona như “chống giặc”

03

Thông tư 01/2020/TT-BYT của Bộ Y tế về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 30/2018/TT-BYT ngày 30/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế

path Quy định mới về điều kiện thanh toán thuốc cho người có thẻ BHYT

04

Công văn 364/BYT-DP của Bộ Y tế về việc hướng dẫn giám sát người tiếp xúc gần với trường hợp bệnh do nCoV gây ra và người về từ vùng dịch

path Hướng dẫn theo dõi sức khỏe người tiếp xúc với người nghi nhiễm nCoV

05

Quyết định 173/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra

path Thủ tướng chính thức công bố dịch Corona

Điểm tin văn bản

Y tế-Sức khỏe
Hướng dẫn phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp do virut Corona

Sau hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi cấp do chủng virut Corona mới (nCoV), ngày 21/01/2020, Bộ Y tế tiếp tục ban hành Quyết định 181/QĐ-BYT hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng chống viêm đường hô hấp do virut này gây ra.

Theo đó, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virut Corona (nCoV) là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm A. Người mắc bệnh có triệu chứng như sốt, ho, khó thở, có trường hợp viêm phổi nặng, có thể gây suy hô hấp cấp và nguy cơ tử vong…

Đặc biệt: Đến nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh.

Do đó, để phòng bệnh, người dân cần phải sử dụng các biện pháp như:

- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay khi ho hoặc hắt hơi để giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Sau đó hủy hoặc giặt sạch khăn ngay;

- Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; Thường xuyên súc họng bằng nước sát khuẩn miệng;

- Tăng cường thông khí nơi làm việc, nhà ở, trường học, cơ sở y tế… bằng cách mở cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa;

- Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường như xà phòng và các dung dịch khử khuẩn thông thường khác;

- Người có các triệu chứng viêm đường hô hấp hoặc nghi ngờ mắc bệnh như sốt, ho, khó thở không nên đi du lịch hoặc đến nơi tập trung đông người…

Thủ tướng: Chống dịch do virut Corona như “chống giặc”

Ngày 28/01/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virut Corona gây ra.

Theo đó, dịch bệnh này đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc và là dịch bệnh mới, nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu…

Bởi vậy, để chủ động phòng, chống dịch bệnh, Thủ tướng ra chỉ thị không được chủ quan, không để dịch lây lan, coi việc phòng, chống dịch như “chống giặc”.

- Thực hiện nghiêm việc giám sát, phát hiện sớm các trường hợp lây nhiễm, cách ly triệt để, theo dõi các trường hợp có tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm;

- Quản lý các trường hợp bệnh, phòng, chống nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế, không để xảy ra các trường hợp người bệnh và cán bộ y tế bị lây nhiễm dịch bệnh này;

- Thực hiện nghiêm việc khử trùng, tẩy độc tại các cửa khẩu như đường hàng không, đường bộ, đường thủy;

- Tổ chức cách ly và quản lý những người lao động, làm việc khi phát hiện trường hợp mắc, nghi ngờ mắc bệnh;

- Các công ty du lịch hủy các tour, gói du lịch, không tổ chức các đoàn khách du lịch tới các tỉnh, thành phố đang có dịch, có người mắc bệnh và không đón khách du lịch từ vùng có dịch đến Việt Nam;

- Tổ chức xác minh và xử lý nghiêm các trường hợp tung tin không đúng về tình hình dịch, gây hoang mang trong cộng đồng;

- Cấm người qua lại tại các đường mòn, lối mở với Trung Quốc và kiểm soát chặt chẽ khách qua lại tại các cửa khẩu khác;

- Thành lập Đội phản ứng nhanh với thành viên là đại diện lãnh đạo các Bộ Y tế, Công an, Quốc phòng, Ngoại giao... để giải quyết kịp thời các vấn đề cấp bách trong phòng, chống dịch...

Quy định mới về điều kiện thanh toán thuốc cho người có thẻ BHYT

Ngày 16/01/2020, Bộ Y tế ban hành Thông tư 01/2020/TT-BYT sửa đổi, bổ sung Thông tư 30/2018/TT-BYT về danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế.

So với quy định tại Thông tư 30/2018/TT-BYT, điều kiện và tỷ lệ thanh toán của một số loại thuốc được thay đổi như sau:

- Thuốc Liraglutide: Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 30% cho người bệnh đái tháo đường típ 2 đáp ứng đồng thời các tiêu chí:

+ Trên 40 tuổi, BMI > 23, mắc đái tháo đường típ 2, có bệnh lý tim mạch hoặc tăng huyết áp;

+ Không kiểm soát đường huyết (HbA1C > 9) sau thời gian 03 tháng (nội dung mới);

+ Suy thận nồng độ CrCI < 59 ml/phút (nội dung mới).

- Tinh bột este hóa (hydroxyethyl starch): Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán điều trị giảm thể tích tuần hoàn do mất máu cấp khi việc sử dụng dịch truyền đơn thuần không cải thiện lâm sàng; điều trị sốt xuất huyết Dengue nặng theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết Dengue của Bộ Y tế (nội dung mới).

- Thuốc Imatinib: Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán điều trị bệnh bạch cầu tủy mạn (CML) hoặc u mô đệm dạ dày ruột (GIST); thanh toán 80% (trước đây thanh toán 50%).

- Thuốc L-Ornithin - L - aspartat: Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán điều trị bệnh não do gan từ giai đoạn 2 trở lên theo hệ thống phân loại Wesst Haven (nội dung mới)

Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/3/2020.

Hướng dẫn theo dõi sức khỏe người tiếp xúc với người nghi nhiễm nCoV

Tại Công văn 364/BYT-DP ngày 29/01/2020, Bộ Y tế đã có những chỉ đạo trong việc giám sát người tiếp xúc gần với trường hợp bệnh do vi rút Corona (nCoV) gây ra và người từ vùng dịch trở về.

Theo đó, mọi trường hợp tiếp xúc với người mắc bệnh, người bị sốt từ Trung Quốc trở về đều phải được điều tra, lập danh sách, ghi nhận thông tin cá nhân về địa chỉ nơi cư trú, số điện thoại, tình trạng sức khỏe hàng ngày trong vòng 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối.

Đồng thời, các Sở Y tế có trách nhiệm cung cấp cho người tiếp xúc những thông tin cụ thể về địa chỉ, số điện thoại đường dây nóng của cơ sở y tế địa phương; hướng dẫn cá nhân tự theo dõi sức khỏe, thông báo tình hình sức khỏe 02 lần/ngày cho cơ sở y tế.

Trường hợp không nhận được thông tin sức khỏe cá nhân từ người tiếp xúc thì cán bộ y tế địa phương phải tự gọi điện thoại hoặc liên hệ để có được thông tin sớm nhất.

Bên cạnh đó, hướng dẫn người tiếp xúc gần chủ động cách ly tại nơi cư trú để phòng tránh lây nhiễm cho người thân và người xung quanh bằng cách:

- Đeo khẩu trang y tế và tránh đến những nơi đông người;

- Vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che kín miệng và mũi khi ho, sau đó rửa tay ngay bằng xà phòng; không khạc nhổ bừa bãi;

- Chỉ sử dụng các thực phẩm đã được làm chín;

- Khi có biểu hiện như sốt, ho, khó thở cần thông báo ngay cho y tế địa phương để kịp thời cách ly, điều trị, phòng chống lây nhiễm;

- Chia sẻ lịch trình di chuyển và những người đã tiếp xúc.

Thủ tướng chính thức công bố dịch Corona

Vào hôm nay (01/02/2020), Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virut Corona gây ra.

Theo Quyết định này, thời gian xảy ra dịch là từ ngày 23/01/2020 - thời điểm xác định trường hợp đầu tiên nhiễm bệnh tại Việt Nam. Địa điểm và quy mô xảy ra dịch gồm 03 địa phương: Khánh Hòa, Vĩnh Phúc và Thanh Hóa (có 06 trường hợp mắc bệnh).

Về tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch: Đây là bệnh truyền nhiễm nhóm A (thuộc nhóm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh); có nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu.

Các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện việc tiếp nhận, cách ly, theo dõi và điều trị người bệnh bao gồm: Bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện trong ngành Công an, Quân đội và các bệnh viện khác có điều kiện; Bệnh viện dã chiến (khi được huy động). Trước đó, vào ngày 28/01/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virut Corona gây ra, trong đó nhấn mạnh không được chủ quan, không để dịch lây lan, coi việc phòng, chống dịch như “chống giặc”.

Quyết định này có hiệu lực ngay trong ngày 01/02/2020. 

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề
Từ 01/3/2020, không ghi hình thức đào tạo trên bằng đại học

Ngày 30/12/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 27/2019/TT-BGDĐT quy định nội dung chính ghi trên văn bằng và phụ lục văn bằng giáo dục đại học.

Theo đó, Thông tư này quy định sinh viên tốt nghiệp giáo dục đại học sẽ được cấp văn bằng và phụ lục văn bằng, áp dụng với bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và các văn bằng trình độ tương đương.

Đặc biệt, một trong những điểm mới của Thông tư này là không ghi thông tin về hình thức đào tạo như chính quy hoặc vừa làm vừa học; học từ xa hay tự học có hướng dẫn trong nội dung chính của văn bằng như quy định cũ tại phụ lục kèm theo Thông tư số 19/2011/TT-BGDĐT.

Nội dung này sẽ được ghi tại mục thông tin về văn bằng trên phụ lục văn bằng. Kèm theo đó là các nội dung khác về chuyên ngành đào tạo, ngày nhập học, ngôn ngữ đào tạo, thời gian đào tạo, trình độ đào tạo theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Như vậy, trên văn bằng sẽ chỉ còn 10 nội dung là: Tiêu đề, tên văn bằng theo từng trình độ đào tạo, ngành đào tạo, tên cơ sở giáo dục đại học cấp văn bằng, họ, chữ đệm, tên, ngày tháng năm sinh của người được cấp văn bằng, hạng tốt nghiệp (nếu có), số hiệu, số vào sổ gốc cấp văn bằng…

Đồng thời, cơ sở giáo dục đại học được tự thiết kế mẫu và bổ sung các nội dung khác ghi trên văn bằng cũng như phụ lục văn bằng phù hợp với quy định của pháp luật…

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/3/2020.

Mới: 3 điều kiện giáo viên nghỉ hưu được hưởng trợ cấp

Chính phủ ban hành Nghị định 14/2020/NĐ-CP quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu.

Theo đó, nhà giáo sẽ được hưởng chế độ trợ cấp này khi có đủ 03 điều kiện sau:

- Trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành và tham gia đóng bảo hiểm xã hội từ 05 năm (đủ 60 tháng) trở lên;

- Nghỉ hưu trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/1994 đến 31/5/2011;

- Đang hưởng lương hưu tại thời điểm 01/01/2012. Nếu bị tạm dừng hưởng lương hưu thì được trợ cấp sau khi được hưởng lại lương hưu.

Mức hưởng trợ cấp một lần bằng tiền, tính theo công chức:

Số tiền trợ cấp = (lương hưu tháng x 10%) x số năm được tính trợ cấp

Trong đó:

- Lương hưu tháng là mức lương hưu của tháng tại thời điểm 15/3/2020;

- Số năm được tính trợ cấp là tổng thời gian trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành trong các cơ sở giáo dục…

Nghị định này được ban hành ngày 24/01/2020 và có hiệu lực từ ngày 15/3/2020.

Tiết kiệm-Phòng, chống tham nhũng, lãng phí
Năm 2020: Không bổ sung các loại phụ cấp mới theo nghề

Ngày 23/01/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 166/QĐ-TTg ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 với nhiều nội dung đáng chú ý.

Liên quan đến việc quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động, tại Chương trình ban hành kèm theo Quyết định này, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị phải sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành, không bổ sung các loại phụ cấp mới theo nghề.

Đồng thời, xây dựng chế độ tiền lương mới theo nội dung cải cách chính sách tiền lương, gắn với lộ trình cải cách hành chính, tinh giản biên chế.

Đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau đại hội Đảng bộ cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 tại những đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới hình thành, các địa phương phải bố trí, sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách phù hợp, đúng quy định.

Cùng với đó là giải thể những tổ chức không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả; sắp xếp lại các đơn vị, văn phòng chuyên trách; chỉ duy trì đơn vị chuyên trách giúp việc hiện có nếu thực sự cần thiết nhưng phải bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, không làm tăng biên chế.

Và hơn hết, đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch và chuyên nghiệp hướng tới phục vụ người dân…

Quyết định có hiệu lực từ ngày 23/01/2020.

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM

Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919

Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724

Email: [email protected]

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.