Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 05/2025/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Theo điểm đ khoản 5 Điều 163 Nghị định 08/2022/NĐ-CP được sửa đổi khoản 54 Điều 1 Nghị định 05/2025/NĐ-CP như sau:
- Thời hạn một cuộc kiểm tra đối với một tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tối đa không quá 07 ngày, kể từ ngày bắt đầu tiến hành kiểm tra tại nơi được kiểm tra.
Trường hợp vụ việc phức tạp, phạm vi kiểm tra rộng thì có thể gia hạn một lần không quá 07 ngày. Thời hạn kiểm tra không bao gồm thời gian phân tích, giám định, kiểm định mẫu môi trường (nếu có).
- Thời hạn một cuộc kiểm tra đối với nhiều tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày bắt đầu tiến hành kiểm tra tại nơi được kiểm tra.
Trường hợp vụ việc phức tạp, phạm vi kiểm tra rộng thì có thể gia hạn một lần không quá 15 ngày. Thời hạn kiểm tra không bao gồm thời gian phân tích, giám định, kiểm định mẫu môi trường (nếu có).
Mẫu quyết định thành lập đoàn kiểm tra, gia hạn thời hạn kiểm tra do Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định;
Theo điểm e khoản 5 Điều 163 Nghị định 08/2022/NĐ-CP được sửa đổi khoản 54 Điều 1 Nghị định 05/2025/NĐ-CP thì Quyết định kiểm tra phải được gửi cho đối tượng kiểm tra chậm nhất 05 ngày, kể từ ngày ban hành, trừ trường hợp kiểm tra đột xuất không báo trước theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 160 Luật Bảo vệ môi trường 2020 và pháp luật khác có liên quan.
Đoàn kiểm tra phải tiến hành kiểm tra chậm nhất 10 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định kiểm tra
Điểm a khoản 3 Điều 160 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định việc kiểm tra đột xuất không báo trước của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường được thực hiện khi có căn cứ cho rằng tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 178/2024/NĐ-CP về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Theo đó, tại Điều 7 Nghị định 178/2024/NĐ-CP quy định 06 trường hợp được áp dụng chế độ nghỉ hưu trước tuổi khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 178/2024/NĐ-CP gồm:
(1) Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý và công chức, viên chức;
(2) Cán bộ, công chức cấp xã;
(3) Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động trước thời điểm ngày 15/01/2019 và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động được áp dụng chính sách như công chức;
(4) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam;
(5) Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, công nhân công an và lao động hợp đồng hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc Công an nhân dân;
(6) Người làm việc trong tổ chức cơ yếu.
Bên cạnh đó, theo khoản 2 Điều 24 và Điều 25 Nghị định 178/2024/NĐ-CP:
- Những người đã hưởng chính sách quy định tại Nghị định 29/2023/NĐ-CP về tinh giản biên chế trước ngày 01/01/2025 thì không được hưởng chính sách, chế độ quy định tại Nghị định 178/2024/NĐ-CP.
- Các trường hợp đang thực hiện giải quyết chính sách, chế độ do sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo quy định tại Nghị định 29/2023/NĐ-CP nhưng cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành quyết định hưởng chính sách, chế độ thì được áp dụng chính sách, chế độ quy định tại Nghị định 178/2024/NĐ-CP.
Nếu trường hợp đang thực hiện giải quyết chính sách, chế độ do sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo quy định tại Nghị định 29/2023/NĐ-CP nhưng cơ quan có thẩm quyền đã ban hành quyết định hưởng chính sách, chế độ thì không áp dụng chính sách, chế độ quy định tại Nghị định 178/2024/NĐ-CP.
Thông tư 15/2024/TT-BLĐTBXH bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, liên tịch ban hành đã được ban hành ngày 31/12/2024.
Điều 1 Thông tư 15/2024/TT-BLĐTBXH hiệu lực từ ngày 15/02/2025 quy định bãi bỏ toàn bộ 14 văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, liên tịch ban hành.
Trong đó có 10 văn bản liên quan đến lĩnh vực lao động - tiền lương, gồm:
(1) Thông tư 08/2013/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định số 46/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tranh chấp lao động.
(2) Thông tư 30/2013/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 44/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về hợp đồng lao động.
(3) Thông tư 19/2014/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 27/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình.
(4) Thông tư 27/2014/TT-BLĐTBXH hướng dẫn việc cơ quan quản lý nhà nước về lao động lấy ý kiến tổ chức đại diện người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở địa phương trong việc xây dựng chính sách, pháp luật về lao động và những vấn đề về quan hệ lao động.
(5) Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều về tiền lương của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động.
(6) Thông tư 29/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều về thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể và giải quyết tranh chấp lao động quy định tại Nghị định số 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động.
(7) Thông tư 35/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện chính sách đối với người lao động khi chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần theo Quyết định 22/2015/QĐ-TTg.
(8) Thông tư 17/2018/TT-BLĐTBXH về tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động của doanh nghiệp.
(9) Thông tư 20/2018/TT-BLĐTBXH hướng dẫn cơ chế phối hợp trong việc thực hiện thanh tra chuyên ngành lao động, an toàn, vệ sinh lao động vào ban đêm, ngoài giờ hành chính.
(10) Quyết định 01/2006/QĐ-BLĐTBXH ngày 16/02/2006 ban hành quy chế hoạt động thanh tra nhà nước về lao động theo phương thức thanh tra viên phụ trách vùng.
Đồng thời bãi bỏ 04 văn bản liên quan đến cai nghiện ma túy gồm:
(1) Thông tư liên tịch 28/2010/TTLT-BLĐTBXH-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Trung tâm quản lý sau cai nghiện ma tuý.
(2) Thông tư liên tịch số 43/2011/TTLT-BLĐTBXH-BYT hướng dẫn việc cấp giấy phép và quản lý hoạt động của các cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện.
(3) Nghị quyết liên tịch 01/2005/NQLT-BLĐTBXH-BCA-BVHTT-UBTWMTTQVN quy định và hướng dẫn nội dung hoạt động, phân loại, đánh giá công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm.
(14) Nghị quyết liên tịch 01/2008/NQLT-BLĐTBXH-BCA-BVHTTDL-UBTƯMTTQVN ban hành “Các tiêu chí phân loại, chấm điểm đánh giá và biểu thống kê báo cáo về công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm".
Thông tư 01/2025/TT-BLĐTBXH quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập đã đóng bảo hiểm được ban hành ngày 10/01/2025.
Điều 1 Thông tư 01/2025/TT-BLĐTBXH quy định đối tượng áp dụng các quy định trong Thông tư này gồm:
(1) Đối tượng điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 10 Nghị định 115/2015/NĐ-CP:
- Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01/01/2016 trở đi, hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, bảo hiểm xã hội một lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần trong thời gian từ ngày 01/01/2025 đến ngày 31/12/2025.
- Người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, bảo hiểm xã hội một lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần trong thời gian từ ngày 01/01/2025 đến ngày 31/12/2025.
(2) Đối tượng điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 134/2015/NĐ-CP là người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, bảo hiểm xã hội một lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần trong thời gian từ ngày 01/01/2025 đến ngày 31/12/2025.
Thông tư 01/2025/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 28/02/2025.
Đây là nội dung đáng chú ý Bộ Y tế nêu tại Công văn 252/BYT-BH ngày 14/01/2025 về thực hiện Thông tư 01/2025/TT-BYT.
Theo đó Thông tư 01/2025/TT-BYT được Bộ Y tế đã ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025, tại Công văn 252/BYT-BH, Bộ Y tế đề nghị các cơ quan, đơn vị thực hiện đúng các quy định của Thông tư 01/2025/TT-
Tại điểm đ khoản 5 Điều 15 của Thông tư 01/2025/TT-BYT quy định:
“Các mẫu giấy hẹn khám lại, giấy chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 75/2023/NĐ-CP được tiếp tục sử dụng đến khi Bảo hiểm xã hội Việt Nam và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoàn thành việc cập nhật và gửi dữ liệu thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo mẫu Phiếu hẹn khám lại và Phiếu chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế quy định tại Thông tư này nhưng không muộn hơn ngày 31 tháng 12 năm 2025.”.
Như vậy, trong quá trình cập nhật, hoàn thiện phần mềm, cả hai mẫu phiếu chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đều được tiếp tục sử dụng đồng thời, có giá trị như nhau để làm căn cứ KBCB BHYT, thanh toán chi phí KBCB BHYT gồm:
- Mẫu phiếu chuyển cơ sở khám bệnh theo quy định tại Thông tư 01/2025/TT-BYT
- Giấy chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo quy định tại Nghị định 75/2023/NĐ-CP.
Cơ sở khám chữa bệnh không yêu cầu người bệnh quay lại cơ sở khám chữa bệnh nơi chuyển người bệnh đi để xin cấp lại phiếu chuyển cơ sở khám chữa bệnh theo mẫu mới.
Đồng thời, đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh khẩn trương cập nhật, hoàn thiện phần mềm quản lý hoạt động KBCB BHYT để cấp phiếu hẹn khám lại và phiếu chuyển cơ sở khám chữa bệnh BHYT, cập nhật và gửi dữ liệu thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo mẫu mới.
Bộ Nội vụ vừa ban hành Thông tư 1/2025/TT-BNV hướng dẫn chế độ đối với cán bộ, công chức trong sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị.
Theo đó, Thông tư 1/2025/TT-BNV hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại Điều 1 Nghị định 178/2024/NĐ-CP trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính các cấp của hệ thống chính trị, gồm:
- Cách xác định thời điểm và tiền lương tháng để tính hưởng chính sách, chế độ;
- Cách tính hưởng chính sách đối với người nghỉ hưu trước tuổi; cách tính hưởng chính sách thôi việc đối với cán bộ, công chức và cán bộ, công chức cấp xã;
- Cách tính hưởng chính sách thôi việc đối với viên chức, người lao động và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ, công chức, viên chức sau sắp xếp.
Thông tư 01/2025/TT-BNV áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức cấp xã và người lao động quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị định 178/2024/NĐ-CP:
- Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý và công chức, viên chức;
- Cán bộ, công chức cấp xã;
- Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động trước thời điểm ngày 15/01/2019 và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động được áp dụng chính sách như công chức;
Điều 3 Thông tư 01/2025/TT-BNV quy định cách xác định thời điểm và tiền lương tháng để tính hưởng chính sách, chế độ cụ thể như sau:
Thời điểm quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền là thời điểm có hiệu lực của văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ban hành về sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính.
- Trong thời hạn 12 tháng tính từ thời điểm quy định trên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được cơ quan có thẩm quyền quyết định cho nghỉ việc (nghỉ hưu trước tuổi hoặc nghỉ thôi việc) thì được tính hưởng chính sách, chế độ theo quy định của 12 tháng đầu tiên.
- Sau thời hạn 12 tháng thì được tính hưởng chính sách, chế độ theo quy định của tháng thứ 13 trở đi.
Thông tư 1/2025/TT-BNV được ban hành và có hiệu lực từ ngày 17/01/2025.
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 28/2024/TT-BGDĐT ngày 31/12/2024 quy định nội dung thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục và thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục.
Căn cứ Điều 7 Thông tư 28/2024/TT-BGDĐT, hiệu lực từ ngày 10/2/2025 quy định về nội dung thanh tra chuyên ngành đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên như sau:
- Công tác xã hội hóa giáo dục, quản lý dạy thêm, học thêm.
- Các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; chấp hành quy định về kiểm định chất lượng giáo dục.
- Thực hiện quy định về thu, quản lý, sử dụng học phí, các nguồn lực tài chính khác.
Bên cạnh đó, còn thanh tra việc ban hành văn bản, quy định quản lý nội bộ và phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng bộ máy tổ chức;
Thực hiện các quy định về công khai trong lĩnh vực giáo dục; công tác kiểm tra nội bộ và việc thực hiện các quy định về tổ chức và hoạt động theo Điều lệ, Quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục.
- Thực hiện quy chế chuyên môn, thực hiện nội dung, phương pháp giáo dục; việc quản lý, lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa, tài liệu giáo dục, thiết bị dạy học và đồ chơi trẻ em.
- Thực hiện quy chế tuyển sinh, quản lý, giáo dục người học và các chế độ, chính sách đối với người học, quản lý cấp phát văn bằng.
- Công khai trong hoạt động của cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định 4389/QĐ-BTNMT ngày 31/12/2024 phê duyệt Kế hoạch thanh tra năm 2025.
Theo Quyết định 4389/QĐ-BTNMT, năm 2025, Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất được giao thanh tra về việc chấp hành pháp luật đất đai ở 03 tỉnh, thành gồm: Thừa Thiên Huế (tháng 03 - 04), Cà Mau (tháng 05 - 06), Tiền Giang (tháng 10-11) với 05 nội dung:
(1) Công tác lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện;
(2) Công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất;
(3) Công tác đấu giá quyền sử dụng đất;
(4) Công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất;
(5) Việc quản lý, sử dụng đất đối với dự án không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất tại địa phương.
Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cũng sẽ triển khai thanh tra đột xuất trong năm 2025.
Cục Khoáng sản Việt Nam sẽ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra do Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (trước đây) thực hiện tại các tỉnh:
- Quảng Ninh và Long An vào tháng 7- 8
- Khánh Hòa và Bình Dương vào tháng 4 - 5
- Đồng Nai vào tháng 5 - 6.
Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiến hành thanh tra chuyên ngành trong khoảng thời gian từ tháng 4 - 7/2025 với nội dung:
- Thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành về đất đai, bảo vệ môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước, đo đạc bản đồ, biển và hải đảo tại Quảng Trị.
- Thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai, bảo vệ môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước, đo đạc bản đồ tại Hậu Giang.
Phương án này được nêu tại Báo cáo 219/BC-BNV về bổ sung, hoàn thiện phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ.
Theo đó, tại Báo cáo 219/BC-BNV có đề cập đến việc tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị về việc điều chuyển một số chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ như sau:
- Chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về báo chí đang giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông sang Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
- Chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về giảm nghèo đang giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sang Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
- Điều chỉnh sửa đổi, chức năng, nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách kinh tế - tài chính không bao gồm chức năng, nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (do Bộ Chính trị đã quyết định chuyển Viện này về Ban Chính sách, chiến lược Trung ương).
- Kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; chuyển 18 tập đoàn, tổng công ty hiện đang giao cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước quản lý về Bộ Tài chính quản lý; chuyển Tổng công ty Viễn thông Mobifone về Bộ Công an quản lý (tổ chức đảng của Tổng công ty chuyển về trực thuộc Đảng ủy Công an Trung ương).
18 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước về Bộ Tài chính quản lý gồm:
1. Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước
2. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
3. Tập đoàn Điện lực Việt Nam
4. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam
5. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam
6. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam
7. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam
8. Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam
9. Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam
10. Tổng Công ty Hàng không Việt Nam
11. Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam
12. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam
13. Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam
14. Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam
15. Tổng Công ty Cà phê Việt Nam
16. Tổng Công ty Lương thực miền Nam
17. Tổng Công ty Lương thực miền Bắc
18. Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam
Báo cáo 219/BC-BNV được ban hành ngày 11/01/2025.
Nghị định 07/2025/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực được Chính phủ ban hành ngày 09/01/2025.
Một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị định 07/2025/NĐ-CP là việc sửa đổi, bổ sung quy định của Nghị định 123/2015/NĐ-CP, cụ thể khoản 1, khoản 2 Điều 2 quy định về xuất trình, nộp giấy tờ khi đăng ký hộ tịch, cấp bản sao trích lục hộ tịch như sau:
-Người yêu cầu đăng ký hộ tịch, cấp bản sao trích lục hộ tịch xuất trình bản chính một trong các giấy tờ là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước công dân, Thẻ căn cước, Căn cước điện tử,Giấy chứng nhận căn cước hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân.
- Người yêu cầu đăng ký khai sinh phải nộp Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay Giấy chứng sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật Hộ tịch; người yêu cầu đăng ký khai tử phải nộp Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay Giấy báo tử theo quy định tại khoản 1 Điều 34 của Luật Hộ tịch và tại khoản 2 Điều 4 của Nghị định 07/2025/NĐ-CP.
Trường hợp người yêu cầu đã nộp bản điện tử Giấy chứng sinh, Giấy báo tử hoặc cơ quan đăng ký hộ tịch đã khai thác được dữ liệu điện tử có ký số của Giấy chứng sinh, Giấy báo tử thì không phải nộp bản giấy.
Trước đó, tại khoản 1, khoản 2 Điều 2 Nghị định 123/2015/NĐ-CP
- Người yêu cầu đăng ký hộ tịch, cấp bản sao trích lục hộ tịch xuất trình bản chính một trong các giấy tờ là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân.
- Người yêu cầu đăng ký khai sinh phải nộp bản chính Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay Giấy chứng sinh theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 của Luật Hộ tịch; đăng ký khai tử phải nộp bản chính Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay Giấy báo tử theo quy định tại Khoản 1 Điều 34 của Luật Hộ tịch và tại Khoản 2 Điều 4 của Nghị định này; đăng ký kết hôn phải nộp bản chính Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân theo quy định tại Mục 3 Chương III của Nghị định 123/2015/NĐ-CP.
Nghị định 07/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 09/01/2025.
Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!
Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919
Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724
Email: [email protected]
Lưu ý:
* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.
* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.