Điểm tin Văn bản mới số 03.2024

Điểm tin văn bản

Bảo hiểm
Đến 2025, 100% người dân sử dụng CCCD thay thẻ BHYT khi khám bệnh

Ngày 11/01/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 38/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến năm 2030.

Theo đó, ngành bảo hiểm đặt mục tiêu cụ thể đến 2025 toàn bộ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đã được cấp Căn cước công dân có thể sử dụng thay thế thẻ BHYT khi khám bệnh.:

Đồng thời, phấn đấu khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH); khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu.

Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 90%. Số người nhận các chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực đô thị trên 68%;

100% người tham gia bảo hiểm xã hội, BHTN, BHYT có tài khoản giao dịch điện tử, đã cài đặt ứng dụng VssID.

Để đạt được mục tiêu, Chiến lược đặt ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như:

- Tham gia xây dựng chính sách pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT;

- Đổi mới phương thức tổ chức thực hiện công tác thu, phát triển số người tham gia và quản lý quỹ BHXH, BHTN, BHYT;

- Nâng cao chất lượng công tác dự báo tài chính từng quỹ bảo hiểm trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để xây dựng chiến lược đầu tư trung hạn, dài hạn, kế hoạch đầu tư từng giai đoạn;

- Cải cách thủ tục hành chính, đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính;

- Đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức và phương pháp truyền thông linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, văn hóa, lối sống, nhu cầu của từng nhóm người tham gia...

Xem chi tiết Quyết định 38/QĐ-TTg 

Nếu có thắc mắc, bạn đọc liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.

Lao động-Tiền lương
Các trường hợp không được bảo lưu thời gian đóng BHTN từ 15/02/2024

Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH và Nghị định 28/2015/NĐ-CP về bảo hiểm thất nghiệp.

Theo khoản 4 Điều 1 Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH, người lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ không được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa được hưởng trợ cấp thất nghiệp:

- Người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng chỉ được giải quyết hưởng tối đa 12 tháng trợ cấp thất nghiệp, số tháng còn lại chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ không được bảo lưu.

Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu ghi tại quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Ví dụ 5: Bà Nguyễn Thị Đ có tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 41 tháng, như vậy, nếu bà Đ đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn thì được hưởng trợ cấp thất nghiệp 03 tháng (tương ứng với 36 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp) và được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 05 tháng.

- Các trường hợp không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp, bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu không bao gồm số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp đã được cơ quan bảo hiểm xã hội bảo lưu. 

Theo đó, số tháng lẻ chưa hưởng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu tại quyết định hưởng sẽ không được bảo lưu khi người lao động thuộc một trong 03 trường hợp:

  • Không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp;
  • Bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp;
  • Bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH có hiệu lực kể từ ngày 15/02/2024.

Nếu có thắc mắc, bạn đọc gọi ngay 19006192 để được hỗ trợ.

Tài chính-Ngân hàng
Chính phủ chốt thời hạn ban hành Nghị định về chế độ tiền lương mới

Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024.

Nghị quyết 01/NQ-CP nhấn mạnh, năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025. Trong đó, Chính phủ có nhiều chỉ đạo quan trọng liên quan đến cải cách tiền lương.

Cụ thể, Chính phủ yêu cầu triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả, thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương.

Hoàn thành việc xây dựng vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống hành chính nhà nước trước ngày 31/3/2024; đồng thời xác định rõ trách nhiệm từng bộ, ngành, địa phương và người đứng đầu để làm cơ sở thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ ngày 01/7/2024.

Tại Phụ lục IV, Chính phủ giao Bộ Nội vụ trong tháng 5/2024 phải hoàn thành Nghị định quy định chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Ngoài ra, Chính phủ yêu cầu tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Theo đó, Chính phủ chỉ đạo thực hiện quyết liệt việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của các cơ quan, đơn vị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã vào Quý III năm 2024 để đầu năm 2025 tập trung cho đại hội Đảng các cấp, nhất là cấp xã.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy, công chức, công vụ và thủ tục hành chính; tập trung xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia. 

Đẩy mạnh phát triển các hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra.

Xem chi tiết Nghị quyết 01/NQ-CP  

Nếu có thắc mắc, bạn đọc liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.
Y tế-Sức khỏe
Thời gian thực hành để cấp giấy phép hành nghề khám chữa bệnh

Đây là nội dung được quy định tại Nghị định 96/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Điều 3 Nghị định 96 quy định thời gian, nội dung thực hành để cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh như sau:

- Thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh đối với bác sỹ là 12 tháng, trong đó có:

  • 09 tháng thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh;

  • 03 tháng thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh về hồi sức cấp cứu.

- Thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh đối với y sỹ là 09 tháng, trong đó có:

  • 06 tháng thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh;

  • 03 tháng thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh về hồi sức cấp cứu.

- Thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh đối với điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y là 06 tháng, trong đó có:

  • 05 tháng thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh;

  • 01 tháng thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh về hồi sức cấp cứu.

- Thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh đối với dinh dưỡng lâm sàng là 06 tháng.

- Thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh đối với cấp cứu viên ngoại viện là 06 tháng, trong đó có:

  • 03 tháng thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh về cấp cứu ngoại viện;

  • 03 tháng thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh về hồi sức cấp cứu là 03 tháng.

- Thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh đối với tâm lý lâm sàng là 09 tháng.

Trong quá trình thực hành phải lồng ghép nội dung hướng dẫn các quy định pháp luật về khám, chữa bệnh, quy chế chuyên môn, đạo đức hành nghề, an toàn người bệnh, kỹ năng giao tiếp và ứng xử của người hành nghề.

Căn cứ phạm vi hành nghề do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành và các quy định về thời gian thực hành, cơ sở hướng dẫn thực hành xây dựng nội dung thực hành cụ thể đối với từng chức danh chuyên môn mà cơ sở dự kiến tổ chức hướng dẫn thực hành.

Nghị định 96/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/01/2024.

Nếu có thắc mắc, bạn đọc liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề
Đã có Thông tư quy định về thi đua, khen thưởng ngành giáo dục

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 29/2023/TT-BGDĐT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng đối với ngành Giáo dục.

Theo đó, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

- Có thành tích tiêu biểu, xuất sắc được bình xét khi sơ kết, tổng kết phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động; hoặc trong thực hiện nhiệm vụ chính trị do Đảng, Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao có thời gian từ 03 năm trở lên có phạm vi ảnh hưởng và nêu gương lan tỏa trong ngành Giáo dục.

- Hoặc có thành tích tiêu biểu, xuất sắc được bình xét hàng năm, sơ kết, tổng kết phong trào thi đua do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động; hoặc trong thực hiện nhiệm vụ mà Bộ trưởng Bộ Giáo dục giao có thời gian từ 05 năm trở lên có phạm vi ảnh hưởng và nêu gương lan tỏa trong ngành Giáo dục.  

- Lập được nhiều thành tích hoặc thành tích xuất sắc đột xuất, có phạm vi ảnh hưởng ở một trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giáo dục hoặc có nghĩa cử cao đẹp, hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản của nhân dân, của Nhà nước, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai...

- Có nhiều đóng góp đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo, có ý nghĩa xã hội to lớn, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho ngành Giáo dục, được đơn vị thụ hưởng và cơ quan quản lý trực tiếp của đơn vị thụ hưởng xác nhận.

- Có thời gian công tác tại đơn vị từ 05 năm trở lên, có thành tích xuất sắc, đóng góp cho sự phát triển của đơn vị được ghi nhận nhân dịp kỷ niệm thành lập (năm tròn).

- Cá nhân công tác tại các đơn vị thuộc Bộ, đơn vị trực thuộc Bộ, đại học quốc gia có 02 lần liên tục được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” hoặc có liên tục từ 02 năm trở lên được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Trong thời gian đó có 02 sáng kiến được công nhận và áp dụng có hiệu quả trong phạm vi cơ sở hoặc có 02 đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ, dự án khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu và áp dụng hiệu quả trong phạm vi cơ sở;

- Cá nhân công tác tại các đơn vị thuộc Bộ, đơn vị trực thuộc Bộ, đại học quốc gia hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong 05 năm trước khi nghỉ hưu theo chế độ bảo hiểm xã hội, chưa được Bộ trưởng Bộ Giáo dục tặng Bằng khen.

Thông tư 29/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 15/02/2024.

Nếu có thắc mắc, bạn đọc liên hệ 190 để được hỗ trợ.

Từ năm học 2024-2025, học sinh THCS được xét tốt nghiệp 2 lần/năm

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Quy chế xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) ban hành kèm Thông tư 31/2023/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, từ năm học 2024-2025, các cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, trong năm có học sinh học hết lớp 9 được tổ chức xét công nhận tốt nghiệp nhiều nhất 02 lần.

Lần xét công nhận tốt nghiệp thứ nhất được thực hiện ngay sau khi kết thúc năm học. Lần xét công nhận tốt nghiệp thứ hai (nếu có) được thực hiện trước khai giảng năm học mới.

Đối với các cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS, trong năm có học sinh học hết lớp 9, tổ chức xét công nhận tốt nghiệp ít nhất 01 lần ngay sau khi kết thúc năm học.

Quy định về 02 lần xét công nhận tốt nghiệp THCS trong một năm đối với học sinh học hết lớp 9 sẽ áp dụng trong năm học 2024 - 2025.

Trước đây, việc tổ chức xét công nhận tốt nghiệp THCS chỉ được thực hiện một lần ngay sau khi kết thúc năm học.

Đối với học viên học theo chương trình giáo dục thường xuyên THCS , số lần xét công nhận tốt nghiệp trong một năm do sở giáo dục và đào tạo trình uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương  quyết định.

Thông tư 31/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 15/02/2024.

Nếu có thắc mắc, bạn đọc liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.

Hành chính
Ban hành 5 Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật Viễn thông trong năm 2024

Đây là nội dung được nêu tại Quyết định 19/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật, Nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp 6.

Theo đó, trước ngày 15/4/2024 Bộ Thông tin và Truyền thông có nhiệm vụ ban hành các Nghị định:

- Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Viễn thông gồm:

  • Khoản 8 Điều 5; Khoản 3 Điều 11; Điểm h, k và m khoản 2 Điều 13; Điểm d khoản 4 Điều 13; Khoản 1 Điều 17; Khoản 6 Điều 19; Khoản 6 Điều 20;

  • Khoản 2, 3 Điều 21; Điểm b khoản 2 Điều 22; Khoản 4 Điều 23; Khoản 3 Điều 28; Khoản 5 Điều 29; Khoản 5 Điều 33; Điểm b khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 36; Điểm b khoản 2 Điều 39;

  • Khoản 3 Điều 41; Khoản 4 Điều 47; Khoản 4 Điều 61; Khoản 3 Điều 63; Khoản 10 Điều 65.

- Nghị định quy định chi tiết Luật Viễn thông về hoạt động viễn thông công ích (Khoản 2 Điều 32)

- Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Viễn thông về quản lý kho số viễn thông, tài nguyên Internet; việc bồi thường khi nhà nước thu hồi mã, số viễn thông, tài nguyên internet; đấu giá quyền sử dụng mã, số viễn thông, tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” (Khoản 4 Điều 48; khoản 10 Điều 50)

Trước ngày 15/5/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành các Thông tư:

- Thông tư của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết hoạt động bán buôn trong viễn thông (Khoản 3 Điều 16)

- Thông tư của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết cơ chế, nguyên tắc kiểm soát giá, phương pháp định giá thuê sử dụng mạng cáp trong tòa nhà, giá thuê hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giữa các doanh nghiệp viễn thông, tổ chức, cá nhân sở hữu công trình viễn thông (Điểm b khoản 1 Điều 67)

Ngoài ra, Quyết định 19/QĐ-TTg còn phân công nhiệm vụ soạn thảo các văn bản hướng dẫn Luật Nhà ở, Luật Căn cước, Luật Tài nguyên nước, Luật Kinh doanh bất động sản...

Nếu có vướng mắc, bạn đọc liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.

Người dân sẽ được cấp tài khoản an sinh xã hội trên VNeID

Đây là nội dung đáng chú ý được nêu tại Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 năm 2023.

Sau khi nghe báo cáo kết quả thực hiện Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, Chính phủ cơ bản thống nhất với đánh giá về tình hình, kết quả thực hiện của Tổ công tác.

Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội và các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng phương án cấp “tài khoản an sinh xã hội”.

Qua đó mỗi người dân đều có tài khoản an sinh xã hội gắn với số định danh cá nhân trên VNeID, được nhận chi trả an sinh xã hội theo yêu cầu.

 

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện:

- Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ xây dựng dự thảo, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh triển khai Đề án 06 trong năm 2024 và những năm tiếp theo, hoàn thành trong tháng 01 năm 2024.

- Triển khai các nhiệm vụ theo Nghị quyết số 175/NQ-CP phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia, tăng cường nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quốc tế, hợp tác quốc tế.

- Thúc đẩy cung cấp các tiện ích cho người dân, quản lý xã hội trên ứng dụng VNeID, nhất là tố giác tội phạm, phòng, chống cháy nổ, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, khai báo tạm trú, tạm vắng... và các dịch vụ ngân hàng, mua sắm, thanh toán, giáo dục, y tế, tiện ích cho đối tượng yếu thế.

Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước cho các bộ, cơ quan, địa phương theo quy định để triển khai Đề án 06 trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tích cực phối hợp Bộ Công an triển khai giải pháp chấm điểm khả tín, đảm bảo hoạt động cho vay an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động tín dụng đen.

Xem chi tiết Nghị quyết 11/NQ-CP

Nếu có thắc mắc, bạn đọc liên hệ 19006192 để được hỗ trơj.

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM

Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919

Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724

Email: [email protected]

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.