Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Ngày 15/01/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 03/2021/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Theo đó, Điều 13 Nghị định nêu rõ các trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không bồi thường thiệt hại:
- Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe cơ giới, người lái xe hoặc người bị thiệt hại.
- Người lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Nếu đã thực hiện trách nhiệm thì không thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.
- Người lái xe chưa đủ độ tuổi hoặc quá độ tuổi điều khiển xe cơ giới; không có giấy phép lái xe hoặc sử dụng giấy phép lái xe không hợp lệ hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp; bị tẩy xóa hoặc hết hạn sử dụng tại thời điểm xảy ra tai nạn hoặc không phù hợp với xe cơ giới bắt buộc phải có giấy phép lái xe…
Đặc biệt, nếu người lái xe bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn hoặc bị thu hồi giấy phép lái xe thì được coi là không có giấy phép lái xe.
- Thiệt hại gây ra hậu quả gián tiếp gồm giảm giá trị thương mại, thiệt hại gắn với việc sử dụng và khai thác tài sản bị thiệt hại.
- Thiệt hại với tài sản do lái xe điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, sử dụng ma túy và chất kích thích bị cấm.
- Thiệt hại với tài sản bị mất cắp hoặc bị cướp trong tai nạn.
- Thiệt hại với tài sản đặc biệt gồm vàng, bạc, đá quý, các loại giấy tờ có giá trị như tiền, đồ cổ, tranh ảnh quý hiếm, thi hài, hài cốt.
- Chiến tranh, khủng bố, động đất.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/3/2021.
Mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Quyết định 1921/QĐ-TLĐ về chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thiên tai năm 2020 trong dịp Tết Nguyên đán năm 2021.
Đối tượng hỗ trợ là Đoàn viên, người lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và thiên tai 2020.
Tiêu chí hỗ trợ gồm:
- Bản thân hoặc có vợ, chồng, con, bố, mẹ (đang ở cùng và phải trực tiếp nuôi dưỡng) bị bệnh hiểm nghèo; Bản thân là người khuyết tật hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang được hưởng trợ cấp hàng tháng;
- Làm việc trong các doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19 phải ngừng hoạt động, không có việc làm, nghỉ luân phiên hoặc giãn việc làm, có thu nhập không ổn định với mức bình quân chung trong năm 2020 không quá 03 triệu đồng/tháng;
- Làm việc tại các cơ sở giáo dục phải nghỉ việc từ 1,5 tháng trở lên, ảnh hưởng nhiều đến đời sống, thu nhập của bản thân và gia đình do tác động bởi Covid-19 và thiên tai năm 2020;
- Có hoàn cảnh khó khăn, làm việc trong các cơ quan, đơn vị, địa bàn bị thiệt hại nặng nề bởi thiên tai năm 2020;
- Có hoàn cảnh khó khăn đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 24 tháng tuổi, có thu nhập trung bình hàng tháng trong năm thấp dưới mức lương tối thiểu vùng.
Trên cơ sở các tiêu chí trên, căn cứ vào tình hình số lượng đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động… các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bổ sung, cụ thể hóa các tiêu chí theo phương châm ưu tiên những đối tượng khó khăn nhất, trực tiếp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và thiên tai 2020.
Đáng chú ý, những đoàn viên, người lao động đã được hỗ trợ theo Quyết định 643/QĐ-TLĐLĐ 2020 thì không được nhận hỗ trợ theo Quyết định này trừ trường hợp đã hỗ trợ nhưng vẫn khó khăn đặc biệt.
Mức hỗ trợ: 01 triệu đồng/người; người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh và thiên tai thì tối đa 02 triệu đồng/người.
Tại Quyết định số 07/QĐ-CTN, Chủ tịch nước đã quyết định tăng mức quà Tết năm 2021 tặng người có công với cách mạng. Ngay sau đó, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành Công văn 98/LĐTBXH-NCC hướng dẫn vấn đề này.
1. Đối tượng người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ:
- Mỗi người chỉ nhận 01 suất quà của Chủ tịch nước.
- Trường hợp một người được xác nhận là hai đối tượng trở lên đủ điều kiện hưởng cả 02 mức quà thì nhận 01 suất quà với mức cao nhất, nếu đủ điều kiện hưởng cùng một mức quà thì nhận 01 suất quà với mức đó.
2. Đối tượng là đại diện thân nhân liệt sĩ:
- Đại diện thân nhân liệt sĩ là một người duy nhất trong toàn bộ thân nhân liệt sĩ còn sống được nhận 01 suất quà. Trường hợp đại diện thân nhân liệt sĩ đồng thời là đối tượng nhận quà theo quy định tại mục (1) thì cử đại diện thân nhân còn lại của liệt sĩ để nhận 01 suất quà đối với đại diện thân nhân liệt sĩ.
- Trường hợp thân nhân liệt sĩ chỉ có duy nhất một người còn sống đồng thời đại diện duy nhất đó thuộc đối tượng tặng quà theo quy định tại mục (1) thì người đó được nhận thêm 01 suất quà đối với đại diện thân nhân liệt sĩ.
- Trường hợp thân nhân liệt sĩ có từ 02 người trở lên còn sống đều thuộc đối tượng tặng quà theo quy định tại mục (1) thì cử một người để nhận 01 suất quà đối với đại diện thân nhân liệt sĩ.
3. Đối tượng là người thờ cúng liệt sĩ (trường hợp liệt sỹ không còn thân nhân)
Trường hợp liệt sĩ không còn thân nhân thì người thờ cúng liệt sĩ được nhận quà tặng của Chủ tịch nước. Mỗi một liệt sĩ thì người thờ cúng liệt sĩ được nhận 01 suất quà.
Lưu ý: Quà tặng đuợc tặng bằng tiền. Việc tặng quà phải kết hợp thật chu đáo với thăm hỏi, động viên của các cơ quan, đoàn thể với từng đối tượng.
Việc tặng quà cho các đối tượng có công với các mạng nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước ban hành tại Quyết định số 07/QĐ-CTN.
Theo đó, năm 2021, người có công với cách mạng sẽ được tặng quà Tết với 02 mức: 600.000 đồng và 300.000 đồng (tăng 1,5 lần so với năm 2020 - 400.000 đồng và 200.000 đồng), cụ thể:
- Tặng 300.000 đồng cho các đối tượng:
- Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 80% trở xuống đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; Thương binh đang hưởng chế độ mất sức;
- Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 80% trở xuống đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng;
- Người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng;
- Người có công giúp đỡ cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; Đại diện thân nhân liệt sĩ; người thờ cúng liệt sĩ (trường hợp liệt sĩ không còn thân nhân).
- Tặng 600.000 đồng cho các đối tượng:
- Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày Khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng;
- Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng;
- Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng;
- Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng;
- Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng;
- Người có công giúp đỡ cách mạng đang hưởng trợ cấp nuôi dưỡng hằng tháng; thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng; thân nhân của hai liệt sĩ trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng.
Ngày 13/01/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Công văn 103/SGDĐT-TCCB về chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo với viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp.
Theo đó, Công văn nêu rõ tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên với viên chức có mã số hạng V.09 bởi tại Công văn 47/TCGDNN-NG ngày 08/01/2021, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp quy định:
Nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, đã được chuyển xếp vào hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp (có 04 ký tự đầu của mã số hạng chức danh là V.09) là đối tượng được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo.
Như vậy, những viên chức đã được chuyển xếp vào hạng chức danh nghề nghiệp chuyên ngành giáo dục nghề ngiệp (có mã số hạng chức danh bắt đầu bằng V.09) thì tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo.
Ngoài ra, Công văn cũng yêu cầu các trường cao đẳng, trường trung cấp chuyên nghiệp tiếp tục thực hiện chuyển đổi chức danh nghề nghiệp theo Thông tư 12/2019/TT-BLĐTBXH ngày 12/8/2019 hướng dẫn chuyển xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp:
- Viên chức hiện đang xếp lương giảng viên cao cấp mã số 15.109 hoặc giảng viên cao cấp hạng I, mã số V.07.01.01: Xếp lương giảng viên giáo dục nghề nghiệp cao cấp hạng I, mã số V.09.02.01;
- Viên chức hiện đang xếp lương giáo viên trung học cao cấp, mã số 15.112: Xếp lượng giáo viên giáo dục nghề nghiệp hạng II, mã số V.09.02.06…
Ngày 14/01/2021, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã ban hành Công văn hỏa tốc số 308/CV-BCĐ về việc tăng cường kiểm soát và quản lý người nhập cảnh.
Theo đó, Ban Chỉ đạo đề nghị Bộ Quốc phòng phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quản lý chặt chẽ việc cách ly người nhập cảnh, đảm bảo đồng thời các yêu cầu sau:
- Thời gian cách ly tập trung tối thiểu 14 ngày;
- Phải có kết quả xét nghiệm ít nhất 02 lần âm tính với vi rút SARS-CoV-2;
- Đủ thời gian theo dõi y tế sau cách ly tập trung theo quy định;
- Tuyệt đối không để lây lan dịch bệnh trong khu cách ly và lây lan từ khu cách ly ra cộng đồng.
Đồng thời, các cá nhân, tổ chức có vi phạm trong công tác cách ly y tế sẽ phải xử lý nghiêm.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo cũng đề nghị các tỉnh có biên giới tiếp tục chỉ đạo các đơn vị quân đội, công an phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm soát nghiêm, quản lý chặt chẽ khu vực biên giới đường bộ, đường biển, khu vực cửa khẩu đặc biệt là đường mòn, lối mở, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các vi phạm về quản lý nhập cảnh, không để nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Không chỉ vậy, các tỉnh cũng chỉ đạo các cấp chính quyền phối hợp cơ quan liên quan tuyên truyền, vận động, đề nghị từng người dân, gia đình, tổ dân phố, khu dân cư chủ động phát giác, khai báo trường hợp từ nước ngoài về nhập cảnh trái phép trong cộng đồng chưa được cách ly, quản lý và thông báo ngay cho chính quyền để cách ly, xử lý…
Đây là nội dung đáng chú ý nêu tại Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14/01/2021 do Thủ tướng Chính phủ ban hành về tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Tại Chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ:
Ủy ban nhân dân các TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về mô hình tổ chức chính quyền đô thị. Trong đó, tại quận, phường của TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và tại phường của TP. Hà Nội sẽ không tổ chức bầu đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026.
Với tỉnh, thành phố khác, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình tổ chức bầu cử một cách chủ động, bảo đảm tiến độ, phối hợp với Thường trực HĐND cùng cấp và cơ quan liên quan giám sát, kiểm tra, thực hiện công tác bầu cử.
Không chỉ thế, UBND các cấp còn phải chỉ đạo cơ quan quân đội, công an, y tế ở địa phương xây dựng kế hoạch, biện pháp cụ thể nhằm giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn và tại địa điểm bỏ phiếu; bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra an toàn, đúng pháp luật; xây dựng phương án dự phòng bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành liên tục, không bị gián đoạn.
Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ phải chủ trì hoặc phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết kịp thời, đúng pháp luật khiếu nại, tố cáo của công dân trước, trong và sau bầu cử.
Ngày 12/01/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 04/NQ-CP về việc sửa đổi, bổ sung khoản 8 Mục III Kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021 ban hành kèm theo Nghị quyết 32/NQ-CP 2019.
Theo đó, các chính sách đầu tư theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 và chính sách ưu đãi, hỗ trợ tại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thôn sau khi sáp nhập thực hiện theo nguyên tắc dự toán đối với từng Bộ, cơ quan Trung ương, từng địa phương không thay đổi, cụ thể như sau:
- Đối với sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện chỉ thực hiện các chính sách đầu tư theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 (Chương trình giảm nghèo) và chính sách ưu đãi, hỗ trợ tại địa bàn huyện nghèo trước khi sáp nhập.
- Đối với sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, sáp nhập thôn chỉ thực hiện các chính sách đầu tư theo Chương trình giảm nghèo và chính sách ưu đãi, hỗ trợ tại địa bàn xã, thôn khó khăn, đặc biệt khó khăn trước khi sáp nhập, gồm:
+ Đơn vị hành chính cấp xã thuộc khu vực III, khu vực II hoặc khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020 sáp nhập với nhau thực hiện các chính sách đầu tư theo Chương trình giảm nghèo và chính sách ưu đãi, hỗ trợ như thời điểm trước khi sáp nhập cho đến khi được sửa đổi, thay thế;
+ Đối với sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã (bao gồm trường hợp thôn của xã này nhập vào thôn của xã khác): Chỉ thực hiện ưu đãi, hỗ trợ, chính sách đầu tư theo Chương trình giảm nghèo đối với xã, thôn thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn cũ trước khi sáp nhập;
+ Xã, thôn khó khăn sáp nhập với xã, thôn khó khăn; xã, thôn đặc biệt khó khăn sáp nhập xã, thôn đặc biệt khó khăn bố trí nguồn vốn và tổ chức hỗ trợ đầu tư trên cơ sở cộng gộp 02 suất đầu tư của xã, thôn khó khăn, đặc biệt khó khăn như thời điểm trước khi sáp nhập cho xã, thôn mới.
Các chính sách thực hiện từ 12/01/2021 đến 31/12/2021. Riêng các chính sách của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 thực hiện đến hết năm 2020…
Đây là nội dung đáng chú ý của Nghị quyết 195/NQ-CP về Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2020.
Giao Bộ Lao động - Thương binh vã Xã hội chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định và trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
Theo dự thảo Nghị định về việc ban hành chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ, hộ nghèo là hộ có thu nhập bình quân dưới 02 triệu đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị và dưới 1,5 triệu đồng/người/tháng đối với khu vực nông thôn (đồng thời thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên)
Ngày 16/01/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định hỏa tốc số 72/QĐ-TTg về việc các xã, thôn trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi được tiếp tục thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội đã ban hành.
Cụ thể, các xã, thôn được phê duyệt tại Quyết định 582/QĐ-TTg và Quyết định 103/QĐ-TTg về Danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020 được tiếp tục thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội đã ban hành kể từ ngày 01/01/2021 đến khi Quyết định phê duyệt Danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 của cấp có thẩm quyền ban hành và có hiệu lực.
Giao Ủy ban nhân dân các tỉnh rà soát, xác định các thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định 33/2020/QĐ-TTg.
Ủy ban Dân tộc chủ trì, thẩm định, quyết định danh sách các thôn đặc biệt khó khăn và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành trước ngày 31/3/2021.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 16/01/2021.
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ.
Theo đó, Nghị quyết đã giải thích một số khái niệm sử dụng trong xét xử tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ nêu tại Bộ luật Hình sự hiện nay. Trong đó có chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản tham ô, nhận hối lộ.
Cụ thể, đây là trường hợp người phạm tội đã nộp lại ít nhất ¾ tài sản nhận hối lộ sau khi phạm tội.
Đồng thời, cũng được coi là chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản tham ô, nhận hối lộ nếu sau khi phạm tội đã tác động để cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em, những người thân khác nộp lại hoặc không phản đối việc những đối tượng này nộp lại ít nhất ¾ tài sản mà mình tham ô, nhận hối lộ.
Trong trường hợp cùng một vụ án, người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội, trong đó có Tội tham ô tài sản, Tội nhận hối lộ và tội khác nhưng đã chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản tham ô, nhận hối lộ thì cũng được coi là có tình tiết nêu trên trừ trường hợp có căn cứ rõ ràng xác định tài sản có nguồn gốc từ tội phạm khác.
Ví dụ: Nguyễn Văn A có hành vi tham ô số tiền 04 tỷ đồng và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt số tiền 02 tỷ đồng. Sau khi A bị khởi tố, vợ của A đã bán nhà, đất là tài sản riêng của mình để nộp lại số tiền 03 tỷ đồng thay cho A thì được coi là chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản tham ô.
Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP được ban hành ngày 30/12/2021 và có hiệu lực từ ngày 15/02/2021.
Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!
Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919
Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724
Email: [email protected]
Lưu ý:
* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.
* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.