Điểm tin Văn bản mới số 02.2024

Điểm tin văn bản

Lao động-Tiền lương
Các trường hợp không được bảo lưu thời gian đóng BHTN từ 15/02/2024

Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH và Nghị định 28/2015/NĐ-CP về bảo hiểm thất nghiệp.

Theo khoản 4 Điều 1 Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH, người lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ không được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa được hưởng trợ cấp thất nghiệp:

- Người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng chỉ được giải quyết hưởng tối đa 12 tháng trợ cấp thất nghiệp, số tháng còn lại chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ không được bảo lưu.

Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu ghi tại quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Ví dụ 5: Bà Nguyễn Thị Đ có tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 41 tháng, như vậy, nếu bà Đ đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn thì được hưởng trợ cấp thất nghiệp 03 tháng (tương ứng với 36 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp) và được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 05 tháng.

- Các trường hợp không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp, bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu không bao gồm số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp đã được cơ quan bảo hiểm xã hội bảo lưu. 

Theo đó, số tháng lẻ chưa hưởng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu tại quyết định hưởng sẽ không được bảo lưu khi người lao động thuộc một trong 03 trường hợp:

  • Không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp;
  • Bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp;
  • Bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH có hiệu lực kể từ ngày 15/02/2024.

Nếu có thắc mắc, bạn đọc gọi ngay 19006192 để được hỗ trợ.

Y tế-Sức khỏe
Tiêu chuẩn nhân viên y tế, cô đỡ thôn từ 01/01/2024

Đây là nội dung quy định tại Thông tư 27/2023/TT-BYT của Bộ Y tế về tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và nội dung đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ đối với nhân viên y tế thôn, bản; cô đỡ thôn, bản.

Cụ thể, Điều 2 Thông tư này quy định nhân viên y tế, cô đỡ ở thôn, bản phải có trình độ chuyên môn, đào tạo đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây:

- Hoàn thành chương trình (được cấp chứng chỉ) theo nội dung đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ như sau:

  • Đối với nhân viên y tế thôn, bản: các nội dung đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ được quy định tại Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Thông tư này, thời gian đào tạo tối thiểu 03 tháng.
  • Đối với cô đỡ thôn, bản: các nội dung đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ được quy định tại Phụ lục số 04 của Thông tư này, thời gian đào tạo tối thiểu 06 tháng.
  • Đối với Nhân viên y tế thôn, bản làm kiêm nhiệm vụ Cô đỡ thôn, bản: các nội dung đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ được quy định tại Phụ lục số 05 ban hành kèm theo Thông tư này, thời gian đào tạo tối thiểu 03 tháng.
- Có trình độ chuyên môn về y (bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh) từ trung cấp trở lên.

Nhân viên y tế, cô đỡ ở thôn, bản phải tự nguyện tham gia và có đủ sức khoẻ để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định.

Về chức năng đối với nhân viên y tế, cô đỡ ở thôn, bản:

- Nhân viên y tế thôn, bản có chức năng: hỗ trợ trạm y tế xã thực hiện chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu tại thôn, bản.

- Cô đỡ thôn, bản có chức năng: hỗ trợ trạm y tế xã thực hiện chức năng chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại thôn, bản.

Thông tư 27/2023/TT-BYT có hiệu lực từ 01/01/2024.

Nếu có thắc mắc, bạn đọc liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề
Trao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho các trường từ 12/02/2024

Đây là quy định đáng chú ý tại Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông.

Theo đó, quyền quyết định chọn sách giáo khoa đã được giao cho các cơ sở giáo dục thay vì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh như trước .

Cụ thể theo Điều 4, hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục do Hiệu trưởng cơ sở giáo dục hoặc Giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên, Giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, người đứng đầu các cơ sở giáo dục thành lập, giúp người đứng đầu cơ sở giáo dục tổ chức lựa chọn sách giáo khoa.

Mỗi cơ sở giáo dục thành lập 01 hội đồng. Đối với cơ sở giáo dục có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập 01 hội đồng.

Về nguyên tắc lựa chọn sách giáo khoa:

- Lựa chọn sách giáo khoa trong danh mục sách giáo khoa đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục.

- Mỗi khối lớp lựa chọn 01 sách giáo khoa cho mỗi môn học, hoạt động giáo dục được thực hiện ở cơ sở giáo dục.

Việc lựa chọn sách giáo khoa bảo đảm thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, vì quyền lợi của học sinh.

Tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa là phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục.

Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 12/02/2024.

Nếu có thắc mắc, bạn đọc liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.

Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học mới từ 12/02/2024

Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học mới ban hành tại Thông tư 28/2023/TT-BGDĐT ngày 28/12/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chương trình đào tạo từ xa là chương trình đào tạo chính quy được điều chỉnh và mô tả cụ thể trong đề cương chi tiết của mỗi học phần cho phù hợp với hình thức đào tạo từ xa, trong đó yêu cầu sử dụng chủ yếu phương thức mạng máy tính và viễn thông.

Chương trình đào tạo từ xa có kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa theo các tiến độ học tập khác nhau để định hướng cho người học, trong đó tổng thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa không ngắn hơn so với hình thức đào tạo chính quy.

Đối với người học liên thông đã được miễn trừ khối lượng tín chỉ tích lũy, thời gian tối đa để người học hoàn thành khóa học được xác định trên cơ sở thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa giảm tương ứng với khối lượng được miễn trừ.

Chương trình đào tạo từ xa phải được công khai đối với người học trước khi tuyển sinh và khi bắt đầu khóa học; những thay đổi, điều chỉnh liên quan đến chương trình đào tạo được thực hiện theo quy định hiện hành và công bố trước khi áp dụng, không gây tác động bất lợi cho người học.

Hằng năm, cơ sở đào tạo tổ chức rà soát, đánh giá và cập nhật chương trình đào tạo từ xa.

Thông tư 28/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 12/02/2024.

Nếu có thắc mắc, bạn đọc liên hệ 190 để được hỗ trợ.

Chính thức: Lùi lộ trình tăng học phí đại học 1 năm

Đây là nội dung mới được quy định tại Nghị định 97/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2021/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân…

Theo đó, Nghị định 97/2023/NĐ-CP lộ trình tăng học phí đại học lùi 01 năm so với Nghị định 81/2021/NĐ-CP.

Cụ thể:

Mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa bảo đảm chi thường xuyên được quy định như sau:

  • Năm học 2023-2024: Giữ nguyên mức học phí như năm 2022-2023: Từ 1,2 - 2,45 triệu đồng/học sinh/tháng, tùy ngành học.

  • Năm học 2024-2025: Tăng mức học phí lên 1,35 - 2,76 triệu đồng/học sinh/tháng (đây là mức học phí của năm 2023-2024 theo lộ trình cũ), tùy ngành học.

  • Năm học 2025-2026: Tăng mức học phí lên 1,52 - 3,11 triệu đồng/học sinh/tháng (đây là mức học phí của năm 2024-2025 theo lộ trình cũ), tùy ngành học.

  • Năm 2026-2027: Tăng mức học phí lên 1,71 - 3,5 triệu đồng/học sinh/tháng (đây là mức học phí của năm 2025-2026 theo lộ trình cũ), tùy ngành học.

Như vậy, so với lộ trình cũ quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP, lộ trình tăng học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên sẽ lùi 01 năm. 

Tương tự, lộ trình tăng học phí đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa tự bảo đảm chi thường xuyên cũng sẽ lùi 01 năm so với trước.

Nghị định 97/2023/NĐ-CP được ban hành và có hiệu lực từ ngày 31/12/2023.

Nếu còn thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ ngay đến tổng đài 19006192 để được hỗ trợ nhanh nhất. 
Giao thông
9 trường hợp "độ xe" vẫn được đăng kiểm từ 15/02/2024

Ngày 29/12/2023, Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư 43/2023/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 85/2014/TT-BGTVT quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Thông tư 43/2023 đã bổ sung quy định mới về các trường hợp xe cơ giới có sự thay đổi nhưng không được coi là cải tạo tại Thông tư 85/2014/TT-BGTVT.

Theo đó, các trường hợp xe cơ giới thay đổi chỉ liên quan đến nội thất và tính tiện nghi, không liên quan đến an toàn thì không coi là cải tạo xe cơ giới.

Cụ thể, các trường hợp xe cơ giới có sự thay đổi nhưng không được coi là cải tạo bao gồm:

- Thay đổi cửa lên xuống khoang hành khách (không bao gồm thay đổi vị trí và kích thước cửa);

- Thay đổi một số kết cấu thùng chở hàng như:

  • Bịt kín hoặc thay đổi kết cấu cánh cửa thùng hàng;
  • Thay thế tôn bọc dạng phẳng thành dạng sóng hoặc ngược lại;
  • Bọc thêm tôn phần khung mui của xe mui phủ không làm tăng chiều cao thành thùng hàng;
  • Lắp thêm hoặc tháo bỏ nắp chắn bụi cho thùng chở hàng của xe ô tô tải tự đổ;

- Lắp, thay thế hoặc tháo bỏ nắp che khoang chở hàng, hành lý của xe ô tô PICKUP nhưng không làm thay đổi kích thước lòng thùng hàng và kích thước bao của xe;

- Lắp đặt thêm đèn sương mù dạng rời;

- Thay thế cụm đèn chiếu sáng phía trước bằng cụm đèn đã được chứng nhận hoặc công bố hợp quy theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đặc tính quang học đèn chiếu sáng phía trước của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, QCVN 35:2017/BGTVT mà không cần phải gia công thay đổi kết cấu của xe để đảm bảo việc lắp đặt;

- Thay thế bóng đèn thuộc cụm đèn chiếu sáng phía trước bằng bóng đèn loại khác có công suất tiêu thụ điện tương đương mà không cần phải can thiệp, thay đổi kết cấu của cụm đèn;

- Thay đổi các chi tiết, bộ phận thân vỏ là tùy chọn của nhà sản xuất xe nhưng không làm thay đổi kích thước bao ngoài của xe, trừ các trường hợp quy định tại Điều 6 Thông tư này. Việc lắp đặt thực hiện theo khuyến cáo của nhà sản xuất xe hoặc đại diện được ủy quyền hợp pháp của nhà sản xuất xe;

- Thay đổi về kiểu dáng một số chi tiết của phần thân vỏ xe như: lưới tản nhiệt trước xe, cánh lướt gió;

- Lắp đặt thêm mui gió trên nóc ca bin ô tô tải, bậc bước chân lên xuống, trang trí ống xả, đai trang trí bảo hiểm đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu mà không làm thay đổi kích thước bao ngoài của xe.

Việc thay đổi xe cơ giới mà không làm thay đổi kiểu loại xe và đáp ứng yêu cầu về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng thì được kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ để được cấp Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định.

Thông tư 43/2023/TT-BGTVT có hiệu lực từ 15/02/2024.

Nếu có thắc mắc, bạn đọc liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.

Thi đua-Khen thưởng-Kỷ luật
Danh hiệu chiến sĩ thi đua được thưởng cao nhất là 8,1 triệu đồng

Đây là nội dung quy định tại Nghị định 98/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.

Điều 54 quy định mức tiền thưởng các danh hiệu thi đua như sau:

Đối với cá nhân:

- Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” được tặng Bằng chứng nhận, khung, Huy hiệu, hộp đựng Huy hiệu và được thưởng 4,5 lần mức lương cơ sở;

- Danh hiệu Chiến sĩ thi đua Bộ, ban, ngành, tỉnh được tặng Bằng chứng nhận, khung, Huy hiệu, hộp đựng Huy hiệu và được thưởng 03 lần mức lương cơ sở;

- Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” được tặng Bằng chứng nhận, khung và được thưởng 01 lần mức lương cơ sở;

- Danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến” được thưởng 0,3 lần mức lương cơ sở.

Đối với tập thể:

- Danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, “Đơn vị quyết thắng” được tặng Bằng chứng nhận, khung và được thưởng 1,5 lần mức lương cơ sở;

- Danh hiệu “Tập thể Lao động tiên tiến”, “Đơn vị tiên tiến” được thưởng 0,8 lần mức lương cơ sở;

- Danh hiệu xã, phường, thị trấn tiêu biểu được tặng Bằng chứng nhận, khung và được thưởng 02 lần mức lương cơ sở;

- Danh hiệu thôn, tổ dân phố văn hóa được tặng Bằng chứng nhận, khung và được thưởng 1,5 lần mức lương cơ sở;

- Danh hiệu “Cờ thi đua của Chính phủ” được tặng cờ và được thưởng 12 lần mức lương cơ sở;

- Danh hiệu cờ thi đua của bộ, ban, ngành, tỉnh được tặng cờ và được thưởng 08 lần mức lương cơ sở;

- Danh hiệu cờ thi đua của quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, tổng cục và tương đương thuộc Bộ Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ; cờ thi đua của Đại học Quốc gia được tặng cờ và được thưởng 06 lần mức lương cơ sở.

Hiện nay, mức lương cơ sở đang áp dụng là 1,8 triệu đồng/tháng theo quy định tại Nghị định 24/2023/NĐ-CP. Theo đó, cá nhân đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc có thể được thưởng đến 8,1 triệu đồng.

Nghị định 98/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2024.

Nếu có thắc mắc, bạn đọc liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.

Văn hóa-Thể thao-Du lịch
Hướng dẫn tổ chức hoạt động quyên góp của cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo

Đây là nội dung quy định tại Nghị định 95/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Theo Điều 25, người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo tổ chức quyên góp để thực hiện hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên cơ sở tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước.

Người đại diện hoặc ban quản lý có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc tổ chức quyên góp, trong đó nêu rõ mục đích, địa bàn, cách thức, thời gian quyên góp; phương thức quản lý và sử dụng tài sản được quyên góp.

Trước khi tổ chức quyên góp 05 ngày làm việc, người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức quyên góp đối với trường hợp quyên góp trong địa bàn một xã.

Trước khi tổ chức quyên góp 10 ngày, người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi tổ chức quyên góp đối với trường hợp quyên góp ngoài địa bàn một xã nhưng trong địa bàn một huyện, quận, thị xã, thành phố.

Trước khi tổ chức quyên góp 15 ngày, người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tổ chức quyên góp nếu không thuộc hai trường hợp trên.

Hoạt động quyên góp của người đại diện hoặc ban quản lý phải có sổ sách thu, chi bảo đảm công khai, minh bạch. Tài sản được quyên góp phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích đã thông báo, phục vụ cho hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo.

Không được lợi dụng danh nghĩa cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc để quyên góp nhằm trục lợi hoặc trái mục đích quyên góp.

Người đại diện hoặc ban quản lý thực hiện hoạt động quyền góp không đúng thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận thông báo quyên góp có văn bản yêu cầu dừng tiếp nhận, sử dụng tài sản được quyên góp và xử lý theo quy định của pháp luật.

Nghị định 95/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ 30/3/2024.

Nếu có thắc mắc, bạn đọc liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM

Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919

Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724

Email: [email protected]

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.