Điểm tin Văn bản mới số 02.2020

Điểm tin văn bản

Thuế-Phí-Lệ phí
Hướng dẫn kê khai thuế cho chi nhánh hạch toán phụ thuộc

Công văn 329/CT-TTHT do Cục thuế TP. Hà Nội ban hành ngày 06/01/2020 đã giải đáp một số thắc mắc của các doanh nghiệp trong việc kê khai thuế đối với chi nhánh.

Theo đó, việc kê khai thuế đối với chi nhánh hạch toán phụ thuộc được thực hiện như sau:

Về thuế giá trị gia tăng (GTGT):

- Nếu chi nhánh không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu thì khai thuế tập trung tại trụ sở chính của doanh nghiệp.

- Nếu doanh nghiệp khai nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thì doanh nghiệp khai thuế tại trụ sở chính và nộp thuế cho các địa phương nơi có chi nhánh.

Số thuế GTGT phải nộp cho các địa phương được xác định theo tỷ lệ 2% (đối với hàng hóa chịu thuế suất thuế GTGT 10%) hoặc theo tỷ lệ 1% (đối với hàng hóa chịu thuế suất thuế GTGT 5%) trên doanh thu theo giá chưa có thuế GTGT của sản phẩm sản xuất ra.

Về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN):

Khi nộp hồ sơ khai thuế TNDN, doanh nghiệp có trách nhiệm khai tập trung tại trụ sở chính cả phần phát sinh tại nơi có trụ sở chính và nơi có chi nhánh hạch toán phụ thuộc.

Về thuế thu nhập cá nhân (TNCN):

Chi nhánh khai quyết toán thuế TNCN từ tiền lương, tiền công cho người lao động làm việc tại chi nhánh và quyết toán thuế TNCN thay cho các cá nhân có ủy quyền không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không.

Trường hợp chi nhánh không thuộc diện trả thu nhập cho người lao động thì không phải khai quyết toán thuế TNCN.

Tài chính-Ngân hàng
Người dân được bồi thường nếu bưu điện chuyển nhầm tiền

Thông tư 38/2019/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 31/12/2019 quy định việc cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng tại doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích.

Theo Điều 6 Thông tư này, người dân sử dụng dịch vụ chuyển tiền, thu hộ, chi hộ không qua tài khoản thanh toán của mình tại doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích sẽ được:

- Nhận thông báo, hướng dẫn và cảnh báo từ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ để biết và phòng tránh rủi ro khi sử dụng dịch vụ;

- Khiếu nại và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu doanh nghiệp thanh toán chậm so với thỏa thuận, không thanh toán hoặc chuyển nhầm địa chỉ, sai thông tin người nhận, sai nội dung giao dịch mà mình đã cung cấp hoặc chuyển thiếu tiền đã nộp để chuyển đi, thu phí dịch vụ thanh toán không đúng loại phí hoặc vượt quá mức phí mà doanh nghiệp đã công bố…

Song song với quyền lợi này, người dân sử dụng dịch vụ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của các thông tin và chứng từ thanh toán mà mình cung cấp; tự bảo vệ các bí mật thông tin giao dịch của mình để đảm bảo an toàn, bảo mật trong giao dịch thanh toán…

Đặc biệt, không được sử dụng các dịch vụ thanh toán cho mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 19/02/2020.

Y tế-Sức khỏe
Viêm phổi, sốt cao… là biểu hiện của bệnh “vi khuẩn ăn thịt người”

Ngày 30/12/2019, Bộ Y tế ra Quyết định 6101/QĐ-BYT ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh Whitmore (tên thường gọi là bệnh “vi khuẩn ăn thịt người”).

Bệnh Whitmore là bệnh nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (B. pseudomallei) gây ra. Vi khuẩn sống trong đất, nước bị nhiễm khuẩn và xâm nhập chủ yếu qua da.

Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, khó chẩn đoán và tỷ lệ tử vong cao ở những trường hợp viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng. Những người có bệnh nền (tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính,...) có nguy cơ cao mắc bệnh.

Thời kỳ ủ bệnh từ 01 - 21 ngày, có thể kéo dài và khó xác định. Nhiễm trùng B. pseudomallei có thể là nhiễm trùng tiềm ẩn và tái kích hoạt giống bệnh lao.

Các biểu hiện lâm sàng thường gặp nhất là viêm phổi, giống với các viêm phổi mắc phải do nguyên nhân khác. Bệnh nhân sốt cao, sốt rét run, ho đờm mủ. Tổn thương có thể tiến triển thành viêm phổi hoại tử dẫn đến suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn.

Ngoài ra, bệnh còn có thể biểu hiện ở dạng bệnh nhiễm khuẩn huyết, không xác định được đường vào, dễ diễn biến thành sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng gây tử vong.

Một số biểu hiện ít gặp hơn như áp xe gan, áp xe lách, áp xe cơ thắt lưng chậu, loét da, áp xe dưới da, mụn mủ rải rác, viêm mô tế bào, viêm cân mạc…

Bệnh hiện chưa có vắc xin, do vậy, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên sử dụng các thiết bị bảo vệ cá nhân như ủng và găng tay không thấm nước để bảo vệ chống tiếp xúc với đất, nước nhiễm vi khuẩn và làm sạch hoàn toàn vết rách da, trầy xước hoặc bỏng bị nhiễm bẩn.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 30/12/2019.

Xây dựng
Quy định mới về nội dung dự toán xây dựng từ 15/02/2020

Tại Thông tư 09/2019/TT-BXD ngày 26/12/2019, Bộ Xây dựng đã có những hướng dẫn mới trong việc xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

So với quy định tại Thông tư 06/2016/TT-BXD trước đây, Thông tư 09 điều chỉnh nội dung này như sau:

Nội dung dự toán xây dựng bao gồm:

(1) Chi phí xây dựng

- Chi phí trực tiếp: Chi phí vật liệu, chi phí nhân công, chi phí máy và thiết bị thi công.

- Chi phí gián tiếp (nội dung mới):

+ Chi phí chung: Chi phí quản lý chung của doanh nghiệp, chi phí quản lý, điều hành sản xuất tại công trường, chi phí bảo hiểm cho người lao động do người sử dụng lao động nộp

+ Chi phí nhà tạm để ở và điều hành thi công

+ Chi phí một số công việc không xác định được khối lượng từ thiết kế như chi phí an toàn lao động, chi phí thí nghiệm vật liệu, chi phí di chuyển lực lượng lao động trong nội bộ công trường…

+ Chi phí khác như chi phí di chuyển máy, thiết bị thi công đặc chủng; chi phí bảo đảm an toàn giao thông phục vụ thi công; chi phí kho bãi…

- Thu nhập chịu thuế tính trước (lợi nhuận của doanh nghiệp xây dựng được dự tính trước trong dự toán xây dựng)

- Thuế giá trị gia tăng.

(2) Chi phí thiết bị của công trình, hạng mục công trình

(3) Chi phí quản lý dự án

(4) Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng

(5) Chi phí dự phòng

Gồm chi phí dự phòng cho yếu tố khối lượng công việc phát sinh và cho yếu tố trượt giá trong thời gian xây dựng công trình.

(6) Chi phí khác.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/02/2020.

Tư pháp-Hộ tịch
Thêm 5 văn bản liên quan đến tiền lương bị bãi bỏ

Quyết định 01/2020/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 03/01/2020 đã bãi bỏ nhiều văn bản quy phạm pháp luật ở nhiều lĩnh vực như lương, thưởng, phụ cấp, thuế, phí, hải quan…

Cụ thể, bãi bỏ toàn bộ nội dung các văn bản liên quan đến tiền lương như sau:

- Quyết định 198/1999/QĐ-TTg về tiền lương của cán bộ, viên chức làm việc tại Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng;

- Quyết định 234/2005/QĐ-TTg quy định chế độ đặc thù đối với công nhân, nhân viên, viên chức một số ngành, nghề trong các công ty Nhà nước;

- Quyết định 72/2008/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 234/2005/QĐ-TTg quy định chế độ đặc thù đối với công nhân, nhân viên, viên chức một số ngành, nghề trong các công ty Nhà nước;

- Quyết định 42/2011/QĐ-TTg bảo lưu chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo được điều động làm công tác quản lý giáo dục;

- Quyết định 43/2012/QĐ-TTg sửa đổi tên gọi và sửa đổi, bổ sung Điều 1 Quyết định 234/2005/QĐ-TTg về chế độ đặc thù đối với công nhân, nhân viên, viên chức một số ngành, nghề trong công ty Nhà nước.

Bên cạnh tiền lương, Quyết định 01 cũng bãi bỏ nhiều chính sách thuế khác như:

- Quyết định 75/1998/QĐ-TTg về mã số đối tượng nộp thuế;

- Quyết định 143/1998/QĐ-TTg sửa đổi chế độ thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu tiểu ngạch;

- Quyết định 172/2001/QĐ-TTg xử lý giãn nợ, khoanh nợ, xoá nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước đối với những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có khó khăn do nguyên nhân khách quan…

Quyết định có hiệu lực từ ngày 03/01/2020.

Năm 2020, chấm dứt tình trạng chậm gửi bản án cho đương sự

Ngày 09/01/2020, Tòa án nhân dân tối cao đã ra Chỉ thị số 01/2020/CT-CA về triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2020 của các Tòa án.

Tại Chỉ thị, Tòa tối cao nhấn mạnh:

- Cần chấm dứt tình trạng chậm gửi bản án, quyết định của Tòa án cho đương sự và các cơ quan hữu quan;

- Giảm mạnh các bản án, quyết định tuyên không rõ, gây khó khăn cho công tác thi hành án;

- Tiếp tục xác định chỉ tiêu mỗi Thẩm phán chủ tọa xét xử ít nhất một phiên tòa rút kinh nghiệm;

- Đối với các vụ án lớn, trọng điểm, phức tạp, chủ động tiếp cận hồ sơ vụ án ngay từ giai đoạn điều tra, truy tố để trao đổi, làm rõ nội dung vụ án, thực hiện đúng thẩm quyền của Tòa án;

- Phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam tổ chức sản xuất và phát sóng Bộ phim truyền hình dài tập về Tòa án nhân dân; phát sóng chương trình mới “Hồ sơ xét xử”…

Đáng chú ý, Tòa tối cao cũng đề ra một số chỉ tiêu cần đạt được trong năm nay như: 100% vụ việc giải quyết trong thời hạn luật định; 100% bản án, quyết định của Tòa án được ban hành trong thời hạn luật định; Bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan không vượt quá 1,5% tổng số các loại án…

Sẽ có Nghị định về tuổi nghỉ hưu theo Bộ luật Lao động 2019

Tại Quyết định 24/QĐ-TTg, ngoài 7 Nghị định hướng dẫn Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức sửa đổi, Thủ tướng Chính phủ còn đề cập đến 21 văn bản sẽ được ban hành trong thời gian tới nhằm hướng dẫn cho Bộ luật Lao động 2019.

Danh mục 21 văn bản hướng dẫn Bộ luật Lao động 2019 (có hiệu lực từ 01/01/2021) được công bố tại Quyết định 24/QĐ-TTg bao gồm: 

Stt

Văn bản

Hạn trình/ban hành  

1

Nghị định về tuyển dụng, quản lý lao động Việt Nam làm việc cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam

Trước tháng 8/2020

2

Nghị định về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam

Trước 9/2020

3

Nghị định về quản lý lao động, hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất, tiền lương

 

 

Trước 15/9/2020

4

Nghị định về ký quỹ, điều kiện, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động và danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động

5

Nghị định về đối thoại và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc

6

Nghị định về thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể

7

Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hội đồng tiền lương quốc gia

8

Nghị định về thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi

9

Nghị định về lao động là người giúp việc gia đình

10

Nghị định về chính sách đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới

11

Nghị định quy định về tổ chức đại diện người lao động

12

Nghị định về giải quyết tranh chấp lao động

13

Nghị định về danh mục đơn vị sử dụng lao động không được đình công và giải quyết yêu cầu của tập thể lao động ở đơn vị sử dụng lao động không được đình công

14

Nghị định về tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu

15

Quyết định của Thủ tướng về thành lập Hội đồng tiền lương quốc gia

16

Thông tư quy định về chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của Hội đồng thương lượng tập thể

 

 

 

 

Trước 15/10/2020

17

Thông tư quy định danh mục công việc nhẹ người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi được làm

18

Thông tư quy định về hợp đồng lao động

19

Thông tư quy định danh mục nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con

20

Thông tư quy định việc sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc

21

Thông tư quy định danh mục công việc về nơi làm việc cấm sử dụng lao động là người chưa thành niên

Chính sách
Năm 2020, tiếp tục cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh

Ngày 31/12/2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết 121/NQ-CP tổng kết những nội dung chính tại hội nghị Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 năm 2019.

Nghị quyết nêu rõ, để phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong năm 2019, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và từng địa phương trong thời gian tới phải chủ động trong việc:

- Xây dựng Kế hoạch cắt giảm các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp giai đoạn 2020 - 2025, bảo đảm nguyên tắc khi ban hành một văn bản mới phải bãi bỏ ít nhất một văn bản cũ và phải giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp;

- Nhận diện rõ các điểm nghẽn, vướng mắc, bất cập; hoàn thiện chính sách, pháp luật, khai thông, giải phóng, tận dụng tối đa mọi nguồn lực;

- Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; cải tiến lề lối làm việc; đẩy mạnh phân cấp gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu và kiểm soát quyền lực;

- Cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, các tổ chức tín dụng; đổi mới phương thức quản lý, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước;

- Phấn đấu đến hết 2020, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 30%; 100% cơ quan Nhà nước công khai mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 100% các Bộ, ngành, địa phương có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu và triển khai biện pháp giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng tập trung…

Cơ cấu tổ chức
Thừa phát lại không được kiêm nhiệm Công chứng viên, Luật sư

Đây là nội dung đáng chú ý nêu tại Nghị định 08/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 08/01/2020 về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.

Theo đó, Thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện tống đạt (thông báo, giao nhận giấy tờ, hồ sơ…), lập vi bằng (văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập…), xác minh điều kiện và tổ chức thi hành án dân sự.

Trong đó, Thừa phát lại không được làm 05 việc nêu tại Điều 4 Nghị định này gồm:

- Kiêm nhiệm hành nghề công chứng, luật sư, thẩm định giá, đấu giá tài sản, quản lý, thanh lý tài sản;

- Tiết lộ thông tin về việc thực hiện công việc của mình; sử dụng thông tin về hoạt động Thừa phát lại để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

- Ngoài chi phí đã ghi nhận trong hợp đồng, không được đòi hỏi thêm bất cứ khoản lợi ích vật chất nào khác;

- Không được nhận làm những việc liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân và những người thân thích như vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, ông bà nội, ông bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột… của mình;

- Các công việc bị cấm khác theo quy định của pháp luật…

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 24/02/2020.

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM

Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919

Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724

Email: [email protected]

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.