Điểm tin Văn bản mới số 01.2024

Điểm tin văn bản

Thuế-Phí-Lệ phí
Tiếp tục giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu đến hết 2024

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 42/2023/UBTVQH15 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.

Theo đó, tiếp tục giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 31/12/2024.

Cụ thể như sau: 

Stt

Hàng hóa

Đơn vị tính

Mức thuế(đồng/đơn vị hàng hóa)

1

Xăng, trừ etanol

lít

2.000

2

Nhiên liệu bay

lít

1.000

3

Dầu diesel

lít

1.000

4

Dầu hỏa

lít

600

5

Dầu mazut

lít

1.000

6

Dầu nhờn

lít

1.000

7

Mỡ nhờn

kg

1.000

Nghị quyết cũng nêu rõ, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày 1/1/2025 được thực hiện theo quy định tại Mục I khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/9/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Biểu thuế bảo vệ môi trường.

Nghị quyết 42/2023/UBTVQH15 được ban hành ngày 18/12/2023 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2024.

Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, bạn đọc vui lòng liên hệ ngay tổng đài 19006192 để được hỗ trợ nhanh nhất.

[Quan trọng] Đã có Nghị định hướng dẫn giảm thuế GTGT 2024

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 94/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết 110/2023/QH15.

Nghị định quy định giảm thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ các nhóm hàng hóa, dịch vụ sau:

- Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất.

Xem chi tiết tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

- Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Xem chi tiết tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

- Công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin.

Xem chi tiết tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.

Theo đó, việc giảm thuế giá trị gia tăng cho từng loại hàng hóa, dịch vụ được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại.

Riêng đối với mặt hàng than khai thác bán ra (bao gồm cả trường hợp than khai thác sau đó qua sàng tuyển, phân loại theo quy trình khép kín mới bán ra) thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng.

Lưu ý:

- Mặt hàng than thuộc Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này, tại các khâu khác ngoài khâu khai thác bán ra sẽ không được giảm thuế giá trị gia tăng.

- Các tổng công ty, tập đoàn kinh tế thực hiện quy trình khép kín mới bán ra cũng thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng than khai thác bán ra.

- Trường hợp hàng hóa, dịch vụ nêu tại các Phụ lục I, II và III ban hành kèm theo Nghị định này thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng hoặc chịu thuế giá trị gia tăng 5% thì không được giảm thuế giá trị gia tăng.

Nghị định 94/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 30/6/2024.

Nếu cần thêm thông tin, bạn đọc vui lòng liên hệ ngay tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.

Thương mại-Quảng cáo
Thủ tướng: Thanh, kiểm tra các doanh nghiệp, cửa hàng vàng miếng

Đây là chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ Công điện 1426/CĐ-TTg ngày 27/12/2023 về các giải pháp quản lý thị trường vàng.

Theo Công điện, để ổn định, phát triển thị trường vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước:

- Theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới, trong nước để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để bình ổn thị trường vàng;

- Kiên quyết không để tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.

- Khẩn trương có giải pháp quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước, không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao như thời gian qua.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng…

Đồng thời, kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi buôn lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách đẩy giá của các tổ chức, cá nhân... gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng.

Chi tiết xem tại Công điện số 1426/CĐ-TTg.

Nếu cần thêm thông tin, bạn đọc vui lòng liên hệ ngay tổng đài 19006192 để được hỗ trợ nhanh nhất.

Tài chính-Ngân hàng
Thay đổi nội dung chứng thư số từ ngày 01/7/2024

Ngày 15/12/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 16/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 28/2015/TT-NHNN quy định về việc quản lý, sử dụng chữ ký số, chứng thư số và dịch vụ chứng thực chưc ký số của Ngân hàng Nhà nước.

Về nội dung chứng thư số, Thông tư 16 bỏ thông tin về cơ quan quản lý thuê bao và thay bằng thông tin thuật toán mật mã.

Theo đó, nội dung chứng thư số bao gồm:

1. Tên tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số.

2. Tên của thuê bao.

3. Số hiệu (Serial Number) của chứng thư số.

4. Thời hạn có hiệu lực của chứng thư số.

5. Khóa công khai của thuê bao.

6. Chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số.

7. Các hạn chế về mục đích, phạm vi sử dụng của chứng thư số.

8. Các hạn chế về trách nhiệm pháp lý của tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số.

9. Thuật toán mật mã.

10. Các nội dung cần thiết khác theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.”

Về gia hạn, thay đổi nội dung thông tin chứng thư số, Thông tư 16 quy định chứng thư số đề nghị gia hạn hoặc thay đổi nội dung thông tin phải đảm bảo còn hiệu lực.

Chứng thư số sau khi gia hạn sẽ có thời hạn hiệu lực tính từ thời điểm thực hiện gia hạn thành công nhưng tối đa không quá 05 năm. Việc thay đổi nội dung thông tin chứng thư số không làm thay đổi thời hạn có hiệu lực của chứng thư số.

Các trường hợp gia hạn, thay đổi nội dung thông tin chứng thư số:

- Tổ chức quản lý thuê bao đề nghị gia hạn chứng thư số của thuê bao trước thời điểm hết hiệu lực của chứng thư số ít nhất 10 ngày;

- Tổ chức quản lý thuê bao đề nghị thay đổi nội dung thông tin chứng thư số của thuê bao trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi thuê bao có các thay đổi sau:

  • Thay đổi chức danh, chức vụ hoặc bộ phận công tác nhưng không thay đổi đơn vị/chi nhánh;
  • Thay đổi thông tin số Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu;
  • Thay đổi thông tin địa chỉ, email, số điện thoại.

Thông tư 16/2023/TT-NHNN có hiệu lực từ 01/7/2024.

Nếu có thắc mắc, bạn đọc liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.

Từ 2024, chuyển khoản trên 10 triệu đồng phải xác thực sinh trắc học

Đây là nội dung đáng chú ý tại Quyết định 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai áp dụng biện pháp xác thực sinh trắc học cho một số loại giao dịch trong thanh toán trực tuyến trên internet.

Cụ thể, giao dịch chuyển tiền ngân hàng (khác chủ tài khoản) hoặc nộp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch chuyển tiền, thanh toán trong ngày vượt quá 20 triệu đồng phải được xác thực bằng sinh trắc học.

Khi thực hiện giao dịch thanh toán trực tuyến, hệ thống Internet Banking/Mobile Banking, khách hàng trình diện dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học của khách hàng khó có khả năng làm giả để xác thực giao dịch (như khuôn mặt, tĩnh mạch ngón tay hoặc bàn tay, vân tay, mống mắt, giọng nói).

Dấu hiệu sinh trắc học có thể được xác định bằng dữ liệu sinh trắc học lưu trong chip của Căn cước công dân, tài khoản VNeID hoặc dữ liệu sinh trắc học - lưu trong cơ sở dữ liệu của ngân hàng.

Công nghệ này được xem là hạn chế tối đa khả năng làm giả và sẽ có tính bảo mật cao nhất.

Quyết định 2345/QĐ-NHNN có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

Nếu có thắc mắc, bạn đọc gọi ngay đến tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề
Thủ tướng yêu cầu có phương án biên soạn một bộ sách giáo khoa trong 2025

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Chỉ thị 32/CT-TTg ngày 25/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông.

Để tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo:

- Hoàn thiện Đề án đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2024.

- Tiếp tục hoàn thiện và phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đặt ra.

- Hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12 năm 2023.

- Tổng kết việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018, trên cơ sở đó đề xuất phương án, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội việc tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa theo quy định tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội trong năm 2025.

- Ban hành văn bản hướng dẫn về phương pháp định giá sách giáo khoa, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, phát hành để giảm giá thành sách giáo khoa.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông...

Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương thực hiện thống nhất liên thông chương trình, nội dung các bậc học trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Bộ Nội vụ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện việc tuyển dụng giáo viên theo biên chế được giao, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên của các cơ sở giáo dục.

Bộ Tài chính bố trí ngân sách cho giáo dục, đào tạo và kinh phí thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương để thực hiện các chương trình, đề án, dự án tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục phổ thông; quy hoạch quỹ đất sử dụng cho giáo dục và đào tạo. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, thực hiện đồng bộ các giải pháp giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên; thực hiện tuyển dụng giáo viên bảo đảm đủ số biên chế được cấp có thẩm quyền giao.

Ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đối với các cơ sở giáo dục phổ thông đáp ứng nhu cầu tối thiểu theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Xây dựng và triển khai phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh diện chính sách, diện hộ nghèo, học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, vùng sâu, vùng xa, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Xem chi tiết Chỉ thị 32/CT-TTg.

Nếu có thắc mắc, bạn đọc liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.

Chính thức: Lùi lộ trình tăng học phí đại học 1 năm

Đây là nội dung mới được quy định tại Nghị định 97/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2021/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân…

Theo đó, Nghị định 97/2023/NĐ-CP lộ trình tăng học phí đại học lùi 01 năm so với Nghị định 81/2021/NĐ-CP.

Cụ thể:

Mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa bảo đảm chi thường xuyên được quy định như sau:

  • Năm học 2023-2024: Giữ nguyên mức học phí như năm 2022-2023: Từ 1,2 - 2,45 triệu đồng/học sinh/tháng, tùy ngành học.

  • Năm học 2024-2025: Tăng mức học phí lên 1,35 - 2,76 triệu đồng/học sinh/tháng (đây là mức học phí của năm 2023-2024 theo lộ trình cũ), tùy ngành học.

  • Năm học 2025-2026: Tăng mức học phí lên 1,52 - 3,11 triệu đồng/học sinh/tháng (đây là mức học phí của năm 2024-2025 theo lộ trình cũ), tùy ngành học.

  • Năm 2026-2027: Tăng mức học phí lên 1,71 - 3,5 triệu đồng/học sinh/tháng (đây là mức học phí của năm 2025-2026 theo lộ trình cũ), tùy ngành học.

Như vậy, so với lộ trình cũ quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP, lộ trình tăng học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên sẽ lùi 01 năm. 

Tương tự, lộ trình tăng học phí đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa tự bảo đảm chi thường xuyên cũng sẽ lùi 01 năm so với trước.

Nghị định 97/2023/NĐ-CP được ban hành và có hiệu lực từ ngày 31/12/2023.

Nếu còn thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ ngay đến tổng đài 19006192 để được hỗ trợ nhanh nhất. 
Chính sách
Mức quà Tết Nguyên đán 2024 cho người có công

Ngày 26/12/2023, Chủ tịch nước ban hành Quyết định 1583/QĐ-CTN về việc tặng quà cho một số đối tượng có công với cách mạng nhân dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Theo đó, Chủ tịch nước quyết định tặng quà cho một số đối tượng có công với cách mạng nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024:

Mức quà 600.000 đồng tặng:

- Người có công với cách mạng:

  • Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.
  • Người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.
  • Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.
  • Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.
  • Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.
  • Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.
  • Người có công giúp đỡ cách mạng đang hưởng trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng.

- Thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hàng tháng; thân nhân của hai liệt sĩ trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.

Mức quà 300.000 đồng tặng dành cho:

- Người có công với cách mạng gồm:

  • Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 80% trở xuống đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Thương binh đang hưởng chế độ mất sức lao động.
  • Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 80% trở xuống đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.
  • Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.
  • Người có công giúp đỡ cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.

- Đại diện thân nhân liệt sĩ.

- Người thờ cúng liệt sĩ (trường hợp liệt sĩ không còn thân nhân).

Xem chi tiết Quyết định 1583/QĐ-CTN.

Nếu có thắc mắc, bạn đọc liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM

Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919

Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724

Email: [email protected]

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.