Điểm tin Văn bản mới số 01.2022

Điểm tin văn bản

Tài chính-Ngân hàng
Giảm 50% lệ phí đăng kiểm xe ô tô từ 01/01 - 30/6/2022

Đây là nội dung mới tại Thông tư 120/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021 quy định quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

So với trước đây, Thông tư 120/2021 đã bổ sung thêm nhiều loại phí, lệ phí được giảm từ ngày 01/01/2022 đến hết 30/6/2022. Trong đó có lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng.

Cụ thể, lệ phí đăng kiểm với tất cả xe cơ giới, xe máy chuyên dùng đăng kiểm lưu hành trong thời gian từ 01/01/2022 đến 30/6/2022:

Bằng 50% mức thu lệ phí quy định tại điểm 4 Biểu mức thu lệ phí ban hành kèm theo Thông tư số 199/2016/TT-BTC ngày 08 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý lệ phí cấp giấy chứng nhận bảo đảm chất lượng, an toàn kỹ thuật đối với máy, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn.

Như vậy, với mức giảm 50% lệ phí, các loại xe ô tô dân sự đi đăng kiểm trong thời gian nêu trên chỉ còn phải nộp lệ phí 25.000 đồng/xe tải và 50.000 đồng/xe con.

Ngoài ra, Thông tư này cũng bổ sung thêm một số khoản phí, lệ phí khác được giảm đến hết 30/6/2022 gồm:

- Phí sử dụng tần số vô tuyến điện đối với nghiệp vụ di động mặt đất (mạng viễn thông di động mặt đất nhắn tin dùng riêng và Mạng viễn thông dùng riêng sử dụng tần số thuộc nghiệp vụ di động, mạng viễn thông di động mặt đất trung kế)

- Lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ thú y

- Phí trong chăn nuôi

- Phí kiểm dịch động vật (kiểm tra lâm sàng gia cầm)...

Thông tư này có hiệu lực từ 01/01/2022 đến hết 30/6/2022.

Nếu có thắc mắc liên quan đến bài viết, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6199 để được hỗ trợ, giải đáp.

Y tế-Sức khỏe
Bộ Y tế điện khẩn: Truy vết thần tốc, không để Omicron lây lan

Hôm nay (ngày 31/12/2021), Bộ Y tế đã ban hành Công điện 2308/CĐ-BYT về việc điều tra, xử lý ổ dịch Covid-19.

Bộ Y tế cho biết, theo thông tin từ Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Việt Nam đã ghi nhận 14 trường hợp nhiễm biến chủng Omicron trên 04 chuyến bay, đã được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm tại tỉnh Quảng Nam. 

Ngày 30/12/2021, kết quả giải trình tự gen của Viện Pasteur Nha Trang các trường hợp trên dương tính với biến chủng mới Omicron (B.1.1.529).

Để tiếp tục triển khai tốt các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch lây lan ra cộng đồng, Bộ Y tế đề nghị Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các tỉnh, thành phố: Quảng Nam, Đà Nẵng, Vietnam Airlines; Hãng hàng không Bamboo Airways:

- Tiếp tục mở rộng điều tra dịch tễ, thông báo cho các địa phương liên quan để phối hợp truy vết thần tốc, lập danh sách tất cả những người tiếp xúc gần và có liên quan với các bệnh nhân.

Đồng thời, thực hiện cách ly y tế kịp thời các trường hợp F1 và đảm bảo không để lọt các trường hợp tiếp xúc gần. 

- Lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nguy cơ gồm: Người cùng trên xe đưa đón; nhân viên phục vụ tại khách sạn, tiếp viên hàng không, nhân viên phục vụ mặt đất; người tiếp xúc gần...

Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính Covid-19, chủ động gửi mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm biến chủng Omicron đến Viện Pasteur Nha Trang để tiến hành xét nghiệm, giải trình tự gen khẳng định.

Bên cạnh đó, tổ chức khoanh vùng nhanh nơi bệnh nhân ở, sinh hoạt, từng qua và tiến hành ngay việc xử lý khử trùng môi trường tại các địa điểm bệnh nhân đã từng đến, ở, làm việc.

Nếu có thắc mắc liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6199 để được hỗ trợ, giải đáp. 

F0 được dỡ bỏ cách ly sau 10 ngày điều trị và xét nghiệm âm tính

Ngày 28/12/2021, Bộ Y tế ban hành Công văn 11011/BYT-KCB về việc xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện.

Theo đó, người bệnh Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà theo quy định sẽ được dỡ bỏ cách ly, điều trị tại nhà khi:

- Thời gian cách ly, điều trị đủ 10 ngày.

- Kết quả xét nghiệm kháng nguyên âm tính với virus SARS-CoV-2 do nhân viên thực hiện hoặc người bệnh tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa (test nhanh do Bộ Y tế cấp phép).

Trạm Y tế nơi quản lý người bệnh chịu trách nhiệm xác nhận khỏi bệnh cho người bệnh.

Người bệnh nằm điều trị các các cơ sở thu dung, điều trị mắc Covid-19 đơn thuần được xác định khỏi bệnh khi:

- Các triệu chứng lâm sàng hết trước ngày ra viện từ 03 ngày trở lên;

- Có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp Real-time RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 hoặc nồng độ vi rút thấp (Ct ≥ 30) hoặc xét nghiệm kháng nguyên âm tính với virus SARS-CoV-2 vào trước ngày ra viện (test nhanh do Bộ Y tế cấp phép).

Người bệnh sau khi ra viện cần ở tại nhà và tự theo dõi trong 07 ngày. Đo thân nhiệt 02 lần/ngày. Nếu thân nhiệt cao hơn 38 độC ở 02 lần đo liên tiếp hoặc có bất kỳ dấu hiệu lâm sàng bất thường nào thì cần báo cho y tế cơ sở để thăm khám và xử trí kịp thời; Tuân thủ thông điệp 5K.

Nếu có thắc mắc liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6199  để được hỗ trợ, giải đáp.

Mới: Bộ Y tế điều chỉnh định nghĩa về F0, F1

Ngày 29/12/2021, Bộ Y tế đã ban hành Công văn 11042/BYT-DP đưa ra định nghĩa điều chỉnh về ca bệnh Covid-19 (F0) và người tiếp xúc gần (F1) mới.

Xác định là F0 nếu thuộc một trong bốn trường hợp:

- Có xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2 bằng phương pháp xét nghiệm RT-PCR.

- Là F1 và test nhanh dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

- Là người có biểu hiện nghi mắc Covid-19, có kết quả test nhanh dương tính với vi rút SARS-CoV-2, có yếu tố dịch tễ (không gồm F1).

- Test nhanh dương tính 02 lần liên tiếp (lần xét nghiệm thứ hai cách lần đầu 08 giờ) và có yếu tố dịch tễ (không gồm F1).

Trong đó: Sinh phẩm xét nghiệm nhanh phải thuộc danh mục được Bộ Y tế cấp phép, do nhân viên y tế thực hiện hoặc người nghi nhiễm thực hiện dưới sự giám sát trực tiếp hoặc gián tiếp của nhân viên y tế.

Trong khi trước đó, theo Quyết định số 3638/QĐ-BYT ngày 30/7/2021, F0 được xác định như sau:

Là người có xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2 qua phát hiện vật liệu di truyền của vi rút được thực hiện bởi các cơ sở xét nghiệm do Bộ Y tế cho phép khẳng định.

Xác định người nghi nhiễm Covid-19 khi có một trong các tiêu chí sau đây:

- Là F1, có ít nhất 02 trong số các biểu hiện như sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi; nghẹt mũi; đau người; mệt mỏi; ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác, khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp.

- Là người có yếu tố dịch tễ (không gồm F1) và có ít nhất 02 trong số các biểu hiện như trên. Trong đó, người có yếu tố dịch tễ nhưng không phải F1 là người cùng có mặt tại một địa điểm, sự kiện, nơi làm việc, lớp học, phương tiện giao thông… với F0 đang trong thời kỳ lây truyền.

- Có test nhanh dương tính với vi rút SARS-CoV-2 trừ các trường hợp đã xác định là F0 như trên.

- Người ở, đến từ khu vực ổ dịch đang hoạt động.

Theo quy định cũ, ca bệnh nghi ngờ chỉ được định nghĩa như sau:

Là người có ít nhất 02 trong số các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người - mệt mỏi - ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác; hoặc người có kết quả xét nghiệm sàng lọc dương tính với vi rút SARS-CoV-2

Định nghĩa F1 như sau:

- Có tiếp xúc cơ thể trực tiếp như bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp dưới da, cơ thể… với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0.

- Đeo khẩu trang, có tiếp xúc, giao tiếp trong 02 mét hoặc cùng một không gian hẹp, kín, tối thiểu trong thời gian 15 phút với F0 khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0.

- Không đeo khẩu trang, có tiếp xúc, giao tiếp trong 02 mét hoặc cùng một không gian hẹp, kín với F0 khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0.

- Người trực tiếp chăm sóc, khám, điều trị F0 khi đang trong thời kỳ lây bệnh của F0 mà không sử dụng đầy đủ phương tiện phòng hộ.

Nếu có thắc mắc liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6199  để được hỗ trợ, giải đáp.

Giao thông
Đã có 4 nước đồng ý mở lại đường bay quốc tế với Việt Nam

Ngày 28/12/2021, Cục Hàng không Việt Nam đã có Công văn 5156/CHK-VTHK báo cáo công tác triển khai chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách.

Việt Nam đã gửi văn bản tới Nhà chức trách các quốc gia/vùng lãnh thổ: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Bắc (Trung Quốc), Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Lào, Campuchia trao đổi về các nội dung:

- Tần suất chở khách vào Việt Nam: 04 chuyến/tuần/chiều với mỗi bên;

- Thời gian dự kiến áp dụng: Từ 01/01/2022 và sẽ tiếp tục xem xét tùy vào tình hình dịch Covid-19.

Kết quả cụ thể như sau:

- Việt Nam - Nhật Bản: Phía Nhật Bản đồng ý với đề nghị của Việt Nam, chỉ định Japan Airlines và All Nippons Airways khai thác.

Theo phép bay được cấp, chuyến bay đầu tiên của Vietnam Airlines là ngày 05/01/2022, Vietjet Air và All Nippons Airways là 06/01/2022.

Các chuyến bay từ Nhật Bản chưa thể triển khai sớm do các cơ quan nghỉ lễ đầu năm mới, hành khách chưa thể thực hiện xét nghiệm Covid-19.

- Việt Nam - Đài Bắc (Trung Quốc): Phía Đài Bắc (Trung Quốc) đồng ý nối lại chuyến bay nhưng đề nghị tăng tần suất cho mỗi bên lên tối thiểu 05 chuyến/tuần.

- Việt Nam - Singapore: Singapore đồng ý đề nghị từ phía Việt Nam và sẽ thông báo việc phân bổ tải cho hãng hàng không Singapore sau.

- Việt Nam - Campuchia: Campuchia đã có văn bản trả lời, đồng ý đề nghị từ phía Việt Nam.

Cũng theo Công văn, Cục Hàng không chưa nhận được bất kỳ ý kiến nào từ các nước còn lại là Hàn Quốc, Thái Lan và Lào.

Nếu có thắc mắc liên quan đến bài viết, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6199 để được hỗ trợ, giải đáp. 

Tư pháp-Hộ tịch
9 Án lệ mới áp dụng trong xét xử từ ngày 01/02/2022

Ngày 31/12/2021, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Quyết định 594/QĐ-CA công bố 09 Án lệ được áp dụng trong xét xử từ ngày 01/02/2022.

Cụ thể, 09 Án lệ mới được công bố bao gồm:

- Án lệ số 44/202l/AL về việc xác định thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu phản tố;

- Án lệ số 45/2021/AL về xác định bị cáo phạm tội “Giết người” thuộc trường hợp “Phạm tội chưa đạt”;

- Án lệ số 46/2021/AL về việc xác định tình tiết định khung hình phạt “Đối với trẻ em mà người phạm tội có trách nhiệm giáo dục” trong tội “Dâm ô đối với trẻ em”;

- Án lệ số 47/2021/AL về việc xác định tội danh trong trường hợp bị cáo dùng hung khí nguy hiểm đâm vào vùng trọng yếu của cơ thể bị hại;

- Án lệ số 48/2021/AL về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “nộp lại tiền thu lợi bất chính”;

- Án lệ số 49/2021/AL về xác định quyết định hành chính ban hành không đúng thẩm quyền;

- Án lệ số 50/2021/AL về quyền khởi kiện vụ án đòi lại tài sản của người được giao tài sản theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật;

- Án lệ số 51/2021/AL về xác định quyền sở hữu đối với khu vực để xe ô tô của nhà chung cư;

- Án lệ số 52/2021/AL về hiệu lực của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất khi chưa đăng ký quyền sử dụng đất.

Nếu có thắc mắc liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6199  để được hỗ trợ, giải đáp. 

Chính sách
Hà Nội hỗ trợ người dân hộ nghèo thành thị 2,5 triệu đồng/tháng

Đây là nội dung được nhắc đến trong Nghị quyết 17/2021/NQ-HĐND về một số chính sách đặc thù thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của Thành phố Hà Nội.

Cụ thể, quy định áp dụng với các đối tượng gồm: Trẻ em dưới 15 tuổi, người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật đặc biệt nặng, người mắc bệnh hiểm nghèo và phải đảm bảo các điều kiện:

- Là thành viên thuộc: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo;

- Trong hộ không có người trong độ tuổi lao động hoặc có người trong độ tuổi lao động nhưng bị khuyết tật đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội...

Theo đó, Thành phố hỗ trợ 02 triệu đồng/tháng/người đối với người sống tại khu vực nông thôn (các xã) và 2,5 triệu đồng/tháng/người đối với người sống tại khu vực thành thị (các phường, thị trấn). Trước đây, mức hỗ trợ này là 1,4 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị và 1,1 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn.

Bên cạnh đó, hỗ trợ hằng tháng mức 440.000 đồng/người/tháng cho người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có khả năng tự phục vụ bản thân.

Trường hợp đối tượng thuộc diện được hưởng các mức hỗ trợ, trợ cấp, trợ giúp hằng tháng khác thì được hưởng một mức hỗ trợ cao nhất.

Đối với chính sách hỗ trợ về y tế, Thành phố hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình cho thành viên hộ nghèo được công nhận thoát nghèo đồng thời thoát cận nghèo; thành viên hộ cận nghèo được công nhận thoát cận nghèo.

Thời gian hỗ trợ 36 tháng kể từ tháng được công nhận thoát nghèo, thoát cận nghèo.

Về giáo dục, hỗ trợ 100% học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em học mẫu giáo, học sinh phổ thông là thành viên hộ nghèo được công nhận thoát nghèo đồng thời thoát cận nghèo.

Nghị quyết được ban hành ngày 08/12/2021.

Nếu có thắc mắc liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6199 để được hỗ trợ, giải đáp.

Vi phạm hành chính
Từ 2022, chồng không cho vợ đi làm bị phạt đến 5 triệu đồng

Đây là mức phạt mới được quy định tại Nghị định 125/2021/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 28/12/2021 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới.

Trước đây, hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy hiếp tinh thần nhằm không cho phép thành viên trong gia đình thực hiện các hoạt động tạo thu nhập vì định kiến giới chỉ bị phạt từ 200.000 - 500.000 đồng (theo điểm b khoản 1 Điều 13 Nghị định 55/2009/NĐ-CP).

Tuy nhiên, theo quy định mới tại Điều 13 Nghị định 125/2021, hành vi cản trở hoặc không cho thành viên trong gia đình thực hiện các hoạt động tạo thu nhập hoặc đáp ứng các nhu cầu khác của gia đình vì lý do giới tính có thể phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng.

Như vậy, việc chồng cố tình ngăn cản không cho vợ đi làm sắp tới sẽ bị phạt tiền đến 05 triệu đồng.

Ngoài ra, Nghị định 125/2021 còn quy định phạt tiền từ 05 - 07 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

- Đe dọa dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần nhằm cản trở thành viên trong gia đình có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính;

- Áp đặt việc thực hiện lao động gia đình, sử dụng biện pháp tránh thai, triệt sản như là trách nhiệm của thành viên trong gia đình thuộc một giới nhất định.

Phạt tiền từ 07 - 10 triệu đồng đối với hành vi dùng vũ lực nhằm cản trở thành viên trong gia đình có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

Nếu có thắc mắc liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6199  để được hỗ trợ, giải đáp.

Đã có Nghị định sửa đổi Nghị định 100 về xử phạt giao thông

Ngày 28/12/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng.

Đáng lưu ý, liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Nghị định 123/2021 đã tăng mức phạt đối với hành vi điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí; gắn biển số không rõ chữ, số...

Cụ thể, phạt tiền từ 04 triệu đồng - 06 triệu đồng đối với hành vi:

Điều khiển xe không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).

Trong khi đó, theo quy định tại Nghị định 100/2019 trước đây thì mức xử phạt với hành vi này là từ 800.000 đồng - 01 triệu đồng. Như vậy, từ ngày 01/01/2022 - thời điểm chính thức có hiệu lực của Nghị định, mức xử phạt với hành vi nêu trên này sẽ tăng lên 06 lần so với trước đó.

Cũng theo Nghị định 123/2021, mức xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) gắn biển số không đúng quy định; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp... là từ 300.000 đồng - 400.000 đồng (trước đây là từ 100.000 đồng - 200.000 đồng).

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. 

Nếu có thắc mắc liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6199 để được hỗ trợ, giải đáp.

Không khai báo y tế theo yêu cầu phòng dịch bị phạt đến 3 triệu đồng

Đây là nội dung được nêu tại Nghị định 124/2021/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 28/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Theo đó, Nghị định 124 quy định cụ thể hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế, bao gồm: đeo khẩu trang, sát khuẩn, giữ khoảng cách, khai báo y tế và các biện pháp khác.

Nếu vi phạm một trong các hành vi trên, người thực hiện sẽ bị phạt tiền từ 01 - 03 triệu đồng.

Ngoài ra, liên quan đến vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch, theo Nghị định 117/2020, người thực hiện một trong các hành vi sau sẽ bị phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng:

- Che dấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch;

- Không thực hiện hoặc từ chối thực hiện biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch;

- Không tham gia chống dịch theo quyết định huy động của Ban Chỉ đạo chống dịch;

- Thu tiền khám và điều trị đối với trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A...

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

Nếu có thắc mắc liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6199  để được hỗ trợ, giải đáp.

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM

Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919

Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724

Email: [email protected]

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.