Điểm tin Văn bản mới số 23.2019

Điểm tin văn bản

Doanh nghiệp
Hướng dẫn chuyển đổi hợp tác xã sang loại hình tổ chức khác

Đây là nội dung đáng chú ý nhất được nêu tại Công văn 3763/BKHĐT-HTX được Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành ngày 05/6/2019 vừa qua.

Theo đó, khi tổ chức và hoạt động của hợp tác xã không phù hợp với quy định của luật hoặc có nhu cầu chuyển đổi sang loại hình khác và không rơi vào tình trạng “mất khả năng thanh toán” thì thực hiện chuyển đổi theo 03 bước sau đây:

Bước 1: Tiến hành đại hội thành viên

Để tiến hành đại hội thành viên thì phải chuẩn bị chương trình, nội dung, tài liệu và dự thảo nghị quyết, xác định thời gian, địa điểm và gửi giấy mời… để ra quyết định về việc giải thể tự nguyện và thực hiện chuyển đổi hợp tác xã.

Bước 2: Thực hiện giải thể tự nguyện

Sau khi đại hội thành viên quyết định việc giải thể tự nguyện thì thành lập hội đồng giải thể tự nguyện. Trong vòng 60 ngày, hội đồng giải thể tự nguyện có trách nhiệm:

- Thông báo về việc giải thể tới các cơ quan Nhà nước đã cấp giấy chứng nhận đăng ký cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

- Đăng báo địa phương trong 03 số liên tiếp về việc giải thể;

- Thông báo tới các tổ chức, cá nhân có quan hệ kinh tế về thời hạn thanh toán nợ, thanh lý các hợp đồng, xử lý tài sản và vốn của hợp tác xã…

Sau đó là làm thủ tục chấm dứt hoạt động của các chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã tại cơ quan có thẩm quyền…

Bước 3: Thành lập tổ chức mới

Việc thành lập tổ chức mới được thực hiện theo quy định với tổ chức mới tương ứng.

Công văn này được ban hành ngày 05/6/2019.

 
Thuế-Phí-Lệ phí
Không bắt buộc có đủ các nội dung trên hóa đơn điện tử

Nội dung này đề cập tại Công văn 2296/TCT-DNL được Tổng cục Thuế ban hành ngày 06/6/2019 về việc hướng dẫn thực hiện hóa đơn điện tử.

Cụ thể một số trường hợp không bắt buộc có đủ các nội dung trên hóa đơn điện tử được đề cập tại Công văn này như:

Về chữ ký điện tử của người mua

Trường hợp người mua không phải là đơn vị kế toán hoặc là đơn vị kế toán có các hồ sơ, chứng từ chứng minh việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ giữa người bán với người mua như hợp đồng kinh tế, phiếu xuất kho, phiếu thu… thì người bán lập hóa đơn điện tử cho người mua mà không nhất thiết phải có chữ ký điện tử của người mua.

Về dấu của người bán trên hóa đơn điện tử chuyển sang hóa đơn giấy

Tổ chức kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ có thể tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn không nhất thiết phải có chữ ký người mua, dấu của người bán nếu là hóa đơn điện, nước, dịch vụ viễn thông…

Trường hợp kinh doanh dịch vụ thì trên hóa đơn không cần phải có tiêu thức “đơn vị tính”.

Ngoài ra, Công văn cũng hướng dẫn về chữ ký trên văn bản thỏa thuận trong trường hợp phát hiện sai sót. Cụ thể, trường hợp hóa đơn điện tử đã lập cho khách hàng sau đó phát hiện sai sót thì doanh nghiệp và khách hàng lập văn bản xác nhận sai sót bằng giấy có chữ ký người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền của người mua và người bán…

Lao động-Tiền lương
Tăng trợ cấp, phụ cấp cho người có công với cách mạng

Ngày 01/7/2019 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 58/2019/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng.

Theo đó, từ ngày 01/7/2019, mức chuẩn để xác định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 1,624 triệu đồng, cao hơn mức hiện tại 109.000 đồng.

Cụ thể mức trợ cấp, phụ cấp của một số đối tượng như sau:

- Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến: Trợ cấp 1,624 triệu đồng;

- Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh: Trợ cấp tối thiểu 1,094 triệu đồng, tối đa 5,207 triệu đồng;

- Thương binh loại B: Trợ cấp tối thiểu 904.000 đồng, tối đa 4,308 triệu đồng;

- Thương binh, thương binh loại B suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên có vết thương đặc biệt nặng: Phụ cấp 1,67 triệu đồng;

- Bệnh binh: Trợ cấp tối thiểu 1,695 triệu đồng, tối đa 2,086 triệu đồng;

- Con đẻ còn sống của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học: Trợ cấp tối thiểu 974.000 đồng, tối đa 1,624 triệu đồng;

- Người có công giúp đỡ cách mạng được tăng Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công”, Bằng “Có công với nước”: Trợ cấp hàng tháng 1,624 triệu đồng, trợ cấp nuôi dưỡng (nếu đang sống cô đơn không nơi nương tựa) 1,299 triệu đồng…

Các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi này được thực hiện từ ngày 01/7/2019.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/8/2019.

Y tế-Sức khỏe
24 giờ sau sinh, trẻ cần được tiêm phòng vắc xin viêm gan B

Đây là nội dung đáng quan tâm tại Quyết định 2834/QĐ-BYT về việc phê duyệt “Hướng dẫn kỹ thuật các can thiệp dự phòng HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con”.

Để bảo vệ sức khỏe của trẻ, các cơ sở y tế có cung cấp dịch vụ liên quan đến chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em đều phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc:

Tất cả trẻ sơ sinh phải được tiêm phòng vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau sinh, kể cả trẻ sinh ra từ mẹ không nhiễm hoặc không rõ tình trạng nhiễm virus viêm gan B (HBV).

Trường hợp con sinh ra từ mẹ nhiễm virus HBV thì ngoài tiêm vắc xin viêm gan B còn có thể tiêm đồng thời với kháng huyết thanh viêm gan B nhưng tại 2 vị trí khác nhau.

Người mẹ hoàn toàn có thể nuôi con bằng sữa của mình và được tư vấn xét nghiệm HBsAg và anti-HBs cho trẻ từ 12 tháng tuổi để xác định tình trạng nhiễm HBV và đáp ứng kháng thể.

Các cơ sở chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe bà mẹ trẻ em có trách nhiệm cung cấp dịch vụ tư vấn và xét nghiệm sàng lọc HBV cho phụ nữ mang thai đến khám thai.

Tư vấn chuyển tiếp phụ nữ mang thai nhiễm HBV tới cơ sở chăm sóc và điều trị để được quản lý và đăng ký điều trị lâu dài.

Khám và chăm sóc sau sinh, tư vấn về các biện pháp tránh thai cho phụ nữ nhiễm HBV; theo dõi, quản lý người mẹ và trẻ phơi nhiễm theo hướng dẫn của Bộ Y tế…

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 04/7/2019.

Hành chính
TP. HCM: Người có tài năng đặc biệt được thưởng đến 1 tỷ đồng

Ngày 04/7/2019, Uỷ ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh ra Quyết định 17/2019/QĐ-UBND ban hành chính sách thu hút, phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt giai đoạn 2019 - 2022.

Theo đó, căn cứ kết quả thực hiện nhiệm vụ, mức độ đóng góp và giá trị, tầm cỡ của thành tích đạt được trong thời gian công tác, người có tài năng đặc biệt được khuyến khích tối đa 01 tỷ đồng/người tương xứng với công trạng.

Bên cạnh đó, còn hưởng hỗ trợ sinh hoạt phí hàng tháng theo năng lực, thành tích cá nhân đã đạt được từ 30 - 50 triệu đồng/tháng. Mức hỗ trợ này đã bao gồm tiền lương hàng tháng, các khoản phụ cấp kèm theo lương (nếu có).

Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, các hội đồng thu hút, tuyển chọn chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt của thành phố đề xuất mức hỗ trợ sinh hoạt phí hàng tháng để Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định.

Ngoài mức hỗ trợ này, người có tài năng đặc biệt còn được trợ cấp ban đầu (chỉ 01 lần và áp dụng cho lần ký hợp đồng đầu tiên) 100 triệu đồng để khuyến khích và ổn định công tác.

Đồng thời, được hỗ trợ về nhà ở khi có khó khăn bằng việc bố trí nhà công vụ. Trường hợp không bố trí được nhà công vụ thì được xem xét, hỗ trợ tối đa 50% kinh phí thuê nhà và số tiền hỗ trợ không quá 07 triệu đồng/tháng.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15/7/2019.

Tư pháp-Hộ tịch
Tháng 02/2020, trình Chính phủ Luật Đất đai sửa đổi

Nội dung này được đề cập tại Quyết định 842/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 08/7/2019 vừa qua.

Theo đó, đến tháng 02/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải soạn thảo và trình Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường;

Ngoài ra, Luật Biên phòng Việt Nam, Luật Thỏa thuận quốc tế, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cũng được cơ quan có thẩm quyền soạn thảo và trình vào tháng 01/2020…

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ được giao chủ trì soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh phải coi việc hoàn thành chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được giao là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

Trong đó phải tập trung vào các nhiệm vụ:

- Thành lập ban soạn thảo, tập trung thời gian, nguồn lực để soạn thảo dự án luật, pháp lệnh dựa vào các chính sách đã được Chính phủ thông qua;

- Tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân;

- Chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, đúng nội dung, hình thức, đảm bảo chất lượng, tiến độ để trình Chính phủ hoặc Quốc hội...

- Nếu phát sinh chính sách mới cần bổ sung thì phải đánh giá tác động và báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định;

- Dự liệu đủ thời gian để chỉnh lý và nghiêm túc tiếp tục hoặc giải trình các ý kiến góp ý, thẩm định với các dự án luật, pháp lệnh…

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 08/7/2019.

 
Kiểm sát chặt việc miễn, giảm án, đặc xá, tha tù trước thời hạn

Ngày 18/6/2019, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Chỉ thị 06/CT-VKSTC về việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự.

Để thực hiện hiệu quả công tác này, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu tăng cường, chủ động kiểm sát trại tạm giam, cơ sở giam giữ, phát hiện và xử lý kịp thời vi phạm pháp luật, trong đó, chú trọng việc miễn, giảm án, đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện, rút ngắn thời gian thử thách của án treo.

Đồng thời, không được lơi lỏng việc bảo đảm chế độ đối với người bị tạm giam, tạm giữ, chấp hành án.

Cụ thể hơn, các đơn vị thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phải thực hiện nghiêm quy định về định kỳ trực tiếp kiểm sát tại trại giam, cơ sở giam giữ.

Hàng tháng, ít nhất 01 lần, Viện kiểm sát tỉnh, quân sự cấp quân khu chủ động nắm tình hình và kiểm sát một số nội dung tại các trại giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đóng trên địa bàn.

Đồng thời, chủ động, kịp thời kiểm sát đột xuất khi xảy ra các trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam, phạm nhân trốn, chết…

Ngoài ra, Viện kiếm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh còn có nhiệm vụ kiểm sát hàng tuần tại 02 trại tạm giam thuộc Bộ Công an trên địa bàn và báo cáo với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về kết quả kiểm sát này và chịu trách nhiệm về kết quả kiểm sát đó...

Tiết kiệm-Phòng, chống tham nhũng, lãng phí
Cách chức lãnh đạo bố trí người thân làm kế toán, quản lý nhân sự

Đây là nội dung được đề cập tại Nghị định 59/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng, chống tham nhũng 2018.

Theo đó, sẽ kỷ luật cảnh cáo người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị lần đầu có hành vi bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.

Trường hợp đã bị cảnh cáo mà còn tiếp tục vi phạm, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu sẽ bị cách chức.  

Hình thức kỷ luật cách chức cũng sẽ được áp dụng đối với trường hợp người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan Nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý Nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý Nhà nước.

Bên cạnh đó, người có chức vụ, quyền hạn thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã (trừ trường hợp luật có quy định khác) cũng sẽ bị cách chức hoặc buộc thôi việc.

Nghị định này được Chính phủ ban hành ngày 01/07/2019, có hiệu lực từ ngày 15/08/2019.

Thi đua-Khen thưởng-Kỷ luật
Quy trình giải quyết khiếu nại kỷ luật Đảng của Đảng viên

Đây là nội dung được nêu tại Quyết định 1195-QĐ/UBKTTW do Ủy ban kiểm tra Ban chấp hành Trung ương ban hành ngày 11/6/2019.

Theo đó, quy trình này gồm 03 bước:

Bước 1: Chuẩn bị

Căn cứ vào đơn khiếu nại, kết quả làm việc với đại diện tổ chức Đảng cấp dưới đã giải quyết khiếu nại và người khiếu nại, người có thẩm quyền báo cáo, đề xuất về kế hoạch và dự kiến đoàn kiểm tra.

Sau đó, đoàn kiểm tra phân công nhiệm vụ cho các thành viên, xây dựng lịch kiểm tra, chuẩn bị văn bản, tài liệu phục vụ việc kiểm tra.

Bước 2: Tiến hành

- Đoàn kiểm tra tổ chức hội nghị triển khai quyết định, kế hoạch và thống nhất lịch kiểm tra.

- Đoàn kiểm tra làm việc với người khiếu nại, tổ chức Đảng đã quyết định kỷ luật, chi bộ có người khiếu nại, tổ chức, cá nhân liên quan để thu thập, xác minh, làm rõ nội dung khiếu nại…

- Các tổ chức Đảng có liên quan tổ chức hội nghị để thông báo kết quả xác minh hoặc thảo luận, đề nghị thay đổi, xóa bỏ hình thức kỷ luật đã áp dụng…

- Đoàn kiểm tra chuẩn bị và hoàn chỉnh báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại...

Bước 3: Kết thúc

- Đại diện đoàn kiểm tra thông báo quyết định giải quyết khiếu nại đến người khiếu nại và tổ chức Đảng có liên quan.

- Đoàn kiểm tra họp rút kinh nghiệm, thống nhất nhận xét, đánh giá về ưu nhược điểm của từng thành viên trong đoàn.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 11/6/2019.

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM

Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919

Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724

Email: [email protected]

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.