Điểm tin Văn bản mới số 18.2019

Điểm tin văn bản

Xuất nhập khẩu
Ngày càng nhiều hàng Trung Quốc mượn danh “Made in Vietnam”

Ngày 20/5/2019, Tổng cục Hải quan ban hành Công văn 3083/TCHQ-GSQL tăng cường kiểm tra xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng trên nhãn hàng hóa thể hiện “Made in Vietnam”.

Công văn chỉ rõ, ngày càng xuất hiện nhiều hàng hóa được sản xuất tại Trung Quốc nhưng mượn xuất xứ Việt Nam để đánh lừa người tiêu dùng trong nước, chủ yếu là các mặt hàng điện tử, giày dép, quần áo, mỹ phẩm...

Cụ thể, các hàng hóa này được sản xuất, nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng trên nhãn hàng đều đề “Made in Vietnam”, mã vạch, địa chỉ của doanh nghiệp tại Việt Nam hoặc được các thương nhân Việt Nam sang Trung Quốc đặt hàng và nhập khẩu về.

Để ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ, bảo vệ người tiêu dùng trong nước, Tổng cục Hải quan yêu cầu các Chi cục Hải quan trực thuộc:

- Tăng cường kiểm tra, xác định xuất xứ, nhãn mác hàng hóa nhập khẩu;

- Riêng với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, khi kiểm tra hồ sơ lô hàng, kiểm tra thực tế hàng hóa (nếu có), phải kiểm tra cụ thể tên, mã số HS, xuất xứ, nhãn hàng phải phù hợp với tên, mã số HS, xuất xứ hàng trong hồ sơ lô hàng nhập khẩu, giấy chứng nhận xuất xứ (nếu có).

Trường hợp phát hiện hàng hóa nhập khẩu ghi “Made in Vietnam” yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố xác minh làm rõ.

Nếu có căn cứ xác định hàng hóa đó có chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp thì tùy theo từng hành vi, tính chất, mức độ để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử phạt vi phạm hành chính.  

Y tế-Sức khỏe
Dịch vụ massage không còn là dịch vụ kinh doanh có điều kiện

Đây là nội dung quan trọng được nêu trong Công văn 579/KCB-PHCN&GĐ của Cục Quản lý khám, chữa bệnh về việc quản lý dịch vụ xoa bóp (massage).

Nội dung Công văn nêu rõ, điều kiện hành nghề dịch vụ xoa bóp không còn được quy định là loại hình kinh doanh dịch vụ có điều kiện và thủ tục công bố cơ sở dịch vụ xoa bóp không còn được quy định thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.

Theo đó, các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, nhân sự và quy định cơ sở xoa bóp phải có văn bản thông báo đủ điều kiện gửi về Sở Y tế đã được bãi bỏ. Lúc này, cơ sở dịch vụ xoa bóp chỉ còn phải đáp ứng các điều kiện:

- Nhân viên kỹ thuật xoa bóp khi được nhận vào làm việc phải:

+ Có giấy chứng nhận đủ sức khỏe do cơ sở khám, cữa bệnh từ cấp huyện, quận cấp.

+ Trong quá trình làm việc phải khám sức khỏe định kỳ từ 3-6 tháng một lần

+ Người mắc bệnh tâm thần, viêm gan B, da liễu, bệnh lao phổi và các bệnh truyền nhiễm khác đang phải điều trị không được hành nghề.

- Biển hiệu phải ghi đúng “xoa bóp” hoặc “Massage”, không được ghi cụm từ “Vật lý trị liệu, phục hồi chức năng” hoặc tên khác

- Hệ thống công tắc đèn đặt bên ngoài phòng xoa bóp

- Không có hệ thống khóa, chốt bên trong

- Không được sử dụng bất cứ phương tiện thông tin nào để thông báo vào phòng

- Có đủ thuốc theo danh mục quy định, có dụng cụ y tế thông thường

Tuy nhiên, những điều kiện này dự kiến sẽ được đưa vào dự thảo Thông tư bãi bỏ được ban hành trong năm 2019.

Do đó, từ ngày 30/5/2019, các Sở Y tế sẽ không tiếp nhận, giải quyết thủ tục công bố đủ điều kiện hoạt động đối với cơ sở dịch vụ xoa bóp nữa.

Công văn 579/KCB-PHCN&GĐ được ban hành ngày 30/5/2019.

Cán bộ-Công chức-Viên chức
Quy định mới về hợp đồng làm việc của viên chức

Tại Thông tư 03/2019/TT-BNV, Bộ Nội vụ không chỉ hướng dẫn về tuyển dụng công chức, viên chức…, mà còn có hướng dẫn mới về hợp đồng làm việc của viên chức.

Theo đó, hợp đồng làm việc của viên chức được chia thành Hợp đồng làm việc xác định thời hạn và Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn.

- Hợp đồng làm việc xác định thời hạn

+ Hợp đồng này được ký kết giữa người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập với người trúng tuyển vào viên chức theo mẫu số 01;

Riêng người đăng ký dự tuyển vào viên chức trong lĩnh vực hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao nếu được tuyển dụng vào viên chức thì ký hợp đồng xác định thời hạn theo mẫu 02.

So với quy định trước đây tại Thông tư 15/2012/TT-BNV, mẫu hợp đồng làm việc xác định thời hạn đã được thay đổi.

+ Thời hạn hợp đồng làm việc do người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định, nhưng có thời hạn tối thiểu là 12 tháng và tối đa là 36 tháng (trước đây chỉ quy định thời hạn tối đa là 36 tháng)

- Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn

Hợp đồng không xác định thời hạn được ký kết giữa người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập với người đã thực hiện xong hợp đồng làm việc xác định thời hạn hoặc trường hợp cán bộ, công chức chuyển thành viên chức theo mẫu số 03.

Tương tự như hợp đồng xác định thời hạn, mẫu hợp đồng không xác định thời hạn đã được thay đổi theo Thông tư 03.

Thông tư 03/2019/TT-BNV được ban hành ngày 14/5/2019, có hiệu lực từ ngày 01/07/2019.

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề
Giáo viên phải tập huấn cách kiềm chế cảm xúc trước khi đứng lớp

Ngày 31/5/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Quyết định 1506/QĐ-BGDĐT ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025” của ngành Giáo dục.

Theo đó, để nâng cao văn hóa ứng xử trong môi trường sư phạm, Bộ sẽ tiến hành tập huấn nâng cao kỹ năng văn hóa ứng xử và kiếm chế cảm xúc cho cán bộ quản lý giáo viên, giảng viên, cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác Đoàn, Hội, Đội và nhân viên trường học.

Bên cạnh đó, các đối tượng khác như thanh niên, học sinh, sinh viên cũng được hướng dẫn cách ứng xử trên không gian mạng bởi các chuyên gia, cơ quan, đoàn thể có liên quan.

Cũng theo Kế hoạch này, trong năm 2019, các cơ quan, đơn vị được phân công phải hướng dẫn xây dựng, ban hành và thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên; đồng thời, ban hành văn bản quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp sư phạm.

Song song với đó, thường xuyên phát động và tổ chức phong trào thi đua, tuyên dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể tiêu biểu xuất sắc trong xây dựng văn hóa ứng xử tại trường học…

Nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch này được bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước; nguồn chi thường xuyên của các cơ sở giáo dục đào tạo, các trường học và từ nguồn tài trợ, viện trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Giao thông
Hà Nội: Tăng cường phạt nguội qua hệ thống camera

Ngày 20/5/2019, UBND TP. Hà Nội ban hành Kế hoạch 113/KH-UBND bảo đảm trật tự an toàn và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 – 2021 trên địa bàn thành phố.

Một trong những nội dung quan trọng của Kế hoạch này là việc đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự, an toàn giao thông bằng việc tăng cường sử dụng thông tin qua hệ thống camera.

Đồng thời, tập trung xử phạt nghiêm khắc các hành vi là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc và tai nạn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn, ma túy và chất kích thích khác; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; người đi xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm…

Với các hành vi tiêu cực của lực lượng chức năng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị thì tuyệt đối phải xử lý nghiêm, xử lý tận gốc.

Ngoài ra, theo Kế hoạch này, UBND thành phố còn giao Sở Giao thông vận tải phối hợp với các đơn vị liên quan sớm đưa tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh - Hà Đông) vào khai thác, vận hành, đảm bảo hiệu quả và thu hút người dân sử dụng.

Đẩy nhanh tiến độ một số công trình trọng điểm như tuyến đường vành đai III trên cao (đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long), tuyến đường sắt đô thị (đoạn Nhổn - ga Hà Nội),...

Các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Kế hoạch này.

Hình sự
4 "vỏ bọc" quen thuộc của tội phạm rửa tiền

Ngày 24/5/2019, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết 03/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 324 của Bộ luật Hình sự về tội rửa tiền.

Theo đó, người thực hiện một trong các hành vi dưới đây nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền sẽ bị coi là phạm Tội rửa tiền:

- Trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia các giao dịch tài chính, ngân hàng:

+ Mở tài khoản và gửi tiền, rút tiền tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

+ Góp vốn, huy động vốn vào doanh nghiệp;

+ Rút tiền với bất cứ hình thức nào và bằng các công cụ khác nhau như séc, hối phiếu,…

+ Cầm cố, thế chấp, cho vay, cho thuê;

+ Chuyển tiền hoặc chuyển giá trị;

+ Giao dịch chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu, giấy tờ có giá khác;

+ Bảo lãnh và cam kết tài chính, kinh doanh ngoại tệ, công cụ thị trường ngoại tệ và chứng khoán có thể chuyển nhượng;

+ Quản lý danh mục đầu tư cá nhân và tập thể, tiền mặt hoặc chứng khoán cho tổ chức, cá nhân khác;

+ Quản lý hoặc cung cấp bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm liên quan đến đầu tư khác;

+ Các hành vi khác trong giao dịch tài chính, ngân hàng.

- Trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia các giao dịch khác như chơi, kinh doanh casino, trò chơi có thưởng, mua bán cổ vật,…

- Dùng tiền, tài sản để thực hiện đầu tư, sản xuất, kinh doanh sản phẩm, cung ứng dịch vụ nhằm mục đích sinh lợi.

- Dùng tiền, tài sản để làm dịch vụ, xây dựng trường học, bệnh viện hoặc sử dụng dưới danh nghĩa tài trợ, từ thiện, viện trợ nhân đạo hoặc các hoạt động khác.

Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 07/7/2019.

Nông nghiệp-Lâm nghiệp
Hà Nội: Chống dịch tả lợn châu Phi như chống giặc

Đây là chỉ đạo của Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội tại Công văn 2191/UBND-KT về việc tiếp tục quyết liệt triển khai công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thành phố.

Dịch tả lợn châu Phi là bệnh dịch rất nguy hiểm, diễn biến phức tạp. Do vậy, UBND thành phố yêu cầu các địa phương quán triệt phương châm “phòng, chống dịch như chống giặc”, phải chủ động, quyết liệt hơn nữa, không đợi đến khi có dịch mới triển khai phòng, chống; không chủ quan, lơ là gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.

Đặc biệt, tuyệt đối chống bệnh thành tích, không được giấu dịch. Tối thiểu 30 ngày kể từ khi phát hiện ổ dịch phải phun thuốc phòng, chống, xử lý dịch.

Đồng thời, không để xảy ra tình trạng vứt xác lợn chết ra ngoài môi trường, trôi nổi trên sông, hồ, ao làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Đối tượng nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.

Luôn luôn phải đảm bảo thực hiện tốt công tác vệ sinh, sát trùng bằng thuốc và vôi bột, nhất là tại các hộ chăn nuôi có lợn bệnh và khu vực xung quanh. Cần thiết có thể huy động các lực lượng tại chỗ của địa phương (kể cả công an, quân đội, dân quân…)

Và hơn hết, tập trung tuyên truyền công tác phòng, chống, xử lý bệnh dịch để người tiêu dùng không “quay lưng” lại với thịt lợn, đảm bảo duy trì và thúc đẩy tiêu dùng thịt lợn khỏe.

Công văn này được ban hành ngày 27/5/2019.  

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM

Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919

Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724

Email: [email protected]

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.