Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Ngày 23/5/2019, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành Kế hoạch 1764/KH-BHXH thực hiện đẩy mạnh chi trả dịch vụ an sinh xã hội qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo đó, mục tiêu phấn đấu mà Kế hoạch đặt ra cụ thể là:
- Đến năm 2020, 20% số tiền chi trả an sinh xã hội tại địa bàn thành phố, quận, thị xã thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được thực hiện qua ngân hàng.
- Đến năm 2021, 50% người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH), mai táng phí, tử tuất… sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực đô thị.
Để thực hiện được mục tiêu này, BHXH các tỉnh, thành phố phải phối hợp thực hiện các công việc sau:
- Tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh việc sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt tại các vùng đô thị.
- Phối hợp với bưu điện, ngân hàng tuyên truyền, vận động, khuyến khích người hưởng các chế độ BHXH qua tài khoản cá nhân.
- Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện giao dịch điện tử, sử dụng chữ ký số trong trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan BHXH với ngân hàng, bưu điện.
- Hàng năm báo cáo tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch gửi về Vụ Tài chính – Kế toán BHXH Việt Nam trước ngày 15/11.
Kế hoạch 1764/KH-BHXH được ban hành ngày 23/5/2019.
Đây là nội dung chính của Nghị định 44/2019/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) và trợ cấp hàng tháng được Chính phủ ban hành ngày 20/5/2019.
Theo đó, từ 01/7/2019, mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng tăng 7,19% so với tháng 6/2019.
Mức điều chỉnh này áp dụng với các đối tượng:
- Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng;
- Cán bộ xã, phường, thị trấn theo Nghị định 92/2009/NĐ-CP, Nghị định 121/2003/NĐ-CP và Nghị định 09/1998/NĐ-CP đang hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng;
- Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 91/2000/QĐ-TTg, Quyết định 613/QĐ-TTg; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng;
- Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 130/CP và Quyết định 111-HĐBT;
- Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 142/2008/QĐ-TTg, Quyết định 38/2010/QĐ-TTg;
- Công an đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 53/2010/QĐ-TTg;
- Quân nhân, công an, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như quân nhân, công an đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg;
- Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng.
Nghị định 44/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2019.
Đây là nội dung đáng chú ý tại Quyết định 1230/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại ngày 13/5/2019.
Theo đó, quy trình đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại gồm 6 bước như sau:
Bước 1: Bộ Công Thương thông báo tiếp nhận hồ sơ miễn trừ qua trang thông tin điện tử của Bộ là http://www.moit.gov.vn và Cục Phòng vệ thương mại là http://www.pvtm.gov.vn.
Bước 2: Đối tượng đề nghị miễn trừ nộp hồ sơ bằng 03 cách sau:
- Nộp qua dịch vụ công trực tuyến tại địa chỉ: https://dichvucong.moit.gov.vn/HomePage.aspx
- Nộp trực tiếp tại Văn phòng Cục Phòng vệ thương mại
- Nộp theo đường bưu chính
Bước 3: Cục Phòng vệ thương mại sẽ thông báo về tình trạng hồ sơ và doanh nghiệp bổ sung đầy đủ, hợp lệ (nếu cần).
Bước 4: Thẩm định hồ sơ và ban hành quyết định miễn trừ trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ. Trong trường hợp cần thiết có thể kéo dài thời gian nhưng không được quá 45 ngày.
Lúc này, nếu hàng hóa không được miễn trừ, Cục sẽ thông báo lý do; Nếu được miễn trừ thì doanh nghiệp sẽ được hoàn trả thuế đã nộp là 10,9%.
Bước 5: Đối tượng được miễn trừ phải nộp báo cáo định kỳ về tình hình nhập khẩu hàng hóa và việc tuân thủ điều kiện, nghĩa vụ được miễn trừ tới Cục.
Bước 6: Cục Phòng vệ thương mại có thể tiến hành kiểm tra sau miễn trừ nhằm mục đích thẩm định việc tuân thủ của đối tượng được miễn trừ.
Trong trường hợp có vi phạm, Bộ Công Thương có quyền thu hồi quyết định miễn trừ và thông báo cơ quan hải quan xử lý theo quy định.
Quyết định 1230/QĐ-BCT có hiệu lực kể từ ngày 28/5/2019.
Tại Thông tư 03/2019/TT-BNV, Bộ Nội vụ không chỉ hướng dẫn về tuyển dụng công chức, viên chức…, mà còn có hướng dẫn mới về hợp đồng làm việc của viên chức.
Theo đó, hợp đồng làm việc của viên chức được chia thành Hợp đồng làm việc xác định thời hạn và Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn.
- Hợp đồng làm việc xác định thời hạn
+ Hợp đồng này được ký kết giữa người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập với người trúng tuyển vào viên chức theo mẫu số 01;
Riêng người đăng ký dự tuyển vào viên chức trong lĩnh vực hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao nếu được tuyển dụng vào viên chức thì ký hợp đồng xác định thời hạn theo mẫu 02.
So với quy định trước đây tại Thông tư 15/2012/TT-BNV, mẫu hợp đồng làm việc xác định thời hạn đã được thay đổi.
+ Thời hạn hợp đồng làm việc do người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định, nhưng có thời hạn tối thiểu là 12 tháng và tối đa là 36 tháng (trước đây chỉ quy định thời hạn tối đa là 36 tháng)
- Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn
Hợp đồng không xác định thời hạn được ký kết giữa người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập với người đã thực hiện xong hợp đồng làm việc xác định thời hạn hoặc trường hợp cán bộ, công chức chuyển thành viên chức theo mẫu số 03.
Tương tự như hợp đồng xác định thời hạn, mẫu hợp đồng không xác định thời hạn đã được thay đổi theo Thông tư 03.
Thông tư 03/2019/TT-BNV được ban hành ngày 14/5/2019, có hiệu lực từ ngày 01/07/2019.
Ngày 22/5/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 2212/BGDĐT-GDCTHSSV về việc tổ chức Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2019.
Theo đó, chương trình “Tiếp sức mùa thi” hoạt động cao điểm từ ngày 24/6/2019 đến hết ngày 27/6/2019 với nhiều nội dung như:
- Hỗ trợ các chuyến xe miễn phí chở học sinh ở cùng một khu vực đến các địa điểm thi; thành lập các đội sinh viên tình nguyện trên các tuyến xe bus hướng dẫn thí sinh tại các trạm và trên các tuyến xe;…
- Tổ chức các buổi tư vấn, trao đổi kinh nghiệm làm bài thi, giúp thí sinh tự tin khi dự thi;
- Giới thiệu chỗ ăn, nghỉ miễn phí, các địa điểm ăn uống giá rẻ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; hỗ trợ nước uống, đồ ăn nhẹ, bản đồ, đồ dùng học tập phục vụ thi;
- Hướng dẫn, phân luồng đảm bảo an toàn giao thông tại các điểm thi, các điểm có mật độ giao thông cao xung quanh điểm thi;
- Ngăn chặn kịp thời các hiện tượng tiêu cực lợi dụng kỳ thi, ảnh hưởng đến thí sinh và người nhà như nâng giá, trộm cắp, gây mất an ninh, trật tự,…
Đối tượng tham gia chương trình này là sinh viên đang học tập tại các trường đại học, học viện, cao đẳng.
Ngoài ra, để thực hiện Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè 2019 với chủ đề “Thanh niên tình nguyện vì cộng đồng”, Công văn còn đề cập tới việc tổ chức thực hiện 02 Chiến dịch: Mùa hè xanh và Hoa phượng đỏ trong Đoàn viên thanh niên là học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên trẻ trên toàn quốc.
Các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các chiến dịch được biểu dương, khen thưởng và thưởng điểm theo Quy chế rèn luyện học sinh, sinh viên.
Đây là nội dung đáng chú ý nêu tại Công văn 606/TTg-KGVX về việc triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2019.
Hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy (tháng 6), Ngày quốc tế phòng, chống ma túy và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy (26/6), Thủ tướng yêu cầu:
- Bộ Công an: Điều tra, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức giới thiệu, mua bán, khuyến khích sử dụng ma túy, chất gây nghiện, chất gây ảo giác trên mạng internet, mạng xã hội; tập trung triệt phá các đường dây mua bán ma túy lớn, các tụ điểm phức tạp về ma túy…
- Bộ Thông tin và Truyền thông: Tăng thời lượng, tần suất thông tin tuyên truyền phòng, chống ma túy; truyền tải thông điệp phòng, chống ma túy qua mạng xã hội có nhiều người theo dõi, qua tin nhắn đến các thuê bao di động…
- Bộ Lao động Thương binh và Xã hội: Tăng cường quản lý, giám sát người nghiện ma túy, bảo đảm an toàn trong các cơ sở cai nghiện…
- Bộ Giáo dục và Đào tạo: Tổ chức các hoạt động giáo dục, truyền thông trong toàn hệ thống.
- Tổng cục Hải quan: Rà soát các khâu thực hiện quy trình hải quan, kịp thời phát hiện và khắc phục sơ hở, thiếu sót mà các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép có thể lợi dụng.
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Không để lợi dụng các sự kiện, hội chợ, các quán bar, karaoke chứa chấp, lôi kéo sử dụng trái phép chất ma túy…
Công văn 606/TTg-KGVX ban hành ngày 24/5/2019.
Nghị định 46/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao đã được Chính phủ ban hành ngày 27/5/2019, có hiệu lực từ ngày 01/08/2019.
Theo Nghị định này, các hành vi bạo lực trong hoạt động thể thao bị nghiêm cấm và xử phạt như sau:
- Cố ý gây chấn thương, chơi thô bạo gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người khác trong tập luyện, thi đấu thể thao: Phạt từ 20 - 25 triệu đồng.
Với hành vi này, người vi phạm còn bị đình chỉ việc tham dự giải đấu thể thao có thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng.
- Chửi bới, lăng mạ, xúc phạm nhân phẩm, danh dự; đe dọa xâm phạm sức khỏe, tính mạng; phản ứng không phù hợp với đạo đức, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa khi tham gia hoạt động thể thao: Phạt từ 15 - 20 triệu đồng;
Đồng thời, còn buộc phải xin lỗi công khai nếu chửi bới, lăng mạ, xúc phạm nhân phẩm.
Cũng theo Nghị định, việc sử dụng chất kích thích thuộc Danh mục bị cấm trong tập luyện, thi đấu thể thao sẽ bị phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng; ngoài ra, vận động viên còn có thể bị hủy kết quả thi đấu. Nếu bao che, tổ chức cho vận động viên sử dụng chất kích thích, bị phạt tiền ở mức cao hơn, từ 15 - 20 triệu đồng.
Nghị định 45/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch đã được Chính phủ ban hành ngày 21/5/2019.
Nghị định nêu rõ các mức phạt đối với cơ sở lưu trú du lịch (khách sạn, nhà nghỉ…) vi phạm điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất. Trong đó, phạt từ 01 – 03 triệu đồng nếu:
- Không có giường hoặc đệm hoặc chiếu hoặc chăn hoặc gối theo quy định
- Không có khăn mặt hoặc khăn tắm theo quy định
- Không thay ga giường hoặc chiếu hoặc bọc chăn hoặc bọc gối khi có khách mới
- Không thay khăn mặt hoặc khăn tắm khi có khách mới.
Ngoài ra, Nghị định này cũng đề cập đến mức phạt đối với một số vi phạm khác, như:
- Tranh giành khách du lịch hoặc nài ép khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ: Phạt từ 01 - 03 triệu đồng;
- Không cảnh báo nguy cơ gây nguy hiểm cho khách du lịch: Phạt từ 05 - 10 triệu đồng
- Công ty lữ hành để khách du lịch trốn ở lại nước ngoài hoặc trốn ở lại Việt Nam trái pháp luật: Phạt từ 80 - 90 triệu đồng
- Hướng dẫn viên du lịch có thái độ thiếu văn minh đối với khách du lịch khi hành nghề: Phạt từ 03 - 05 triệu đồng… Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/08/2019.
Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!
Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919
Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724
Email: [email protected]
Lưu ý:
* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.
* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.