Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Ngày 14/5/2019, Tòa án nhân dân tối cao ra Thông báo 328/TB-TANDTC về việc tuyển dụng công chức năm 2019.
Theo đó, năm 2019, Tòa án nhân dân tối cao tuyển thêm 03 Thư ký viên làm việc tại Vụ Giám đốc kiểm tra II, 03 Thư ký viên làm việc tại Vụ Giám đốc kiểm tra III và 01 Chuyên viên làm công tác phiên dịch tiếng anh tại Vụ Hợp tác quốc tế.
Trong đó, đặc biệt lưu ý vị trí Thư ký viên, chỉ tuyển dụng cử nhân luật trở lên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc tại các trường: Đại học Luật Hà Nội, Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ngoài ra, người thi tuyển vị trí Chuyên viên phải là cử nhân ngoại ngữ chuyên ngành tiếng anh trở lên.
Bên cạnh các tiêu chí nêu trên, các thí sinh còn phải đáp ứng đủ các điều kiện dưới đây:
- Là công dân Việt Nam, cư trú tại Việt Nam;
- Từ đủ 18 tuổi trở lên;
- Có đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ theo giấy khám sức khỏe của cơ quan y tế có thẩm quyền cấp;
- Có đơn dự tuyển, lý lịch rõ ràng; phẩm chất, đạo đức tốt; lịch sử chính trị của bản thân và gia đình không vi phạm quy định của Đảng về công tác bảo vệ chính trị nội bộ;
- Có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ bậc 2 (hoặc tương đương) khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo quy định tại Thông tư 01/2014/TT-BGDĐT;
- Có chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư 03/2014/TT-BTTTT.
Người đáp ứng đủ điều kiện nêu trên và có nguyện vọng tuyển dụng nộp hồ sơ theo Thông báo này từ ngày 15/5/2019 đến 17 giờ ngày 14/6/2019 tại Vụ Tổ chức - Cán bộ Tòa án nhân dân tối cao, số 48 phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức bãi bỏ Thông tư 31/2018/TT-BGDĐT ngày 24/12/2018 quy định về thời gian tập sự theo chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên trong cơ sở giáo dục công lập.
Nội dung này được nêu tại Thông tư 09/2019/TT-BGDĐT được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 14/5/2019.
Theo đó, thời gian tập sự theo chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên trong cơ sở giáo dục công lập nêu tại Thông tư 31/2018/TT-BGDĐT chính thức bị bãi bỏ. Thay vào đó sẽ thực hiện theo khoản 11 Điều 2 Nghị định 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ.
Hiện nay, các chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên trong cơ sở giáo dục công lập phải tập sự trong thời gian:
- 12 tháng với chức danh yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo đại học
- 09 tháng với chức danh có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo cao đẳng
- 06 tháng với chức danh yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo trung cấp
Trong khi đó, trước đây, Thông tư 31/2018/TT-BGDĐT áp dụng thời gian tập sự như sau:
- 12 tháng với chức danh nghề nghiệp giảng viên hạng III, giáo viên trung học phổ thông hạng III, giáo viên dự bị đại học hạng III.
- 09 tháng với chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III
- 06 tháng với chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng IV, giáo viên tiểu học hạng IV
Đặc biệt, thời gian nghỉ sinh con theo chế độ bảo hiểm xã hội, nghỉ ốm đau từ 14 ngày trở lên, nghỉ không lương và thời gian bị tam giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác sẽ không được tính vào thời gian tập sự.
Thông tư 09/2019/TT-BGDĐT có hiệu lực kể từ ngày 29/6/2019.
Đây là nội dung quan trọng được nêu tại Nghị định 40/2019/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 13/5/2019.
Theo đó, sẽ áp dụng thuế suất 10% trong thời gian 15 năm đối với doanh nghiệp thực hiện:
- Dự án đầu tư mới:
+ Xử lý nước thải sinh hoạt tập trung có công suất thiết kế từ 2.500 m3/ngày trở lên với khu vực đô thị loại IV trở lên;
+ Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn thông thường tập trung;
+ Xử lý, cải tạo môi trường ô nhiễm tại các khu vực công cộng;
+ Ứng cứu, xử lý sự cố tràn dầu, sự cố hóa chất và sự cố môi trường khác;
+ Xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề;
+ Dịch vụ hỏa táng, điện táng;
+ Giám định thiệt hại môi trường, sức khỏe môi trường;…
- Dự án sản xuất mới hoặc sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ:
+ Ứng dụng sáng chế bảo vệ môi trường được Nhà nước cấp Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích;
+ Các sản phẩm thân thiện với môi trường được gắn Nhãn xanh Việt Nam; sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải rắn của cơ sở xử lý chất thải;
+ Xăng, nhiên liệu diezen và nhiên liệu sinh hoạt; than sinh học; năng lượng từ sức gió, ánh sáng mặt trời, thủy triều, địa nhiệt và các dạng năng lượng tái tạo khác;
+ Máy móc, thiết bị chuyên dùng sử dụng trực tiếp trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; thiết bị quan trắc nước thải và khí thải;… Ngoài ra, Nghị định này còn đề cập đến thời hạn của giấy phép xử lý chất thải nguy hại.
Nghị định 40/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2019.
Đây là nội dung đáng chú ý được nêu tại Nghị quyết 32/NQ-CP của Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021.
Theo đó, các cơ quan thuộc đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp (chưa đạt 50% tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định tại Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13) phải tạm dừng việc bầu, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý và việc tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ, công chức, viên chức cho đến khi có chỉ đạo mới, trừ trường hợp khuyết người đứng đầu mà không bố trí được người phụ trách (phải xin ý kiến trước khi bầu, bổ nhiệm).
Ngoài ra, việc bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải đảm bảo lựa chọn được những người có phẩm chất, năng lực để đảm nhận những vị trí công việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị mới.
Bên cạnh nguồn nhân lực, việc sắp xếp nguồn vật lực cũng cần được chú trọng. Rà soát, xây dựng phương án tiếp nhận, bàn giao các trụ sở làm việc, tài sản, cơ sở vật chất,… bảo đảm sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát khi đưa vào khai thác.
Tất cả các nội dung trên đều phải đưa vào phương án tổng thể và nội dung phương án này phải nêu được 03 vấn đề:
- Số lượng và danh sách các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diễn phải thực hiện sắp xếp;
- Phương án, kế hoạch, lộ trình, dự trù kinh phí thực hiện sắp xếp;
- Giải trình, thuyết minh các đơn vị hành chính thuộc diện phải sắp xếp nhưng có yếu tố đặc thù không đưa vào phương án tổng thế sắp xếp của địa phương.
Chậm nhất ngày 31/5/2019, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh các địa phương phải gửi phương án để tổng hợp, xem xét.
Nghị quyết 32/NQ-CP ban hành ngày 14/5/2019.
Thủ tướng Chính phủ vừa ra Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 20/5/2019 về phát triển bền vững, trong đó khẳng định phát triển bền vững là một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
- Bố trí đầu mối và cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm về phát triển bền vững, trong đó cần tránh tăng bộ máy và biên chế nhưng vẫn đảm bảo công tác triển khai và phối hợp với các bộ liên quan;
- Triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách xã hội và các đối tượng dễ bị tổn thương khác;
- Chậm nhất ngày 31/12 hàng năm, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững để tổng hợp trình Chính phủ, Quốc hội.
Về phía Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, hàng năm cần lựa chọn ít nhất một vấn đề cụ thể liên quan đến phát triển bền vững để tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng về các cơ chế, chính sách, biện pháp chỉ đạo, điều hành.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam cần tiếp tục phát huy vai trò, định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp trong thực hiện phát triển bền vững.
Đây là nội dung nổi bật được nêu tại Công điện 584/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy.
Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ cháy lớn, nhất là tại các đô thị, địa bàn tập trung dân cư, khu công nghiệp … gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Đặc biệt trong thời tiết nắng nóng kéo dài như hiện nay, tình hình cháy, nổ diễn biến càng phức tạp hơn.
Bởi vậy, để nâng cao vai trò trong công tác quản lý Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức không thực hiện đúng chức trách của mình để xảy ra tình trạng cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Trong đó, có nói rõ, địa phương nào để xảy ra cháy lớn, lãnh đạo phải chịu trách nhiệm.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ còn yêu cầu:
- Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về phòng cháy chữa cháy
- Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan tích cực thanh tra, kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy; Kiên quyết đình chỉ, tạm đình chỉ các cơ sở không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy.
- Mở rộng tuyên truyền, tập huấn công tác phòng cháy, chữa cháy
- Thường xuyên tổ chức diễn tập phương án chữa cháy
- Bộ Công Thương kiểm tra hệ thống mạng lưới điện để đề phòng nguy cơ gây mất an toàn phòng cháy chữa cháy
- Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo cơ quan thông tin đại chúng tăng thời lượng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng cháy chữa cháy cho người dân
Công điện 584/CĐ-TTg ban hành ngày 19/5/2019.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 42/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực thủy sản, trong đó có mức phạt về hành vi sử dụng điện để khai thác thủy sản.
Các mức phạt cụ thể như sau:
- Dùng công cụ kích điện để khai thác thủy sản, đối với trường hợp không sử dụng tàu cá: Phạt từ 03 - 05 triệu đồng
- Dùng kích điện hoặc dùng trực tiếp dòng điện từ máy phát điện trên tàu cá để khai thác thủy sản: Phạt từ 15 - 20 triệu đồng nếu tàu cá dưới 12m; Từ 20 - 30 triệu đồng nếu tàu cá từ 12 - 15m và từ 30 - 40 triệu đồng nếu tàu cá từ 15m trở lên.
- Dùng điện lưới để khai thác thủy sản mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự: Phạt từ 40 - 50 triệu đồng.
Ngoài phạt tiền, người có hành vi dùng điện để khai thác thủy sản còn có thể bị tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện và ngư cụ; Tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản từ 03 - 06 tháng…
Cũng theo Nghị định, mức phạt cao nhất với người vi phạm trong khai thác thủy sản là 01 tỷ đồng.
Nghị định 42/2019/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 16/5/2019, có hiệu lực từ ngày 05/07/2019.
Đây là nội dung được nhấn mạnh tại Công văn 3438/BNN-TCTS về việc tăng cường kiểm soát tôm càng đỏ (tôm hùm đất) tại Việt Nam.
Tôm càng đỏ (hay còn gọi là tôm hùm đất) là loài sinh vật ngoại lai xâm hại có sức chống chịu và thích nghi cao, không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam.
Việc kinh doanh, tiêu thụ loài này là vi phạm quy định pháp luật. Do vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Bên cạnh đó, để bảo vệ môi trường và tránh tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, khi phát hiện có phát tán ra môi trường, phải khoanh vùng, cô lập và tiêu diệt theo quy định về đa dạng sinh học.
Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến về tác hại của loài tôm này đối với môi trường và sản xuất nông nghiệp; kịp thời ngăn chặn sự phát tán ra môi trường tự nhiên.
Công văn 3438/BNN-TCTS được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành ngày 17/5/2019.
Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!
Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919
Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724
Email: [email protected]
Lưu ý:
* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.
* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.