Số 49.2009 (456) ngày 15/12/2009

CHÍNH PHỦ

Tiếp tục hỗ trợ lãi vay bằng đồng Việt Nam (SMS: 2072/QD-TTg) - Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 2072/QĐ-TTg ngày 11/12/2009 tiếp tục hỗ trợ lãi suất trong năm 2010 cho các khoản vay trung và dài hạn bằng đồng Việt Nam của các tổ chức, cá nhân thuộc một số ngành, lĩnh vực kinh tế theo cơ chế quy định tại Quyết định số 443/QĐ-TTg ngày 04/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Các khoản vay được hỗ trợ lãi suất là các khoản vay trung và dài hạn ngân hàng thương mại bằng đồng Việt Nam thuộc các ngành và lĩnh vực kinh tế: nông nghiệp và lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến, hoạt động khoa học công nghệ, hoạt động thu mua và kinh doanh các mặt hàng nông sản, lâm sản, thuỷ sản, muối. Mức lãi suất hỗ trợ là 02%/năm đối với những khoản vay phát sinh trong năm 2010. Thời hạn hỗ trợ lãi suất tối đa là 24 tháng kể từ khi giải ngân khoản vay trong năm 2010.
Các tổ chức tín dụng cho vay vốn bao gồm: ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần, công ty tài chính, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân Trung ương.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2010.
Hành vi bạo lực gia đình: phạt tiền đến 30 triệu đồng (SMS: 110/2009/ND-CP) - Ngày 10/12/2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 110/2009/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này chủ yếu nhằm giáo dục người vi phạm nhận thức được sai phạm, tự nguyện sửa chữa, thực hiện nghĩa vụ mà pháp luật quy định hoặc chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật và để răn đe, phòng ngừa chung. Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình có thể bị phạt tiền từ 100 ngàn đồng đến 30 triệu đồng và có thời hiệu xử phạt là một năm kể từ ngày hành vi vi phạm hành chính được thực hiện.
Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình gồm có: đánh đập hoặc hành vi khác xâm hại sức khỏe thành viên gia đình; hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình; cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý; vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng; cưỡng ép kết hôn, ly hôn, tảo hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ; hành vi bạo lực về kinh tế; hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ;....Cụ thể, hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình bị phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng; hành vi đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân, giam hãm ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người già, yếu, tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ, bị phạt tiền từ 1,5 triệu đồng đến 02 triệu đồng; hành vi lăng mạ, chửi bới, chì chiết thành viên gia đình bị phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng...
Nghị định quy định, chủ tịch UBND cấp xã có quyền phạt tiền đến 02 triệu đồng, chủ tịch UBND cấp huyện và tỉnh có quyền phạt tiền đến 30 triệu đồng, chiến sĩ công an đang thi hành công vụ có quyền phạt tiền đến 200 ngàn đồng.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/01/2010; bãi bỏ các Điều: 7, 10, 11, 12 và 15 Nghị định số 87/2001/NĐ-CP ngày 21/11/2001 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.

Chương trình nâng cấp hệ thống đê sông đến 2020 (SMS: 2068/QD-TTg) - Chương trình nâng cấp hệ thống đê sông đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 09/12/2009 với mục tiêu củng cố, nâng cấp các tuyến đê nhằm đảm bảo an toàn chống lũ thiết kế và phấn đấu chống được lũ cao hơn. Phạm vi của Chương trình này bao gồm 18 tỉnh, thành phố có đê sông từ Hà Tĩnh trở ra là: Hòa Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và tỉnh Đồng Tháp. Nội dung chủ yếu của Chương trình gồm: củng cố thân đê; cứng hóa mặt đê, làm đường hành lang chân đê; xử lý nền đê; xử lý sạt lở bờ sông; tu sửa cống dưới đê; nghiên cứu khoa học, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho công tác quản lý đê.
Tổng kinh phí thực hiện Chương trình này ước tính khoảng 19.559 tỷ đồng, được cấp từ các nguồn: ngân sách trung ương bố trí hàng năm theo chương trình mục tiêu; lồng ghép kinh phí của các chương trình mục tiêu liên quan khác như giao thông, phòng, chống sạt lở, phát triển thuỷ lợi; từ các nguồn vốn vay ODA và các nguồn tài trợ khác; ngân sách của địa phương và huy động của các doanh nghiệp hưởng lợi.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Phê duyệt kế hoạch đổi mới doanh nghiệp nhà nước TP.Hà Nội (SMS: 2065/QD-TTg) - Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2065/QĐ-TTg ngày 09/12/2009 phê duyệt kế hoạch sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc UBND thành phố Hà Nội đến hết năm 2010. Theo đó, có 04 doanh nghiệp được chuyển đổi tổ chức quản lý theo mô hình công ty mẹ - công ty con là: Công ty TNHH một thành viên Chiếu sáng và Thiết bị đô thị, Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị, Công ty TNHH một thành viên Thống Nhất, Công ty TNHH một thành viên Cung ứng nhân lực và Thương mại quốc tế. Thực hiện cổ phần hóa 09 doanh nghiệp là: Công ty Cảng Hà Tây, Công ty Dịch vụ truyền thanh truyền hình Hà Nội, Công ty Ăn uống du lịch dịch vụ Sóc Sơn, Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu nông sản Hà Nội, Công ty Thương mại và Đầu tư Hà Nội, Chi nhánh Tổng công ty Thương mại Hà Nội tại TP.Hồ Chí Minh và Xí nghiệp Sắt mỹ nghệ (thuộc Tổng công ty Thương mại Hà Nội), Xí nghiệp Gốm Chu Đậu (thuộc Tổng công ty Thương mại Hà Nội), Xí nghiệp Mũ xuất khẩu (thuộc Công ty Sản xuất XNK tổng hợp Hà Nội) và Xí nghiệp Nước tinh khiết (thuộc Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội); đồng thời chuyển 23 doanh nghiệp thành công ty TNHH một thành viên.
Cũng tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội căn cứ tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước tại Quyết định số 38/2007/QĐ-TTg ngày 20/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ để quyết định tỷ lệ cổ phần do Nhà nước nắm giữ tại các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

 
BỘ TÀI CHÍNH

Miễn thuế TNDN 4 năm cho doanh nghiệp hoạt động bảo vệ môi trường (SMS: 230/2009/TT-BTC) - Theo hướng dẫn tại Thông tư số 230/2009/TT-BTC ngày 08/12/2009 của Bộ Tài chính, doanh nghiệp, hợp tác xã (gọi chung là doanh nghiệp) thực hiện dự án đầu tư hoạt động bảo vệ môi trường quy định tại mục II phần A và mục II phần B của Danh mục ban hành kèm theo Nghị định số 04/2009/NĐ-CP, đáp ứng các tiêu chí cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường được áp dụng thuế suất 10% trong suốt thời gian hoạt động đối với phần thu nhập của doanh nghiệp có được từ dự án đầu tư hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 124/2008/NĐ-CP, được miễn thuế 04 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và được giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; các doanh nghiệp thành lập mới khác được miễn thuế 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và được giảm 50% số thuế phải nộp trong 5 năm tiếp theo.
Các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp nói trên chỉ áp dụng đối với phần thu nhập từ hoạt động bảo vệ môi trường; trường hợp doanh nghiệp có các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác thì phải hạch toán riêng thu nhập từ hoạt động bảo vệ môi trường để kê khai xác định đúng số thuế thu nhập doanh nghiệp được ưu đãi. Máy móc, thiết bị, vật tư thuộc loại trong nước chưa sản xuất được mà tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư hoạt động bảo vệ môi trường cần nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.
 
BỘ CÔNG THƯƠNG

Điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định kỹ thuật an toàn (SMS: 35/2009/TT-BCT) - Ngày 09/12/2009, Bộ Công thương ban hành Thông tư số 35/2009/TT-BCT quy định về điều kiện hoạt động đối với các tổ chức kiểm định kỹ thuật an toàn. Thông tư này quy định điều kiện hoạt động đối với các tổ chức kiểm định kỹ thuật an toàn thiết bị chịu áp lực, thiết bị nâng trong Danh mục các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công thương. Theo Thông tư này, để được hoạt động, tổ chức kiểm định phải có tư cách pháp nhân và có chức năng, nhiệm vụ kiểm định kỹ thuật an toàn theo quy định của pháp luật, đồng thời phải có cơ sở kiểm định đảm bảo cho các hoạt động nghiệp vụ, vận hành và bảo quản trang thiết bị phục vụ cho công tác kiểm định.
Các chức danh làm việc tại tổ chức kiểm định bao gồm: giám đốc, phó giám đốc, lãnh đạo phòng, ban (nếu có), kiểm định viên chính, kiểm định viên, kỹ thuật viên kiểm định. Về tiêu chuẩn, giám đốc phải có bằng tốt nghiệp đại học; phó giám đốc, lãnh đạo phòng, ban quản lý trực tiếp đến hoạt động kiểm định phải có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực kiểm định, có kinh nghiệm kiểm định kỹ thuật an toàn tối thiểu 5 năm. Kiểm định viên chính, kiểm định viên, kỹ thuật viên kiểm định kỹ thuật an toàn phải là viên chức, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về nghiệp vụ các ngạch viên chức kiểm định kỹ thuật an toàn lao động. Kiểm định viên chính, kiểm định viên kỹ thuật an toàn thiết bị chịu áp lực phải có chứng chỉ “Kiểm tra không phá hủy” (NDT) tối thiểu bậc 1. Tại một thời điểm, kiểm định viên chính, kiểm định viên, kỹ thuật viên kiểm định kỹ thuật an toàn chỉ được thực hiện hoạt động kiểm định cho 01 tổ chức kiểm định. Kiểm định viên chính, kiểm định viên kỹ thuật an toàn thiết bị chịu áp lực hoặc thiết bị nâng phải có Thẻ kiểm định viên kỹ thuật an toàn thiết bị chịu áp lực hoặc thiết bị nâng do Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp cấp. Đối với các lĩnh vực kiểm định thiết bị chịu áp lực, kiểm định thiết bị nâng, tổ chức kiểm định phải có ít nhất 08 kiểm định viên đối với mỗi lĩnh vực kiểm định.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 30/01/2010.
 
BỘ XÂY DỰNG

Hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn xây dựng nước ngoài (SMS: 40/2009/TT-BXD) - Ngày 09/12/2009, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 40/2009/TT-BXD quy định việc áp dụng tiêu chuẩn xây dựng nước ngoài trong hoạt động xây dựng ở Việt Nam. Theo Thông tư này, việc áp dụng các tiêu chuẩn xây dựng nước ngoài được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, đảm bảo tính đồng bộ và tính khả thi của hệ thống các tiêu chuẩn được áp dụng trong toàn bộ quá trình khảo sát, thiết kế, sản xuất và chế tạo, thi công và nghiệm thu công trình xây dựng, đồng thời phải phù hợp với các yêu cầu của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh xây dựng và các lĩnh vực khác có liên quan theo quy định của pháp luật, trong trường hợp chưa có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, các tiêu chuẩn xây dựng nước ngoài phải phù hợp với yêu cầu được nêu trong các Tiêu chuẩn quốc gia bắt buộc áp dụng do các bộ, ngành quy định.
Ngoài việc đảm bảo nguyên tắc nói trên, các tiêu chuẩn xây dựng nước ngoài được lựa chọn và áp dụng trong các hoạt động xây dựng ở Việt Nam phải là các tiêu chuẩn xây dựng của các quốc gia, các tổ chức quốc tế và tổ chức tiêu chuẩn khu vực; phải được người quyết định đầu tư xem xét, lựa chọn và chấp thuận trước khi lập hồ sơ thiết kế cơ sở trong dự án đầu tư xây dựng công trình. Người quyết định đầu tư xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm về việc áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài cho các hoạt động xây dựng do mình quản lý; trường hợp không đủ năng lực chuyên môn, người quyết định đầu tư có thể thuê tư vấn thẩm tra hồ sơ các tiêu chuẩn xây dựng nước ngoài trước khi xem xét, chấp thuận bằng văn bản; kinh phí thuê tư vấn thẩm tra hồ sơ các tiêu chuẩn nước ngoài được tính vào kinh phí của dự án trên cơ sở dự toán chi phí các công việc thực hiện.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/02/2010, thay thế Quyết định số 09/2005/QĐ-BXD ngày 7/4/2005 của Bộ Xây dựng ban hành Quy chế áp dụng tiêu chuẩn xây dựng nước ngoài trong hoạt động xây dựng ở Việt Nam và Quyết định số 35/2006/QĐ-BXD ngày 22/11/2006 của Bộ Xây dựng về việc bổ sung một số nội dung của Quy chế áp dụng tiêu chuẩn xây dựng nước ngoài trong hoạt động xây dựng ở Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 09/2005/QĐ-BXD ngày 7/4/2005. Đối với các dự án đã được Bộ Xây dựng hoặc Bộ quản lý các công trình xây dựng chuyên ngành chấp thuận việc áp dụng tiêu chuẩn xây dựng nước ngoài trước ngày Thông tư này có hiệu lực được tiếp tục thực hiện theo văn bản đó. Đối với các dự án mới, dự án bổ sung, việc áp dụng tiêu chuẩn xây dựng nước ngoài được thực hiện theo quy định tại Thông tư này.
Xây dựng nhà ở riêng lẻ phải có bản vẽ thiết kế (SMS: 39/2009/TT-BXD) - Từ ngày 01/02/2010, việc quản lý chất lượng xây dựng nhà ở riêng lẻ được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 39/2009/TT-BXD do Bộ Xây dựng ban hành ngày 09/12/2009. Thông tư này áp dụng đối với các hộ gia đình, cá nhân (gọi chung là chủ nhà) khi xây dựng nhà ở riêng lẻ, các chủ đầu tư dự án nhà ở riêng lẻ (gọi tắt là nhà ở) xây dựng trên các lô đất của dự án và các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng nhà ở. Việc xây dựng nhà ở được thực hiện theo các nguyên tắc sau: phải có bản vẽ thiết kế được lập trên cơ sở kiểm tra ranh giới đất và chất lượng nền đất nơi dự kiến xây dựng nhà ở hoặc báo cáo kết quả khảo sát xây dựng, nếu có; phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật xây dựng, tiêu chuẩn kỹ thuật và các quy định khác của pháp luật có liên quan; phải có giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật trước khi khởi công trừ nhà ở tại vùng sâu, vùng xa không thuộc đô thị, không thuộc điểm dân cư tập trung, điểm dân cư nông thôn chưa có quy hoạch xây dựng được duyệt. Việc thi công xây dựng nhà ở phải bảo đảm chất lượng công trình, an toàn lao động và bảo đảm vệ sinh môi trường; tuân thủ các quy định trong giấy phép xây dựng; không làm ảnh hưởng bất lợi tới các công trình liền kề, lân cận. Khuyến khích chủ nhà thực hiện chế độ giám sát thi công xây dựng nhà ở.
Khi có nhu cầu điều chỉnh thiết kế xây dựng nhà ở khác với nội dung giấy phép xây dựng đã được cấp về: vị trí xây dựng công trình, cao độ nền xây dựng công trình, các chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng, diện tích xây dựng, tổng diện tích sàn, chiều cao công trình, số tầng và những nội dung khác được ghi trong giấy phép xây dựng thì chủ nhà phải xin điều chỉnh giấy phép xây dựng trước khi thi công xây dựng nhà ở theo nội dung điều chỉnh. Những thay đổi khác thì không phải xin điều chỉnh giấy phép xây dựng đã cấp. Chủ nhà có thể giao cho từng nhà thầu thực hiện từng công việc hoặc có thể giao cho một nhà thầu thực hiện tổng thầu hoặc thực hiện theo hình thức tổng thầu chìa khóa trao tay. Giao kết giữa chủ nhà và các nhà thầu phải được thể hiện thông qua hợp đồng xây dựng xác lập bằng văn bản, đặc biệt đối với các nhà thầu khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng công trình, thi công xây dựng công trình (chủ nhà có thể tham khảo các mẫu hợp đồng khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng công trình, thi công xây dựng công trình và giám sát thi công xây dựng công trình được đăng trên trang thông tin điện tử (www.xaydung.gov.vn) của Bộ Xây dựng hoặc được niêm yết tại cơ quan cấp giấy phép xây dựng).
Thông tư quy định, nhà ở được bảo hành sau khi hoàn thành việc xây dựng đưa vào sử dụng. Tổ chức, cá nhân thi công xây dựng  nhà ở có trách nhiệm bảo hành nhà ở; tổ chức, cá nhân cung ứng thiết bị nhà ở có trách nhiệm bảo hành thiết bị do mình cung ứng. Nội dung bảo hành nhà ở bao gồm khắc phục, sửa chữa các khiếm khuyết, hư hỏng phát sinh trong quá trình sử dụng mà không phải do lỗi của người sử dụng nhà ở gây ra. Thời gian bảo hành nhà ở do chủ nhà hoặc chủ đầu tư và các nhà thầu thỏa thuận theo quy định của pháp luật có liên quan.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2010.
Quản lý nhà biệt thự tại đô thị (SMS: 38/2009/TT-BXD) - Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư số 38/2009/TT-BXD ngày 08/12/2009 hướng dẫn việc quản lý sử dụng nhà biệt thự tại khu vực đô thị. Theo Thông tư này, “Nhà biệt thự tại đô thị” là nhà ở riêng biệt (hoặc có nguồn gốc là nhà ở đang được dùng vào mục đích khác) có sân vườn, có hàng rào và lối ra vào riêng biệt, có số tầng chính không quá 3 tầng (không kể tầng mái che cầu thang, tầng mái và tầng hầm), có ít nhất 3 mặt nhà trông ra sân hoặc vườn, có diện tích xây dựng không vượt quá 50% diện tích khuôn viên đất, được xác định là khu chức năng trong quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Biệt thự được phân thành ba nhóm: biệt thự nhóm 1 là những nhà biệt thự gắn với di tích lịch sử - văn hoá  được xếp hạng theo quy định của pháp luật về di sản văn hoá, biệt thự có giá trị điển hình về kiến trúc do các cơ quan có thẩm quyền về xây dựng - kiến trúc và văn hoá cấp tỉnh phối hợp xác định, lập danh sách và trình UBND cấp tỉnh phê duyệt; biệt thự nhóm 2 là những nhà biệt thự không thuộc biệt thự nhóm 1 nhưng có giá trị về kiến trúc do các cơ quan có thẩm quyền về xây dựng - kiến trúc cấp tỉnh phối hợp xác định, lập danh sách và trình UBND cấp tỉnh phê duyệt; biệt thự nhóm 3 là những nhà biệt thự không thuộc biệt thự nhóm 1 và biệt thự nhóm 2.
Việc quản lý sử dụng nhà biệt thự phải đảm bảo các quy định cho từng nhóm biệt thự. Đối với biệt thự nhóm 1, phải giữ đúng kiểu dáng kiến trúc, hình ảnh nguyên trạng và quy hoạch của nhà biệt thự (mật độ xây dựng, số tầng và độ cao); đối với biệt thự gắn liền với di tích lịch sử - văn hoá được xếp hạng thì việc quản lý sử dụng phải tuân thủ các quy định của pháp luật về di sản văn hoá. Đối với biệt thự thuộc nhóm 2, phải giữ đúng kiểu dáng kiến trúc bên ngoài và quy hoạch của nhà biệt thự (mật độ xây dựng, số tầng và độ cao). Đối với nhà biệt thự thuộc sở hữu nhà nước phải được quản lý theo đúng quy định về quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, tài sản thuộc sở hữu nhà nước. Đối với nhà biệt thự là nhà ở công vụ phải thực hiện theo các quy định của pháp luật về quản lý nhà ở công vụ. Khuyến khích việc giãn dân tại những nhà biệt thự có nhiều hộ ở; khuyến khích việc sửa chữa, cải tạo đối với nhà biệt thự đã bị biến dạng để phục hồi lại nguyên trạng kiểu dáng kiến trúc.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 22/01/2010.