Tờ trình 698/TTr-CP 2023 báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • VB gốc
  • Tiếng Anh
  • Hiệu lực
  • VB liên quan
  • Lược đồ
  • Nội dung MIX

    - Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…

    - Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.

  • Tải về
Mục lục
Mục lục
Tìm từ trong trang
Lưu
Theo dõi văn bản

Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.

Báo lỗi
Ghi chú

thuộc tính Tờ trình 698/TTr-CP

Tờ trình 698/TTr-CP của Chính phủ báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030
Cơ quan ban hành: Chính phủSố công báo:Đang cập nhật
Số hiệu:698/TTr-CPNgày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Tờ trìnhNgười ký:Hầu A Lềnh
Ngày ban hành:21/12/2023Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Đầu tư, Chính sách
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

CHÍNH PHỦ
________

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

_______________________

Số: 698/TTr-CP

Hà Nội, ngày 21 tháng 12 năm 2023

 

 

TỜ TRÌNH

Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình
mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc
thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030

_____________

 

Kính gửi: Quốc hội

 

Thực hiện Nghị quyết số 100/2023/QH15 thông qua ngày 24 tháng 6 năm 2023 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, trong đó tại Mục 2 Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, các Bộ trưng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân ti cao tập trung thực hiện nhng giải pháp, cam kết, sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu qu qun lý nhà nước trong các lĩnh vực được chất vấn, thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chương trình, chiến lược trong các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng và các quy định của pháp luật. Đối với lĩnh vực dân tộc (tiểu mục 2.2) “Trong năm 2023, nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh một số mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung của các chương trình mục tiêu quốc gia để triển khai thực hiện, bảo đảm hiệu quả, khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn, tránh lãng phí, tiêu cực”;

Thực hiện yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ báo cáo việc đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình). Cụ thể như sau:

I. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG BÁO CÁO ĐỀ XUẤT ĐIỀU CHỈNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ CHƯƠNG TRÌNH

1. Ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành

- Công văn số 555/TTg-QHĐP ngày 16 tháng 6 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy triển khai thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia;

- Công văn số 666/TTg-QHĐP ngày 18 tháng 7 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy triển khai thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia;

- Thông báo số 392/TB-VPCP ngày 24 tháng 9 năm 2023 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021- 2025, trực tuyến với địa phương về sơ kết tình hình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia từ năm 2021 đến nay và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, trong đó tại mục 2 của Thông báo Phó Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban Dân tộc (cơ quan chủ Chương trình) “Khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan hoàn thiện hồ sơ đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định của pháp luật về đầu tư công; báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.”;

- Thông báo số 521/TB-VPCP ngày 14 tháng 12 năm 2023 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại cuộc họp với 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia 11 tháng năm 2023 đạt được dưới 50% kế hoạch vốn năm 2023; Báo cáo số 10607/BC-HĐTĐNN ngày 15 tháng 12 năm 2023 của Hội đồng thẩm định nhà nước về Kết quả thẩm định Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

2. Các hoạt động xây dựng Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình (Báo cáo đề xuất)

- Chỉ đạo cơ quan chủ Chương trình: Thành lập Ban soạn thảo, Tổ Biên tập xây dựng Báo cáo đề xuất; tổ chức rà soát khó khăn, vướng mắc, tổng hợp, phân tích, đánh giá kiến nghị, đề xuất của ban, bộ, ngành, địa phương liên quan; tiếp thu, giải trình, bổ sung Báo cáo đề xuất, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước. Ngày 03/10/2023 cơ quan chủ Chương trình đã hoàn thiện hồ sơ đề xuất Báo cáo điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình, có Tờ trình số 1770/TTr-UBDT đề nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình

- Ngày 15 tháng 10 năm 2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1202/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước; ngày 08 tháng 12 năm 2023, Hội đồng thẩm định nhà nước đã tổ chức họp thẩm định hồ sơ đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình và ban hành Báo cáo số 10607/BC-HĐTĐNN về Kết quả thẩm định Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình. Trên cơ sở ý kiến thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước (có 17/21 phiếu biểu quyết của các thành viên Hội đồng. Kết quả biểu quyết như sau: 17/21 thành viên Hội đồng đồng ý thông qua Báo cáo kết quả thẩm định Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình, chiếm 80,95%, trong đó có: 15 thành viên Hội đồng đồng ý thông qua, không có ý kiến khác; 02 thành viên Hội đồng là Bộ Quốc phòng và Bộ Thông tin và Truyền thông có ý kiến đồng ý thông qua sau khi cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu hoặc giải trình làm rõ ý kiến tham gia.

Thủ tướng Chính phủ đã giao Ủy ban Dân tộc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các ban, bộ, ngành, địa phương liên quan và ý kiến thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước, hoàn thiện Báo cáo đề xuất trình Chính phủ theo quy định. Ngày 15/12/2023 Ủy ban Dân tộc đã hoàn thiện Báo cáo đề xuất có Tờ trình số 2353/TTr-UBDT trình Chính phủ xem xét, quyết định.

II. SỰ CẦN THIẾT ĐIỀU CHỈNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ CHƯƠNG TRÌNH

1. Cơ sở pháp lý của việc điều chỉnh chủ trương đầu tư

- Luật đầu tư công số 39/2019/QH14 ngày 13 tháng 06 năm 2019;

- Hiến pháp năm 2013, Khoản 5 Điều 70 trong đó có nêu “Quốc hội quyết định chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Nhà nước”;

- Nghị quyết số 24/NQTW ngày 12 tháng 03 năm 2003 về công tác dân tộc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa IX, Hội nghị lần thứ 7; Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, trong đó có nêu “Ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 ”;

- Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội khóa XIV phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030;

- Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội khoá XIV phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030;

- Nghị quyết số 100/2023/QH15 thông qua ngày 24 tháng 6 năm 2023 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, tại mục 2.2 Đối với lĩnh vực dân tộc “Trong năm 2023, nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh một số mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung của các chương trình mục tiêu quốc gia để triển khai thực hiện, bảo đảm hiệu quả, khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn, tránh lãng phí, tiêu cực”;

- Nghị quyết số 219/NQ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2023 của Chính phủ về việc thông qua Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030;

- Thông báo số 2901/TB-TTKQH ngày 19 tháng 10 năm 2023 của Tổng Thư ký Quốc hội thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV tại Phiên họp thứ 27 ngày 13 tháng 10 năm 2023, trong đó “Về nội dung giám sát các chương trình mục tiêu quốc gia: Đối với đề xuất những chính sách khác với quy định của luật đề nghị Chính phủ chuẩn bị hồ sơ tài liệu bảo đảm theo quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp gần nhất”;

- Kết quả làm việc của Đoàn Giám sát của Quốc hội khóa XV với Chính phủ và các địa phương về tình hình triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030;

- Kết quả các Hội nghị của Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong thời gian vừa qua;

- Báo cáo số 511/BC-CP ngày 04 tháng 10 năm 2023 của Chính phủ về kết quả 03 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025;

- Kiến nghị của cử tri và đại biểu Quốc hội tại các kỳ họp Quốc hội.

2. Sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư của Chương trình

Chương trình MTQG vùng đồng bào DTTS&MN được phê duyệt chủ trương đầu tư theo Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là chương trình MTQG mới, gồm nhiều dự án, tiểu dự án thành phần với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, cơ quan trung ương cùng tham gia chủ trì, quản lý các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương đã ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện. Với sự quan tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, thời gian vừa qua Chương trình đã được triển khai tại các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bước đầu tạo được những tác động tích cực tới đời sống của người dân, đặc biệt là ở khu vực các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS&MN.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân và kết quả thực hiện Chương trình, cụ thể như sau:

Một là, theo điểm b khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 120/2020/QH14 quy định: “Nguồn vốn của Chương trình được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025”. Tuy nhiên nguồn vốn NSTW của Chương trình gồm cả vốn đầu tư và vốn sự nghiệp dẫn đến lúng túng trong quá trình lập kế hoạch và phân bổ vốn của các địa phương.

Vì vậy, cần báo cáo Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung quy định về nguồn vốn thực hiện Chương trình như sau: “Nguồn vốn đầu tư được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; kinh phí sự nghiệp được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm theo quy định”.

Hai là, một số địa phương khi được cơ quan Kiểm toán làm việc có đề nghị giải trình làm rõ sự phù hợp (thống nhất) chủ trương đầu tư của Chương trình đối với một số đối tượng thụ hưởng tại các dự án Dự án 4, Dự án 5, Dự án 6, Dự án 7 đang được triển khai nằm ngoài địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; do hiện nay Nghị quyết số 120/2020/QH14 chưa quy định rõ đối với các đối tượng này, ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ giải ngân vốn thực hiện Chương trình, cụ thể như sau:

Tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình quy định đối tượng Chương trình theo quy định của Nghị quyết số 88/2019/QH14 gồm: “Xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số; Hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; Doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế, xã hội hoạt động ở địa bàn vùng đặc biệt khó khăn”. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình còn một số đối tượng thụ hưởng chính sách chưa được quy định rõ tại Nghị quyết số 120/2020/QH14.

Nhìn chung, việc các đối tượng đầu tư của Chương trình tại các dự án, tiểu dự án trên chưa được quy định rõ dẫn đến khó khăn trong quá trình lập dự án cũng như tổ chức triển khai thực hiện, thậm chí ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ giải ngân. Đây là nội dung cần được điều chỉnh theo hướng bổ sung, làm rõ các đối tượng như đã nêu ở trên trong khuôn khổ chủ trương đầu tư của Chương trình.

Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình sẽ giải quyết được những khó khăn, vướng mắc hiện nay tại các Dự án 4, Dự án 5, Dự án 6, Dự án 7 và cơ chế phân bổ, bố trí vốn thực hiện Chương trình, sẽ thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân của Chương trình.

III. QUÁ TRÌNH TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Kết quả thực hiện Chương trình

a) Kết quả thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình

Căn cứ Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao mục tiêu cụ thể và tập trung thực hiện các dự án theo thứ tự ưu tiên đến năm 2025 của Chương trình. Theo báo cáo địa phương, ước đến ngày 31/12/2023 trong số 9 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2025, có 07 nhóm mục tiêu có thể rà soát được kết quả bước đầu đến thời điểm báo cáo; 02 nhóm mục tiêu mà thông số kết quả thể hiện đòi hỏi cần phải có thời gian để chính sách được triển khai, tác động nên kết quả đánh giá sẽ được thể hiện vào cuối giai đoạn thực hiện Chương trình.

Đối với 07 nhóm mục tiêu có thể rà soát được kết quả bước đầu thông qua 24 chỉ tiêu, có 04 nhóm mục tiêu cơ bản hoàn thành (gồm 03 nhóm mục tiêu hoàn thành; 01 nhóm mục tiêu có 4/5 chỉ tiêu đã hoàn thành); 03 nhóm mục tiêu chưa hoàn thành (trong đó có có 09 chỉ tiêu dự báo sẽ sớm hoàn thành).

b) Kết quả giải ngân vốn

Số giải ngân vốn thực hiện Chương trình đến hết ngày 30/6/2023 nguồn ngân sách trung ương của các địa phương đạt khoảng 7.142.753 triệu đồng (đạt 17%); trong đó vốn đầu tư phát triển là 5.638.831 triệu đồng (đạt 22%), vốn sự nghiệp là 1.503.922 triệu đồng (đạt 9%).

Đến tháng 9/2023 giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 (bao gồm cả vốn đầu tư của năm 2022 kéo dài sang năm 2023) đạt được khoảng 8.570.880 tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch, trong đó:

- Đối với nguồn vốn của năm 2022 kéo dài sang năm 2023 giải ngân là: 2.826.224 tỷ đồng, đạt tỷ lệ là 59,6% kế hoạch.

- Đối với nguồn vốn của năm 2023: Giải ngân nguồn vốn của năm 2023 là 5.744.655 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 49% kế hoạch giao năm 2023, trong đó: 12 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 60% kế hoạch vốn năm 20231, 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30% kế hoạch vốn năm 20232.

2. Khó khăn, vướng mắc

Căn cứ chủ trương đầu tư được Quốc hội phê duyệt, theo quy định của Luật Đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi và ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg về đầu tư Chương trình theo đúng quy định của Luật Đầu tư công.

Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai Chương trình phát sinh một số khó khăn, vướng mắc cần phải điều chỉnh đối tượng, phạm vi, nội dung, chỉ tiêu cụ thể của các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình. Tháng 02/2023, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG đã chủ trì đi khảo sát, làm việc với các địa phương vùng Tây Nguyên, trung du miền núi phía Bắc, Tây Nam Bộ; chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương khẩn trương hoàn thành rà soát, tiếp thu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình.

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại khoản 2 Mục IV Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03/02/2023 của Chính phủ, Chính phủ đã chỉ đạo Ủy ban Dân tộc đã báo cáo kết quả tổng hợp và tiến độ xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình3.

Triển khai Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc đã triển khai (i) rà soát, phân nhóm các nội dung kiến nghị của địa phương theo từng dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG DTTS và MN4; (ii) tổ chức một số cuộc họp5 về giải quyết các kiến nghị liên quan đến Ủy ban Dân tộc nói riêng, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 27/2022/NĐ-CP, Thông tư số 15/2022/TT-BTC và những nội dung cần bổ sung, điều chỉnh đối với các văn bản hướng dẫn; (iii) ban hành văn bản gửi các bộ ngành, địa phương6 để trao đổi, trả lời và hướng dẫn một số khó khăn vướng mắc cụ thể trong Chương trình theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện; (iv) hoàn thiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả và tiến độ xử lý nhiệm vụ được giao tại Công điện số 71/CĐ-TTg7.

Căn cứ Công điện số 436/CĐ-TTg ngày 18/5/2023 và Công điện số 365/CĐ-TTg ngày 04/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc đã báo cáo kết quả tổng hợp, xử lý các kiến nghị, đề xuất của bộ, ngành, địa phương gửi đến Ủy ban Dân tộc và hướng giải quyết, xử lý đối với những kiến nghị, khó khăn, vướng mắc đối với Chương trình8. Thực hiện Công điện số 513/CĐ-TTg ngày 05/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung giải quyết ngay các kiến nghị, đề xuất của địa phương, bộ, ngành, Ủy ban Dân tộc khẩn trương hoàn thành xử lý 24 kiến nghị, đề xuất của bộ, ngành, địa phương9, ban hành 07 văn bản gửi 10 địa phương để hướng dẫn và trả lời vấn đề kiến nghị10. Căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 555/TTg-QHĐP ngày 16/6/2023, Ủy ban Dân tộc đã đôn đốc và đề nghị các bộ, cơ quan chủ trì nội dung thành phần và các địa phương tiếp tục rà soát, phát hiện, hướng dẫn, có các giải pháp tháo gỡ, xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện11. Thực hiện Công văn số 666/TTg-QHĐP ngày 18/7/2023, Ủy ban Dân tộc đã ban hành Văn bản số 1316/UBDT-CTMTQG ngày 28/7/2023 đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương rà soát khó khăn, bất cập, đề xuất điều chỉnh nội dung sửa đổi Quyết định phê duyệt đầu tư Chương trình của Thủ tướng Chính phủ12 để có cơ sở tổng hợp, xây dựng hồ sơ trình cấp thẩm quyền xem xét cho phép điều chỉnh nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu về Chương trình cho phù hợp với điều kiện thực tiễn (tình hình, kết quả, quả trình tổ chức triển khai thực hiện Chương trình từ 2021 đến nay, gửi kèm theo Báo cáo số 511/BC-CP ngày 04 tháng 10 năm 2023 của Chính phủ).

Thực hiện các bước theo quy định của Luật Đầu tư công, Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh về một số nội dung liên quan đến đối tượng và quy định về bố trí kinh phí thực hiện Chương trình. Trên cơ sở chủ trương của Nghị quyết số 100/2023/QH15.

Các nội dung đề xuất điều chỉnh sẽ không làm thay đổi tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn và các nội dung khác đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14; chỉ tập trung tháo gỡ về đối với một số khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành và địa phương trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các dự án, tiểu Dự án và Nội dung cụ thể của Chương trình.

IV. MỘT SỐ NỘI DUNG ĐỀ XUẤT ĐIỀU CHỈNH CỤ THỂ

1. Quan điểm, mục tiêu điều chỉnh

- Việc điều chỉnh chủ trương không làm tăng tổng mức đầu tư và cơ cấu nguồn vốn đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 120/2020/QH14.

- Để đảm bảo các mục tiêu theo Nghị quyết số 88/2019/QH14, Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội.

- Các nội dung điều chỉnh cụ thể theo hướng bổ sung, làm rõ các đối tượng đã được xác định cụ thể tại Báo cáo chủ trương đầu tư và không dẫn đến sự trùng lặp về phạm vi, địa bàn với các Chương trình mục tiêu quốc gia khác.

- Chỉ điều chỉnh, bổ sung để làm rõ một số đối tượng cụ thể thuộc diện đầu tư, hỗ trợ theo các dự án, tiểu dự án đã được phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg nhưng chưa được rõ trong Nghị Quyết số 120/2020/QH14.

2. Các nội dung đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư

a) Điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung điểm b Khoản 3 Điều 1 của Nghị quyết số 120/2020/QH14 như sau:

- Nội dung quy định tại Nghị quyết số 120/2020/QH14: Nguồn vốn của Chương trình được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

- Đề xuất điều chỉnh như sau: "Nguồn vốn đầu tư được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; kinh phí sự nghiệp được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm theo quy định”.

b) Điều chỉnh, bổ sung làm rõ một số đối tượng cụ thể ngoài địa bàn xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Chương trình tại khoản 2, Điều 2 của Nghị quyết số 120/2020/QH14:

- Tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình, đối tượng của Chương trình được tham chiếu theo Nghị quyết số 88/2019/QH14, trong đó quy định: “ Đối tượng điều chỉnh:

- Xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;

- Hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số;

- Hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn;

- Doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế, xã hội hoạt động ở địa bàn vùng đặc biệt khó khăn”.

- Đề xuất điều chỉnh, làm rõ nhóm đối tượng sau:

“- Các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực công tác dân tộc gồm: Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương, Trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn, Trường Dự bị Đại học Dân tộc Nha Trang, Trường Dự bị Đại học Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Hữu Nghị T78, Trường Hữu Nghị 80, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc, Đại học Tây Bắc, Đại học Tây Nguyên, Đại học Tân Trào.

- Các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú;

- Di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các dân tộc thiểu số;

- Trung tâm y tế huyện, bệnh viện của huyện có xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.

Các đối tượng nêu trên đều thuộc diện đối tượng đầu tư của Chương trình, tại các Dự án 4, Dự án 5, Dự án 6, Dự án 7 nhưng chưa được ghi rõ tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội.

Việc điều chỉnh, làm rõ các đối tượng như trên không làm thay đổi mục tiêu, chỉ tiêu và quy mô nguồn vốn của Chương trình trong giai đoạn 2021 - 2025, bảo đảm được sự thống nhất giữa đối tượng thụ hưởng chính sách với địa bàn đầu tư; không làm phát sinh tăng đối tượng thụ hưởng chính sách, đồng thời tháo gỡ những vướng mắc trong việc thực hiện các nội dung của dự án (nguyên tắc bố trí vốn, giải ngân, thanh quyết toán...) cho các đối tượng nêu trên trong tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.

V. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH SAU ĐIỀU CHỈNH

1. Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành

- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương; tăng cường phân cấp, phân công nhiệm vụ gắn với trách nhiệm và quyền hạn cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp, ngành, ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động hỗ trợ, đầu tư của Chương trình sau khi điều chỉnh;

- Các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì thực hiện dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình tại địa phương nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác phối hợp để tham mưu cấp thẩm quyền quyết định những vấn đề, nhiệm vụ mới của chương trình sau khi điều chỉnh, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kinh phí được giao và hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu của Chương trình đề ra.

2. Về hoàn thiện cơ chế, chính sách và hệ thống văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình

- Sau khi Quốc hội quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình, theo thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ sẽ điều chỉnh, sửa đổi và bổ sung Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021.

- Các bộ, cơ quan chủ trì, quản lý, theo dõi, thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục rà soát hoàn thiện các văn bản chỉ đạo, điều hành và hướng dẫn thực hiện Chương trình sau điều chỉnh để bảo đảm tính thống nhất;

- Bộ, ngành, địa phương thực hiện việc rà soát chỉ tiêu kế hoạch, đề xuất nhu cầu vốn thực hiện Chương trình đến cuối giai đoạn (năm 2025) trên cơ sở nội dung điều chỉnh Chương trình sau khi được phê duyệt.

VI. PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ NHỮNG ẢNH HƯỞNG, TÁC ĐỘNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH SAU ĐIỀU CHỈNH

1. Đánh giá tác động về thủ tục hành chính

- Tác động tích cực:

Các nội dung điều chỉnh không làm phát sinh thủ tục hành chính so với quy định pháp luật hiện hành; tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương chủ động lồng ghép nguồn vốn thuộc các chương trình, dự án khác để thực hiện Chương trình do có chung địa bàn đầu tư; tạo sự đồng bộ, thống nhất giữa quan điểm, chủ trương, pháp luật hiện hành với các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình; giải quyết khó khăn, vướng mắc trong giao, phân bổ, thanh quyết toán vốn, kinh phí thực hiện Chương trình.

- Tác động tiêu cực:

Một số văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình có thể phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với chủ trương đầu tư Chương trình sau điều chỉnh.

2. Đánh giá tác động về môi trường, bình đẳng giới, điều ước quốc tế

Các nội dung đề xuất điều chỉnh không có yếu tố gây tác động tiêu cực đến môi trường sống, sinh hoạt của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi; không phát sinh các vấn đề về bất bình đẳng giới hoặc thực hiện các điều ước quốc tế.

3. Đánh giá tác động các nội dung điều chỉnh

a) Về đối tượng thực hiện Chương trình

Việc điều chỉnh đối tượng thực hiện của Chương trình sẽ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và bảo đảm sự thống nhất giữa chủ trương đầu tư với nội dung đầu tư Chương trình, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn thực hiện Chương trình, đưa chính sách vào cuộc sống, để người đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh, sinh viên...được thụ hưởng đầy đủ các chính sách của Chương trình (giải quyết các nút thắt về giao, phân bổ và thanh toán, quyết toán vốn).

Việc điều chỉnh trên không phát sinh tác động tiêu cực trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình.

b) Về cơ chế phân bổ, giao vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình

Việc đề xuất điều chỉnh cơ chế bố trí, giao vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình "Nguồn vốn đầu tư được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; kinh phí sự nghiệp được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm theo quy định ” để bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các Nghị quyết của Quốc hội về phân bổ dự toán ngân sách trung ương hằng năm và phù hợp với thực tiễn nhưng không làm thay đổi mục tiêu, chỉ tiêu và quy mô nguồn vốn chung Chương trình trong giai đoạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội phê duyệt.

VII. ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ CỦA CHƯƠNG TRÌNH SAU ĐIỀU CHỈNH

- Chương trình điều chỉnh được phê duyệt và tổ chức thực hiện sẽ có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, góp phần khắc phục khó khăn, vướng mắc hiện nay, tạo điều kiện giải ngân theo đúng quy định nguồn vốn của các dự án, tiểu dự án với tổng kinh phí dự kiến là: 18.831,491 tỷ đồng (Ngân sách trung ương: 15.882,000 tỷ đồng, trong đó: vốn đầu tư: 11.456,566 tỷ đồng; vốn sự nghiệp: 4.425,434 tỷ đồng. Ngân sách địa phương: 2.949,491 tỷ đồng). Bảo đảm nguồn lực đầu tư, hỗ trợ đúng địa bàn, đối tượng, đúng quy định của pháp luật, sẽ tạo được sự đồng thuận và chuyển biến mạnh mẽ nhận thức xã hội về lĩnh vực công tác dân tộc, chính sách dân tộc, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền.

- Chương trình sau khi điều chỉnh được phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện sẽ đạt được đa mục tiêu về kinh tế - xã hội; quốc phòng - an ninh; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; góp phần củng cố tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố và nâng cao niềm tin của đồng bào các DTTS đối với Đảng và Nhà nước;

- Chương trình sau khi điều chỉnh, được tổ chức thực hiện bảo đảm đúng quy định của hệ thống pháp luật hiện hành, tạo được sự thống nhất, hiệu quả trong tổ chức thực hiện Chương trình.

VIII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

a) Sau khi được Quốc hội phê duyệt chủ trương điều chỉnh Chương trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình theo quy định của Luật Đầu tư công.

b) Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động nghiên cứu Chương trình sau khi điều chỉnh, quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc và tổ chức triển khai thực hiện, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn thực hiện Chương trình và bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu được giao.

c) Chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình để bảo đảm triển khai có hiệu quả các nội dung của Chương trình sau điều chỉnh.

d) Đảm bảo bố trí kinh phí, nguồn lực để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình sau khi điều chỉnh.

2. Các ban, bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương

a) Ủy ban Dân tộc

- Chủ trì, phối hợp với Bộ KH&ĐT và các Bộ, ngành liên quan lập Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình, trình cấp thẩm quyền quyết định điều chỉnh Chương trình theo quy định, trình tự, thủ tục của Luật đầu tư công;

- Có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình;

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và các địa phương tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chương trình sau điều chỉnh.

- Hằng năm, Ủy ban dân tộc căn cứ vào mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ và chi tiết các dự án thành phần, tổng mức kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia trong từng giai đoạn, chủ trì lập dự toán chi và phương án phân bổ vốn năm sau của Chương trình mục tiêu quốc gia gửi Bộ tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng quyết định (theo khoản đ Điều 42, Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13 và khoản 6 điều 22, Nghị định số 163/2016/NĐ-CP);

b) Bộ Kế hoạch và đầu tư

- Phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan tổng hợp cân đối, bố trí vốn đầu tư phát triển thực hiện Chương trình;

- Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh các quy định chung (nếu có) về quản lý Chương trình và hướng dẫn tổ chức thực hiện theo thẩm quyền.

- Tổng hợp nhu cầu, dự kiến phân bổ kinh phí, chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể thực hiện Chương trình vào kế hoạch 05 năm và kế hoạch hằng năm, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật;

c) Bộ Tài chính

- Chủ trì phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch hằng năm, tổng hợp kinh phí chi sự nghiệp để đảm bảo hoạt động của Chương trình;

- Cân đối, bố trí đủ vốn sự nghiệp và có kế hoạch bổ sung vốn cho Chương trình theo tiến độ và kế hoạch đầu tư trung hạn, hàng năm trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định;

- Chủ trì hướng dẫn, tập huấn cho các địa phương về cơ chế tài chính, thanh quyết toán các nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình.

d) Các Bộ, ngành liên quan

- Tiếp tục rà soát tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn cơ chế chính sách liên quan thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ để thực hiện Chương trình;

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức thực hiện Chương trình theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành;

- Bổ sung nhiệm vụ về đề xuất các nội dung điều chỉnh Chương trình theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

đ) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được giao nhiệm vụ thực hiện Chương trình

- Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai, thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình;

- Chỉ đạo theo dõi, đôn đốc, triển khai, thực hiện Chương trình. Cân đối, bố trí nguồn lực, biên chế, kinh phí, cơ sở vật chất cho việc thực hiện Chương trình;

- Chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện Chương trình trong phạm vi địa phương mình;

- Định kỳ đánh giá, sơ kết, tổng kết, báo cáo, kiến nghị với Ban chỉ đạo Trung ương và các Bộ, ngành liên quan về việc tổ chức thực hiện các nội dung của Chương trình.

IX. ĐỀ XUẤT VÀ KIẾN NGHỊ

Việc điều chỉnh Chương trình là cần thiết để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn thực hiện Chương trình và phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu được Quốc hội giao, đáp ứng nguyện vọng và mong đợi của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng như cả nước.

Trên cơ sở các nội dung Báo cáo nêu trên, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết nghị thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình.

Trên đây là Tờ trình của Chính phủ về đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình. Chính phủ kính trình Quốc hội xem xét, quyết nghị.

X. TÀI LIỆU KÈM THEO TỜ TRÌNH

1. Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình.

2. Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình;

3. Báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước;

4. Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước.

5. Văn bản kiến nghị, đề xuất của các ban, bộ, ngành, địa phương (gửi kèm theo mã QRCODE);

Chính phủ kính trình Quốc hội xem xét, quyết định./.

 

Nơi nhận:

- Như trên;

- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (để b/c);

- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);

- Các Phó Chủ tịch Quốc hội (để b/c);

- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

- Văn phòng Quốc hội;

- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;

- Văn phòng Chính phủ;

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

- Ủy ban Dân tộc (50b);

- Thành viên Ban Chỉ đạo TƯ các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 -2025;

- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg CP, các Vụ: NN, KGVX, KTTH, TH;

- Lưu: VT, QHĐP (03b).

TM. CHÍNH PHỦ

TUQ. THỦ TƯỚNG

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM

ỦY BAN DÂN TỘC

 

 

 

 

 

Hầu A Lềnh

 

 

____________________

 

1 Sơn La 70%; Yên Bái: 87%; Lạng Sơn: 74%; Phú Thọ: 63%; Quảng Ngãi: 64%; Khánh Hoà: 63%; Ninh Thuận: 66%; Lâm Đồng: 75%; Vĩnh Long: 85%;Tây Ninh: 70%; Sóc Trăng: 71%; Hậu Giang: 99%.

2 Tuyên Quang: 26%; Hoà Bình: 25%; Thanh Hóa: 29%; Hà Tĩnh: 0%; Bình Định: 27%; Phú Yên: 24%; Gia Lai: 28%; Đắk Nông: 19%; An Giang: 14%; Kiên Giang: 14%; Bạc Liêu: 0%.

3 Báo cáo số 280/BC-UBDT ngày 03/3/2023 về kết quả và tiến độ xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG DTTS và MN theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 343/TB-VPCP ngày 01/11/2022 của Văn phòng Chính phủ.

4 Theo đó, trong 74 kiến nghị của địa phương UBDT được giao xử lý, UBDT đã rà soát, tổng hợp thành 65 nội dung; trong đó có 62 nội dung liên quan đến trách nhiệm của UBDT, 02 nội dung liên quan đến trách nhiệm của BTC, 01 nội dung liên quan đến trách nhiệm của BGD&ĐT.

5 Gồm 03 cuộc họp chuyên đề; chủ động làm việc với các Bộ: KH&ĐTTC, NN&PTNT về những nội dung liên quan đến cơ chế triển khai Chương trình MTQG DTTS&MN.

6 Văn bản 404/UBDT-CTMTQG ngày 21/3/2023 và số 405/UBDT-CTMTQG ngày 21/3/2023.

7 Báo cáo số 313/BC-UBDT ngày 22/3/2023.

8 Báo cáo số 855/BC-UBDT ngày 25/5/2023.

9 Báo cáo số 996/BC-UBDT ngày 19/6/2023 của Ủy ban Dân tộc về Kết quả giải quyết các kiến nghị, đề xuất của bộ, ngành, địa phương theo Công văn số 513/TTg-TH ngày 05/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

10 Các văn bản số 1135/UBDT-CTMTQG ngày 06/7/2023 gửi UBND tỉnh Sóc Trăng; 1149/UBDT-CTMTQG ngày 07/7/2023 gửi BDT tỉnh Bắc Giang; 1188/UBDT-VPCTMTQG ngày 13/7/2023 gửi BDT tỉnh Bắc Kạn; 1190/UBDT-VPCTMTQG ngày 13/7/2023 gửi UBND các tỉnh Điện Biên, Thái Nguyên; 1192/UBDT-VPCTMTQG ngày 13/7/2023 gửi UBND các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Thanh Hóa; 1136/UBDT-CTMTQG ngày 06/7/2023 và 1364/UBDT-CTMTQG ngày 02/8/2023 gửi UBND tỉnh Cao Bằng.

11 Văn bản số 1072/UBDT-CTMTQG ngày 23/6/2023.

12 Tại văn bản số 1316/UBDT-CTMTQG ngày 28/7/2023.

 
 
 

CHÍNH PHỦ
________

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

________________________

 

 

TÀI LIỆU

Kiến nghị, đề xuất của các ban, bộ, ngành, địa phương về đề xuất điều chỉnh
chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã
hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030

(Kèm theo Tờ trình số 698/TTr-CP ngày 21 tháng 12 năm 2023 của Chính phủ)

_______________

 

 

 

 

 

Ghi chú
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Hiển thị:
download Văn bản gốc có dấu (PDF)
download Văn bản gốc (Word)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực

văn bản mới nhất

×
×
×
Vui lòng đợi