BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ -------------------- Số: 2458/BKHĐT-GSTĐĐT V/v: tổng hợp công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2010 | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ----------------------- Hà Nội, ngày 21 tháng 04 năm 2011 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Thực hiện Nghị định số 113/2009/NĐ-CP ngày 15/12/2009 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư, trên cơ sở báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2010 nhận được đến ngày 18/04/2011 của các Bộ, ngành, địa phương, các Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty 91, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2010 như sau:
1. Về tổ chức thực hiện công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư:
Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngày 27/12/2010, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 9236/BKH-GS&TĐĐT đôn đốc các cơ quan gửi Báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2010 theo quy định. Căn cứ các báo cáo đã nhận được đến ngày 18/4/2011 và kết quả kiểm tra công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư một số địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin tổng hợp một số nét chính về việc thực hiện chế độ báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2010 như sau:
1.1. Tình hình thực hiện chế độ báo cáo về giám sát, đánh giá đầu tư
Đến ngày 18/4/2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được Báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2010 của 112/124 cơ quan, đạt 90,3%; trong đó: 59/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (93,7%); 26/32 cơ quan Bộ và tương đương (81,3%); 7/9 cơ quan thuộc Chính phủ (77,8%); 20/20 Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty 91 (100%). Tỉ lệ các cơ quan có gửi báo cáo tăng cao hơn nhiều so với các kỳ báo cáo trước, đặc biệt là khối các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty 91 và các địa phương (năm 2009 có 65 cơ quan gửi báo cáo: các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương 63,5%; các cơ quan Bộ và tương đương 33,3%; cơ quan thuộc Chính phủ 25%; Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty 91 là 68,4%).
Tình hình trên cho thấy việc chấp hành chế độ báo cáo của các Bộ ngành, địa phương đã được cải thiện hơn nhiều so với các kỳ báo cáo trước. Tuy nhiên, số cơ quan đáp ứng thời hạn báo cáo còn thấp (theo quy định tại Điều 17 Nghị định 113/2009/NĐ-CP ngày 15/12/2009 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư, thời hạn gửi báo cáo giám sát đánh giá tổng thể đầu tư năm 2010 là trước ngày 20/01/2011, nhưng đến ngày 20/01/2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới nhận được báo cáo của 20 cơ quan (đạt 16,1% số cơ quan phải gửi báo cáo theo quy định). Một số cơ quan chưa có Báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư năm 2010 bao gồm: tỉnh Hà Giang, tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Kiên Giang, Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bảo hiểm xã hội.
1.2. Đánh giá chung về nội dung báo cáo
Nhìn chung nội dung Báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2010 của các cơ quan gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề cập tương đối đầy đủ các nội dung chính theo mẫu quy định tại Thông tư số 13/2010/TT-BKH ngày 02/6/2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định về mẫu báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư. Cụ thể như sau:
- Có 99/124 Báo cáo có đủ nội dung (79,8%), 21/124 cơ quan báo cáo tương đối đầy đủ nội dung (16,9%) và 4/124 Báo cáo chưa đầy đủ các nội dung theo quy định tại mẫu số 01 Thông tư số 13/2010/TT-BKH ngày 02/6/2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định về mẫu báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư (3,2%).
- Có 115/124 Báo cáo có đủ các phụ biểu (92,7%) và 9/124 Báo cáo không có đủ các phụ biểu theo quy định (7,3%).
Báo cáo của một số cơ quan chưa đúng mẫu yêu cầu, nội dung chưa đầy đủ, không đầy đủ phụ biểu, phụ biểu được lập không theo mẫu quy định, thiếu số liệu để tổng hợp như các tỉnh: Bắc Ninh, Nam Định, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Bình Dương….
Các số liệu trong biểu tổng hợp còn sai sót về mặt số học và không đảm bảo độ chính xác, số liệu không thống nhất giữa các phần và các phụ biểu như các tỉnh: Bắc Kạn, Quảng Ninh, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hà Nam, Đà Nẵng, Bình Thuận, Tây Ninh, Đồng Nai, Kon Tum, Bến Tre, Sóc Trăng….
Chất lượng các báo cáo chưa đạt yêu cầu chủ yếu do công tác giám sát, đánh giá đầu tư triển khai tại các cơ quan chưa được quán triệt đầy đủ, nhiều chủ đầu tư không báo cáo theo quy định, nên báo cáo tổng hợp của các Bộ, ngành và địa phương cũng không đủ các số liệu cụ thể (theo số liệu tổng hợp chung số dự án có báo cáo giám sát, đánh giá chỉ đạt 58,8%).
Tình hình thực hiện chế độ báo cáo nêu trên đã hạn chế việc phân tích, đánh giá tình hình đầu tư chung của cả nước và chưa đáp ứng yêu cầu, mục tiêu của công tác giám sát, đánh giá đầu tư.
2. Đánh giá tình hình thực hiện quản lý đầu tư
2.1. Tình hình xây dựng thể chế, hoàn thiện môi trường pháp lý cho các hoạt động đầu tư và giám sát, đánh giá đầu tư
Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản, trong năm 2010, Chính phủ đã ban hành các Nghị định như:
- Nghị định số 102/2010/NĐ-CP ngày 01/10/2010 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp;
- Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng;
- Nghị định số 78/2010/NĐ-CP ngày 14/7/2010 về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ;
- Nghị định số 62/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010, Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 53/2007/NĐ-CP ngày 04/4/2007 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư;
- Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010, Chính sách khuyến khích Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;
- Nghị định số 53/2010/NĐ-CP ngày 19/5/2010, quy định về địa bàn ưu đãi đầu tư, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với đơn vị hành chính mới thành lập do Chính phủ điều chỉnh địa giới hành chính.
- Nghị định số 50/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tài nguyên.
- Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 7/5/2010, về hợp đồng trong hoạt động xây dựng;
- Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 về đăng ký doanh nghiệp;
- Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp;
- Nghị định số 39/2010/NĐ-CP ngày 7/04/2010, Về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị;
- Nghị định số 38/2010/NĐ-CP ngày 7/04/2010, Về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị;
- Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 7/4/2010, về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;
Trong phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của mình, các Bộ, ngành và địa phương qua công tác rà soát đánh giá các văn bản pháp quy, đã tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh hoặc ban hành những văn bản pháp quy mới để tăng cường quản lý đầu tư và xây dựng có hiệu quả hơn.
Các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư đã tác động trực tiếp tới hoạt động quản lý đầu tư xây dựng, phù hợp và đáp ứng nhu cầu ngày càng hoàn thiện về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý đầu tư và xây dựng.
2.2. Tình hình quản lý Quy hoạch
Đến nay đang hoàn thiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội 06 vùng kinh tế đến năm 2020 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, đến nay Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 của 36 tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhiều quy hoạch ngành và lĩnh vực tiếp tục được rà soát, điều chỉnh và bổ sung, trong năm 2010 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt các Quy hoạch như: Quy hoạch tổng thể phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình; Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020; Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020 và các Quy hoạch cấp nước, thoát nước, xây dựng khu xử lý chất thải rắn Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long,…
Nhìn chung, với sự tập trung chỉ đạo của Chính phủ, công tác quy hoạch đã bước đầu nâng cao được chất lượng, quy hoạch ngày càng phù hợp hơn với thực tế; từng bước khắc phục tình trạng quy hoạch được duyệt nhưng không được triển khai thực hiện, đầu tư không theo quy hoạch (theo báo cáo của các cơ quan, trong năm 2010, qua công tác kiểm tra chỉ phát hiện được 84/34.607 dự án thực hiện không phù hợp với quy hoạch). Các quy hoạch đã cập nhật được nhiều yếu tố mới, tạo được định hướng cho xây dựng kế hoạch đầu tư, trở thành công cụ hỗ trợ cho các cấp lãnh đạo trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ chính trị đề ra trong từng thời kỳ, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, giải quyết có hiệu quả các vấn đề văn hóa – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh.
Tuy nhiên, hạn chế chính hiện nay của công tác quy hoạch là chất lượng chưa cao, chưa có tầm nhìn xa, chất lượng của công tác dự báo chưa cao nên một số quy hoạch bị phá vỡ, nhiều quy hoạch phải điều chỉnh trong thời gian ngắn; tính khả thi của quy hoạch không cao, danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong quy hoạch đòi hỏi vốn đầu tư lớn, không cân đối với khả năng huy động vốn; công tác triển khai thực hiện nhiều quy hoạch chưa tốt.
2.3. Tình hình quản lý các dự án đầu tư sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên
a) Việc lập, thẩm định, phê duyệt các dự án
Nhìn chung công tác lập, thẩm định và phê duyệt các dự án đầu tư sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên được thực hiện khá tốt, tổng hợp báo cáo của 124 cơ quan có báo cáo, trong năm 2010 có 16.032/16.862 dự án có kế hoạch chuẩn bị đầu tư trong kỳ đã được thẩm định, đạt 95,08%, trong đó có 15.392 dự án đã được quyết định đầu tư, đạt 91,28%.
b) Tình hình thực hiện các dự án
Theo số liệu báo cáo của các cơ quan, trong năm 2010 có 34.607 dự án đang thực hiện đầu tư, trong đó có 14.493 dự án khởi công mới trong kỳ (41,88%) và 10.612 dự án kết thúc đầu tư đưa vào sử dụng trong kỳ (30,66%). Nhìn chung tình hình thực hiện các dự án tương đối tốt, tổng hợp số liệu báo cáo của 112/124 cơ quan có báo cáo, trong năm 2010 tổng giá trị thực hiện khoảng 724.569 tỉ đồng, đạt 78% so với kế hoạch.
Tình trạng chậm tiến độ thực hiện dự án tuy đã giảm nhiều so với các năm trước, nhưng vẫn còn tương đối lớn, tổng hợp số liệu của các cơ quan có báo cáo gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong năm 2010 có 3.386 dự án chậm tiến độ, chiếm 9,78% số dự án thực hiện trong kỳ, trong đó có nhiều dự án phát triển kết cấu hạ tầng quan trọng (theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của các Bộ, ngành địa phương tỷ lệ các dự án chậm tiến độ năm 2009 là 16,9%, năm 2008 là 16,6% và năm 2007 là 14,8%). Việc chậm tiến độ là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm tăng chi phí, giảm hoặc không còn hiệu quả đầu tư và tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Các nguyên nhân chậm tiến độ chủ yếu là: do công tác giải phóng mặt bằng (1.345 dự án, chiếm 3,89% tổng số dự án thực hiện trong kỳ); do năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các nhà thầu (685 dự án, chiếm 1,98%); do thủ tục đầu tư (535 dự án, chiếm 1,55%); do bố trí vốn không kịp thời (500 dự án, chiếm 1,44%) và do các nguyên nhân khác (727 dự án, chiếm 2,1%).
Phân tích số liệu báo cáo của các cơ quan có báo cáo, có 5.239/34.607 dự án thực hiện đầu tư trong kỳ phải điều chỉnh (15,14%), trong đó chủ yếu là: điều chỉnh vốn đầu tư (3.461 dự án, chiếm 10,52% tổng dự án đầu tư trong kỳ); điều chỉnh tiến độ đầu tư (1.325 dự án, chiếm 3,83% tổng dự án đầu tư trong kỳ); điều chỉnh mục tiêu, quy mô đầu tư (730 dự án, chiếm 2,11% tổng số dự án đầu tư trong kỳ); điều chỉnh địa điểm đầu tư (81 dự án, chiếm 0,23% tổng số dự án đầu tư trong kỳ). Nguyên nhân là do giá vật liệu trong thời gian qua tuy đã bình ổn hơn song vẫn còn nhiều biến động dẫn tới phải điều chỉnh tổng mức đầu tư; các nguyên nhân khác như: trình độ năng lực Chủ đầu tư, Tư vấn hạn chế; công tác khảo sát chưa đầy đủ hoặc số liệu khảo sát chưa chính xác, chất lượng thấp nên trong quá trình thực hiện phát sinh những yếu tố cần phải điều chỉnh. So với các năm trước, số dự án phải điều chỉnh trong kỳ giảm nhiều (số liệu tương ứng năm 2009 là 24,6%; năm 2008 là 33,7% và năm 2007 là 22,2%), song điều đáng quan tâm là tỉ lệ dự án điều chỉnh vốn đầu tư cao, trong khi theo quy định về quản lý đầu tư hiện tại không cho phép điều chỉnh vượt tổng mức đầu tư trong trường hợp biến động giá và thay đổi chính sách.
Trong năm 2010 đã phát hiện 221 dự án có vi phạm quy định trong công tác quản lý đầu tư, chiếm 0,63% tổng dự án đầu tư trong kỳ (vi phạm về thủ tục đầu tư 112 dự án, chiếm 0,32%; vi phạm về quản lý chất lượng 109 dự án, chiếm 0,31%).
c) Tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước
Tổng hợp số liệu báo cáo của 112/124 cơ quan có báo cáo, trong năm 2010, các cơ quan đã thực hiện tổng khối lượng đầu tư bằng vốn nhà nước khoảng 717.151 tỉ đồng, đạt 78% kế hoạch vốn đầu tư năm 2010. Tình hình nợ đọng trong đầu tư không được nêu cụ thể tại báo cáo của các cơ quan, song tỉ lệ dự án đã thực hiện thủ tục quyết toán hoàn thành dự án chỉ chiếm 17,63% tổng số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ và chiếm 57,49% tổng số dự án kết thúc đầu tư trong kỳ là tương đối thấp, đòi hỏi phải có biện pháp để đẩy nhanh công tác quyết toán dự án hoàn thành.
Theo báo cáo của các cơ quan trong năm 2010 có và 316 dự án có thất thoát, lãng phí được phát hiện, chiếm 0,91% tổng số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ và 269 dự án phải ngừng thực hiện, chiếm 0,78% tổng số dự án đang thực hiện trong kỳ.
2.4. Tình hình quản lý các dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác
Tổng hợp số liệu báo cáo của 112/124 cơ quan báo cáo, trong năm 2010 có 2.872 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư trong kỳ, với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 1.138.011 tỉ đồng, bình quân 396,2 tỉ đồng/dự án, trong đó có: 24 dự án thuộc diện Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng vốn đăng ký đầu tư 149.828 tỉ đồng, bình quân 6.242,8 tỉ đồng/dự án (chiếm 0,84% tổng số dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong kỳ và chiếm 13,17% tổng vốn đăng ký đầu tư trong kỳ); 269 dự án có tổng vốn đầu tư từ 300 tỉ đồng trở lên, với tổng vốn đăng ký đầu tư 366.137 tỉ đồng, bình quân 1.361 tỉ đồng/dự án (chiếm 9,37% tổng số dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong kỳ và chiếm 32,17% tổng vốn đăng ký đầu tư trong kỳ) và 2.342 dự án có tổng vốn đầu tư nhỏ hơn 300 tỉ đồng, với tổng vốn đăng ký đầu tư 617.177 tỉ đồng, bình quân 263,5 tỉ đồng/dự án (chiếm 81,55% tổng số dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong kỳ và 54,23% tổng vốn đăng ký đầu tư trong kỳ). Ngoài ra, còn có 1.812 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh, trong đó chủ yếu là điều chỉnh quy mô đầu tư và mục tiêu đầu tư.
Qua kiểm tra, đánh giá 4.108 dự án đầu tư đã phát hiện có 349 dự án có vi phạm quy định liên quan đến quản lý đầu tư, chiếm 8,5% tổng số dự án được kiểm tra, đánh giá, trong đó đã thu hồi 294 Giấy chứng nhận đầu tư (chiếm 7,16% tổng số dự án được kiểm tra, đánh giá).
3. Tình hình thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư
3.1. Tình hình thực hiện chế độ báo cáo tại các Bộ, ngành, địa phương, các Tập đoàn kinh tế Nhà nước và các Tổng công ty 91
Tổng hợp số liệu báo cáo của các Cơ quan đã gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vào thời điểm hiện nay có 20.332 dự án trên tổng số 34.607 dự án đầu tư (các nhóm A, B, C) sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên thực hiện đầu tư trong kỳ có báo cáo giám sát, đạt tỉ lệ 58,8% thấp hơn so với các kỳ báo cáo trước (năm 2009 các dự án có báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư đạt 67,2% và năm 2008 tỉ lệ này đạt 59,9%). Nhiều cơ quan có tỉ lệ dự án có báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư rất thấp như: Lai Châu (3,3%); Vĩnh Phúc (3,2%); Quảng Bình (5,1%)…
Theo báo cáo của các cơ quan nhận được thì chất lượng báo cáo của các chủ đầu tư gửi đến các Bộ, ngành, địa phương chưa đáp ứng yêu cầu, chưa báo cáo đầy đủ các nội dung theo quy định, nhiều chủ đầu tư không báo cáo theo quy định (trong 6 tháng đầu năm 2010 chỉ có 55,05% dự án thực hiện đầu tư trong kỳ có báo cáo, trong đó có nhiều cơ quan có tỉ lệ dự án đã thực hiện báo cáo rất thấp như đã nêu ở phần trên) hoặc có báo cáo nhưng mang tính hình thức thiếu các thông tin chi tiết, nên báo cáo tổng hợp của các Bộ, ngành và địa phương cũng không đủ các số liệu cụ thể. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do công tác giám sát, đánh giá đầu tư triển khai tại các cơ quan và các chủ đầu tư chưa được quán triệt đầy đủ. Mặt khác, đây là năm đầu tiên thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá theo nội dung quy định tại Nghị định số 113/2009/NĐ-CP ngày 15/12/2009 của Chính phủ về giám sát và đánh giá dự án đầu tư và Thông tư số 13/2010/TT-BKH ngày 02/6/2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định về mẫu báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư nên nhiều chủ đầu tư còn chưa cập nhật hết các nội dung báo cáo theo quy định. Ngoài ra, việc tăng thẩm quyền quyết định cho chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án theo quy định về quản lý đầu tư xây dựng công trình cũng làm cho việc thực hiện báo cáo của các chủ đầu tư chưa kịp thời và nghiêm túc.
3.2. Tình hình giám sát, đánh giá đầu tư các dự án nhóm A sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên
Qua phân tích số liệu báo cáo các dự án thuộc nhóm A của các Bộ, ngành, địa phương và chủ đầu tư/Ban quản lý dự án gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy:
- Số dự án thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định là 291 dự án trên tổng số 465 dự án, đạt 62,58%, cao hơn tỉ lệ thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá của các dự án (trong năm 2010 chỉ có 58,8% dự án thực hiện đầu tư trong kỳ có báo cáo).
- Số dự án chậm tiến độ có 90 dự án (chiếm 19,35%) cao hơn nhiều so với các kỳ báo cáo trước (năm 2009 là 11,55%; năm 2008 là 16,73%) và cao hơn tỉ lệ dự án chậm tiến độ chung (năm 2010 có 9,78% số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ bị chậm tiến độ). Tiến độ đầu tư chậm so với yêu cầu, ngoài việc làm hạn chế tốc độ tăng trưởng kinh tế, không đảm bảo huy động năng lực sản xuất theo đúng kế hoạch, còn làm tăng chi phí cho Ban quản lý dự án, lãi vay trong thời gian xây dựng, đặc biệt là chi phí chuyên gia nước ngoài trong các dự án ODA, gây lãng phí và làm giảm hiệu quả đầu tư.
- Số dự án phải điều chỉnh là 68 dự án, chiếm 14,62% tổng số dự án nhóm A thực hiện đầu tư trong kỳ, trong đó: 9 dự án điều chỉnh mục tiêu, quy mô đầu tư (1,93%); 28 dự án điều chỉnh vốn đầu tư (6,02%), 32 dự án điều chỉnh tiến độ đầu tư (6,88%) và 02 dự án điều chỉnh địa điểm đầu tư (0,43%). Số dự án phải điều chỉnh chủ yếu là do sự biến động giá cả các loại vật liệu, thay đổi tỉ giá, thay đổi chính sách và nguyên nhân chủ quan như việc chuẩn bị các số liệu, chuẩn bị yêu cầu, nhiệm vụ khi lập Dự án đầu tư, khi thiết kế kỹ thuật – thi công còn thiếu khảo sát cụ thể theo yêu cầu, chất lượng khảo sát, lập dự án đầu tư còn thấp.
- Số dự án có thực hiện lựa chọn nhà thầu trong kỳ là 135 dự án, chiếm 29,03% tổng số dự án nhóm A thực hiện đầu tư trong kỳ, với tổng số gói thầu tổ chức lựa chọn nhà thầu trong kỳ là 1.114 gói, trong đó: chỉ định thầu 752 gói (chiếm 67,5%), đấu thầu rộng rãi 300 gói (chiếm 26,93%).
- Số dự án kết thúc đầu tư đưa vào hoạt động trong kỳ là 74 dự án, chiếm 15,91%, cao hơn so với các kỳ báo cáo trước (năm 2009 là 9,7%, năm 2008 là 11,95%).
3.3. Về việc thực hiện kế hoạch kiểm tra, đánh giá đầu tư
Tổng hợp số liệu báo cáo chưa đầy đủ của các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế nhà nước và Tổng công ty 91, trong năm 2010, các cơ quan đã tiến hành kiểm tra 13.561 dự án (chiếm 39,19%), tổ chức đánh giá 13.252 dự án đầu tư sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên (chiếm 38,29% tổng số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ) và tổ chức kiểm tra 4.108 dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn khác. Qua công tác kiểm tra, đánh giá dự án đầu tư đã kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các sai phạm trong quản lý đầu tư (đã phát hiện 537 dự án đầu tư sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên có vi phạm, chiếm 2% tổng số dự án được kiểm tra, đánh giá, trong đó có 316 dự án có thất thoát, lãng phí; đã phát hiện 475 dự án sử dụng nguồn vốn khác có vi phạm quy định liên quan đến quản lý đầu tư, chiếm 11,6% tổng số dự án được kiểm tra, đánh giá, trong đó đã thu hồi 294 Giấy chứng nhận đầu tư).
Thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 06/4/2010 của Chính phủ về những giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2010, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức các đoàn kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư và phát triển tại các Bộ, ngành, địa phương, các Tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước và Báo cáo Thủ tướng Chính phủ kèm theo công văn số 4419/BKH-TH ngày 30/6/2010.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức các Đoàn thanh tra, kiểm tra tổng thể đầu tư và các dự án đầu tư cụ thể theo kế hoạch đã được ban hành tại Quyết định số 2081/QĐ-BKH ngày 30/12/2009 và số 1026/QĐ-BKH của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2010.
4. Một số kiến nghị
Qua tổng hợp tình hình và kết quả công tác giám sát, đánh giá đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo:
(1) Để tăng cường trách nhiệm của các cấp trong công tác giám sát, đánh giá đầu tư, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý đối với những cơ quan không gửi Báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư hoặc Báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư không đầy đủ, thiếu khách quan như sau:
- Kiểm điểm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nguyên nhân, trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan; có giải pháp chấn chỉnh bộ máy và quy trình thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư trong phạm vi quản lý của mình; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ và nội dung báo cáo theo quy định;
- Thực hiện nghiêm việc xử lý hành vi vi phạm các quy định về Báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định tại Nghị định số 113/2009/NĐ-CP ngày 15/12/2009 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư, đặc biệt là xử lý các Chủ đầu tư không thực hiện Báo cáo giám sát, đánh giá dự án đầu tư theo quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về xử lý các vi phạm trong kỳ báo cáo tiếp theo.
(2) Các cơ quan căn cứ nhiệm vụ được quy định tại Nghị định số 113/2009/NĐ-CP ngày 15/12/2009 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư, khẩn trương kiện toàn bộ máy thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư đáp ứng yêu cầu; tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực về công tác giám sát, đánh giá đầu tư cho các cán bộ làm công tác giám sát, đánh giá đầu tư, chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các đối tượng liên quan; tiến hành rà soát các văn bản pháp quy hiện hành, sửa đổi hoặc loại bỏ các văn bản có nội dung không còn phù hợp; kiến nghị sửa đổi những văn bản không phù hợp thuộc thẩm quyền ban hành của cấp trên.
(3) Các Bộ, ngành, địa phương thực hiện giám sát ngay từ khâu quy hoạch, lập dự án, thẩm định, thẩm tra dự án đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư, bố trí vốn đầu tư đảm bảo tuân thủ quy hoạch, kế hoạch được duyệt; xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai công tác kiểm tra, đánh giá đầu tư của ngành và địa phương. Chủ động đề xuất các giải pháp cụ thể phù hợp với đặc thù của đơn vị mình, nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư khắc phục những tồn tại về thất thoát, lãng phí, chậm tiến độ trong đầu tư, xây dựng.
Với các nội dung chính nêu trên, kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và có ý kiến chỉ đạo./.
Nơi nhận: - Như trên; - Văn phòng Trung ương Đảng; - Văn phòng Quốc hội, UBKT Quốc hội; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện kiểm sát nhân dân tối cao; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - UBND và Sở KH&ĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - Các Tập đoàn kinh tế nhà nước, các Tổng Công ty 91; - Các đơn vị thuộc Bộ; - Lưu: VT, GS&TĐĐT (ĐMT). | BỘ TRƯỞNG Võ Hồng Phúc |