Công văn 1457/BXD-KTQH của Bộ Xây dựng về việc phê duyệt nhiệm vụ thiết kế để lập dự án đầu tư xây dựng và thiết kế xây dựng công trình Nhà Quốc hội
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Công văn 1457/BXD-KTQH
Cơ quan ban hành: | Bộ Xây dựng |
Số công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Số hiệu: | 1457/BXD-KTQH |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Công văn |
Người ký: | Trần Ngọc Chính |
Ngày ban hành: | 22/07/2008 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Đầu tư, Xây dựng |
tải Công văn 1457/BXD-KTQH
BỘ XÂY DỰNG
Số: 1457/BXD-KTQH V/v: Phê duyệt nhiệm vụ thiết kế để lập dự án ĐTXD và thiết kế xây dựng công trình Nhà Quốc hội | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 22 tháng 7 năm 2008 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng đã hoàn chỉnh Nhiệm vụ thiết kế để lập Dự án đầu tư xây dựng và thiết kế xây dựng công trình Nhà Quốc hội trên cơ sở Nhiệm vụ thiết kế đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận để tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc Nhà Quốc hội và các văn bản:
- Kết luận của Bộ Chính trị tại Thông báo số 154-TB/TW ngày 02/3/2008 về phương án kiến trúc, tiến độ dự án và phương án triển khai xây dựng Nhà Quốc hội.
- Văn bản số 717/TB-VPQH ngày 09/4/2008 thông báo kết luận của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên tại cuộc họp Uỷ ban thường vụ Quốc hội về phương án kiến trúc và tiến độ xây dựng Nhà Quốc hội; Văn bản số 122/UBTVQH12 ngày 26/5/2008 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội gửi Ban Chỉ đạo xây dựng Nhà Quốc hội.
- Văn bản số 734/TTg-KTN ngày 16/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ chấp thuận lựa chọn phương án kiến trúc Nhà Quốc hội, chỉ định thầu đơn vị Tư vấn thiết kế lập dự án đầu tư xây dựng và thiết kế xây dựng dự án Nhà Quốc hội.
- Văn bản số 1167/VPQH-QT ngày 16/06/2008 của Văn phòng Quốc hội yêu cầu cụ thể về quy mô, mặt bằng, thiết bị và nội thất Nhà Quốc hội (để phục vụ công tác lập dự án và thiết kế công trình).
- Văn bản số 1863/BNG-LT ngày 12/06/2008 của Bộ Ngoại giao về việc chỉnh sửa thiết kế xây dựng Nhà Quốc hội, khu vực đón tiếp khách quốc tế của Quốc hội và các đoàn khách cấp cao của Đảng và Nhà nước.
- Ý kiến kết luận của Ban Chỉ đạo xây dựng Nhà Quốc hội tại cuộc họp ngày 30/06/2008.
- Văn bản số 348/TTKT ngày 09/06/2008 của Đài truyền hình Việt Nam về việc góp ý về hệ thống truyền hình công trình Nhà Quốc hội.
- Văn bản số 497/BĐTW ngày 20/06/2008 của Cục Bưu điện Trung ương (thuộc Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam) về việc góp ý kỹ thuật hạng mục thông tin, liên lạc công trình Nhà Quốc hội.
- Nhiệm vụ thiết kế đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận để thi tuyển phương án kiến trúc Nhà Quốc hội.
- Các văn bản góp ý về dự thảo Nhiệm vụ thiết kế để lập dự án đầu tư xây dựng và thiết kế xây dựng công trình Nhà Quốc hội của Văn phòng Quốc hội; Bộ Ngoại giao; Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội; Hội Kiến trúc sư Việt Nam; Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam.
Bộ Xây dựng kính trình bản Nhiệm vụ thiết kế để lập dự án đầu tư xây dựng và thiết kế xây dựng công trình Nhà Quốc hội với các nội dung chính sau:
I. Về quy hoạch:
- Thiết kế tổng mặt bằng khu vực xây dựng Nhà Quốc hội trong khu Trung tâm chính trị Ba Đình (khoảng 22 ha) được xác định như sau: Phía Bắc là đường Hoàng Văn Thụ, Phía Nam là đường Điện Biên Phủ, Lô E, Phía Đông là đường Hoàng Diệu, tiếp giáp với Thành cổ Thăng Long, Phía Tây là đường Độc Lập, Quảng trường Ba Đình.
- Lô D (~ 57.000m2) Nhà Quốc hội được xây dựng trên khuôn viên Hội trường Ba Đình với phương án kiến trúc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, kích thước 102m x 102m, vị trí lùi tối đa 20m về phía đông khuôn viên Hội trường Ba Đình hiện nay. Cảnh quan và hạ tầng kỹ thuật khuôn viên lô D (trừ Nhà bảo tồn, trưng bày di tích, di vật và các công trình phụ trợ phục vụ cho công tác bảo tồn di tích tại 18 Hoàng Diệu do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện), phù hợp với phương án tổng mặt bằng bảo tồn di tích do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện. Mật độ xây dựng tối đa tại Lô D là 40% (theo quy hoạch chi tiết được duyệt). Chiều cao công trình Nhà Quốc hội khoảng 35m so với cao độ vỉa hè đường Độc Lập hiện nay; công trình gồm 2 tầng hầm.
- Lô E (~ 50.000 m2) cải tạo trụ sở Bộ Ngoại giao thành nơi làm việc của một số cơ quan Quốc hội (không làm thay đổi kiến trúc hiện có của công trình); quy hoạch khu vực đỗ xe nổi cho khoảng 200 xe ôtô và nơi đỗ xe ngầm cho khoảng 500 xe ôtô. Khu vực này Tư vấn chỉ thiết kế tổng mặt bằng. Việc thiết kế cải tạo trụ sở Bộ Ngoại giao, nơi đỗ xe, cảnh quan... trên Lô E không nằm trong Nhiệm vụ thiết kế này.
Về thiết kế nơi đỗ xe ngầm 500 xe, Bộ Xây dựng xin được báo cáo như sau: Theo quy hoạch chi tiết khu Trung tâm chính trị Ba Đình được duyệt thì không bố trí nơi đỗ xe ngầm tại khu vực này. Trong Nhiệm vụ thiết kế để phục vụ thi tuyển phương án kiến trúc có yêu cầu nghiên cứu xây dựng nơi đỗ xe ngầm 500 xe tại khu vực Quảng trường Ba Đình hoặc đường Bắc Sơn và theo phương án kiến trúc đạt giải A, đơn vị Tư vấn thiết kế đã đề xuất phương án xây dựng nơi đỗ xe ngầm tại khu vực đường Bắc Sơn. Trong quá trình lấy ý kiến về phương án kiến trúc nhiều cơ quan, kiến trúc sư và chuyên gia đề nghị không nên xây dựng nơi đỗ xe ngầm tại đường Bắc Sơn. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo xây dựng Nhà Quốc hội, Ban Chỉ đao đã yêu cầu Bộ Xây dựng nghiên cứu điều chỉnh vị trí xây dựng nơi đỗ xe ngầm, sau khi nghiên cứu Bộ Xây dựng đề xuất quy hoạch nơi đỗ xe ngầm 500 xe tại khu vực Lô E. Việc thiết kế nơi đỗ xe ngầm tại Lô E cần có nghiên cứu sâu về thiết kế cảnh quan, kiến trúc trong Lô E cùng với việc cải tạo Trụ sở Bộ Ngoại giao thành nơi làm việc của Văn phòng Quốc hội cũng như phải điều chỉnh quy hoạch chi tiết. Vì vậy, trong bản Nhiệm vụ thiết kế trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đề ra yêu cầu thiết kế tổng mặt bằng khu vực 22 ha (trong đó có Lô E, quy hoạch nơi đỗ xe ngầm tại Lô E), không yêu cầu lập dự án đầu tư xây dựng, thiết kế khu vực Lô E.
- Đường Bắc Sơn: (~ 21.000 m2) được thiết kế thành Quảng trường, là nơi tổ chức đón tiếp các nguyên thủ Quốc gia theo nghi lễ Nhà nước khi tổ chức ở ngoài trời.
- Đường Độc Lập: (~ 13.000 m2) nghiên cứu thiết kế mở rộng mặt cắt đường theo quy hoạch chi tiết được duyệt (lộ giới 30m) về phía quảng trường Ba Đình.
- Đường Hoàng Văn Thụ: (~ 10.000 m2) chỉ thiết kế cải tạo tuyến đường hiện nay.
II. Về chức năng, quy mô và nội dung công trình:
1. Về chức năng:
- Tổ chức các kỳ họp Quốc hội.
- Tổ chức lễ kỷ niệm những ngày trọng đại của quốc gia (trong Nhiệm vụ thiết kế trước đây chỉ yêu cầu tổ chức các buổi lễ kỷ niệm của Quốc hội).
- Phòng họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
- Tổ chức đón tiếp khách quốc tế cấp cao của Đảng và Nhà nước (trong Nhiệm vụ thiết kế trước đây chỉ yêu cầu phục vụ cho việc đón tiếp khách của Quốc hội, theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Thông báo số 154/TB-TW ngày 02/3/2008 Nhà Quốc hội bổ sung thêm chức năng đón tiếp khách quốc tế cấp cao của Đảng và Nhà nước).
- Nơi làm việc của Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Quốc hội.
- Nơi họp Tổ đại biểu Quốc hội.
- Phòng họp của Hội đồng dân tộc và 9 Uỷ ban của Quốc hội.
- Nơi làm việc của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và thường trực Hội đồng dân tộc; Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm và thường trực 9 Uỷ ban của Quốc hội (trong Nhiệm vụ thiết kế trước đây chỉ bố trí nơi làm việc, họp cho Hội đồng dân tộc và 06 Uỷ ban của Quốc hội, theo yêu cầu của Uỷ ban thường vụ Quốc hội tại Văn bản số 122/UBTVQH12 ngày 26/5/2008 gửi Ban Chỉ đạo xây dựng Nhà Quốc hội và yêu cầu Văn phòng Quốc hội Văn bản số 1167/VPQH-QT ngày 16/06/2008 bổ sung nơi làm việc và họp của 3 Uỷ ban của Quốc hội).
- Nơi làm việc của Chủ nhiệm và một Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
- Nơi làm việc của 10 Vụ phục vụ trực tiếp của Hội đồng dân tộc và 9 Uỷ ban; Một phần các đơn vị phục vụ chung.
- Thư viện Quốc hội.
- Phòng truyền thống trưng bày, lưu giữ hiện vật của Quốc hội và Hội trường Ba Đình.
- Phòng họp báo và Trung tâm báo chí.
- Phòng tiệc chiêu đãi của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
- Phục vụ tham quan và hưởng thụ văn hoá của nhân dân và khách quốc tế.
2. Về quy mô: diện tích sàn tối đa 35.000 m2 không kể tầng hầm, trong đó bao gồm các khu chính như sau:
- Phòng họp Quốc hội có quy mô: 800 chỗ ngồi của Đại biểu Quốc hội và khách mời; 300 chỗ ngồi của khách mời, khách dự thính.
- Khu họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
- Khu làm việc của các vị lãnh đạo cao cấp của Quốc hội.
- Khu làm việc, họp của Hội đồng dân tộc và 9 Uỷ ban cùng các vụ giúp việc.
- Khu làm việc của lãnh đạo Văn phòng Quốc hội.
- Khu khánh tiết (Sảnh khánh tiết, phòng khách quốc tế, phòng hội đàm phòng tiếp đại biểu, nhân dân trong nước...).
- Trung tâm báo chí có đầy đủ các điều kiện phục vụ khoảng 300 nhà báo.
- Phòng truyền thống của Quốc hội.
- Khu thư viện Quốc hội phục vụ 200 người đọc.
- Một phòng tiệc có thể tổ chức tiệc đứng cho 800 - 1000 khách, có thể chia làm 3 phòng riêng biệt, 1 phòng tiệc nhỏ cho khoảng 20 khách và hệ thống các phòng phục vụ.
- Khu đỗ xe: Khu đỗ xe 50 xe cho các vị lãnh đạo bố trí tại khu vực riêng gần toà nhà (nằm dưới tầng hầm nhưng ngoài toà nhà).
- Hệ thống sân vườn, cảnh quan hạ tầng kỹ thuật Lô D (trừ Nhà bảo tồn, trưng bày di tích, di vật và các công trình phụ trợ phục vụ cho công tác bảo tồn di tích tại 18 Hoàng Diệu do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện). Khu Quảng trường đường Bắc Sơn, cải tạo đường Hoàng Văn Thụ, mở rộng đường Độc Lập.
III. Các ý kiến góp ý của Văn phòng Quốc hội, các Bộ, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội đối với dự thảo Nhiệm vụ thiết kế về cơ bản đều nhất trí với bản dự thảo, một số góp ý đề nghị chỉnh sửa từ ngữ và bố cục. Đối với vấn đề khác, Bộ Xây dựng xin tổng hợp như sau:
1. Ý kiến của Văn phòng Quốc hội:
+ Nếu khu di tích 18 Hoàng Diệu được lập Nhiệm vụ thiết kế riêng thì tại dự thảo này vẫn nên có các yêu cầu về quy hoạch và ý tưởng kiến trúc khu di tích để định hướng chung cho tổng thể công trình.
Vấn đề nêu trên đã được nêu tại Mục II.2 của Nhiệm vụ thiết kế, trong đó nêu rõ yêu cầu về quy hoạch, cảnh quan và hạ tầng kỹ thuật được thiết kế hài hoà với công trình Nhà Quốc hội, phù hợp với phương án tổng mặt bằng bảo tồn di tích do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện.
+ Cần trao đổi thêm về đề nghị sử dụng Quảng trường Bắc Sơn và lối vào từ phía Nam của Nhà Quốc hội để đón tiếp các nguyên thủ quốc gia. Văn phòng Quốc hội cho rằng chỉ nên đón tiếp các nguyên thủ tại cửa phía Tây của toà nhà. Tuy nhiên, khi thiết kế cửa phía Nam cũng có thể tổ chức được việc đón các nguyên thủ quốc gia.
Về vấn đề nêu trên, theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị Nhà Quốc hội có chức năng đón tiếp khách quốc tế theo nghi lễ Nhà nước. Bộ Ngoại giao có ý kiến sử dụng khu vực Quảng trường Bắc Sơn với diện tích tối thiểu 4.000 m2 để tổ chức các lễ đón tiếp ngoài trời. Dự thảo Nhiệm vụ thiết kế không nêu dùng cửa phía Nam là nơi đón tiếp khách quốc tế mà chỉ yêu cầu thiết kế trang trọng, thuận lợi khi sử dụng Quảng trường Bắc Sơn để đón tiếp các nguyên thủ quốc gia theo nghi lễ Nhà nước. Việc quyết định lối vào hướng Tây hoặc hướng Nam sau này sẽ do Thủ tướng quyết định.
2. Ý kiến của Bộ Ngoại giao:
+ Khu đại sảnh nên thiết kế với diện tích khoảng 30 m x 40 m không vướng cột để có thể tổ chức lễ đón chính thức các nguyên thủ khi trời mưa.
Do đặc điểm kiến trúc của toà nhà, các cột trong khu đại sảnh là kết cấu chịu lực chính cho toàn bộ phòng họp Quốc hội nên không thể bỏ các cột này, diện tích toàn bộ sảnh theo phương án kiến trúc hiện nay là hơn 2.900 m2, có 8 cột chịu lực chính.
+ Các ý kiến khác đã được sửa đổi trong bản Nhiệm vụ thiết kế.
3. Ý kiến của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch:
Việc lùi không quá 20 m về phía Đông khuôn viên Hội trường Ba Đình đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhất trí và Bộ Chính trị chấp thuận. Mặt khác, cho đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có báo cáo công tác khảo cổ khu vực 20 m về phía Đông khuôn viên Hội trường Ba Đình theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo xây dựng Nhà Quốc hội.
+ Việc mở rộng lộ giới đường Độc lập về phía Quảng trường Ba Đình cần tính toán cụ thể để tránh ảnh hưởng đến mặt bằng và mỹ quan của khu vực các ô cỏ. Việc thiết kế đường Bắc Sơn thành Quảng trường cần thận trọng, phải đảm bảo không làm mất đi dải phân cách trên trục thần đạo của Đài tưởng niệm Bắc Sơn, tôn trọng ý tưởng tổ chức không gian của tác giả thiết kế đài tưởng niệm cũng như xem xét các yếu tố địa lý theo quan niệm dân gian.
Về các vấn đề này, Bộ Xây dựng cho rằng khó tránh khỏi trong quá trình thiết kế do khu vực đường Bắc Sơn phải được thiết kế thành quảng trường mới có thể đáp ứng được khu vực đón tiếp khách quốc tế theo nghi lễ Nhà nước cũng như đón tiếp nhân dân trong nước đến thăm quan. Việc mở rộng đường Độc lập được thực hiện theo quy hoạch chi tiết khu Trung tâm chính trị Ba Đình đã được phê duyệt để đảm bảo khu vực cảnh quan trước Nhà Quốc hội.
4. Ý kiến của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội: chủ yếu góp ý về bố cục, trình bày của Nhiệm vụ thiết kế, ngoài ra Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội có ý kiến:
+ Để tổng mặt bằng và khối tích công trình Nhà Quốc hội có quy mô hợp lý, có thể chuyển một số bộ phận thuộc chức năng của Quốc hội không liên quan trực tiếp đến phục vụ các kỳ họp sang khu vực Trụ sở Bộ Ngoại giao hiện có trên Lô E và có thể tại các địa điểm khác.
5. Ý kiến của Hội Kiến trúc sư Việt Nam:
+ Có thể có đường ngầm để liên hệ cơ quan Quốc hội, nhưng gara ngầm cho quy mô 500 xe ở đường Bắc Sơn là không nên.
Nội dung này đã được đề nghị điều chỉnh trong Nhiệm vụ thiết kế.
+ Quảng trường ở đường Bắc Sơn có chăng chỉ đón khách Quốc hội mà thôi (để vào tiếp ở Nhà Quốc hội). Trong trường hợp này, ở sảnh Nhà Quốc hội đã có chức năng nghi thức đón khách. Vì vậy, Quảng trường Bắc Sơn đừng ghép cho nó công năng “đón tiếp nguyên thủ quốc gia” chưa kể đến đón tiếp ở cạnh 2 nơi tưởng niệm là không hợp lý (trục Lăng Bắc và Đài Liệt sỹ vô danh).
Về nội dung này, Bộ Xây dựng đã thực hiện theo kết luận của Bộ Chính trị về chức năng của Nhà Quốc hội là nơi đón tiếp khách quốc tế cấp cao của Đảng và Nhà nước.
+ Không thể ghép thêm chức năng tổ chức các lễ kỷ niệm trọng đại của quốc gia cho phòng họp Quốc hội.
Về vấn đề này, theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị Nhà Quốc hội có chức năng phục vụ các buổi lễ kỷ niệm các ngày trọng đại của đất nước. Tuy nhiên, việc phục vụ các buổi lễ kỷ niệm này sẽ bị hạn chế do khu vực ghế ngồi các đại biểu cố định, khu vực sân khấu không có chức năng biểu diễn, do bố cục phòng họp và trang thiết bị phòng họp chỉ phục vụ cho hoạt động của Quốc hội, khó khăn đối với việc phân luồng các hoạt động vừa đảm bảo tính độc lập và đảm bảo an ninh của các hoạt động theo chức năng diễn ra đồng thời.
6. Ý kiến của Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam:
+ Khu vực với quy mô nêu trong dự thảo ~22 ha là phần quy mô lớn trong quy hoạch chi tiết cả khu trung tâm chính trị Ba Đình vì vậy phải là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết chứ không chỉ là quy hoạch tổng mặt bằng.
Về vấn đề nêu trên, Bộ Xây dựng cho rằng về cơ bản dự án xây dựng Nhà Quốc hội vẫn tuân thủ cơ bản quy hoạch chi tiết khu Trung tâm chính trị Ba Đình đã được phê duyệt. Việc thiết kế Tổng mặt bằng khu vực xây dựng nhà Quốc hội (khoảng 22 ha) chỉ cập nhật các điều chỉnh bổ sung tại khu vực Lô D, Lô E.
Bộ Xây dựng kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Nhiệm vụ thiết kế để lập Dự án đầu tư xây dựng và thiết kế xây dựng công trình Nhà Quốc hội để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo./.
Nơi nhận: - Như trên; - Phó TT Nguyễn Sinh Hùng (để báo cáo); - Phó TT Hoàng Trung Hải (để báo cáo); - Phó TT Phạm Gia Khiêm (để báo cáo); - Bộ trưởng (để báo cáo); - Văn phòng Chính phủ; - Văn phòng Quốc hội; - Lưu VP, Vụ KTQH. | KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG
(đã ký)
Trần Ngọc chính |
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây