Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Công văn 11093/BCT-CNNg của Bộ Công Thương về việc thẩm định dự án đầu tư Nhà máy điện phân chì, kẽm Bắc Kạn
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
- Báo lỗi
- Gửi liên kết tới Email
- In tài liệu
- Chia sẻ:
- Chế độ xem: Sáng | Tối
- Thay đổi cỡ chữ:17
- Chú thích màu chỉ dẫn
thuộc tính Công văn 11093/BCT-CNNg
Cơ quan ban hành: | Bộ Công Thương | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 11093/BCT-CNNg | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Công văn | Người ký: | Lê Dương Quang |
Ngày ban hành: | 19/11/2012 | Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Đầu tư, Công nghiệp, Điện lực |
tải Công văn 11093/BCT-CNNg
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
BỘ CÔNG THƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11093/BCT-CNNg | Hà Nội, ngày 19 tháng 11 năm 2012 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy điện phân chì, kẽm Bắc Kạn được xây dựng tại Khau Thăm, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn với công suất 31 ngàn tấn kim loại (25 ngàn tấn kẽm và 6-10 ngàn tấn chì/năm) là dự án chế biến sâu quặng chì kẽm có quy mô lớn nhất cả nước do Công ty TNHH Ngọc Linh làm Chủ đầu tư, Dự án đã được Chủ đầu tư phê duyệt, UBND tỉnh Bắc Kạn đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy phép xây dựng, giao đất để thực hiện Dự án. Dự án đầu tư trên địa bàn miền núi đặc biệt khó khăn và trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái; nhờ sự quyết tâm của Chủ đầu tư, sự ủng hộ và hỗ trợ của chính quyền địa phương tỉnh Bắc Kạn, đến nay, Dự án đã cơ bản hoàn thành phần xây dựng (khoảng 80% khối lượng), thiết bị đặt hàng chế tạo mới từ Trung Quốc đang vận chuyển về Việt Nam để chuẩn bị lắp đặt, dự kiến Dự án hoàn thành đầu tư, chạy thử và đưa Nhà máy vào hoạt động trong tháng 10 năm 2013. Khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn nguyên liệu tinh quặng chì, kẽm đầu vào cấp cho Dự án chưa được giải quyết, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành và đặc biệt là tính khả thi và hiệu quả của Nhà máy.
Trước tình hình khó khăn, vướng mắc nêu trên, thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản, Chủ đầu tư - Công ty TNHH Ngọc Linh có Tờ trình số 128/TTr-NL ngày 15 tháng 10 năm 2012 về việc thẩm định “Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy điện phân chì, kẽm Bắc Kạn”.
Trên cơ sở Tờ trình của Chủ đầu tư, Bộ Công Thương đã thành lập Tổ thẩm định Dự án Nhà máy điện phân chì, kẽm Bắc Kạn tại Quyết định số 6430/QĐ-BCT ngày 30 tháng 10 năm 2012 gồm đại diện các Vụ chức năng Bộ Công Thương, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, UBND tỉnh Bắc Kạn và Viện Khoa học và công nghệ Mò-Luyện kim. Do dự án đang được khẩn trương hoàn thành việc xây dựng, vì vậy, ngày 02 tháng 11 năm 2012, Tổ thẩm định đã thực hiện việc kiểm tra thực tế hiện trường xây dựng Nhà máy điện phân chì, kẽm Bắc Kạn. Trên cơ sở Báo cáo thẩm định Dự án số 100/BC-BCT ngày 16 tháng 11 năm 2012 của Tổ thẩm định, Bộ Công Thương kính báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thẩm định như sau:
I. TÓM TẮT CHUNG VỀ DỰ ÁN
1. Tên dự án: “Nhà máy điện phân, chì, kẽm Bắc Kạn”
2. Chủ đầu tư: Công ty TNHH Ngọc Linh
Địa chỉ: số 831 Đường Giải Phóng, Phường Phương Liệt, Thanh Xuân , Hà Nội. Điện thoại: 04836414513.
3. Tổ chức tư vấn lập Dự án đầu tư: Công ty luật Ambys
4. Mục tiêu dự án: Sản xuất kẽm, chì kim loại và các sản phẩm khác đi kèm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, đẩy mạnh chế biến sâu quặng chì kẽm, khai thác có hiệu quả tài nguyên khoáng sản, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần phát triển ngành công nghiệp và kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
5. Quy mô công suất và phương án sản phẩm:
- Sản phẩm chính:
+ Kẽm thỏi 25.000 tấn/năm, hàm lượng 99,95% - 99,99%.
+ Chì thỏi 6.000-10.000 tấn/năm, hàm lượng 99,95% - 99,99%.
- Sản phẩm phụ: Axit sunfuric 43.000 tấn/năm và các sản phẩm khác từ kẽm.
6. Địa điểm xây dựng và diện tích xây dựng
a) Địa điểm: Khau Thăm, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn.
b) Diện tích sử dụng đất: Diện tích sử dụng đất cho hai giai đoạn là 640.000 m2
Trong đó:
- Đất xây dựng công trình: 280.919 m2
- Đất phục vụ dự án: 241.490 m2
- Đất bãi thải: 117.591 m2
7. Công nghệ và thiết bị: Công nghệ điện phân là công nghệ thủy luyện truyền thống của nhà máy luyện kim màu hàng đầu Trung Quốc, đảm bảo chất lượng chì, kẽm đạt tiêu chuẩn quốc tế (hàm lượng 99,99%); hệ thống xử lý chất thải rắn, lỏng và khí đảm bảo theo tiêu chuẩn của Châu Âu. Tất cả thiết bị được chế tạo mới 100% theo đặt hàng sản xuất tại Trung Quốc.
8. Phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư: UBND tỉnh Bắc Kạn đã có Quyết định số 2149/QĐ-UBND ngày 30 tháng 10 năm 2007 về việc thu hồi và giao đất cho Công ty Ngọc Linh, có kèm theo phương án đền bù, tái định cư.
9. Cung cấp nguyên liệu đầu vào cho Nhà máy
Nguyên vật liệu chính phục vụ cho sản xuất của Dự án là quặng Sunfua kẽm (70%) và oxit kẽm (30%). Vật liệu phụ chủ yếu có bột kẽm, axit sunfuric, sunfatnatri, bột mangan, vôi, xúc tác vanadi, amôn, cực điện phân, bi thép... Nguyên vật liệu chính và phụ chủ yếu được lấy từ các mỏ quặng xin cấp phép khai thác.
9.1. Nguyên liệu chính: Nguyên liệu chính dùng để sản xuất kẽm thỏi, chì thỏi và các sản phẩm khác từ kẽm là quặng Sunfua kẽm và quặng oxit kẽm.
Để sản xuất ra 25.000 tấn sản phẩm kẽm thỏi và khoảng 10.000 tấn chì, dự án cần có nguồn cung cấp tinh quặng sunfua kẽm là 42.752 tấn và quặng oxit kẽm là 37.060 tấn. Công ty đang khẩn trương xin cấp phép thăm dò và lập dự án báo cáo nghiên cứu khả thi khai thác mỏ quặng chì kẽm tại xã Ngọc Phái, xã Quảng Bạch, xã Đồng Lạc và xã Bản Thi tỉnh Bắc Kạn. Đây là một trong 12 vùng quặng tập trung khoảng hơn 70 điểm mỏ có tài nguyên dự báo khoảng 5 triệu tấn chì, kẽm kim loại nằm rải rác trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
Ngoài ra, dự kiến thu mua từ xưởng tuyển tinh quặng chì kẽm của các đơn vị khác trong khu vực.
9.2. Nguyên liệu phụ: Các nguyên vật liệu chủ yếu phục vụ cho quá trình sản xuất căn cứ vào kế hoạch sản xuất và tiêu thụ để có kế hoạch khai thác, thu mua, nhập kho. Luôn đảm bảo các nguyên vật liệu có sẵn đầy đủ, kịp thời để đảm bảo sản xuất liên tục.
10. Về bảo vệ môi trường
Các cơ sở luyện kim loại màu nói chung và sản xuất kẽm, chì kim loại nói riêng sản sinh ra nguồn ô nhiễm chất thải khí (khói, bụi), chất thải rắn (xỉ bã), chất thải lỏng (nước công nghiệp, sinh hoạt)...có ảnh hưởng ít nhiều đến môi trường xung quanh. Đánh giá tác động của các nguồn phát thải dự án, các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm, cải tạo phục hồi môi trường được nêu chi tiết trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và Dự án cải tạo phục hồi môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
11. Tổng mức đầu tư của dự án:
Tổng mức đầu tư khi lập Dự án (năm 2007) là 789.000.000 ngàn đồng.
Tổng mức đầu tư điều chỉnh của Dự án (năm 2011): 1.450.000.000 ngàn đồng
Tổng mức đầu tư giai đoạn I: 887.239.941 ngàn đồng
Trong đó:
- Thiết bị: 863.600.000 ngàn đồng
- Xây dựng: 313.800.000 ngàn đồng
12. Hình thức đầu tư: Đầu tư mới, 30% vốn của Chủ đầu tư, 70% vốn vay Ngân hàng thương mại trong nước.
13. Hình thức quản lý dự án: Chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án
14. Thời gian đầu tư: 50 năm (từ năm 2007 đến năm 2056)
15. Thời gian xây dựng: 2007-2013
16. Tiến độ thực hiện đầu tư dự án: Dự án bắt đầu xây dựng từ năm 2008.
- Từ tháng 11 năm 2008 - tháng 7 năm 2011 hoàn thành hạng mục san nền.
- Từ tháng 5 năm 2010 - tháng 3 năm 2013 xây dựng Nhà máy. Đến hết tháng 10/2012 hoàn thành được khoảng 80 % khối lượng xây dựng.
- Thời gian lắp đặt thiết bị: Tháng 11 năm 2012 - tháng 6 năm 2013
- Thời gian vận hành, chạy thử: Tháng 6 năm 2013 - tháng 9 năm 2013.
- Dự kiến tháng 10 năm 2013 đưa nhà máy vào hoạt động chính thức.
II. KẾT QUẢ THẨM ĐỊNH DỰ ÁN
1. Tài liệu pháp lý và hồ sơ trình thẩm định
Tài liệu pháp lý để làm căn cứ lập dự án, triển khai thực hiện Dự án cơ bản đầy đủ, phù hợp với các quy định về quản lý đầu tư xây dựng công trình, quản lý bảo vệ môi trường (gồm 57 văn bản).
Do Dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC, nhà thầu là Doanh nghiệp nước ngoài (Trung Quốc) có bề dày kinh nghiệm đã được Chủ đầu tư khảo sát và lựa chọn; quy định về biên chế và nội dung Dự án đầu tư XDCT (F/S) của Trung Quốc có sự khác biệt so với Việt Nam, Nhà thầu đã cung cấp đầy đủ thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công các hạng mục công trình cho Chủ đầu tư và đã hoàn thành khoảng 80% khối lượng phần xây dựng, vì vậy, đề nghị Chủ đầu tư rà soát và phê duyệt thiết kế thi công các hạng mục công trình theo quy định về quản lý dự án đầu tư của Việt Nam.
2. Về khối lượng đầu tư đã thực hiện
Dự án khởi công xây dựng từ năm 2008, dự kiến hoàn thành năm 2009. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chủ yếu do ảnh hưởng suy thoái kinh tế và chưa có nguồn nguyên liệu chắc chắn để cung cấp khi Nhà máy hoàn thành đi vào hoạt động đến nay Dự án mới hoàn thành khoảng 80% phần xây dựng. Thiết bị bắt đầu tập kết về mặt bằng Nhà máy để chuẩn bị lắp đặt trong tháng 11 năm 2012, dự kiến hoàn thành và đưa Nhà máy vào sản xuất trong tháng 10 năm 2013.
Khối lượng các hạng mục công trình hoàn thành thể hiện tại Phụ lục kèm theo công văn này.
Đánh giá: Kết quả kiểm tra thực địa cho thấy Nhà máy cơ bản đã hoàn thành phần xây dựng (80%), bắt đầu triển khai công tác lắp đặt thiết bị, thời hạn dự kiến hoàn thành và đưa Nhà máy vào sản xuất trong tháng 10/2013 là hiện thực và khả thi.
3. Về thị trường tiêu thụ
Kẽm và chì là một trong những kim loại màu rất cần thiết trong quá trình sản xuất ra sản phẩm của nhiều ngành công nghiệp, Việt Nam là một thị trường tiềm năng có nhu cầu về sử dụng kẽm, chì thỏi lớn chủ yếu đang phải nhập khẩu với giá thành cao. Năm 2010, thị trường trong nước cần 90.000-100.000 tấn kẽm và năm 2020, dự báo khoảng 160.000-165.000 tấn kẽm kim loại và khoảng 50.000-65.000 tấn chì kim loại, thị trường quốc tế cũng có triển vọng với các sản phẩm như kẽm và chì thỏi, giá thế giới sau giai đoạn khủng hoảng dự báo sẽ tăng. Do vậy, việc sản suất được kẽm, chì thỏi và các sản phẩm từ kẽm sẽ đáp ứng nhu cầu trong nước với giá cạnh tranh và xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Đánh giá: Nhu cầu chì, kẽm trong nước theo dự báo ngày càng tăng, vì vậy, thị trường tiêu thụ sản phẩm chì, kẽm của Dự án là có cơ sở tin cậy.
4. Sự phù hợp với quy hoạch, dự án đầu tư
Dự án Nhà máy điện phân chì, kẽm, công suất 30.000 tấn/năm tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn là dự án chế biến sâu khoáng sản, phù hợp với Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng chì, kẽm giai đoạn 2006 - 2015, có xét đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 176/2006/QĐ-TTg ngày 01 tháng 8 năm 2006 (Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung Nhà máy điện phân chì, kẽm, công suất 30.000 tấn/năm của Công ty TNHH Ngọc Linh tại công văn số 8222/VPCP-KTN ngày 16 tháng 10 năm 2012); phù hợp với chủ trương của Chính phủ về việc đẩy mạnh chế biến sâu khoáng sản và Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ. Các hạng mục công trình, quy trình công nghệ và thiết bị đầu tư không có sự thay đổi lớn so với Dự án đầu tư và thiết kế kỹ thuật do tư vấn lập và Chủ đầu tư đã phê duyệt; phù hợp với quy mô công suất, địa điểm xây dựng nêu trong giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép xây dựng được UBND tỉnh Bắc Kạn cấp.
5. Địa điểm xây dựng và hạ tầng
Địa điểm xây dựng Nhà máy tại Đèo Khau Thăm, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn với điện tích 64 ha, cạnh trục giao thông chính, gần các khu mỏ quặng Công ty đang xin cấp phép để khai thác, thuận lợi về giao thông giảm chi phí vận tải, có điều kiện cung cấp điện, cấp nước thuận tiện. Diện tích mặt bằng đáp ứng tốt nhu cầu về nhà xưởng, kho bãi cũng như các hạng mục khác trong suốt quá trình hoạt động của Dự án.
6. Về công nghệ
Nhà máy luyện chì kẽm Bắc Kạn cơ bản chia làm 3 khối công nghệ chính: Công nghệ luyện kẽm; Công nghệ luyện chì; Công nghệ sản xuất axít sunfuric.
6.1. Công nghệ luyện kẽm
Sơ đồ dây chuyền công nghệ, quy trình sản xuất kẽm
Tinh quặng kẽm sunfua (10%-40% kẽm) được đưa vào kho chuẩn bị liệu để ổn định thành phần hóa học và cỡ hạt, sau đó được đưa vào lò thiêu để khử lưu huỳnh. Sản phẩm sau khi thiêu trong lò thiêu lớp sôi được tiến hành làm nguội và vận chuyển đến phân xưởng hòa tách. Khí ra khỏi lò thiêu lớp sôi được làm sạch bụi và vận chuyển bằng hệ thống đường ống tới phân xưởng sản suất axit sunfuric. Tinh quặng kẽm oxit (15%-30% kẽm) qua công đoạn chuẩn bị liệu và tiến hành thiêu để khử nước và các tạp chất có hại. Tinh quặng oxit kẽm sau khi xử lý đưa đến xưởng hòa tách. Khí ra khỏi lò thiêu thu bụi kẽm và thải ra ngoài ống khói. Tại phân xưởng hòa tách, tiến hành hòa tách hai loại tinh quặng sau quá trình nung thiêu dung dịch sau khi hòa tách, dung dịch thu được sau hòa tách được tiến hành làm sạch hai giai đoạn: làm sạch nhiệt độ cao và làm sạch nhiệt độ thấp nhằm mục đích khử Ni, Co, Cu và Cd. Bã thu được sau quá trình hòa tách bằng axit được đưa đi đến công đoạn thu hồi các kim loại quý hiếm. Dung dịch sau quá trình làm sạch được tiến hành điện phân thu hồi kẽm, kẽm thu được từ quá trình điện phân tiến hành đúc thỏi thành phẩm với hàm lượng 99.99% Zn.
Đánh giá:
a) Về công nghệ: Công nghệ áp dụng trong Dự án là công nghệ luyện kẽm truyền thống đã và đang được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, Công ty Luyện kim mầu Thái Nguyên cũng đang vận hành dây chuyền thủy luyện kẽm tương tự như công nghệ được Chủ đầu tư lựa chọn. Việc lựa chọn công nghệ thực hiện trong phạm vi gói thầu EPC, Nhà thầu chịu trách nhiệm đảm bảo về tính khả thi, đảm bảo sản phẩm đầu ra đạt chất lượng quốc tế, vì vậy, có cơ sở để đánh giá công nghệ luyện kẽm của Dự án là có tính khả thi. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu suất quá trình điện phân thu hồi kẽm, cần xem xét bổ sung thêm một số thiết bị như: lò thiêu lớp sôi trong giai đoạn thiêu bột oxit kẽm để khử hai tạp chất có hại là Cl- và F-…
- Chọn nguyên liệu đua vào nhà máy là tinh quặng sulfua kẽm xử lý thiêu bằng lò thiêu lớp sôi; bổ sung thêm lò ống quay để xử lý quặng oxyt và bã hòa tách kẽm để cung cấp thêm nguyên liệu cho khâu hòa tách điện phân là hợp lý và khả thi về phương diện nguyên liệu đầu vào cùng như xử lý bã hòa tách.
- Chế độ vận hành của các công đoạn công nghệ trong luyện kẽm là phù hợp với thực tế sản xuất kẽm hiện nay. Chế độ công nghệ nêu trong Dự án cho phép nhận được kẽm kim loại có chất lượng 99,99% Zn.
- Hiệu suất thu hồi kẽm của toàn bộ quy trình đạt 92% là chấp nhận được.
b) Về thiết bị: Phương án thiết bị, chế độ công nghệ luyện kẽm lựa chọn là phù hợp, sử dụng 100% thiết bị mới. Chủ đầu tư đã thực hiện nghiêm túc việc đặt hàng, kiểm tra và nghiệm thu từng lô hàng thiết bị tại nơi sản xuất, trước khi vận chuyển về Nhà máy để lắp đặt.
6.2. Công nghệ luyện chì
Trong dây chuyền công nghệ này, việc xử lý tinh quặng chì thực hiện qua 3 công đoạn chính:
- Thiêu kết: Để chuyển PbS thành dạng oxit, chuyển tinh quặng ở dạng bột từ thành dạng cục liên kết cùng với một số thành phần sunfua khác để tạo điều kiện cho quá trình hoàn nguyên tạo Pb kim loại và tạo xỉ.
- Hoàn nguyên: Là giai đoạn quan trọng nhất nhằm chuyển chì sang ion kim loại nhờ phản ứng hoàn nguyên. Hiệu suất hoàn nguyên phụ thuộc rất nhiều yếu tố như nhiệt độ thời gian, chiều cao cột liệu v.v...
- Giai đoạn tinh luyện điện phân: Là giai đoạn khử tạp chất trong chì thô để nhận được chì tinh khiết đáp ứng yêu cầu sử dụng.
- Thu hồi kim loại quý hiếm Ag, Cu: Trong quá trình tinh luyện chì các nguyên tố quý hiếm ký sinh như: Ag, Cu, Bi, Cd, đặc biệt là Ag là nguyên tố cần được thu hồi trong bùn dương cực của quá trình tinh luyện chì.
Sơ đồ công nghệ luyện chì
Đánh giá:
a) Về công nghệ:
- Việc lựa chọn công nghệ luyện chì theo phương pháp thiêu kết, luyện lò đứng, hỏa tinh luyện, tinh luyện điện phân chì trong dung dịch H2SiF6, xử lý bùn cực dương để thu hồi kim loại quý là phù hợp với thực tế luyện chì hiện nay.
- Việc xử lý khí thải bằng NH4HCO3 đảm bảo được đối với việc loại bỏ SO2 trong khí lò luyện và lò thiêu kết, đồng thời thu được sản phẩm (NH4)2SO3. Nước thu hồi khi xử lý khí thải được sử dụng tuần hoàn, không thải ra môi trường là phù hợp. Chì thô nhận được có độ sạch > 99,99% Pb là phù hợp với công nghệ và đáp ứng được yêu cầu về chất lượng thương mại.
- Do trong bùn dương cực có chứa Ag nên việc thu hồi bạc (Ag) bằng công nghệ hỏa luyện kết hợp thủy luyện là hợp lý.
b) Về thiết bị:
Việc lựa chọn 12 chảo thiêu kết tinh quặng chì. Lò đứng có tiết diện tại mắt gió 2,5 m2 là đáp ứng được công suất sản xuất chì của Nhà máy. Công ty đã thuê tư vấn nước ngoài (Phòng thiết kế công trình luyện kim XUE HUI Quảng Tây, Trung Quốc) thiết kế và chuyển giao công nghệ theo hình thức EPC, do vậy việc cung cấp thiết bị và chuyển giao công nghệ là có tính khả thi và đảm bảo.
Tuy nhiên, công nghệ hỏa luyện có nhiều yếu tố làm ảnh hưởng đến môi trường. Do đó chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thiết kế và nhà thầu EPC thông qua các biện pháp hiện đại hóa thiết bị, sử dụng tổng hợp tài nguyên (xử lý triệt để các bãi thải...) cải thiện hệ thống thu bụi, xử lý khí triệt để, đào tạo đội ngũ cán bộ công nhân vận hành có kinh nghiệm quản lý điều chỉnh công nghệ thuần thục, hoàn hảo đảm bảo giảm đến mức tối thiểu ảnh hưởng của công nghệ đến môi trường.
6.3. Công nghệ sản xuất axít H2SO4
Sơ đồ công nghệ sản xuất axít H2SO4:
Khí lò chứa 5-7% SO2, sau khi được khử bụi thô bằng buồng thu bụi, khí được làm nguội và được đưa vào khử bụi tiếp trong thu bụi điện. Khí sạch được chuyển qua đường ống tới xưởng H2SO4. Hỗn hợp khí được dẫn tới phân xưởng axit chủ yếu gồm SO2, N2, O2 và một lượng lớn bụi tạp chất có hại cho quá trình sản xuất axit sulfuric, AsO2, SeO2, TeO2, Flo,.. vì vậy được đưa qua khâu làm sạch khí lò để khử các tạp chất đó, khí sau khi làm sạch được đưa vào công đoạn sấy khô và chuyển hóa SO2-SO3 tại tháp tiếp xúc 4 lớp chất xúc tác là V2O5. Sau khi chuyển hóa thành SO3 khí được qua công đoạn hấp thụ bằng hai tháp hấp phụ Mono hydrat tạo thành sản phẩm H2SO4. Axit ra khỏi tháp sấy và hấp thụ có nhiệt độ tăng lên do nhiệt hấp thụ tỏa ra, axít hồi lưu về thùng chứa rồi dùng bơm chìm, bơm lên qua dàn làm lạnh hạ nhiệt độ axít rồi tưới vào trong tháp. Lượng axít dư trong dây chuyền được đưa về kho chứa.
Đánh giá:
a) Về công nghệ: Đây là công nghệ sản xuất axít sunfuric đã được khẳng định, thường kết hợp trong các nhà máy luyện kim mầu trên thế giới như luyện vàng, luyện đồng và luyện kẽm. Ở Việt Nam, các nhà máy như luyện đồng Tằng Lỏong, Chì kẽm Thái Nguyên đều sử dụng công nghệ này để sản xuất axit sunfuric trong quá trình luyện vàng gốc từ quặng sunfua vàng hay luyện chì, kẽm từ quặng suafua chì kẽm. Việc xây dựng nhà máy sản xuất axít sunfuaric theo công nghệ nêu trên là hợp lý và có tính khả thi vì có thể xử lý triệt để vấn đề môi trường, đồng thời tận dụng nguồn tạp chất S để sản xuất axit sunfuric nhằm giảm ô nhiễm môi trường và tăng hiệu quả kinh tế của dự án do H2SO4 cũng là sản phẩm thương mại có nhu cầu sử dụng cao. Tuy nhiên, chủ đầu tư cần tính toán cân đối nguồn khí thải SO2 phát sinh từ lò thiêu lớp sôi không đủ để vận hành nhà máy sản xuất với công suất 43.000 tấn/năm do hàm lượng lưu huỳnh trong quặng không ổn định, cần phải tính toán phối liệu quặng sunfua để khí ra khỏi nhà máy đạt nồng độ và sản lượng đủ cho quá trình sản xuất axit phát huy tối đa công suất và đạt hiệu quả cao.
Cần nghiên cứu bổ sung thêm hệ thống xử lý khí thải dự phòng, trong trường hợp nhà máy sản xuất axít H2SO4 có sự cố tạm thời như: Dùng hệ thống trung hòa bằng nước vôi... để đảm bảo quá trình sản xuất chì kẽm được liên tục và ổn định.
b) Về thiết bị: Thiết bị lựa chọn trong Dự án là phù hợp với công nghệ và quy mô công suất 43.000 tấn axít sunfuric/năm, việc chuyển giao công nghệ theo hình thức EPC, vì vậy, việc cung cấp thiết bị và chuyển giao công nghệ có tính khả thi.
6.4. Đánh giá chung về công nghệ
Công nghệ và thiết bị lựa chọn trong dự án và hiện trạng đang xây dựng cơ bản đáp ứng được mục đích sản xuất chì, kẽm kim loại và axit sunfuric theo công suất yêu cầu 25.000 tấn kẽm thỏi và 10.000 tấn chì thỏi, 43.000 tấn H2SO4 và một số sản phẩm phụ khác như (NH4)SO3, Bạc, Đồng...
- Chì thô nhận được có hàm lượng >99,99% Pb là phù hợp với công nghệ và đáp ứng được yêu cầu về chất lượng thương mại.
7. Về nguồn nguyên liệu cung cấp cho Dự án
7.1. Nguyên liệu chính
a) Nhu cầu quặng chì, kẽm cho Nhà máy
Với công suất thiết kế của Nhà máy là 25.000 tấn kẽm kim loại/năm và 6.000-10.000 tấn chì kim loại/ năm thì trữ lượng cần thiết cho Nhà máy hoạt động với thời gian tối thiểu 20 năm là 620.000-700.000 tấn kim loại chì, kẽm-tương đương với 12,4-14,0 triệu tấn quặng chì kẽm với hàm lượng Pb+Zn trung bình = 5%. Với thời gian hoạt động 30 năm thì nhu cầu trữ lượng là 930.000-1.030.000 tấn kim loại chì, kẽm - tương đương với 18,6-21,6 triệu tấn quặng chì, kẽm với hàm lượng Pb+Zn trung bình = 5%.
b) Hiện trạng cấp phép thăm dò, khai thác các mỏ chì, kẽm trên địa bàn cho Công ty TNHH Ngọc Linh
Việc đảm bảo nguồn nguyên liệu quặng chì, kẽm cho Nhà máy điện phân chì, kẽm Bắc Kạn duy trì sản xuất ổn định và lâu dài là yếu tố quan trọng và quyết định sự tồn tại và hiệu quả sản xuất kinh doanh của Nhà máy. Ý thức được vấn đề trên, ngay từ cuối năm 2007-khi chủ trương đầu tư Dự án được chấp thuận, Công ty TNHH Ngọc Linh đã chủ động và tích cực nghiên cứu, khảo sát tài liệu địa chất và làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Kạn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề quan trọng này.
- Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã có công văn số 425/UBND-KTTH ngày 13 tháng 3 năm 2008, theo đó “tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư yên tâm khi thực hiện Dự án, đồng ý cam kết cấp phép đủ vùng nguyên liệu cho Dự án Nhà máy điện phân chì kẽm của Công ty TNHH Ngọc Linh”.
- Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo “UBND tỉnh Bắc Kạn tạo điều kiện để Công ty TNHH Ngọc Linh có đủ nguồn nguyên liệu cho Nhà máy điện phân chì, kẽm Bắc Kạn” tại công văn số 4695/VPCP-KTN ngày 07 tháng 7 năm 2010 và “Giao Bộ Tài nguyên và môi trường thẩm định, xử lý hồ sơ đề nghị cấp phép thăm dò quặng chì, kẽm vùng Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn theo quy định của pháp luật khoáng sản và Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 6662/VPCP-KTN ngày 28 tháng 8 năm 2012.
- Báo cáo số 476/BS-STNMT ngày 21 tháng 8 năm 2008 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Kạn về chuẩn bị nguyên liệu Nhà máy điện phân chì, kẽm của Công ty Ngọc Linh căn cứ vào Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND Tỉnh đã đề xuất giao Khu vực mỏ chì, kẽm Quảng Bạch-Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn (gồm 12 điểm mỏ) để thăm dò và khai thác, phục vụ nguyên liệu cho Nhà máy, đồng thời đề xuất chủ trương cấp phép thăm dò thêm các mỏ chì, kẽm Ba Bồ và Pác Nặm để bổ sung nguyên liệu cho Nhà máy, theo đó, dự kiến cân đối nguồn nguyên liệu từ các mỏ chì, kẽm như sau:
TT | Tên Khu mỏ, điểm mỏ | Trữ lượng địa chất C1+C2 | Tài nguyên dự | Trữ lượng công nghiệp | Thời gian cấp cho Nhà máy CS 31 ngàn t/n (Năm) |
1 | Khu mỏ Quảng Bạch- Ngọc Phái, H. Chợ Đồn (gồm 12 điểm mỏ, chủ yếu khai thác hầm lò) | 263.495 | 1.180.510 | 158.097 | 5 |
2 | Mỏ Ba Bồ, H. Chợ Đồn (dự kiến khai thác lộ thiên) | 332.000 | 483.000 | 282.200 | 9,1 |
| Cộng | 595.495 | 1.663.510 | 423.697 | 14,1 |
Như vậy, nếu trữ lượng của 2 khu mỏ nêu trên được xác minh, điều kiện khai thác thuận lợi thì cũng chi đảm bảo cung cấp nguồn nguyên liệu cho Nhà máy điện phân chì, kẽm Bắc Kạn duy trì sản xuất khoảng 14 năm. Cần khẩn trương triển khai công tác thăm dò hai khu mỏ trên để xác định trữ lượng tin cậy cho việc lập Dự án khai thác, chế biến quặng chì, kẽm cho Nhà máy.
c) Vướng mắc trong việc cấp phép thăm dò, khai thác các mỏ chì, kẽm trên địa bàn cho Công ty TNHH Ngọc Linh
Đến thời điểm hiện nay, Công ty TNHH Ngọc Linh mới được UBND tỉnh Bắc Kạn cấp phép khai thác điểm mỏ Bó Liều thuộc xã Đồng Lạc và Nam Cường, huyện Chợ Đồn tại Giấy phép số 1097a/GP-UBND ngày 21 tháng 6 năm 2011 với trữ lượng 80 ngàn tấn quặng (tương đương khoảng 3 ngàn tấn kim loại Pb+Zn) đáp ứng khoảng 10% sản lượng năm của Nhà máy; 11 điểm mỏ còn lại thuộc Khu mỏ Quảng Bạch-Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn chưa được Tỉnh cấp Giấy phép.
- Mỏ chì, kẽm Ba Bồ và Nam Chợ Điền, huyện Chợ Đồn - là các khu mỏ có quy mô khai thác công nghiệp mặc dù đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra và kết luận Hồ sơ xin thăm dò quặng chì-kẽm của Công ty TNHH Ngọc Linh đủ điều kiện để cấp giấy phép thăm dò (công văn số 2214/BTNMT-ĐCKS ngày 20 tháng 6 năm 2011). Tuy nhiên, đến nay việc cấp phép thăm dò, khai thác các khu mỏ chì, kẽm Ba Bồ và Nam Chợ Điền nêu trên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, gây khó khăn cho Doanh nghiệp.
Đánh giá về nguồn nguyên liệu
Bắc Kạn là địa phương có triển vọng nhất về tài nguyên quặng chì, kẽm; tài nguyên chì, kẽm trên địa bàn dự báo có khoảng 5 triệu tấn kim loại chì, kẽm; tuy nhiên hầu hết các mỏ và điểm mỏ mới ở mức độ điều tra cơ bản; tiến độ cấp giấy phép thăm dò rất chậm.
Nhà máy điện phân chì, kẽm Bắc Kạn do Công ty TNHH Ngọc Linh làm Chủ đầu tư hiện nay là Dự án chế biến sâu chì, kẽm có quy mô lớn nhất cả nước; Nhà máy đang được khẩn trương hoàn thành việc xây dựng để cuối tháng 10 năm 2013 đưa vào sản xuất. Thời gian còn lại để chuẩn bị nguồn nguyên liệu chì, kẽm cho Nhà máy duy trì sản xuất khi đưa vào hoạt động chỉ còn gần một năm, vì vậy, cần phải hết sức khẩn trương tổ chức thăm dò, khai thác các điểm mỏ chì, kẽm tại 2 khu mỏ nêu trên thì mới kịp có nguồn nguyên liệu. Do vướng mắc về thủ tục xin cấp phép thăm dò tại hai khu mỏ trên, Chủ đầu tư buộc phải giãn tiến độ hoàn thành việc xây dựng Nhà máy đến tháng 10 năm 2013 để có thời gian chuẩn bị nguồn nguyên liệu cho Nhà máy khi đi vào sản xuất. Ngoài ra Công ty cần tích cực và chủ động tiếp xúc, ký hợp đồng thu mua tinh quặng thương mại từ các cơ sở khai thác, tuyển quặng chì, kẽm trên địa bàn.
7.2. Nguyên liệu phụ
Vật liệu phụ chủ yếu có bột kẽm, axit Sunfuric, Sunfatnatri, bột mangan, vôi, xúc tác vanadi, amôn, cực điện phân, bi thép... Trong dây chuyền công nghệ có thu hồi khí SO2 và sản xuất axit sunfuric tư cung cấp cho Nhà máy (9.600 tấn/năm), phần còn lại mang đi tiêu thụ. Các loại nguyên liệu phụ khác có thể mua từ các cơ sở sản xuất trong nước nên hoàn toàn chủ động.
Nhiên liệu dùng để sản xuất Dự án là than antraxit (40.120 tấn/năm) phục vụ sấy khô quặng Sunfua kẽm, lò phát sinh khí than là 9.000 tấn, nồi hơi mua than Quảng Ninh. Nhu cầu than antraxit tiêu thụ không lớn, vì vậy, việc cung cấp nguồn than là tin cậy, tuy nhiên, Công ty cần có kho lưu chứa bảo quản theo yêu cầu và cần tính toán nhu cầu dự phòng trong mùa mưa ở miền núi.
8. Cung cấp điện
Lượng điện tiêu hao hàng năm của dự án khoảng 100 triệu kWh. Dự án sử dụng nguồn điện có sẵn của địa phương trên cơ sở ký kết hợp đồng với Công ty Điện lực Bắc Kạn. Tại Nhà máy dự kiến xây một trạm biến áp 22/10,5kV, máy chỉnh lưu dùng điện thế cấp điện 10 kV và lắp 2 máy cấp điện song song. Trong Nhà máy, xây dựng một trạm chỉnh lưu 10kV, cấp điện áp trong nhà máy là 10kV, mỗi xưởng sản xuất đều có một phòng phân phối điện lắp biến thế 10kV/0,4/0,23.
Đánh giá: Yêu cầu của nhà máy điện phân chì kẽm là cung cấp điện phải ổn định, ngoài nguồn điện lưới cung cấp từ khu vực, Công ty cần có giải pháp bổ sung nguồn điện dự phòng cho một số công đoạn có yêu cầu sản xuất liên tục, có thể xem xét việc đầu tư máy phát điện để duy trì cấp điện khi có sự cố.
9. Bảo vệ môi trường
Nhà máy có các dây chuyền công nghệ điện phân chì, điện phân kẽm, thu hồi khí SO2 và sản xuất Axit sunfuric có sản sinh các chất thải khí, rắn và lỏng. Việc đánh giá mức độ ô nhiễm và giải pháp giảm thiểu đã được Công ty nêu chi tiết trong ĐTM và Dự án cải tạo, phục hồi môi trường của Dự án đã được UBND tỉnh Bắc Kạn phê duyệt tại Quyết định số 1505/QĐ-UBND ngày 26 tháng 9 năm 2012.
9.1. Đối với chất thải bụi và khí: Khí, bụi từ các lò sấy tinh quặng, lò thiêu lớp sôi tinh quặng kẽm, lò thiêu kết tinh quặng chì, khí từ hệ thống bể điện phân kẽm và khí SO2 của khí lò thu bụi bằng túi vải, lọc bụi điện, thu hồi SO2 để sản xuất axit hoặc trung hòa bằng NH4HCO3 là phù hợp. Riêng khí chứa axit thoát ra từ hệ thống bể điện phân kẽm chưa có phương án xử lý làm giảm thiểu ô nhiễm.
9.2. Đối với chất thải lỏng: Nước có chứa axít và các kim loại nặng phát sinh tại khu vực sản xuất axit, nước rửa từ hệ thống hòa tách tinh quặng kẽm, nước rửa từ khu vực điện phân kẽm được thu gom tập trung về hệ thống Trạm xử lý nước thải với bể điều tiết 300 m3, xử lý bằng nước vôi để trung hòa axit dư và kết tủa các kim loại nặng đối với chất thải lỏng là phù hợp, Công ty có báo cáo riêng kèm theo Dự án, liệt kê chi tiết trang thiết bị và quy trình xây dựng, vận hành nhưng không có tính toán cụ thể. Hệ thống nước thải sau xử lý đảm bảo tiêu chuẩn thải ra môi trường nhưng nước thải được sử dụng tuần hoàn cung cấp cho dây chuyền sản xuất.
9.3. Đối với chất thải rắn: Chất thải rắn bao gồm bã hòa tách tinh quặng kẽm, bã làm sạch dung dịch sau hòa tách, xỉ, sten từ lò luyện chì thô, xỉ than đốt lò. Nhà máy thu hồi tổng hợp các kim loại có ích vào bán sản phẩm, giảm bớt lượng chất thải, tăng hiệu quả thu hồi tài nguyên và hiệu quả của Dự án. Chẳng hạn, bã đồng Cadimi có tính độc hại, sau khi xử lý thành Cadimi xốp, bã đồng có thể đem bán...
Xỉ than từ các lò nồi hơi, lò sinh khí, lò sấy không độc hại có thể dùng làm vật liệu xây dựng...Bã hòa tan axit và bùn ở trạm xử lý nước thải có chứa các kim loại màu nặng độc hại, cần lưu giữ lâu dài ở kho đặc biệt có biện pháp chống thấm, chung quanh có hào ngăn cách tránh thấm nước ngoài vào.
Quy trình xử lý nêu trên là hợp lý, hiệu quả. Việc xử lý nước thải có chứa các kim loại màu nặng độc hại cần phải tuân thủ quy định tiêu chuẩn hiện hành.
10. Hiệu quả kinh tế-xã hội của Dự án
Tổ thẩm định đã rà soát, kiểm tra phần tính toán tổng mức đầu tư, giá thành và hiệu quả kinh tế của Dự án. Trên cơ sở đó đã tính thẩm tra lại Tổng mức đầu tư và hiệu quả kinh tế của dự án. Kết quả tính toán đã được Chủ đầu tư nhất trí như sau:
10.1. Kết quả thẩm định tổng mức đầu tư tổng hợp theo bảng dưới đây.
BẢNG TỔNG MỨC ĐẦU TƯ
Đơn vị tính: 1000 đồng
STT | Hạng mục | Vốn đầu tư |
1 | Chi phí Xây dựng | 684.079.670 |
2 | Chi phí Thiết bị | 863.667.455 |
3 | Chi phí bồi thường GPMB | 0 |
3 | Chi phí quản lý dự án | 15.454.209 |
4 | Chi phí tư vấn đầu tư | 32.477.308 |
5 | Chi phí khác (bao gồm cả lãi vay thời kỳ xây dựng và vốn lưu động ban đầu). | 242.683.521 |
| Trong đó: |
|
| Chi phí khác | 15.183.349 |
| Lãi vay thời kỳ xây dựng | 122.281.931 |
| Vốn lưu động ban đầu | 105.218.242 |
6 | Dự phòng | 41.882.412 |
| Tổng mức đầu tư | 1.880.244.574 |
10.2. Kết quả thẩm định hiệu quả kinh tế, tổng hợp như bảng chỉ tiêu tài chính sau đây.
BẢNG TỔNG HỢP MỘT SỐ CHỈ TIÊU TÀI CHÍNH
TT | Chỉ tiêu | Đơn vị tính | Chỉ số |
1 | Tổng mức đầu tư | 1000 đồng | 1.880.244.574 |
| Vốn cố định | 1000 đồng | 1.775.026.332 |
| Vốn lưu động | 1000 đồng | 105.218.242 |
2 | Tổng giá thành sản xuất TB | 1000 đồng | 1.574.791.921 |
3 | Giá thành tiêu thụ sản phẩm quy đổi | 1000 đồng /tấn | 34.890 |
4 | Giá bán sản phẩm |
|
|
| Kẽm thỏi 99,99% | 1000 đồng /tấn | 45.000 |
| Chì 99,99% | 1000 đồng/tấn | 47.700 |
| Axit H2SO4 98% | 1000 đồng /tấn | 4.875 |
| Bạc thỏi 99,99% Ag | 1000 đồng /tấn | 12.000.000 |
5 | Tổng lãi ròng 20 năm | 1000 đồng | 8.166.572.651 |
6 | Giá trị hiện tại thực - NPV (tại r = 14,4%) | 1000 đồng | 1.283.318.439 |
7 | Tỷ suất hoàn vốn nội bộ - IRR | % | 27,46 |
8 | Thời gian hoàn vốn - T | năm | 6,13 |
9 | Hệ số hòa vốn TB | K | 0,4495 |
10 | Hệ số khả năng trả nợ TB | K | 1,25 |
11 | Tổng các loại thuế nộp Nhà nước | 1000 đồng | 2.509.528.612 |
| Thuế thu nhập doanh nghiệp 20 năm | 1000 đồng | 959.763.927 |
| Thuế VAT 20 năm | 1000 đồng | 1.549.764.685 |
12 | Thời gian XDCB | năm | 3 |
13 | Thời gian sản xuất | năm | 20 |
10.3. Hiệu quả kinh tế - xã hội
- Thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về khai thác và chế biến sâu khoáng sản, nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên quặng kẽm chì tại tỉnh Bắc Kạn, tạo ra sản phẩm mới cung cấp cho nền kinh tế quốc dân.
- Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, tăng trưởng kinh tế của địa phương, dẫn đến giảm dần nguồn ngân sách Nhà nước cấp cho địa phương.
- Có đóng góp đáng kể nguồn tài chính cho ngân sách Nhà nước và địa phương. Tổng các khoản nộp Ngân sách nhà nước trong 20 năm khoảng 2.509 tỷ đồng.
- Dự án góp phần đào tạo nhân lực (kỹ sư và công nhân) có trình độ, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 1.000 lao động của Công ty và lao động của địa phương.
Đánh giá: Dự án có hiệu quả kinh tế, giá trị hiện tại thực (NPV) = 1.283 tỷ đồng; hệ số hoàn vốn nội bộ (IRR với r =14,4%) = 27,46%; thời gian hoàn vốn 6,03 năm. Như vậy hiệu quả kinh tế của Dự án là khá cao và có tính khả thi.
IV. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
1. Kết luận
Qua kết quả thẩm định Dự án đầu tư Nhà máy điện phân chì, kẽm Bắc Kạn do Công ty TNHH Ngọc Linh làm Chủ đầu tư như đã nêu ở trên, Bộ Công Thương thống nhất với Tổ thẩm định một số kết luận chủ yếu sau:
- Việc đầu tư Nhà máy điện phân chì, kẽm Bắc Kạn với công suất 30 ngàn tấn/năm là hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Chính phủ về tăng cường chế biến sâu khoáng sản thể hiện tại Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2012 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản; chủ trương đầu tư Nhà máy được tỉnh Bắc Kạn, các Bộ ngành ủng hộ và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Dự án Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng chì, kẽm giai đoạn 2006-2015, có xét đến năm 2020 tại công văn số 8222/VPCP-KTN ngày 16 tháng 10 năm 2012 của Văn phòng Chính phủ.
- Hồ sơ pháp lý của Dự án là đầy đủ và phù hợp với quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng công trình (đã được UBND tỉnh Bắc Kạn cấp Giấy chứng nhận đầu tư, giao đất xây dựng Dự án, ĐTM Dự án đã được phê duyệt, đã có Giấy phép xây dựng Dự án v.v..).
- Dự án Nhà máy điện phân chì, kẽm Bắc Kạn thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC; Nhà thầu là doanh nghiệp có kinh nghiệm trong lĩnh vực luyện chì, kẽm của Trung Quốc, nội dung của Hợp đồng EPC đảm bảo sản phẩm chì, kẽm kim loại đạt tiêu chuẩn quốc tế và thực tế Nhà máy đã hoàn thành 80% khối lượng xây dựng, vì vậy, có cơ sở tin cậy để đánh giá Dự án có tính khả thi về kỹ thuật; kết quả kiểm tra cho thấy Dự án có hiệu quả kinh tế-xã hội cao; sản phẩm của Dự án bao gồm chì, kẽm kim loại và axit sulfuaric có thị trường tiêu thụ chắc chắn.
- Công ty TNHH Ngọc Linh trong thời gian qua đã thể hiện sự nghiêm túc và nỗ lực cố gắng trong việc tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng Nhà máy, đến nay phần xây dựng Nhà máy đã hoàn thành khoảng 80% khối lượng, đã thực hiện đặt hàng và nghiệm thu công tác chế tạo thiết bị cho Nhà máy, đang khẩn trương triển khai việc vận chuyển và lắp đặt thiết bị tại Nhà máy, dự kiến tháng 10 năm 2013 sẽ hoàn thành toàn bộ công tác xây lắp và đưa Nhà máy vào sản xuất. Thời hạn hoàn thành và đưa Nhà máy vào sản xuất vào tháng 10 năm 2013 nêu trên là hoàn toàn hiện thực.
- Khó khăn chủ yếu hiện nay đối với Chủ đầu tư là vướng mắc trong việc xin cấp phép thăm dò và khai thác các điểm mỏ chì, kẽm trên địa bàn, bao gồm khu mỏ chì, kẽm Quảng Bạch-Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn (gồm 12 điểm mỏ nhỏ, lẻ); khu mỏ Ba Bồ và Nam Chợ Điền, huyện Chợ Đồn (khu mỏ chủ yếu); mặc dù tỉnh Bắc Kạn cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho Nhà đầu tư yên tâm thực hiện Dự án, cấp phép đủ vùng nguyên liệu cho Dự án; Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo UBND tỉnh Bắc Kạn tạo điều kiện để Công ty TNHH Ngọc Linh có đủ nguồn nguyên liệu cho Nhà máy; Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra và kết luận Hồ sơ xin thăm dò quặng chì, kẽm tại khu mỏ Ba Bồ và Nam Chợ Điền của Công ty TNHH Ngọc Linh được xác định là đủ điều kiện để cấp giấy phép thăm dò. Tuy nhiên, đến nay việc cấp phép thăm dò, khai thác khu mỏ chì, kẽm Ba Bồ và Nam Chợ Điền nêu trên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, gây khó khăn cho Doanh nghiệp và đây là nguyên nhân chủ yếu buộc Chủ đầu tư phải giãn tiến độ hoàn thành việc xây dựng Nhà máy đến tháng 10 năm 2013 để có thời gian chuẩn bị nguồn nguyên liệu cho Nhà máy khi đi vào sản xuất.
2. Kiến nghị
Căn cứ kết quả thẩm định Dự án và nội dung kết luận nêu trên, Bộ Công Thương xin kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ như sau:
- Do khu vực mỏ chì, kẽm Quảng Bạch-Ngọc Phái, Ba Bồ và Nam Chợ Điền, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn được quy hoạch là vùng nguyên liệu cho Nhà máy điện phân chì, kẽm Bắc Kạn do Công ty TNHH Ngọc Linh làm chủ đầu tư, vì vậy đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận việc không đấu giá quyền thăm dò, khai thác các khu vực mỏ chì, kẽm nói trên theo quy định.
- Kết quả thẩm định và kiểm tra thực tế cho thấy Dự án Nhà máy điện phân chì, kẽm Bắc Kạn đang được khẩn trương hoàn tất việc xây dựng, dự kiến tháng 10 năm 2013 sẽ đưa vào sản xuất; Dự án có tính khả thi về kỹ thuật và kinh tế, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện chủ trương chế biến sâu quặng chì, kẽm và góp phần phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bắc Kạn-địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; Hồ sơ xin thăm dò quặng chì, kẽm khu mỏ Ba Bồ và Nam Chợ Điền, tỉnh Bắc Kạn của Công ty TNHH Ngọc Linh được xác định đã đủ điều kiện để cấp giấy phép thăm dò, phù hợp với Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản, vì vậy, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và cho phép Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai ngay việc cấp phép thăm dò 02 khu vực mỏ trên cho Công ty TNHH Ngọc Linh theo quy định của pháp luật về khoáng sản để có nguồn nguyên liệu quặng chì, kẽm kịp thời cho Nhà máy khi đi vào sản xuất (tháng 10/2013) theo như đề nghị, của Bộ Tài Nguyên và Môi trường tại công văn số 2214/BTNMT-ĐCKS ngày 20 tháng 6 năm 2011.
- Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương và giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Bắc Kạn khẩn trương xem xét và cấp phép thăm dò, khai thác các điểm mỏ chì, kẽm nhỏ lẻ còn lại (11 điểm mỏ) thuộc khu mỏ Quảng Bạch-Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn để Chủ đầu tư có điều kiện kịp thời triển khai công tác thăm dò, khai thác theo quy định.
Trên đây là Báo cáo thẩm định Dự án đầu tư Nhà máy điện phân chì, kẽm Bắc Kạn do Công ty TNHH Ngọc Linh làm Chủ đầu tư, kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và có ý kiến chỉ đạo./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |