Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Dự thảo Nghị định sửa đổi về kinh doanh có điều kiện lĩnh vực hàng không
- Thuộc tính
- Nội dung
- Tải về
thuộc tính Nghị định
Lĩnh vực: | Đầu tư, Giao thông | Loại dự thảo: | Nghị định |
Cơ quan chủ trì soạn thảo: | Bộ Giao thông Vận tải | Trạng thái: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Nội dung tóm lược
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng và Nghị định 30/2013/NĐ-CP ngày 08/04/2013 của Chính phủ về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung.Tải Nghị định
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
CHÍNH PHỦ Số: /2018/NĐ-CP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
DỰ THẢO | Hà Nội, ngày tháng năm 2018 |
NGHỊ ĐỊNH
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng và Nghị định số 30/2013/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật hàng không dân dụng Việt Nam ngày 29 tháng 6 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam ngày 21 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư ngày 22 tháng 11 năm 2016;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng và Nghị định số 30/2013/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng như sau:
1. Sửa đổi bổ sung khoản 3 Điều 3 như sau:
“3. Kinh doanh vận tải hàng không do các hãng hàng không thực hiện bao gồm hai hình thức kinh doanh vận chuyển hàng không và kinh doanh hàng không chung.
a) Kinh doanh vận chuyển hàng không là việc vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu gửi bằng đường hàng không và các dịch vụ phụ trợ khác trên tàu bay nhằm mục đích sinh lợi.
b) Kinh doanh hàng không chung là hoạt động hàng không chung và các dịch vụ phụ trợ khác trên tàu baynhằm mục đích sinh lợi bằng tàu bay trừ tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ theo quy định tại Điều 21 Luật hàng không dân dụng Việt Nam.”
2. Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 4 như sau;
“c) Đối với doanh nghiệp đang kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng có nhu cầu tăng vốn hoặc bổ sung ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khác quy định tại Nghị định này có thể sử dụng báo cáo tài chính đã được kiểm toán chấp nhận toàn phần của năm liền trước với thời điểm đề nghị hoặc văn bản bảo lãnh của ngân hàng làm văn bản xác nhận vốn hoặc báo cáo biến động vốn được kiểm toán.”
3. Sửa đổi, bổ sung Điều 5 như sau:
“Điều 5. Điều kiện kinh doanh vận tải hàng không
1. Đáp ứng các điều kiện về phương án bảo đảm có tàu bay khai thác, tổ chức bộ máy, vốn, phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm quy định tại Điều 6, 7, 8, 9 của Nghị định này.
2. Các quy định tại Chương này không áp dụng đối với lĩnh vực đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ thành viên tổ lái, giáo viên huấn luyện.”
4. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 như sau:
“Điều 6. Điều kiện về phương án bảo đảm có tàu bay khai thác
Phương án bảo đảm có tàu bay khai thác bao gồm các nội dung sau đây:
1. Số lượng, chủng loại tàu bay, tuổi của tàu bay;
2. Hình thức chiếm hữu (mua, thuê mua hoặc thuê);
3. Phương án khai thác, bảo dưỡng và nguồn nhân lực bảo đảm khai thác, bảo dưỡng tàu bay;
5. Sửa đổi, bổ sung Điều 7 như sau:
“Điều 7. Điều kiện về tổ chức bộ máy
1. Có tổ chức bộ máy thực hiện hệ thống quản lý an toàn, an ninh, hoạt động khai thác tàu bay, bảo dưỡng tàu bay, huấn luyện bay, khai thác mặt đất.
2. Người được bổ nhiệm giữ vị trí phụ trách trong hệ thống quản lý an toàn, an ninh, khai thác tàu bay, bảo dưỡng tàu bay, huấn luyện bay phải có kinh nghiệm tối thiểu 03 năm công tác liên tục trong lĩnh vực được bổ nhiệm, có văn bằng, chứng chỉ được cấp hoặc công nhận theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng.
3. Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, số thành viên là người nước ngoài không được vượt quá một phần ba tổng số thành viên tham gia bộ máy điều hành. Bộ máy điều hành gồm:
a) Tổng Giám đốc (Giám đốc), các Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc);
b) Kế toán trưởng;
c) Người phụ trách các lĩnh vực: hệ thống quản lý an toàn; khai thác tàu bay; bảo dưỡng tàu bay; huấn luyện tổ bay và người giữ chức vụ tương đương xác định theo bộ máy tổ chức của doanh nghiệp.”
6. Sửa đổi, bổ sung Điều 8 như sau:
“Điều 8. Điều kiện về vốn
1. Mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không:
a) Khai thác đến 10 tàu bay: 700 tỷ đồng Việt Nam
b) Khai thác từ 11 đến 30 tàu bay: 1.000 tỷ đồng Việt Nam
c) Khai thác trên 30 tàu bay: 1.300 tỷ đồng Việt Nam
2. Mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung: 100 tỷ đồng Việt Nam.
3. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện:
a) Bên nước ngoài chiếm không quá 49% vốn điều lệ;
b) Phải có ít nhất một cá nhân Việt Nam hoặc một pháp nhân Việt Nam giữ phần vốn điều lệ lớn nhất. Trường hợp pháp nhân Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài giữ phần vốn điều lệ lớn nhất thì phần vốn góp nước ngoài chiếm không quá 49% vốn điều lệ của pháp nhân.”
7. Sửa đổi Điều 9 như sau:
“Điều 9. Phương án kinh doanh và chiến lược phát triển
Phương án kinh doanh và chiến lược phát triển của doanh nghiệp bao gồm các nội dung sau:
1. Đánh giá nhu cầu và xu hướng phát triển của thị trường;
2. Đánh giá thực tiễn và mức độ cạnh tranh dịch vụ được cung cấp trên thị trường;
3. Chiến lược phát triển sản phẩm vận chuyển hàng không, chiến lược phát triển đội tàu bay và kế hoạch phát triển kinh doanh của 05 năm đầu kể từ ngày khai thác.”
8.Sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 10 như sau:
“2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bao gồm:
a) Văn bản đề nghị cấp giấy phép theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ;
c) Tài liệu báo cáo về kế hoạch phát triển doanh nghiệp trong đó gồm các nội dung: Phương án về số lượng tàu bay dự kiến khai thác; phương án tổ chức bộ máy bảo đảm khai thác tàu bay, kinh doanh vận tải hàng không, phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm; nhãn hiệu dự kiến sử dụng.
d) Bản chính văn bản xác nhận vốn;
đ) Sơ đồ bộ máy tổ chức của doanh nghiệp;
e) Bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực (trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp) quyết định bổ nhiệm, hợp đồng lao động, bản sao văn bằng, chứng chỉ chuyên môn của những người phụ trách quy định tại Điều 7 Nghị định này;
g) Hợp đồng nguyên tắc hoặc thỏa thuận về việc mua, thuê mua hoặc thuê tàu bay;
h) Điều lệ hoạt động của doanh nghiệp.
i) Danh sách thành viên, cổ đông tại thời điểm nộp hồ sơ; danh sách thành viên, cổ đông phải đảm bảo đầy đủ các thông tin: Họ và tên; ngày tháng năm sinh; quốc tịch; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú; chỗ ở hiện tại; tỷ lệ phần vốn góp hay số cổ phần nắm giữ; tên công ty (dự kiến), địa chỉ, trụ sở chính, người đại diện quản lý phần vốn góp đối với thành viên, cổ đông là tổ chức; thỏa thuận góp vốn của các cổ đông, thành viên (bản sao có xác nhận của doanh nghiệp);
k) Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
3. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục Hàng không Việt Nam phải có văn bản trả lời người đề nghị và hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
4. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông vận tải kết quả thẩm định.
5. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thẩm định của Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp không chấp thuận kết quả thẩm định thì có văn bản trả lời Cục Hàng không Việt Nam và nêu rõ lý do.
6. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được Tờ trình của Bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép Bộ Giao thông vận tải cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung.
7. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải cấp Giấy phép theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
8. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được cấp giấy phép, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không phải đăng tải trên báo 03 số liên tiếp các nội dung của giấy phép. Bộ Giao thông vận tải xem xét cấp Giấy phép theo Mẫu số 02 quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này hoặc không cấp thì nêu rõ lý do.”
9. Sửa đổi khoản 3 Điều 11 như sau:
“3. Đối với giấy phép cấp lại do thay đổi nội dung:
a) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông vận tải kết quả thẩm định;
b) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo thẩm định của Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải cấp lại giấy phép theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.”
10. Sửa đổi, bổ sung Điều 12 như sau:
“Điều 12. Hủy bỏ Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung
1. Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung bị hủy bỏ trong các trường hợp sau đây:
a) Cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép;
b) Không bắt đầu khai thác vận tải hàng không trong thời hạn 36 tháng, kể từ ngày được cấp giấy phép;
c) Ngừng khai thác vận tải hàng không 36 tháng liên tục;
d) Không được cấp Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép;
e) Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay bị thu hồi, hủy bỏ quá 36 tháng mà không được cấp lại;
g) Hoạt động sai mục đích hoặc không đúng với nội dung ghi trong Giấy phép;
h) Vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về an ninh, quốc phòng;
i) Vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về an ninh hàng không, an toàn hàng không, tổ chức bộ máy điều hành và hoạt động khai thác vận chuyển hàng không, hoạt động hàng không chung;
k) Chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật hoặc theo đề nghị của doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không;
l) Không còn đáp ứng đủ điều kiện cấp Giấy phép theo quy định của pháp luật.
2. Trong trường hợp Giấy phép bị hủy bỏ, Bộ Giao thông vận tải ra quyết định hủy bỏ giấy phép và doanh nghiệp phải chấm dứt ngay việc kinh doanh vận tải hàng không.”
11. Bổ sung Điều 12a như sau:
“Điều 12a: Những thay đổi đối với doanh nghiệp phải được báo cáo
1. Hãng hàng không phải thực hiện đăng ký với Cục Hàng không Việt Nam trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thực hiện về các nội dung sau:
a) Sửa đổi Điều lệ hoạt động, Điều lệ vận chuyển, Điều lệ cung cấp dịch vụ hàng không chung;
b) Thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
c) Thay đổi tổ chức bộ máy theo quy định tại Điều 7 và Điều 11 của Nghị định này;
d) Thay đổi thành viên bộ máy điều hành;
đ) Thay đổi cổ đông chiếm giữ từ 5% vốn điều lệ trở lên.
12. Bổ sung Điều 12b như sau:
“Điều 12b: Quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hàng không
1. Hãng hàng không chỉ được khai thác tàu bay khi có Giấy chứng nhận Người khai thác tàu bay (AOC) được cấp theo tiêu chuẩn kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định.
2. Việc chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không không có vốn đầu tư nước ngoài cho nhà đầu tư nước ngoài và việc tăng vốn của doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài chỉ được thực hiện sau 02 năm kể từ ngày được cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng không, trừ trường hợp mua bán cổ phiếu của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không có vốn đầu tư nước ngoài là công ty đại chúng theo quy định của điểm a, b Khoản 1 Điều 25 của Luật Chứng khoán và phải được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận.
3. Thủ tục chấp thuận việc chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, tăng vốncủa doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng khôngcho nhà đầu tư nước ngoài:
a) Doanh nghiệp gửi đề xuất chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, tăng vốncủa doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng khôngcho nhà đầu tư nước ngoài đến Cục Hàng không Việt Nam, trong đó bao gồm: Nhà đầu tư nhận chuyển nhượng,tham gia tăng vốn; điều kiện chuyển nhượng, tăng vốn; số cổ phần, phần vốn góp chuyển nhượng, tăng vốn.
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề xuất của doanh nghiệp, Cục Hàng không Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông vận tải kết quả thẩm định.
c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thẩm định của Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải xem xét, thông báo việc chấp thuận hoặc không chấp thuận cho doanh nghiệp và nêu rõ lý do.”
13. Bổ sung Điều 12c như sau:
“Điều 12c: Biện pháp quản lý quyền vận chuyển hàng không
1. Hãng hàng không được cấp quyền vận chuyển hàng không có trách nhiệm tuân thủ lịch bay, giờ cất hạ cánh đã được xác nhận.
3. Bộ Giao thông vận tải quy định các biện pháp bảo đảm việc tuân thủ lịch bay, giờ hạ cất cánh đã được xác nhận của các hãng hàng không.
14. Sửa đổi, bổ sung Điều 14 như sau:
“Điều 14. Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh cảng hàng không
1. Đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 63 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và được Bộ Giao thông vận tải thẩm định, đánh giá theo Phụ ước 14 của Công ước quốc tế về hàng không dân dụng,
2. Đáp ứng các điều kiện về vốn như sau:
a) Mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp cảng hàng không 200 tỷ đồng Việt Nam;
b) Tỷ lệ vốn của nhà đầu tư nước ngoài chiếm không quá 30% vốn điều lệ.”
15. Sửa đổi, bổ sung Điều 16 như sau:
“Điều 16. Điều kiện cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay
1. Đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 65 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và được Bộ Giao thông vận tải thẩm định, đánh giá theo phân ngành dịch vụ tương ứng quy định tại Khoản 1 Điều 15 của Nghị định này.
2. Đáp ứng điều kiện về vốn tương ứng quy định tại Điều 17 của Nghị định này”
16. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 18 như sau:
“1. Cá nhân, tổ chức đề nghị cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay phải gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc bằng các hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng không Việt Nam và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các thông tin trong hồ sơ. Hồ sơ bao gồm:
a) Văn bản đề nghị cấp giấy phép theo Mẫu số 03 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản chính văn bản xác nhận vốn;
c) Bản sao tài liệu chứng minh về bộ máy tổ chức, đội ngũ nhân viên được cấp chứng chỉ phù hợp, đáp ứng yêu cầu chuyên môn khai thác tại cảng hàng không, sân bay;
d) Tài liệu báo cáo của doanh nghiệp về bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không theo quy định của pháp luật.”
17. Sửa đổi, bổ sung Điều 21 như sau:
“Điều 21. Điều kiện cung cấp dịch vụ bảo dưỡng tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang thiết bị tàu bay tại Việt Nam
1. Tổ chức cung cấp dịch vụ bảo dưỡng tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang thiết bị tàu bay tại Việt Nam phải được Cục Hàng không Việt Nam cấp Giấy chứng nhận phê chuẩn tổ chức bảo dưỡng.
2. Điều kiện để cấp Giấy chứng nhận phê chuẩn tổ chức bảo dưỡng: Có tài liệu giải trình tổ chức bảo dưỡng.
3. Điều này chỉ áp dụng đối với trường hợp bảo dưỡng tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang thiết bị tàu bay tại Việt Nam đối với tàu bay đăng ký quốc tịch Việt Nam.”
18. Sửa đổi, bổ sung Điều 22 như sau:
“Điều 22. Điều kiện của cơ sở thiết kế, sản xuất hoặc thử nghiệm tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang thiết bị tàu bay tại Việt Nam
1. Có cơ sở thiết kế, sản xuất hoặc thử nghiệm tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang thiết bị tàu bay được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn và có quy trình chế tạo, thiết kế, sản xuất, bảo dưỡng, thử nghiệm.
2. Điều này chỉ áp dụng đối với trường hợp thiết kế, sản xuất hoặc thử nghiệm tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang thiết bị tàu bay tại Việt Nam theo Giấy chứng nhận loại do Cục Hàng không Việt Nam cấp.”
19. Sửa đổi, bổ sung Điều 23 như sau:
“Điều 23. Điều kiện kinh doanh dịch vụ bảo đảm hoạt động bay
1. Được Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy phép khai thác cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay và hệ thống kỹ thuật, thiết bị khi đáp ứng các yêu cầu về hệ thống kỹ thuật, trang thiết bị, quy trình khai thác đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành hàng không dân dụng.
2. Đáp ứng các điều kiện về vốn như sau:
a) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu, dịch vụ thông báo tin tức hàng không, dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn phải là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước;
b) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin dẫn đường giám sát, dịch vụ khí tượng hàng không có tỷ lệ vốn nhà nước không được thấp hơn 65% vốn điều lệ và tỷ lệ vốn góp của cá nhân, tổ chức nước ngoài chiếm không quá 30% vốn điều lệ của doanh nghiệp.”
20. Sửa đổi, bổ sung Điều 25 như sau:
“Điều 25. Yêu cầu đối với cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không
Cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
1. Có cơ sở hạ tầng đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành hàng không theo quy định;
2. Có chương trình đào tạo, giáo trình, tài liệu đào tạo huấn luyện theo quy định của Bộ Giao thông vận tải ban hành.”
21. Sửa đổi, bổ sung Điều 26 như sau:
“Điều 26. Giáo viên của cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không
1. Cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không phải có đủ giáo viên lý thuyết, giáo viên thực hành để đảm bảo mỗi môn học chuyên ngành hàng không phải có ít nhất 01 giáo viên giảng dạy.
2. Tiêu chuẩn giáo viên chuyên ngành hàng không: Có chứng chỉ chuyên môn theo quy định tại văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành hàng không hoặc có kinh nghiệm 5 năm làm việc trong lĩnh vực chuyên môn liên quan đến môn giảng dạy.”
Điều 2. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 22 Nghị định số 30/2013/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung như sau:
“2. Hồ sơ đề nghị bao gồm các tài liệu sau đây:
a) Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hàng không chung không vì mục đích thương mại theo Mẫu số 06 hoặc theo Mẫu số 10 quy định tại Phụ lục của Nghị định này đối với trường hợp cấp lại;
b) Bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực (trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp) Giấy phép thành lập hoặc Giấy phép hoạt động hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đối với tổ chức); Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu (đối với cá nhân);
c) Bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực (trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp) Giấy phép cư trú tại Việt Nam (đối với công dân nước ngoài thường trú tại Việt Nam); Giấy phép thành lập văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại Việt Nam (đối với văn phòng đại diện và chi nhánh của tổ chức nước ngoài);
d) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký quốc tịch tàu bay, Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay của tàu bay;
đ) Bản chính Phương án khai thác, bảo dưỡng tàu bay;
e) Bản sao Giấy phép, chứng chỉ phù hợp của thành viên tổ bay;
g) Bản sao Giấy phép hoạt động của cơ sở bảo dưỡng tàu bay;
h) Bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực (trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp) hợp đồng thuê bảo dưỡng tàu bay trong trường hợp thuê dịch vụ bảo dưỡng.”
Điều 3. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày tháng năm 2018.
2. Bãi bỏ Điều 13, Điều 25 và Điều 26 của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng;
3. Bãi bỏ khoản 2 Điều 22 Nghị định số 30/2013/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung
Điều 4. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ Giao thông vận tải tổ chức thi hành Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
| TM. CHÍNH PHỦ |
văn bản tiếng việt
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!