ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI -------- Số: 1733/QĐ-UBND | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------- Hà Nội, ngày 31 tháng 03 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN HỖ TRỢ NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG
VỀ NHÀ Ở TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-----------------------------------
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở;
Căn cứ Thông tư số 09/2013/TT-BXD ngày 01/7/2013 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở;
Căn cứ Thông tư số 98/2013/TT-BTC ngày 24/7/2013 của Bộ Tài chính Hướng dẫn việc quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán nguồn vốn hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở;
Căn cứ Văn bản số 1382/BXD-QLN ngày 10/7/2013 của Bộ Xây dựng về việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 9491/TTr-SXD ngày 02/12/2013
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn thành phố Hà Nội với nội dung chủ yếu sau:
I. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN;
Triển khai chương trình hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với người có công với cách mạng bằng hình thức xây dựng mới nhà ở hoặc sửa chữa nhà ở, góp phần cải thiện điều kiện sống, từng bước cải thiện nhà ở của người có công với cách mạng trên địa bàn Thành phố Hà Nội theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở (gọi tắt là Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg);
II. NỘI DUNG ĐỀ ÁN:
1. Đối tượng và điều kiện hỗ trợ (thực hiện Điều 2 - Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg):
Việc hỗ trợ hộ gia đình người có công với cách mạng về nhà ở phải có đủ các điều kiện sau:
1.1. Là hộ gia đình có người có công với cách mạng đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận, bao gồm:
a) Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945;
b) Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;
c) Thân nhân liệt sỹ;
d) Bà mẹ Việt Nam anh hùng;
đ) Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân;
e) Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến;
g) Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh;
h) Bệnh binh;
i) Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học;
k) Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày;
l) Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế;
m) Người có công giúp đỡ cách mạng.
1.2. Hộ đang ở nhà tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng (kể cả các hộ đã được hỗ trợ theo các chính sách khác trước đây) với mức độ như sau:
a) Phải phá dỡ để xây mới nhà ở;
b) Phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở.
2. Nguyên tắc hỗ trợ (thực hiện Điều 2 Thông tư số 09/2013/TT-BXD ngày 01/7/2013 của Bộ Xây dựng):
2.1. Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình có một hoặc nhiều người có công với cách mạng có nhà ở bị hư hỏng, dột nát (kể cả các hộ đã được hỗ trợ theo các chính sách khác trước đây mà nay nhà ở đã bị hư hỏng, dột nát) để các hộ gia đình này xây dựng nhà ở mới hoặc sửa chữa nhà ở hiện có, bảo đảm nâng cao điều kiện nhà ở của người có công với cách mạng.
2.2. Việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng phải bảo đảm công khai, minh bạch, tránh thất thoát, bảo đảm phân bổ công bằng và hợp lý các nguồn lực hỗ trợ.
2.3 Việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở được thực hiện theo phương châm Nhà nước hỗ trợ và khuyến khích cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp để xây dựng nhà ở bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng và phù hợp với điều kiện cụ thể của từng hộ gia đình; kết hợp, lồng ghép với các chương trình đầu tư, hỗ trợ khác của Trung ương và địa phương để phát huy hiệu quả chính sách.
2.4. Việc hỗ trợ người có công với cách mạng xây dựng mới nhà ở hoặc sửa chữa nhà ở phải bảo đảm yêu cầu sau đây:
a) Đối với trường hợp nhà ở phải phá dỡ để xây dựng lại thì nhà ở mới phải bảo đảm tiêu chuẩn 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng), có diện tích sử dụng tối thiểu là 30m2 (nếu là hộ độc thân thì có thể xây dựng nhà ở có diện tích sử dụng nhỏ hơn 30m2 nhưng không thấp hơn 24m2), có tuổi thọ từ 10 năm trở lên;
b) Đối với trường hợp nhà ở phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở thì sau khi sửa chữa phải bảo đảm tiêu chuẩn 2 cứng (khung - tường cứng, mái cứng), có tuổi thọ từ 10 năm trở lên, nhưng không yêu cầu phải đúng tiêu chuẩn về diện tích sử dụng quy định tại Điểm a Khoản này.
3. Mức hỗ trợ (thực hiện Điều 3 - Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg):
Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (bao gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) với mức sau:
3.1. Hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ đối với trường hợp phải phá dỡ để xây dựng mới nhà ở..
3.2. Hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ đối với trường hợp phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở
4. Nguồn vốn thực hiện (thực hiện Điều 5 Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg và Điều 4 Thông tư số 09/2013/TT-BXD ngày 01/7/2013 của Bộ Xây dựng):
a) Ngân sách Trung ương hỗ trợ 80%; Ngân sách Thành phố hỗ trợ 20%.
b) Nguồn huy động từ cộng đồng, dòng họ và đóng góp của chính hộ gia đình được hỗ trợ.
5. Số hộ gia đình được hỗ trợ về nhà ở:
Theo số liệu các quận, huyện, thị xã tổng hợp đề nghị hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg có 9.916 hộ gia đình. Trong đó:
+ 4.423 hộ gia đình xây dựng mới nhà ở;
+ 5.493 hộ gia đình sửa chữa nhà ở;
(Chi tiết tại Phụ lục số I kèm theo)
6. Kế hoạch thực hiện:
a) 6 tháng đầu năm 2014: hỗ trợ cho 551 hộ nằm trong danh sách báo cáo Đoàn Giám sát Ủy ban TVQH năm 2012. Cụ thể:
- Hỗ trợ xây mới: 222 hộ x 40 triệu = 8.880 triệu đồng;
- Hỗ trợ sửa chữa: 329 hộ x 20 triệu = 6.580 triệu đồng;
Tổng: 15.460 triệu đồng.
Trong đó:
+ Ngân sách Trung ương hỗ trợ: 15.460 triệu x 80% = 12.368 triệu đồng;
+ Ngân sách địa phương hỗ trợ: 15.460 triệu x 20% = 3.092 triệu đồng;
b) 6 tháng cuối năm 2014:
- Hỗ trợ xây mới: 840 hộ x 40 triệu = 33.600 triệu đồng;
- Hỗ trợ sửa chữa: 1.033 hộ x 20 triệu = 20.660 triệu đồng;
Tổng: 54.260 triệu đồng.
Trong đó:
+ Ngân sách Trung ương hỗ trợ: 54.260 triệu x 80% = 43.408 triệu đồng;
+ Ngân sách địa phương hỗ trợ: 54.260 triệu x 20% = 10.852 triệu đồng;
c) Năm 2015:
- Hỗ trợ xây mới: 1.680 hộ x 40 triệu = 67.200 triệu đồng;
- Hỗ trợ sửa chữa: 2.066 hộ x 20 triệu = 41.320 triệu đồng
Tổng: 108.520 triệu đồng.
Trong đó:
+ Ngân sách Trung ương hỗ trợ: 108.520 triệu x 80% = 86.816 triệu đồng;
+ Ngân sách địa phương hỗ trợ: 108.520 triệu x 20% = 21.704 triệu đồng;
d) Năm 2016:
- Hỗ trợ xây mới: 1.681 hộ x 40 triệu = 67.240 triệu đồng;
- Hỗ trợ sửa chữa: 2.065 hộ x 20 triệu = 41.300 triệu đồng
Tổng: 108.540 triệu đồng.
Trong đó:
+ Ngân sách Trung ương hỗ trợ: 108.540 triệu x 80% = 86.832 triệu đồng;
+ Ngân sách địa phương hỗ trợ: 108.540 triệu x 20% = 21.708 triệu đồng;
(Chi tiết tại Phụ lục số II)
Khi thực hiện kế hoạch hàng năm, việc hỗ trợ được thực hiện theo thứ tự ưu tiên như sau:
- Hộ gia đình người có công mà nhà ở có nguy cơ sập đổ, không an toàn khi sử dụng;
- Hộ gia đình mà người có công cao tuổi;
- Hộ gia đình người có công là dân tộc thiểu số;
- Hộ gia đình người có công có hoàn cảnh khó khăn;
- Hộ gia đình người có công thuộc vùng thường xuyên xảy ra thiên tai;
7. Chi phí quản lý:
Ngân sách địa phương bố trí kinh phí quản lý triển khai thực hiện chính sách là 0,5 % tổng kinh phí Ngân sách Nhà nước hỗ trợ để thực hiện chính sách theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Thông tư số 98/22013/TT-BTC ngày 24/7/2013 của Bộ Tài chính, số tiền: 1.434 triệu đồng (làm tròn số).
Chi phí quản lý để chi cho công tác quản lý, triển khai thực hiện. Cụ thể:
+ Chi công tác triển khai, hội họp, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất của Ban chỉ đạo Thành phố về hỗ trợ người có công với cách mạng;
+ Chi phí lập Đề án về việc hỗ trợ người có công với cách mạng trên địa bàn Thành phố Hà Nội;
+ Chi phí hỗ trợ thực hiện thiết kế mẫu nhà ở để các hộ gia đình được hỗ trợ tham khảo, lựa chọn;
+ Chi hỗ trợ công tác nghiệm thu nhà ở;
+ Chi công việc khác có liên quan.
- Tổng dự toán kinh phí thực hiện Đề án, gồm:
+ Kinh phí hỗ trợ: 286.780 triệu đồng
+ Kinh phí quản lý: 1.434 triệu đồng
288.214 triệu đồng
(Hai trăm tám mươi tám nghìn, hai trăm mười bốn triệu đồng chẵn)
8. Cấp phát kinh phí thực hiện hỗ trợ:
- Căn cứ số vốn hỗ trợ từ Ngân sách Trung ương, vốn bố trí từ ngân sách Thành phố theo dự toán đã được phê duyệt, việc cấp phát kinh phí được thực hiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 98/2013/TT-BTC. Trong đó, lưu ý việc cấp phát vốn cho các hộ gia đình người có công để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở được thực hiện 02 giai đoạn, cụ thể:
+ Giai đoạn 1: Tạm ứng lần đầu cho hộ gia đình người có công được hỗ trợ 60% mức vốn hỗ trợ. UBND cấp xã phải hướng dẫn từng hộ gia đình được hỗ trợ lập đề nghị theo mẫu đề nghị tạm ứng kinh phí tại Phụ lục số I - Thông tư 98/2013/TT-BTC.
+ Giai đoạn 2: Sau khi có biên bản xác nhận hoàn thành xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở đưa vào sử dụng của UBND cấp xã theo quy định tại Phụ lục số VI Thông tư số 09/2013/TT-BXD ngày 01/7/2013 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở (Thông tư 09/2013/TT-BXD), UBND cấp xã thực hiện việc chi trả cho hộ gia đình được hỗ trợ vốn hỗ trợ còn lại (sau khi trừ tạm ứng).
- Việc quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán kinh phí hỗ trợ được thực hiện theo quy định tại Thông tư 98/2013/TT-BTC.
9 Thực hiện xây dựng, sửa chữa nhà ở:
a) Yêu cầu về tổ chức xây dựng, sửa chữa nhà ở:
- Căn cứ vào điều kiện, tình hình cụ thể của hộ gia đình được hỗ trợ, UBND cấp xã thống nhất với hộ gia đình về thời hạn hoàn thành việc xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở được hỗ trợ cho phù hợp với tiến độ theo quy định tại Đề án này.
- Hộ gia đình sau khi nhận được tạm ứng vốn hỗ trợ theo quy định Điểm b Điều 10 của Đề án này, thì tự tổ chức xây dựng nhà ở. Trường hợp hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, khuyết tật,…) không có khả năng tự tổ chức xây dựng, sửa chữa nhà ở của mình thì UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các hộ này.
- UBND cấp xã thành lập Ban Giám sát và nghiệm thu xây dựng, sửa chữa nhà ở gồm các thành viên có am hiểu về công tác xây dựng, bao gồm: đại diện UBND cấp xã, Tổ tướng tổ dân phố nơi có nhà ở và đại diện hộ gia đình được hỗ trợ tham gia để thực hiện việc nghiệm thu xây dựng, sửa chữa nhà ở đồng thời theo dõi, giám sát, giúp đỡ các hộ gia đình trong quá trình xây dựng, sửa chữa nhà ở và vận động cá nhân, tổ chức, đoàn thể giúp đỡ các hộ gia đình, tận dụng cao nhất khả năng huy động nguồn lực từ cộng đồng và chính hộ gia đình được hỗ trợ về nhân công, khai thác, tận dụng vật liệu,…..
- Nghiệm thu giai đoạn đầu việc xây dựng nhà ở: Khi hộ gia đình hoàn thành xây dựng phần nền móng và khung - tường nhà ở thì Ban Giám sát và nghiệm thu của UBND cấp xã phải tổ chức kiểm tra thực tế để thực hiện việc xác nhận xây dựng nhà ở hoàn thành theo giai đoạn theo mẫu hướng dẫn tại Phụ lục số V của Thông tư số 09/2013/TT-BXD.
b) Yêu cầu về lập hồ sơ hoàn công về hỗ trợ nhà ở:
- UBND cấp xã có trách nhiệm lập hồ sơ hoàn công cho từng hộ gia đình được hỗ trợ nhà ở, bao gồm:
1) Đơn đề nghị hỗ trợ về nhà ở (theo mẫu quy định tại Phụ lục số I - Thông tư 09/2013/TT-BXD ngày 01/7/2013 của Bộ Xây dựng);
2) Sổ hộ khẩu (photo);
3) Bản sao một trong các giấy tờ sau với từng loại đối tượng người có công với cách mạng được hỗ trợ theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg hoặc xác nhận của Phòng Lao động Thương binh và Xã hội đang quản lý đối tượng người có công.
4) Biên bản xác nhận xây dựng nhà ở hoàn thành theo giai đoạn (mẫu hướng dẫn tại Phụ lục số V của Thông tư số 09/2013/TT-BXD).
5) Biên bản xác nhận hoàn thành xây dựng nhà ở đưa vào sử dụng (theo mẫu hướng dẫn tại Phụ lục số VI của Thông tư số 09/2013/TT-BXD).
6) Các chứng từ giải ngân nguồn vốn hỗ trợ:
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1.Sở Xây dựng: Là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm:
- Sở Xây dựng chủ trì cùng các Sở: Tài chính, Kế hoạch Đầu tư, Lao động Thương binh và Xã hội lập dự toán trình UBND Thành phố quyết định giao;
- Căn cứ danh sách, mức hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở của UBND cấp huyện đã báo cáo trước ngày 30/10/2013 và kế hoạch thực hiện tại Đề án này, Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Sở: Tài chính, Kế hoạch Đầu tư, Lao động Thương binh và Xã hội phân bổ kế hoạch thực hiện cho các quận, huyện, thị xã và hướng dẫn các quận, huyện, thị xã thực hiện;
- Kiểm tra, đôn đốc các đơn vị triển khai đúng phần công việc được phân công, đảm bảo tiến độ, thời gian thực hiện;
- Tổng hợp báo cáo UBND Thành phố, Bộ Xây dựng tình hình, tiến độ, kết quả thực hiện việc hỗ trợ về nhà ở cho người có công;
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra báo cáo UBND Thành phố xử lý các hành vi vi phạm trong việc thực hiện hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg.
- Thường xuyên phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy, và các Sở: Thông tin và Truyền thông, Lao động Thương binh và Xã hội: tổ chức công tác tập huấn, giải thích, tuyên truyền chính sách trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người hiểu và thực hiện đúng đối tượng, đúng chế độ, tổng hợp những vấn đề phát sinh báo cáo UBND Thành phố.
2. Các Sở: Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Hướng dẫn các ngành, đơn vị quản lý, sử dụng, thanh quyết toán các nguồn kinh phí hỗ trợ người có công theo quy định;
- Phối hợp với Sở Xây dựng thực hiện nhiệm vụ nêu tại Khoản 1 Mục này;
3. Sở Lao động Thương binh và Xã hội:
- Phối hợp với Sở Xây dựng thực hiện nhiệm vụ nêu tại Khoản 1 Mục này.
- Hướng dẫn, giải quyết kiến nghị liên quan đến việc xác nhận đối tượng là người có công với cách mạng được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg.
4. UBND các quận, huyện, thị xã:
- Phổ biến, quán triệt nội dung đề án này đến Ủy ban nhân dân các phường, xã, thị trấn.
- Rà soát, khảo sát, tổng hợp và phê duyệt danh sách người có công được hỗ trợ về nhà ở trên địa bàn.
- Kiểm tra, xem xét cấp Giấy phép xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở cho hộ gia đình được hỗ trợ theo quy định.
- Căn cứ vào danh sách, mức hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở đã báo cáo trước ngày 30/10/2013 và phân bổ kế hoạch của Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện, thị xã phân bổ kế hoạch thực hiện cho từng xã, phường, thị trấn;
- Hướng dẫn xã, phường, thị trấn thực hiện việc hỗ trợ người có công về nhà ở; quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng đối tượng; công khai kết quả thực hiện hỗ trợ nhà theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
- Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên toàn địa bàn quận, huyện, thị xã;
- Thanh tra, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo UBND Thành phố các hành vi vi phạm trong việc thực hiện hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg.
5. UBND các xã, phường, thị trấn:
- Niêm yết công khai danh sách và mức hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg tại trụ sở UBND.
- Vận động các hộ tự xây dựng nhà ở; vận động các hội, đoàn thể, dòng họ, nhân dân hỗ trợ vật tư, ngày công;….
- Lập dự toán, cấp phát, thanh toán và quyết toán kinh phí thực hiện hỗ trợ theo đúng quy định tại Thông tư số 98/2013/TT-BTC.
- Tổ chức xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn không có khả năng tự xây dựng, sửa chữa nhà ở được (gia đình có hoàn cảnh già cả, neo đơn, khuyết tật,….).
- Giám sát để các hộ gia đình sử dụng tiền hỗ trợ nhà ở cho người có công đúng mục đích, bảo đảm chất lượng nhà ở sau khi xây dựng hoặc sửa chữa.
- Tổ chức việc nghiệm thu, lập hồ sơ hoàn công việc xây dựng, sửa chữa nhà ở của từng họ gia đình được hỗ trợ theo quy định tại đề án này.
- Tổng hợp, báo cáo UBND quận, huyện, thị xã kết quả thực hiện việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố; Giám đốc các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông; Giám đốc Kho bạc nhà nước thành phố Hà Nội; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn; Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Như Điều 2; - Thủ tướng Chính phủ; - Thường trực Thành ủy; - Thường trực HĐND Thành phố; - Đ/c Chủ tịch UBND Thành phố; - Văn phòng Chính phủ; - Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Lao động Thương binh và Xã hội, Tư pháp, Tài Chính; - Website Chính Phủ; - Các Phó Chủ tịch UBND TP; - Văn phòng: Thành Ủy; VP ĐĐBQHN & HĐND; - Các PCVPUBNDTP, TH, các Phòng CV; - Trung tâm tin học công báo (để đăng công báo); - Lưu: VT, XDq.Sxd. | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH Nguyễn Văn Khôi |