Sơn lại nhà chung cư có phải xin phép không?
Khoản 5 Điều 6 Luật Nhà ở nêu rõ, một trong các hành vi bị nghiêm cấm gồm:
Chiếm dụng diện tích nhà ở trái pháp luật; lấn chiếm không gian và các phần thuộc sở hữu chung hoặc của các chủ sở hữu khác dưới mọi hình thức; tự ý thay đổi kết cấu chịu lực hoặc thay đổi thiết kế phần sở hữu riêng trong nhà chung cư.
Đồng thời, khoản 30 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 có nêu các trường hợp phải được miễn giấy phép xây dựng gồm:
- Công trình sửa chữa, cải tạo bên trong hoặc mặt ngoài nhưng không tiếp giáp đường có yêu cầu về quản lý kiến trúc.
- Việc sửa chữa, cải tạo không làm thay đổi công năng sửa chữa, không ảnh hưởng đến an toàn kết cấu chịu lực của công trình, phù hợp với quy hoạch xây dựng cũng như yêu cầu về an toàn phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường.
Như vậy, nếu người dân sinh sống trong chung cư nếu chỉ sơn lại tường, thay đổi thiết kế bên trong của căn hộ mà không làm thay đổi kết cấu chịu lực của căn hộ… thì không cần phải xin giấy phép xây dựng.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, đây là quy định áp dụng với chủ sở hữu căn hộ chung cư hoặc chủ đầu tư. Nếu người thuê căn hộ chung cư muốn sơn lại căn hộ chung cư hoặc thay đổi một số nội thất đơn giản của căn hộ thì phải xin phép chủ sở hữu chung cư hoặc thực hiện theo thoả thuận trong hợp đồng thuê nhà.
Thủ tục xin giấy phép khi sửa nhà chung cư
Để xin giấy phép xây dựng khi sửa chung cư trong trường hợp phải xin giấy phép xây dựng thì người có nhu cầu phải thực hiện theo thủ tục sau đây:
Chuẩn bị hồ sơ
Căn cứ Điều 96 Luật Xây dựng năm 2014 sửa đổi, bổ sung năm 2020, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng khi sửa chữa, cải tạo căn hộ chung cư gồm:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo công trình.
- Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, quản lý, sử dung chung cư (bản sao): Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc hợp đồng thuê nhà…
- Bản vẽ, ảnh chụp hiện trạng của phần căn hộ đề nghị cải tạo, sửa chữa.
Số lượng hồ sơ: 02 bộ hồ sơ đề nghị (căn cứ điểm a khoản 1 Điều 102 Luật Xây dựng 2014).
Thời gian giải quyết
Quy trình cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo chung cư thực hiện theo Điều 102 Luật Xây dựng như sau:
Bước 1: Chủ đầu tư nộp 02 bộ hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền.
Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và ghi giấy biên nhận nếu hồ sơ đủ, đúng quy định hoặc hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ.
Bước 3: Thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực địa trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ. Trong quá trình thẩm định, phải xác định tài liệu còn thiếu, không đúng để thông báo 01 lần bằng văn bản để chủ đầu tư bổ sung, hoàn thiện.
+ Hồ sơ bổ sung chưa đáp ứng yêu cầu: Thông báo bằng văn bản hướng dẫn trong thời hạn 05 ngày làm việc.
+ Hồ sơ bổ sung không đáp ứng nội dung theo thông báo: Thông báo về việc không cấp giấy phép trong thời hạn 03 ngày làm việc.
Cơ quan cấp giấy phép
Căn cứ Điều 103 Luật Xây dựng 2014 sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Luật sửa đổi 2020:
- Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh: Cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh trừ công trình thuộc UBND cấp huyện cấp.
- UBND cấp huyện: Công trình cấy III, cấp IV và nhà ở riêng lẻ.
Chi phí xin giấy phép xây dựng
Căn cứ khoản 6 Điều 3 Thông tư 85/2019/TT-BTC, lệ phí cấp giấy phép xây dựng thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Theo đó, có thể kể đến lệ phí của một số tỉnh, thành như sau:
STT | Cấp giấy phép | Lệ phí (đồng/giấy phép) |
1 | TP. Hồ Chí Minh (Nghị quyết số 18/2017/NQ-HĐND) | |
1.1 | Xây dựng nhà ở riêng lẻ | 75.000 |
1.2 | Xây dựng các công trình khác | 150.000 |
1.3 | Gia hạn, cấp lại, điều chỉnh | 15.000 |
2 | TP. Hà Nội (Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND) | |
2.1 | Cấp mới với nhà ở riêng lẻ (thuộc đối tượng phải có giấy phép) | 75.000 |
2.2 | Cấp mới với công trình khác | 150.000 |
2.3 | Gia hạn | 15.000 |
3 | TP. Đà Nẵng (Nghị quyết 57/2016/NQ-HĐND) | |
3.1 | Cấp mới với nhà ở riêng lẻ | 50.000 |
3.2 | Cấp mới với công trình khác | 100.000 |
3.3 | Gia hạn | 10.000 |
Trên đây là quy định về việc: Có phải xin phép khi sơn lại nhà chung cư không? Nếu còn vướng mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.