Vừa khiếu nại vừa khởi kiện tranh chấp đất đai được không?

Tùy thuộc vào trường hợp cụ thể mà tranh chấp đất đai sẽ được giải quyết theo những hình thức, thủ tục khác nhau. Vậy, có thể vừa vừa khiếu nại vừa khởi kiện tranh chấp đất đai được không?

Để biết người sử dụng đất có thể vừa khiếu nại vừa khởi kiện tranh chấp đất đai được hay không hãy xem thế nào là khiếu nại, khởi kiện tranh chấp đất đai và thủ tục giải quyết để có câu trả lời, cụ thể:

Khiếu nại, khởi kiện tranh chấp đất đai là gì?

* Khiếu nại trong giải quyết tranh chấp đất đai là gì?

Căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại 2011 quy định:

Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình

Do đó, có thể hiểu, khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi hành chính của cơ quan Nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan Nhà nước là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích của mình người người sử dụng đất hoặc người có quyền lợi liên quan có thể thực hiện khiếu nại theo thủ tục tại Luật Khiếu nại.

Theo đó, đối tượng khiếu nại trong giải quyết tranh chấp đất đai gồm quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, cá nhân có thẩm quyền trong cơ quan hành chính khi giải quyết tranh chấp đất đai, cụ thể:

- Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định từ chối giải quyết tranh chấp đất đai dù có đủ căn cứ giải quyết,…

- Hành vi hành chính trong giải quyết tranh chấp đất đai là hành vi của cá nhân có thẩm quyền khi giải quyết tranh chấp đai như chậm thực hiện, thực hiện không đúng, gây khó dễ cho người sử dụng đất,…

Như vậy, khi các bên xảy ra tranh chấp đất đai thì không thể khiếu nại để giải quyết vì đây là việc xung đột về quyền và lợi ích giữa hai hoặc nhiều bên trong tranh chấp đó.

Khiếu nại trong giải quyết tranh chấp đất đai chỉ được thực hiện khi các bên đề nghị cơ quan hành chính nhà nước giải quyết theo quy định nhưng cơ quan đó, cá nhân có thẩm quyền trong cơ quan không giải quyết, chậm giải quyết hoặc giải quyết nhưng không đồng ý với quyết định đó.

* Khởi kiện tranh chấp đất đai gì?

Khởi kiện tranh chấp đất đai là việc chủ thể tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật đất đai, Bộ luật Tố tụng dân sự quyết định đưa tranh chấp đất đai ra Tòa án nhân dân để giải quyết.

Như vậy, có thể thấy khiếu nại trong giải quyết tranh chấp đất đai và khởi kiện tranh chấp đất đai thực hiện theo quy định của các luật khác nhau. Khiếu nại sẽ căn cứ theo Luật Khiếu nại, trong khi đó khởi kiện tranh chấp đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai và Bộ luật Tố tụng dân sự.

Tuy nhiên thủ tục, căn cứ pháp lý giải quyết khác nhau không đồng nghĩa với việc được tiến hành song song để giải quyết một tranh chấp.

Vừa khiếu nại vừa khởi kiện tranh chấp đất đai
Có thể vừa khiếu nại vừa khởi kiện tranh chấp đất đai không? (Ảnh minh họa)

Vừa khiếu nại vừa khởi kiện tranh chấp đất đai được không?

Điều 236 Luật Đất đai 2024 quy định tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất mà không thành thì được giải quyết như sau:

(1) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định Bộ luật Tố tụng dân sự

Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận (Sổ đỏ, Sổ hồng) hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137 Luật Đất đai 2024 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết.

(2) Lựa chọn giải quyết tại Tòa án hoặc Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giải quyết

Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137 Luật Đất đai 2024 thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:

- Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

- Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền, cụ thể:

+ Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương)

Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.

+ Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết;

Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.

Như vậy, không thể vừa khởi kiện vừa khiếu nại tranh chấp đất đai.

Nội dung này cũng được khẳng định rõ trong thủ tục khiếu nại quy định tại Điều 7 Luật Khiếu nại 2011 như sau:

- Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

- Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

- Nếu người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Kết luận: Mặc dù được giải quyết theo thủ tục khác nhau nhưng không thể vừa khiếu nại vừa khởi kiện tranh chấp đất đai. Điều này cũng không khó hiểu, bởi lẽ nếu giải quyết đồng thời theo nhiều thủ tục sẽ tốn thời gian, nguồn lực và không thể có 02 quyết định giải quyết đồng thời có hiệu lực.

Nếu bạn đọc có vướng mắc hãy gọi đến tổng đài 1900.6192 để được giải quyết theo quy định.

Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Điểm mới của Nghị định 175 về quản lý hoạt động xây dựng so với Nghị định 15

Điểm mới của Nghị định 175 về quản lý hoạt động xây dựng so với Nghị định 15

Điểm mới của Nghị định 175 về quản lý hoạt động xây dựng so với Nghị định 15

Nghị định 175 đã tập trung sửa đổi những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở phát triển kinh tế, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Dưới đây là điểm mới của Nghị định 175 về quản lý hoạt động xây dựng so với Nghị định 15.

9 trường hợp bắt buộc phải đổi sang mẫu Sổ đỏ mới từ 01/01/2025

9 trường hợp bắt buộc phải đổi sang mẫu Sổ đỏ mới từ 01/01/2025

9 trường hợp bắt buộc phải đổi sang mẫu Sổ đỏ mới từ 01/01/2025

Từ 01/01/2025, mẫu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mới chính thức bắt đầu được áp dụng. Cùng LuatVietnam cập nhật 09 trường hợp bắt buộc phải đổi sang mẫu Sổ đỏ mới từ 01/01/2025 trong bài viết dưới đây.

Cách đọc thửa đất trên bản đồ địa chính từ 15/01/2025

Cách đọc thửa đất trên bản đồ địa chính từ 15/01/2025

Cách đọc thửa đất trên bản đồ địa chính từ 15/01/2025

Vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư 26/2024/TT-BTNMT quy định về kỹ thuật đo đạc lập bản đồ địa chính bắt đầu có hiệu lực từ 15/01/2025, thay thế cho Thông tư 25/2014/TT-BTNMT cũ. Vậy cách đọc thửa đất trên bản đồ địa chính từ 15/01/2025 theo Thông tư 26 như thế nào? Cùng tìm hiểu.

Pháp luật cấm lập vi bằng mua bán nhà đất không có Sổ đỏ?

Pháp luật cấm lập vi bằng mua bán nhà đất không có Sổ đỏ?

Pháp luật cấm lập vi bằng mua bán nhà đất không có Sổ đỏ?

Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định và trong nhiều trường hợp phải có giấy tờ nhất định. Vậy, pháp luật cấm lập vi bằng mua bán nhà đất không có Sổ đỏ, Sổ hồng không?