1. Điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà tại Việt Nam
Căn cứ Điều 8 Luật Nhà ở 2023, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là một trong những đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Mặc dù thuộc đối tượng sở hữu nhà ở tại Việt Nam nhưng để được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì phải đáp ứng được điều kiện theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 8 Luật Nhà ở 2023:
b) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai;
Bên cạnh đó điểm b,c khoản 3 Điều 3 Nghị định 95/2024/NĐ-CP quy định giấy tờ chứng minh điều kiện được sở hữu nhà ở được quy định như sau:
b) Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam thì phải có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị có đóng dấu nhập cảnh vào Việt Nam tại thời điểm tạo lập nhà ở quy định tại khoản 2 Điều 8 của Luật Nhà ở;
c) Đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải có hộ chiếu còn giá trị có đóng dấu nhập cảnh vào Việt Nam hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh vào Việt Nam tại thời điểm ký kết giao dịch về nhà ở;
2. Quy định cấp Giấy chứng nhận cho chủ sở hữu nhà ở
Điều 9 Nghị định 95/2024/NĐ-CP quy định:
Điều 9. Công nhận quyền sở hữu nhà ở
1. Tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện và có nhà ở hợp pháp quy định tại Điều 8 của Luật này được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền sở hữu nhà ở thông qua việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận), trừ trường hợp nhà ở thuộc tài sản công.
Nhà ở được ghi nhận quyền sở hữu trong Giấy chứng nhận phải là nhà ở có sẵn. Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho chủ sở hữu nhà ở được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
Như vậy, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở nếu có đủ điều kiện sau:
- Có giấy tờ chứng minh tạo lập nhà ở hợp pháp (tuân thủ điều kiện và hình thức) theo quy định Luật Nhà ở, pháp luật kinh doanh bất động sản, pháp luật có liên quan.
- Có giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở theo quy định.
3. Việt kiều được mua đất tại Việt Nam
Việt kiều là tên thường gọi của “người Việt Nam định cư ở nước ngoài”. Theo khoản 3 Điều 3 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 có quy định như sau:
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.
Theo đó, Việt kiều được hiểu là những công dân Việt Nam đang cư trú và sinh sống ở ngoài lãnh thổ nước Việt Nam. Họ có thể vẫn đang còn quốc tịch Việt Nam và/hoặc đang có quốc tịch của quốc gia họ đang sinh sống.
Theo quy định tại Luật Đất đai 2024, từ 01/8/2024, quyền mua đất của Việt Kiều chỉ hạn chế đối với “người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài”.
Còn “người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam” hoàn toàn có thể được nhận quyền sử dụng đất, được trực tiếp tham gia giao dịch bất động sản trong nước… từ 01/8/2024 mà không cần phải nhờ người thân trong nước đứng tên thực hiện giao dịch chuyển nhượng.
Trước đây, các quy định về luật đất đai đều sử dụng chung cụm từ “người Việt Nam định cư ở nước ngoài”. Theo đó, cả 02 đối tượng “người Việt Nam định cư ở nước ngoài” bao gồm công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài và người gốc Việt Nam sinh sống, cư trú ở nước ngoài chỉ được:
- Mua quyền sử dụng đất trong dự án đầu tư, phát triển nhà ở.
- Mua quyền sử dụng đất dân nhưng phải có nhà ở gắn liền với đất (nếu chỉ có đất thì sẽ không được mua)
(điểm đ khoản 1 Điều 169 Luật Đất đai 2013 và điểm b khoản 2 Điều 8 Luật nhà ở số 65/2014/QH13)
Tuy nhiên mới đây, Luật Đất đai 2024 sửa đổi đã quy định mở rộng quyền mua đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Đất đai 2024, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài được thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ về quyền sử dụng đất giống như cá nhân trong nước.
Theo đó, các cá nhân hoàn toàn có thể được trực tiếp tham gia mua bán bất động mà không bị giới hạn về quyền thực hiện giao dịch chuyển nhượng.
Bên cạnh quyền mua đất, người gốc Việt định cư ở nước ngoài cũng sẽ được quyền thuê mua nhà ở và nhận quyền sử dụng đất thông qua các dự án phát triển nhà ở. Luật Đất đai 2024 cũng cho phép được quyền thừa kế quyền sử dụng đất và nhà ở gắn liền với đất khác theo quy định.
Hiện tại, Luật Đất đai 2024 vẫn giữ nguyên quy định liên quan đến tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, và khu công nghệ cao (khoản c Điều 28 Luật Đất đai 2024).
Khoản d Điều 28 Luật Đất đai 2024 cũng quy định người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ được thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê đất.
4. Việt kiều được đứng tên Sổ đỏ, Sổ hồng
Căn cứ khoản 2 Điều 44 Luật Đất đai 2024, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc trường hợp được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Sổ hồng, Sổ đỏ).
Khoản 1 Điều 32 Thông tư số 10/2024/TT-BTNMT quy định cách ghi thông tin người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở là người Việt Nam định cư ở nước ngoài trên Giấy chứng nhận như sau:
Cá nhân nước ngoài hoặc người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài thì thể hiện các thông tin: “Ông” hoặc “Bà”, họ và tên, quốc tịch, tên và số giấy tờ nhân thân.
Trên đây là một số quy định mà Việt kiều mua nhà đất tại Việt Nam cần biết để biết rõ những quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Nếu bạn đọc có vướng mắc về nội dung trên hãy gọi tới tổng đài 1900.6192 để được giải đáp.