Tự ý sửa nhà chung cư để kinh doanh, có bị phạt không?

Với sự phát triển của các loại hình kinh doanh, việc sử dụng chung cư để làm nơi kinh doanh không hiếm gặp. Vậy có phải mọi chung cư đều được dùng để kinh doanh không?


Có được dùng chung cư làm địa điểm kinh doanh không?

Khoản 3 Điều 2 Luật Nhà ở 2023 định nghĩa nhà chung cư như sau:

3. Nhà chung cư là nhà ở có từ 02 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp.

Bên cạnh đó, khoản 4 và khoản 5 Điều luật này cũng quy định rõ:

- Nhà chung cư có mục đích để ở là nhà chung cư được thiết kế, xây dựng chỉ sử dụng cho mục đích để ở.

- Nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp là nhà chung cư được thiết kế, xây dựng để sử dụng vào mục đích ở và sử dụng vào mục đích khác như làm văn phòng, dịch vụ, thương mại.

Theo quy định này, chung cư có hai loại mục đích sử dụng: Chung cư được xây để ở và chung cư được xây để sử dụng hỗn hợp (để ở và làm văn phòng, kinh doanh dịch vụ, thương mại).

Do đó, không phải mọi chung cư đều chỉ được dùng để ở mà không phép kinh doanh:

- Chung cư được xây để ở: Thiết kế, kiến trúc của toà chung cư chỉ được dùng để ở mà không được phép dùng để kinh doanh.

- Chung cư được xây để sử dụng hỗn hợp: Chung cư này có thể sử dụng để ở hoặc dùng vào mục đích khác như làm văn phòng làm việc, công ty, doanh nghiệp…

Đồng nghĩa, hoàn toàn có quyền sử dụng nhà chung cư để làm địa điểm kinh doanh nhưng phải sử dụng đúng mục đích đã được phê duyệt khi chủ đầu tư được xây dựng chung cư.

Như vậy, người dân vẫn được dùng chung cư để làm địa điểm kinh doanh nhưng phải là loại chung cư được xây dựng để sử dụng cho mục đích hỗn hợp.

Chung cư phải được sử dụng đúng mục đích đã được phê duyệt (Ảnh minh họa)

Tự ý sửa nhà chung cư để kinh doanh, bị phạt thế nào?

Điểm c khoản 8 Điều 3 Luật Nhà ở 2023 cấm hành vi:

c) Tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung của nhà chung cư; sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở; thay đổi, làm hư hại kết cấu chịu lực; chia, tách căn hộ không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;

Theo đó, hành vi tự ý sử dụng căn hộ chung cư để ở sang kinh doanh là hành vi vi phạm pháp luật và có thể sẽ bị phạt hành chính và có thể bị xử phạt theo một trong các mức nêu tại Nghị định 16/2022/NĐ-CP sau đây:

- Từ 20 - 40 triệu đồng: Kinh doanh tại phần diện tích không dùng để kinh doanh của nhà chung cư (điểm d khoản 1 Điều 70) hoặc sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở (điểm e khoản 1 Điều 70).

- Từ 60 - 80 triệu đồng: Tự ý thay đổi kết cấu chịu lực/phần sở hữu riêng trong nhà chung cư (điểm b khoản 2 Điều 70); Sử dụng sai mục đích phần diện tích thuộc sở hữu chung/diện tích làm dịch vụ trong nhà chung cư hỗn hợp (điểm d khoản 2 Điều 70).

Như vậy, tuỳ vào tính chất của việc tự ý sửa nhà chung cư để kinh doanh, người vi phạm có thể bị phạt đến 80 triệu đồng. Nếu còn vướng mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục