Trước đây, giao dịch mua bán đất bằng giấy viết tay diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên không phải mọi giao dịch mua bán đất bằng giấy viết tay đều vô hiệu. Vậy, trường hợp nào mua bán đất bằng giấy viết tay có hiệu lực?
1. Hiểu thế nào về mua bán đất bằng giấy viết tay?
Trước tiên cần hiểu mua bán đất là cách gọi phổ biến của người dân về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Pháp luật hiện nay không có quy định cụ thể giải thích thế nào là “mua bán đất bằng giấy viết tay”. Tuy nhiên có thể hiểu mua bán đất bằng giấy viết tay là việc hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không được công chứng hoặc chứng thực theo quy định.
Việc hiểu đúng về mua bán đất bằng giấy viết tay tại từng thời điểm có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định xem giao dịch mua bán đó có hiệu lực hay không.
2. Trường hợp nào mua bán đất bằng giấy viết tay vẫn có hiệu lực?
Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 và khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013, khi chuyển nhượng nhà đất phải công chứng hoặc chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp theo quy định tại khoản 2 Điều 129 Bộ luật Dân sự 2015. Trường hợp thực hiện giao dịch mua bán đất nhưng không công chứng, chứng thực sẽ bị coi là giao dịch dân sự vô hiệu.
Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp giao dịch mua bán đất không có công chứng chứng thực (tức trường hợp mua bán đất bằng giấy viết tay) đều vô hiệu. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 82 Nghị định 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 54 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP quy định thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận đối với trường hợp đã chuyển quyền sử dụng đất nhưng chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền như sau:
“1. Các trường hợp đang sử dụng đất sau đây mà chưa được cấp Giấy chứng nhận và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì người đang sử dụng đất thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu theo quy định của Luật đất đai và quy định tại Nghị định này mà không phải làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất; cơ quan tiếp nhận hồ sơ không được yêu cầu người nhận chuyển quyền sử dụng đất nộp hợp đồng, văn bản chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật:
a) Sử dụng đất do nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trước ngày 01 tháng 01 năm 2008;
b) Sử dụng đất do nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất từ ngày 01 tháng 01 năm 2008 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 mà có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 của Luật đất đai và Điều 18 của Nghị định này”
Như vậy, trường hợp đang sử dụng đất do nhận chuyển nhượng trước ngày 01/7/2014 thì khi thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận lần đầu cơ quan tiếp nhận hồ sơ không được yêu cầu người nhận chuyển nhượng nộp hợp đồng, văn bản chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Điều này có nghĩa, cơ quan tiếp nhận hồ sơ không được yêu cầu người nhận chuyển nhượng nộp hợp đồng có công chứng hoặc chứng thực. Khi đó, việc mua bán đất thông qua giấy tờ viết tay không làm ảnh hưởng đến giá trị hiệu lực của giao dịch này.
3. Làm Sổ đỏ cho đất mua bán bằng giấy viết tay thế nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 82 Nghị định 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 54 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP, trường hợp đang sử dụng đất do nhận chuyển nhượng từ trước ngày 01/7/2014 mà chưa được cấp Giấy chứng nhận và không thuộc trường hợp có Giấy chứng nhận của bên chuyển nhượng hoặc hợp đồng, giấy tờ chuyển nhượng được công chứng hoặc chứng thực thì người đang sử dụng đất thực hiện thủ cấp Giấy chứng nhận lần đầu mà không phải làm thủ tục sang tên.
Theo đó, để được cấp Giấy chứng nhận thì người đang sử dụng đất phải có đủ điều kiện theo từng trường hợp đất có giấy tờ và đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất.
Bạn đọc xem chi tiết tại bài viết: Thủ tục làm sổ đỏ: Cần giấy tờ gì? Chi phí bao nhiêu?
Trên đây là giải đáp về Trường hợp nào mua bán đất bằng giấy viết tay có hiệu lực? Mọi vấn đề còn vướng mắc vui lòng liên hệ 19006192 để được LuatVietnam hỗ trợ, giải đáp cụ thể.