Trung tâm phát triển quỹ đất là gì? Có nhiệm vụ, quyền hạn gì?

Trung tâm phát triển quỹ đất là tổ chức thường xuyên thực hiện các việc như bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hoặc đấu giá quyền sử dụng đất. Vậy, Trung tâm phát triển quỹ đất là gì và có nhiệm vụ, quyền hạn như thế nào?


1. Trung tâm phát triển quỹ đất là gì?

Căn cứ khoản 1 Điều 1 Thông tư liên tịch 16/2015/TTLT-BTNMT-BNV-BTC, Trung tâm phát triển quỹ đất là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, có chức năng tạo lập, phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất; tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất và thực hiện các dịch vụ khác trong lĩnh vực đất đai.

Trung tâm phát triển quỹ đất có thể có các Chi nhánh thuộc Trung tâm phát triển quỹ đất. Tuy nhiên, không nhất thiết ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đều thành lập Chi nhánh.

Có thể thấy, Trung tâm phát triển quỹ đất là tổ chức thực hiện một số dịch vụ trong lĩnh vực đất đất nhưng không tham gia vào thủ tục cấp Giấy chứng nhận (Sổ đỏ, Sổ hồng).

trung tam phat trien quy dat la gi

2. Trung tâm phát triển quỹ đất khác với Tổ chức phát triển quỹ đất?

Để hiểu rõ Trung tâm phát triển quỹ đất khác gì với tổ chức phát triển quỹ đất cần hiểu rõ vị trí, chức năng của hai tổ chức này.

Về vị trí: Tổ chức phát triển quỹ đất là đơn vị sự nghiệp công được thành lập theo quy định của pháp luật về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu riêng và được mở tài khoản để hoạt động theo quy định của pháp luật; có chi nhánh tại các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (theo điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định 43/2014/NĐ-CP).

Đối với địa phương đã có Tổ chức phát triển quỹ đất cấp tỉnh và cấp huyện thì tổ chức lại Tổ chức phát triển quỹ đất trên cơ sở hợp nhất Tổ chức phát triển quỹ đất cấp tỉnh và cấp huyện hiện có.

Về chức năng: Tổ chức phát triển quỹ đất có chức năng tạo lập, phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất; tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất và thực hiện các dịch vụ khác (theo điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định 43/2014/NĐ-CP).

Theo đó, về cơ bản chức năng của hai tổ chức này là giống nhau, đều là tổ chức thực hiện dịch vụ trong lĩnh vực đất đai. Điều này xuất phát quy định Tổ chức phát triển quỹ đất được thành lập hoặc tổ chức lại để thay thế Trung tâm phát triển quỹ đất. Thời gian chưa thành lập hoặc chưa tổ chức lại thì Trung tâm phát triển quỹ đất đã thành lập vẫn được tiếp tục hoạt động.

Nội dung này được quy định rõ tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 43/2014/NĐ-CP như sau:

“5. Văn phòng đăng ký đất đai và Tổ chức phát triển quỹ đất phải được thành lập hoặc tổ chức lại trước ngày 31 tháng 12 năm 2015. Trong thời gian chưa thành lập hoặc tổ chức lại các tổ chức theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này thì Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, Trung tâm phát triển quỹ đất đã thành lập được tiếp tục hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ đã được giao”.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm phát triển quỹ đất

- Lập kế hoạch tổ chức thực hiện việc thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm của quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

- Lập, tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

- Lập dự án đầu tư và tổ chức xây dựng kết cấu hạ tầng trên đất để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất khi được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao.

- Tổ chức thực hiện việc đầu tư xây dựng tạo lập và phát triển quỹ nhà, đất tái định cư để phục vụ Nhà nước thu hồi đất và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương khi được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao.

- Thực hiện việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

- Quản lý quỹ đất đã được giải phóng mặt bằng, quỹ đất nhận chuyển nhượng nhưng chưa có dự án đầu tư hoặc chưa đấu giá quyền sử dụng đất; đất đã thu hồi và thuộc trách nhiệm quản lý của Tổ chức phát triển quỹ đất theo quy định của Luật Đất đai.

- Tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

- Lập phương án sử dụng khai thác quỹ đất được giao quản lý nhưng chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất.

- Thực hiện các dịch vụ trong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; đấu giá quyền sử dụng đất; dịch vụ tư vấn xác định giá đất, trừ các trường hợp Nhà nước định giá đất; cung cấp thông tin về địa điểm đầu tư, giá đất và quỹ đất cho các tổ chức, cá nhân theo yêu cầu.

- Được cung cấp hồ sơ, bản đồ, thông tin, số liệu đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật.

- Liên doanh, liên kết, hợp tác với các tổ chức kinh tế, cá nhân để thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; quy định của pháp luật về cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập và quy định của pháp luật khác có liên quan.

- Được ký hợp đồng thuê các tổ chức, cá nhân làm tư vấn hoặc thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện việc thu phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.

- Quản lý viên chức, người lao động, tài chính và tài sản thuộc Trung tâm phát triển quỹ đất theo quy định của pháp luật; thực hiện chế độ báo cáo theo quy định hiện hành về các lĩnh vực công tác được giao.

Trên đây là bài viết trả lời cho vướng mắc: Trung tâm phát triển quỹ đất là gì và có nhiệm vụ, quyền hạn như thế nào? Nếu có vướng mắc hãy gọi đến tổng đài 1900.6192 để được tư vấn.

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

6 điểm mới tại Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024, áp dụng từ 01/7/2025

6 điểm mới tại Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024, áp dụng từ 01/7/2025

6 điểm mới tại Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024, áp dụng từ 01/7/2025

Vừa qua, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đã chính thức thông qua, thay thế cho Luật Quy hoạch đô thị 2009 và sửa đổi, bổ sung một số văn bản liên quan. và bắt đầu có hiệu lực từ 01/7/2025. Cùng LuatVietnam cập nhật 06 điểm mới tại Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024 ngay trong bài viết dưới đây.