1. Mã vạch Sổ hồng là gì?
Sổ hồng là tên gọi thường dùng để chỉ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận). Mỗi Sổ hồng sẽ có 1 mã vạch tương ứng.
Căn cứ quy định tại Điều 15 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT (sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Thông tư 09/2021/TT-BTNMT) thì mã vạch Sổ hồng là được dùng để quản lý, tra cứu thông tin của Giấy chứng nhận, hồ sơ cấp Giấy chứng nhận;
Nội dung mã vạch được quy định thể hiện bằng dãy số nguyên dương với cấu trúc dưới dạng:
MV = MX.MN.ST
Trong đó:
- “MX” là mã đơn vị hành chính cấp xã tại nơi có thửa đất thể hiện theo quyết định của Thủ tướng về danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam:
Trường hợp cấp Giấy chứng nhận đối với khu đất nằm trên nhiều đơn vị hành chính cấp xã thì ghi theo mã của xã có diện tích lớn nhất.
Trường hợp cấp huyện không có đơn vị hành chính cấp xã thì mã đơn vị hành chính cấp xã bị thay thế bằng mã của đơn vị hành chính cấp huyện theo quyết định của Thủ tướng về danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam.
Trường hợp cấp Giấy chứng nhận thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh thì ghi thêm mã tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương vào trước mã của xã/phường/thị trấn nơi có đất hoặc trước mã của đơn vị hành chính cấp huyện nơi có đất đối với cấp huyện mà không có đơn vị hành chính cấp xã.
- “MN” là mã của năm cấp Giấy chứng nhận, bao gồm 02 chữ số sau cùng của năm ký cấp Giấy chứng nhận;
- “ST” là số thứ tự lưu trữ hồ sơ thủ tục đăng ký đất đai tương ứng với Giấy chứng nhận đã được cấp lần đầu theo quy định về hồ sơ địa chính của Bộ Tài nguyên & Môi trường.
Trường hợp một hồ sơ đăng ký mà ghi vào một Giấy chứng nhận không hết, phải ghi vào nhiều Giấy chứng nhận để cấp như các trường hợp sau thì các Giấy chứng nhận này được ghi chung một số thứ tự lưu trữ của hồ sơ thủ tục đăng ký đất đai đó:
Trường hợp sử dụng nhiều thửa đất nông nghiệp không thể hiện hết trên trang 2 Giấy chứng nhận thì cấp Giấy chứng nhận khác cho những thửa đất còn lại.
Trường hợp đất có nhà ở, công trình xây dựng, vườn cây lâu năm cùng chủ sở hữu, trong đó nhà ở, công trình xây dựng gồm nhiều hạng mục khác nhau mà không thể hiện hết các tài sản trên trang 2 Giấy chứng nhận thì cấp Giấy chứng nhận khác để thể hiện những tài sản còn lại.
2. Hướng dẫn cách tra mã vạch Sổ hồng
Mã vạch Sổ hồng theo quy định hiện hành được in ở cuối trang 4 của Sổ hồng (trang cuối cùng không tính trang bổ sung).
Mã vạch Sổ hồng có thể có 13 hoặc 15 chữ số. Nếu việc cấp giấy chứng nhận thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì mã vạch có 15 chữ số, các trường hợp còn lại thì mã vạch sẽ có 13 số.
Mã vạch này có cấu trúc MX.MN.ST với ý nghĩa đã được phân tích tại phần trên. Ví dụ Sổ hồng có mã vạch 792674318016082, trong đó:
- ST tương ứng với 6 số cuối là số thứ tự lưu trữ hồ sơ thủ tục đăng ký đất đai tương ứng đối với Giấy chứng nhận đã được cấp lần đầu. 06 số này có thể bỏ qua do chỉ có ý nghĩa lưu trữ hồ sơ.
- MN là mã năm cấp Giấy chứng nhận, 18 tương ứng năm 2018
- ST là mã đơn vị hành chính cấp xã và mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (tra cứu tại Quyết định 124/2004/QĐ-TTg):
26743 tương ứng Phường Bến Thành, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
79 tương ứng Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau khi tìm và tra cứu thông tin của mã vạch, bạn đọc có thể kiểm tra thông tin này với thông tin thửa đất được ghi tại trang 2 Sổ hồng đế đối chiếu.
3. Cách đọc thông tin trong Sổ hồng
Căn cứ quy định tại Điều 3 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, Sổ hồng có 04 trang (không tính trang bổ sung) ghi nhận những thông tin cụ thể như sau:
- Trang đầu tiên bao gồm:
Quốc hiệu, Quốc huy và dòng chữ "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất" được in màu đỏ
Tên người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Mục I)
Số seri phát hành Giấy chứng nhận gồm hai chữ cái tiếng Việt và sáu chữ số, được in màu đen; dấu nổi của Bộ Tài nguyên & Môi trường
- Trang thứ hai bao gồm mục II.Thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, bao gồm:
Thông tin về thửa đất, nhà ở, công trình xây dựng khác,cây lâu năm, rừng sản xuất là rừng trồng và ghi chú
Ngày, tháng, năm ký Giấy chứng nhận và cơ quan ký cấp Giấy chứng nhận;
Số vào sổ cấp Giấy chứng nhận
- Trang thứ ba bao gồm mục III. Sơ đồ thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và mục IV. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận;
- Trang thứ tư in chữ màu đen bao gồm:
Nội dung tiếp theo của mục IV
Nội dung lưu ý đối với người được cấp Giấy chứng nhận
Mã vạch
- Bên cạnh đó, trang bổ sung gồm số hiệu thửa đất; số phát hành; số vào sổ cấp Giấy chứng nhận và mục IV như trang 4.
Xem thêm: Cách đọc thông tin Sổ đỏ, Sổ hồng 2023 mới nhất
Trên đây là thông tin về vấn đề tra mã vạch Sổ hồng. Nếu có bất cứ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ theo số 19006192 để được hỗ trợ.