Tiền sử dụng đất là gì? Đối tượng phải nộp tiền sử dụng đất?

Tiền sử dụng đất là một trong những khoản tiền lớn có thể phải nộp khi được cấp Sổ đỏ hoặc chuyển mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết tiền sử dụng đất là gì, khi nào phải nộp, khi nào được miễn hoặc không phải nộp tiền sử dụng đất.


Tiền sử dụng đất là gì?

Khoản 21 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định:

“Tiền sử dụng đất là số tiền mà người sử dụng đất phải trả cho Nhà nước khi được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất.”.

Theo đó, tiền sử dụng đất là số tiền mà người sử dụng đất phải trả cho Nhà nước khi:

- Được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng.

- Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

- Được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất (cấp Sổ đỏ, Sổ hồng cho đất có nguồn gốc không phải là đất được Nhà nước giao, cho thuê).

Tiền sử dụng đất và thuế sử dụng đất đều là nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất nhưng khác nhau ở chỗ: Tiền sử dụng đất là số tiền phải trả cho Nhà nước và chỉ thực hiện khi thuộc một trong ba trường hợp trên, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp, còn thuế sử dụng đất là khoản nộp vào ngân sách nhà nước và nộp hàng năm.

Đối tượng thu tiền sử dụng đất

Căn cứ Điều 2 Nghị định 45/2014/NĐ-CP, đối tượng thu tiền sử dụng đất gồm:

1. Người được Nhà nước giao đất để sử dụng vào các mục đích sau:

- Hộ gia đình, cá nhân được giao đất ở.

- Tổ chức kinh tế được giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê.

- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê.

- Tổ chức kinh tế được giao đất thực hiện dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang, nghĩa địa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng.

- Tổ chức kinh tế được giao đất để xây dựng công trình hỗn hợp cao tầng, trong đó có diện tích nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê.

2. Người đang sử dụng đất được Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở hoặc đất nghĩa trang, nghĩa địa trong các trường hợp sau:

- Đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp có nguồn gốc được giao không thu tiền sử dụng đất, nay được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển sang sử dụng làm đất ở hoặc đất nghĩa trang, nghĩa địa.

- Đất nông nghiệp có nguồn gốc được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất, chuyển sang sử dụng làm đất ở hoặc đất nghĩa trang, nghĩa địa có thu tiền sử dụng đất.

- Đất phi nông nghiệp (không phải là đất ở) có nguồn gốc được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất chuyển sang sử dụng làm đất ở có thu tiền sử dụng đất.

- Đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp (không phải là đất ở) có nguồn gốc được Nhà nước cho thuê đất nay chuyển sang sử dụng làm đất ở hoặc đất nghĩa trang, nghĩa địa đồng thời với việc chuyển từ thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất.

3. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất làm nhà ở, đất phi nông nghiệp được Nhà nước công nhận có thời hạn lâu dài trước ngày 01/7/2014 khi được cấp Giấy chứng nhận phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 8 và Điều 9 Nghị định 45/2014/NĐ-CP, cụ thể:

- Khi cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đối với đất đã sử dụng ổn định từ trước ngày 15/10/1993 mà không có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 100 Luật Đất đai 2013.

- Khi cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đối với đất đã sử dụng từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 01/7/2004 mà không có giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 100 Luật Đất đai 2013.

- Khi cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đối với đất ở có nguồn gốc được giao không đúng thẩm quyền trước ngày 01/7/2004.

- Khi cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đối với đất ở có nguồn gốc được giao không đúng thẩm quyền hoặc do lấn chiếm kể từ ngày 01/7/2004 đến trước ngày 01/7/2014 mà nay được Nhà nước xét cấp Giấy chứng nhận.

tiền sử dụng đất là gìTiền sử dụng đất là gì? Ai phải nộp tiền sử dụng đất? (Ảnh minh họa)

Những trường hợp không phải nộp tiền sử dụng đất

Trường hợp 1: Không phải nộp khi được cấp Giấy chứng nhận (Sổ đỏ, Sổ hồng).

Trường hợp 2: Không phải nộp khi chuyển mục đích sử dụng đất.

Trường hợp 3: Không phải nộp khi được Nhà nước giao đất.

Xem chi tiết: 3 trường hợp không phải nộp tiền sử dụng đất

Khi nào được miễn, giảm tiền sử dụng đất?

* Miễn tiền sử dụng đất

Căn cứ Điều 11 Nghị định 45/2014/NĐ-CP, miễn tiền sử dụng đất trong các trường hợp sau:

- Miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi:

+ Sử dụng đất để thực hiện chính sách nhà ở, đất ở đối với:

. Người có công với cách mạng thuộc đối tượng được miễn tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về người có công.

. Hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo.

+ Sử dụng đất để xây dựng nhà ở xã hội.

+ Sử dụng đất để làm nhà ở cho người phải di dời do thiên tai.

- Miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi cấp Giấy chứng nhận lần đầu đối với đất do chuyển mục đích sử dụng từ đất không phải là đất ở sang đất ở do tách hộ đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi theo danh mục các xã đặc biệt khó khăn.

- Miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất được giao trong hạn mức giao đất ở cho các hộ dân làng chài, dân sống trên sông nước, đầm phá di chuyển đến định cư tại các khu, điểm tái định cư theo quy hoạch, kế hoạch và dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Miễn tiền sử dụng đất đối với phần diện tích đất được giao trong hạn mức giao đất ở để bố trí tái định cư hoặc giao cho các hộ gia đình, cá nhân trong các cụm, tuyến dân cư vùng ngập lũ theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Các trường hợp khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Lưu ý:

- Việc miễn tiền sử dụng đất đối với người có công với cách mạng chỉ được thực hiện khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc cho phép miễn tiền sử dụng đất theo pháp luật về người có công.

- Hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được miễn tiền sử dụng đất phải có hộ khẩu thường trú tại địa phương thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; vùng biên giới, hải đảo.

- Người được giao đất ở mới theo dự án di dời do thiên tai được miễn nộp tiền sử dụng đất khi không được bồi thường về đất tại nơi phải di dời.

* Giảm tiền sử dụng đất

- Giảm 50% tiền sử dụng đất trong hạn mức đất ở đối với hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo tại các địa bàn không thuộc phạm vi được miễn khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất; cấp Giấy chứng nhận lần đầu đối với đất đang sử dụng hoặc khi được chuyển mục đích sử dụng từ đất không phải là đất ở sang đất ở.

- Giảm tiền sử dụng đất đối với đất ở trong hạn mức giao đất ở (bao gồm giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận) đối với người có công với cách mạng mà thuộc diện được giảm tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về người có công.

- Các trường hợp khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Trên đây là quy định chỉ rõ tiền sử dụng đất là gì? Đối tượng thu tiền sử dụng đất, các trường hợp không phải nộp và miễn, giảm tiền sử dụng đất. Nếu bạn đọc có vướng mắc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh nhất.

>> Cách tính tiền phải nộp khi chuyển mục đích sử dụng đất

>> Cách tính tiền sử dụng đất khi làm Sổ đỏ

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

6 điểm mới tại Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024, áp dụng từ 01/7/2025

6 điểm mới tại Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024, áp dụng từ 01/7/2025

6 điểm mới tại Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024, áp dụng từ 01/7/2025

Vừa qua, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đã chính thức thông qua, thay thế cho Luật Quy hoạch đô thị 2009 và sửa đổi, bổ sung một số văn bản liên quan. và bắt đầu có hiệu lực từ 01/7/2025. Cùng LuatVietnam cập nhật 06 điểm mới tại Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024 ngay trong bài viết dưới đây.