Thua độ bóng đá có được báo mất Sổ đỏ để làm lại?
* Chỉ được làm lại khi Sổ đỏ bị mất
Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất chỉ được báo mất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để làm lại Sổ đỏ, Sổ hồng nếu bị mất. Ngoài ra, không được báo làm lại với bất kỳ lý do gì nếu không phải là bị mất.
Nội dung này được quy định rõ tại Điều 39 Nghị định 101/2024/NĐ-CP về việc cấp lại Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng do bị mất theo trình tự thủ tục.
* Thủ tục, trình tự làm lại Sổ đỏ
Căn cứ Điều 39 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, việc cấp lại Sổ đỏ do bị mất được thực hiện như sau:
Bước 1. Người có Sổ đỏ bị mất phải nộp Đơn đăng ký biến động đất đai theo Mẫu số 11/ĐK tới một trong các cơ quan tiếp nhận sau:
Bộ phận Một cửa theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai.
Văn phòng đăng ký đất đai;
Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
Bước 2. Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc sau:
- Kiểm tra thông tin về Giấy chứng nhận đã cấp.
- Văn phòng đăng ký đất đai chuyển thông tin đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất.
Bước 3. UBND cấp xã thực hiện:
Đăng tin 03 lần trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương trong thời gian 15 ngày về việc mất Giấy chứng nhận đã cấp đối với tổ chức, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Niêm yết công khai về việc mất Giấy chứng nhận đã cấp tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và điểm dân cư nơi có đất trong thời gian 15 ngày; đồng thời tiếp nhận phản ánh trong thời gian niêm yết công khai về việc mất Giấy chứng nhận đã cấp đối với hộ gia đình, cá nhân
Trong thời hạn không quá 05 ngày kể từ ngày kết thúc thời gian niêm yết, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lập biên bản kết thúc niêm yết và gửi đến Văn phòng đăng ký đất đai.
Lưu ý: chi phí đăng tin do người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất chi trả.
Trường hợp phát hiện thửa đất, tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận đã được chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc đang thế chấp tại các tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế khác hoặc cá nhân theo quy định của pháp luật thì thông báo, trả lại hồ sơ cho người sử dụng đất.
Bước 4. Nhận kết quả
Thời hạn giải quyết: Không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ; không quá 20 ngày làm việc với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. (Khoản 5 Điều 22 Nghị định 101/2024/NĐ-CP)
Thua độ bóng đá không phải trả độ?
Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 quy định điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự như sau:
“1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định”.
Căn cứ theo quy định trên, hành vi cá độ bóng đá là hành vi luật nghiêm cấm (nhẹ bị xử lý vi phạm hành chính, nặng bị truy cứu trách nhiệm hình sự). Đây là căn cứ để xác định giao dịch dân sự “cá độ bóng đá” là vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật; khi đó, người thua độ sẽ không phải trả độ.
Dưới góc độ pháp lý khi cá độ, thua độ bóng đá nên trình báo, tự thú với cơ quan, tổ chức để xử lý theo quy định của pháp luật; trường hợp này được xác định là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trên thực tế rất ít trường hợp người thua độ bóng đá lựa chọn trình báo, tự thú mà chấp nhận mất nhà, đất hoặc tài sản khác.
Trên đây là bài viết trả lời rõ cho vướng mắc: Thua độ bóng đá có được báo mất Sổ đỏ để làm lại? Nếu có vướng mắc hãy gọi đến tổng đài 1900.6192 để được tư vấn.