Đặt cọc là một trong những giải pháp được nhiều người lựa chọn khi chưa thể thực hiện hợp đồng, giao dịch được ngay thời điểm đó. Vậy thủ tục đặt cọc mua chung cư thực hiện thế nào?
Công chứng đặt cọc mua chung cư thế nào cho chuẩn?
Đặt cọc là một trong các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và được thực hiện theo thoả thuận của các bên. Theo quy định của Bộ luật Dân sự cũng như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, hợp đồng đặt cọc nói chung và đặt cọc mua chung cư nói riêng không bắt buộc phải công chứng.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính pháp lý và có căn cứ nếu xảy ra tranh chấp thì các bên nên lập hợp đồng đặt cọc theo thủ tục tại Luật Công chứng dưới đây:
Theo Điều 40 Luật Công chứng năm 2014, khi đến công chứng hợp đồng đặt cọc, người yêu cầu phải xuất trình bản chụp, bản in hoặc bản đánh máy (bản sao) có nội dung đầy đủ, chính xác như bản chính và không phải chứng thực.
Hồ sơ cần nộp
- Phiếu yêu cầu công chứng (bản chính - theo mẫu) gồm các nội dung: Họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung yêu cầu, danh mục giấy tờ kèm theo...
- Dự thảo hợp đồng đặt cọc mua bán chung cư (nếu có).
- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc các giấy tờ liên quan như biên bản bàn giao... (bản sao).
- Giấy tờ tuỳ thân của bên đặt cọc và bên nhận cọc (bản sao): Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn hạn, sổ hộ khẩu hoặc giấy xác nhận cư trú, giấy chứng minh tình trạng hôn nhân như đăng ký kết hôn hoặc giấy xác nhận độc thân...
- Các giấy tờ khác liên quan đến hợp đồng đặt cọc mua chung cư.
Hồ sơ cần xuất trình
Ngoài việc nộp bản sao các giấy tờ nêu trên, trong quá trình công chứng, sau khi Công chứng viên kiểm tra lại dự thảo hợp đồng đặt cọc, giải thích nội dung của dự thảo và khi công chứng hợp đồng thì Công chứng viên sẽ yêu cầu các bên xuất trình bản gốc của các giấy tờ nêu ở mục trên.
Sau khi kiểm tra bản chính, đối chiếu với nội dung hợp đồng, thấy đầy đủ giá trị pháp lý, Công chứng viên mới thực hiện các bước tiếp sau.
Nơi thực hiện
Nơi công chứng hợp đồng đặt cọc mua chung cư là tổ chức hành nghề công chứng: Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng nơi có căn hộ chung cư đặt cọc (theo Điều 42 Luật Công chứng).
Thời gian giải quyết
Căn cứ Điều 43 Luật Công chứng, thời gian công chứng hợp đồng đặt cọc mua bán chung cư từ 02 - 10 ngày làm việc. Chỉ kéo dài thời hạn công chứng đến 10 ngày nếu việc đặt cọc chung cư có nội dung phức tạp.
Phí cần nộp
Phí công chứng hợp đồng đặt cọc là tỷ lệ phần trăm giá trị hợp đồng theo quy định tại Điều 4 Thông tư 257/2016/TT-BTC.
Có nên đặt cọc mua chung cư bằng vi bằng không?
Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại chứng kiến trực tiếp một sự kiện, hành vi có thật và ghi lại điều này theo yêu cầu của cá nhân hoặc tổ chức. Do đó, nếu các bên thực sự có xảy ra việc đặt cọc mua chung cư thì hoàn toàn có thể lập vi bằng để ghi nhận sự thật này.
Tuy nhiên, để xét về tính an toàn pháp lý của việc lập vi bằng thì cần nhớ các vấn đề sau:
Ưu điểm:
- Vì đây là việc ghi lại sự kiện có thật, đã diễn ra nên khi lập vi bằng, các bên sẽ chứng minh được đã thực sự xảy ra sự việc đặt cọc để mua chung cư.
- Vi bằng là nguồn chứng cứ để Toà án xem xét khi giải quyết các tranh chấp dân sự.
- Vi bằng là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa cá nhân, tổ chức.
- Thủ tục lập vi bằng đơn giản, không cần xuất trình các loại giấy tờ về căn hộ chung cư đang đặt cọc. Do đó, nếu căn hộ đang thế chấp thì các bên hoàn toàn có thể lập vi bằng để ghi nhận sự kiện thực tế là có việc đặt cọc giữa các bên.
Nhược điểm:
- Vi bằng không thay thế được hợp đồng công chứng mà chỉ ghi nhận sự kiện, hành vi có thật nên không phải hợp đồng, giao dịch và không có hiệu lực thi hành giữa các bên.
- Vi bằng chỉ là nguồn chứng cứ mà không phải có giá trị chứng cứ như hợp đồng công chứng...
Do đó, có thể căn cứ vào các đặc điểm, tình huống cụ thể của mình để chọn lập vi bằng hay công chứng hợp đồng đặt cọc khi muốn mua chung cư.
Trên đây là quy định về thủ tục đặt cọc mua chung cư mới nhất. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.