Chuyển đất rừng sang đất ở được thực hiện thế nào?

Với nhu cầu về đất ở ngày càng tăng thì nhiều hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu chuyển đất rừng sang đất ở; người dân có thể tự mình thực hiện thủ tục chuyển đất rừng sang đất ở theo hướng dẫn sau đây.


Điều kiện chuyển đất rừng sang đất ở

* Chuyển đất rừng sang đất ở phải xin phép

Theo khoản 1 Điều 10 Luật Đất đai năm 2013, đất rừng thuộc nhóm đất nông nghiệp gồm: Đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng.

Căn cứ theo điểm d khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai năm 2013, khi người sử dụng đất chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp (gồm có đất ở) phải được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (đối với hộ gia đình, cá nhân thì UBND cấp huyện nơi có đất có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất).

* Căn cứ chuyển đất rừng sang đất ở

Căn cứ Điều 52 Luật Đất đai năm 2013, khi nhận đơn của hộ gia đình, cá nhân thì UBND cấp huyện sẽ dựa theo 02 căn cứ sau để quyết định cho phép hoặc không cho phép chuyển mục đích sử dụng đất:

- Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

- Nhu cầu sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân thể hiện trong đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất.

Theo đó, chỉ khi nào có đủ 02 căn cứ trên thì UBND cấp huyện mới ban hành quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất rừng sang đất ở; trường hợp kế hoạch sử dụng đất không cho phép chuyển mục đích sử dụng thì UBND cấp huyện không được phép ban hành quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Thủ tục chuyển đất rừng sang đất ởHướng dẫn thủ tục chuyển đất rừng sang đất ở (Ảnh minh họa)

Hồ sơ, thủ tục chuyển đất rừng sang đất ở

* Hồ sơ xin phép chuyển đất rừng sang đất ở

Căn cứ khoản 1 Điều 6 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT, hộ gia đình, cá nhân chuẩn bị 01 bộ hồ sơ, gồm:

Đơn xin phép chuyển mục đích sử dụng đất.

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

* Thủ tục chuyển đất rừng sang đất ở

Bước 1: Nộp hồ sơ

Theo điểm b khoản 1 Điều 60 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại Phòng Tài nguyên và Môi trường.

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ

Bước 3: Giải quyết

Trong giai đoạn này việc quan trọng nhất của hộ gia đình, cá nhân nếu được phép chuyển mục đích sử dụng đất là thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định; khi nhận được thông báo nộp tiền của cơ quan thuế thì nộp đúng số tiền và đúng thời hạn theo thông báo.

Bước 4: Trả kết quả

Kết quả mà hộ gia đình, cá nhân nhận được là quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất do UBND cấp huyện ban hành; chỉ khi có quyết định này thì hộ gia đình, cá nhân mới được phép xây dựng nhà ở.

Thời hạn giải quyết: Theo khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP, thời hạn giải quyết không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không quá 25 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; thời gian trên không tính thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất, ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định.

Mức phạt khi tự ý chuyển sang đất ở

Theo khoản 2 Điều 10 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, hộ gia đình, cá nhân tự ý chuyển đất rừng đặc dụng là rừng trồng, đất rừng phòng hộ là rừng trồng, đất rừng sản xuất là rừng trồng sang đất phi nông nghiệp (gồm cả đất ở) thì bị xử lý như sau:

TT

Diện tích đất chuyển mục đích trái phép

Mức phạt tiền

1

Dưới 0,02 ha (dưới 200 m2)

Từ 03 - 05 triệu đồng

2

Từ 0,02 đến dưới 0,05 ha (từ 200 đến dưới 500 m2)

Từ 05 - 10 triệu đồng

3

Từ 0,05 đến dưới 0,1 ha (từ 500 đến dưới 1,000 m2)

Từ 10 - 15 triệu đồng

4

Từ 0,1 đến dưới 0,5 ha (từ 1,000 đến dưới 5,000 m2)

Từ 15 - 30 triệu đồng

5

Từ 0,5 đến dưới 01 ha (từ 5,000 đến dưới 10,000 m2)

Từ 30 - 50 triệu đồng

6

Từ 01 đến dưới 05 ha

Từ 50 - 100 triệu đồng

7

Từ 05 ha trở lên

Từ 100 - 250 triệu đồng

Ngoài việc bị phạt tiền thì hộ gia đình, cá nhân còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như sau:

- Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm; trừ trường hợp được đăng ký nếu có đủ điều kiện.

- Buộc đăng ký đất đai theo quy định đối với trường hợp có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất.

- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Kết luận: Trên đây là thủ tục chuyển đất rừng sang đất ở; trên tế việc đầu tiên người dân cần làm là tham khảo ý kiến công chức địa chính cấp xã về việc thửa đất của mình có được chuyển không, nếu được mới chuẩn bị hồ sơ. Ngoài ra, người dân muốn chuyển mục đích sử dụng các loại đất khác hãy xem tại: Hướng dẫn thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất.

Khắc Niệm

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

2 trường hợp không có tên trong di chúc vẫn hưởng thừa kế nhà đất

2 trường hợp không có tên trong di chúc vẫn hưởng thừa kế nhà đất

2 trường hợp không có tên trong di chúc vẫn hưởng thừa kế nhà đất

Vì nhiều lý do khác nhau mà người lập di chúc không để lại tài sản của mình cho cha, mẹ, vợ, chồng, con chưa thành niên. Pháp luật dự liệu trước trường hợp này xảy ra trên thực tế nên quy định đối tượng không có tên trong di chúc vẫn hưởng thừa kế.