4 thông tin về mảnh đất trong Sổ đỏ người mua phải nắm rõ

Để được chuyển nhượng thì hầu hết các trường hợp phải có Giấy chứng nhận (Sổ đỏ, Sổ hồng), thông qua đó người mua có thể biết rất nhiều thông tin mảnh đất như diện tích, hình dáng, mục đích sử dụng, thời hạn sử dụng đất.

Trên Giấy chứng nhận có rất nhiều thông tin mảnh đất nhưng có một số thông tin dưới đây mà người mua không thể bỏ qua, cụ thể:

1. Diện tích mảnh đất

Khoản 2 Điều 8 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT quy định diện tích của thửa đất được ghi bằng số Ả Rập theo đơn vị là mét vuông (m2) và được làm tròn số đến một chữ số thập phân (ví dụ 60,1m2, 100,5m2).

Căn cứ vào Giấy chứng nhận người mua sẽ biết được cụ thể diện tích thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận.

Diện tích thửa đất rất quan trọng vì đó là căn cứ để tính số tiền chuyển nhượng; trong nhiều trường hợp các bên thỏa thuận số tiền chuyển nhượng tính theo diện tích trong Giấy chứng nhận nên diện tích quyết định tới số tiền phải trả.

Đồng thời khi người mua biết được diện tích trong Giấy chứng nhận sẽ đối chiếu được với diện tích trên thực tế.

2. Thông tin về loại đất

Căn cứ khoản 3 Điều 8 Thông tư 10/2024/TT-BNTMT, thông tin về loại đất bao gồm tên gọi loại đất và mã (ký hiệu) của loại đất, được thể hiện như sau:

- Loại đất được xác định và thể hiện bằng tên gọi trên sổ địa chính và bằng mã trên bản đồ địa chính, sổ mục kê đất đai cho từng thửa đất, đối tượng địa lý hình tuyến;

- Loại đất thể hiện trên sổ địa chính theo mục đích sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất mà không thuộc trường hợp phải xin phép chuyển mục đích sử dụng đất hoặc được Nhà nước giao đất để quản lý. Trường hợp đăng ký đất đai lần đầu mà chưa được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất thì xác định và thể hiện theo loại đất hiện trạng đang sử dụng tại thời điểm đăng ký.

Lưu ý: Loại đất được nêu chi tiết trong nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp, nhóm đất chưa sử dụng theo quy định tại các điều 4, 5 và 6 của Nghị định số 102/2024/NĐ-CP.

- Trường hợp loại đất hiện trạng sử dụng khác với loại đất theo mục đích sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất mà không thuộc trường hợp phải xin phép hoặc được Nhà nước giao đất để quản lý thì thể hiện cả loại đất theo hiện trạng sử dụng và loại đất được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất hoặc được Nhà nước giao đất để quản lý vào sổ mục kê đất đai và bản đồ địa chính;

- Trường hợp thửa đất được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất vào nhiều loại đất khác nhau hoặc chuyển mục đích sử dụng một phần thửa đất mà không phải tách thửa đất theo quy định thì thể hiện tất cả các mục đích sử dụng đất đó. Ví dụ: Đất ở, đất thương mại, dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, đất trồng cây hằng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản ...;

- Trường hợp thửa đất có nhiều loại đất thì lần lượt ghi từng loại đất, diện tích kèm theo. Ví dụ: “Loại đất: Đất ở tại nông thôn 50m2; Đất trồng cây lâu năm 150m2”.

thông tin mảnh đất

3. Thời hạn sử dụng của mảnh đất

Thời hạn sử dụng đất được chia thành hai loại gồm: Đất sử dụng ổn định lâu dài và đất sử dụng có thời hạn.

Trong một số trường hợp thời hạn sử dụng đất khác nhau sẽ dẫn tới quyền, nghĩa vụ khác nhau như phải làm thủ tục gia hạn hoặc có nhu cầu tiếp tục sử dụng nhưng không được Nhà nước gia hạn thì sẽ bị thu hồi,… Đồng thời, thời hạn sử dụng đất cũng phản ánh loại đất, mục đích sử dụng đất.

Khoản 4 Điều 33 và khoản 4 Điều 8 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT quy định về thời hạn sử dụng đất trong Giấy chứng nhận như sau:

- Trường hợp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thì ghi thời hạn theo Quyết định giao đất, cho thuê đất, cụ thể như sau:

  • Trường hợp sử dụng đất ổn định lâu dài thì thể hiện: “Lâu dài”;
  • Trường hợp sử dụng đất có thời hạn thì thể hiện các thông tin: Ngày tháng năm hết hạn sử dụng đất;

- Các trường hợp còn lại thì ghi thời hạn sử dụng đất, cụ thể như sau:

  • Trường hợp sử dụng đất ổn định lâu dài thì thể hiện: “Lâu dài”;
  • Trường hợp sử dụng đất có thời hạn thì thể hiện ngày tháng năm hết hạn sử dụng đất, trừ trường hợp công nhận quyền sử dụng đất thì thể hiện các thông tin: “… năm (ghi thời hạn sử dụng được xác định theo quy định của pháp luật) kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận”;

- Trường hợp thửa đất có nhiều loại đất với thời hạn sử dụng đất khác nhau thì lần lượt ghi từng loại đất và thời hạn sử dụng đất.

Ví dụ: “Thời hạn sử dụng: Đất ở tại nông thôn: Lâu dài; Đất trồng cây lâu năm: 50 năm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận”

- Trường hợp đăng ký đất đai mà chưa cấp Giấy chứng nhận thì thể hiện: “Chưa xác định”;

- Trường hợp đăng ký đất được Nhà nước giao để quản lý thì thể hiện thời hạn theo văn bản giao đất để quản lý; trường hợp không có văn bản giao đất để quản lý hoặc văn bản giao đất để quản lý không xác định thời hạn thì thể hiện: “Chưa xác định”.

4. Hình thức sử dụng của mảnh đất

Hình thức sử dụng đất là thông tin rất quan trọng khi nhận chuyển nhượng. Thông tin về hình thức sử dụng đất gồm hình thức sử dụng chung và hình thức sử dụng riêng.

Khoản 5 Điều 8 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT quy định về hình thức sử dụng đất như sau:

- Thửa đất thuộc quyền sử dụng của một người sử dụng đất như: một cá nhân, một tổ chức, một cộng đồng dân cư, một người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài thì hình thức sử dụng đất là “Sử dụng riêng”.

- Thửa đất thuộc quyền sử dụng chung của từ hai (02) người sử dụng đất trở lên như: nhiều cá nhân hoặc nhiều tổ chức hoặc của cá nhân và tổ chức, quyền sử dụng đất chung của vợ và chồng, quyền sử dụng đất của các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình thì hình thức sử dụng đất được ghi là “Sử dụng chung”.

Lưu ý: 

- Trường hợp thửa đất có phần diện tích thuộc quyền sử dụng chung của nhiều người sử dụng đất và có phần diện tích thuộc quyền sử dụng riêng của từng người sử dụng đất thì thể hiện: “... m2 sử dụng chung; ... m2 sử dụng riêng”;

- Trường hợp thửa đất có nhiều loại đất và có hình thức sử dụng chung, sử dụng riêng đối với từng loại đất thì lần lượt ghi “Sử dụng riêng” và loại đất sử dụng, diện tích đất sử dụng riêng; ghi “Sử dụng chung” và loại đất sử dụng, diện tích đất sử dụng chung. Ví dụ: “Sử dụng riêng: Đất ở 120m2, đất trồng cây lâu năm 300m2; Sử dụng chung: Đất ở 50m2, đất trồng cây hằng năm 200m2”;

- Trường hợp thửa đất có nhà chung cư mà chủ đầu tư đã bán căn hộ đầu tiên thì Giấy chứng nhận cấp cho chủ sở hữu căn hộ chung cư thể hiện “Sử dụng chung”.

Trên đây là một số thông tin mảnh đất trong Sổ đỏ mà người mua phải nắm rõ khi trước khi đặt cọc, nhận chuyển nhượng. Ngoài ra, người mua cũng cần phải biết thông tin về quy hoạch, thế chấp, tranh chấp của thửa đất đó.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, hãy gọi ngay đến tổng đài tư vẫn miễn phí về đất đai  1900.6192của LuatVietnam.

Đánh giá bài viết:
(15 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

6 điểm mới tại Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024, áp dụng từ 01/7/2025

6 điểm mới tại Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024, áp dụng từ 01/7/2025

6 điểm mới tại Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024, áp dụng từ 01/7/2025

Vừa qua, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đã chính thức thông qua, thay thế cho Luật Quy hoạch đô thị 2009 và sửa đổi, bổ sung một số văn bản liên quan. và bắt đầu có hiệu lực từ 01/7/2025. Cùng LuatVietnam cập nhật 06 điểm mới tại Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024 ngay trong bài viết dưới đây.