Thay đổi địa chỉ không phải làm lại Sổ đỏ
Theo khoản 1 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được thể hiện tại trang 1 của Giấy chứng nhận (sau đây gọi tắt là Sổ đỏ).
Ví dụ: Với cá nhân trong nước thì ghi "Ông" (hoặc "Bà"), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân (nếu có), địa chỉ thường trú.
Theo đó, thay đổi địa chỉ là thay đổi địa chỉ thường trú của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất so với địa chỉ trên Sổ đỏ đã được cấp.
Căn cứ điểm g khoản 1 Điều 17 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 14 Điều 6 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT, người sử dụng đất có quyền thay đổi địa chỉ trên Sổ đỏ đã cấp.
Như vậy, khi thay đổi địa chỉ trên Sổ đỏ thì người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện thủ tục đăng ký theo yêu cầu mà không phải làm lại, cấp đổi, cấp lại hay đính chính Sổ đỏ.
Thay đổi địa chỉ có phải làm lại Sổ đỏ? (Ảnh minh họa)
Thủ tục thay đổi địa chỉ trên Sổ đỏ
1. Chuẩn bị hồ sơ
Theo khoản 6 Điều 7 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT, hộ gia đình, cá nhân cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm các giấy tờ sau:
- Đơn đăng ký biến động theo Mẫu số 09/ĐK;
- Bản gốc Sổ đỏ đã cấp;
- Bản sao sổ hộ khẩu.
Ngoài ra, cần mang theo chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công để xuất trình khi có yêu cầu.
2. Trình tự thực hiện
Bước 1. Nộp hồ sơ
Nơi nộp hồ sơ:
Thủ tục | Nơi nộp hồ sơ |
- Thủ tục đăng ký theo yêu cầu của người sử dụng đất. | - Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. |
- Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện (nếu địa phương chưa có Văn phòng đăng ký đất đai). | |
- Với địa phương đã tổ chức Bộ phận một cửa thì nộp tại Bộ phận một cửa. | |
- Hộ gia đình, cá nhân nộp tại UBND cấp xã nơi có đất nếu có nhu cầu (UBND xã, phường, thị trấn). | |
Nơi nộp hồ sơ trên là nơi có đất. |
Bước 2. Tiếp nhận hồ sơ
- Trường hợp nhận hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian tối đa 03 ngày, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.
- Cơ quan tiếp nhận hồ sơ ghi đầy đủ thông tin vào Sổ tiếp nhận, trao Phiếu tiếp nhận cho người nộp hồ sơ.
Bước 3. Giải quyết yêu cầu
Bước 4. Trao kết quả
Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả giải quyết phải trao Sổ đỏ cho người sử dụng đất.
Lưu ý: Khi nhận lại Sổ đỏ phải kiểm tra kỹ tất cả các thông tin, nếu phát hiện sai sót báo lại ngay với bộ phận trả kết quả để đính chính.
Thời hạn giải quyết:
Theo khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP thời hạn giải quyết được quy định như sau:
- Không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không quá 20 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Thời gian trên không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.
Lưu ý: Thủ tục trên đây áp dụng với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
Kết luận: Khi thay đổi địa chỉ trên Sổ đỏ thì thực hiện thủ tục đăng ký theo yêu cầu của người sử dụng đất mà không phải làm lại, cấp đổi, cấp lại hay đính chính Sổ đỏ.
>> Khi nào người dân phải đăng ký biến động đất đai?
Khắc Niệm