Mua đất nhưng Sổ đỏ vẫn đứng tên chủ cũ có rủi ro không?

Nhiều trường hợp mua đất nhưng Sổ đỏ vẫn đứng tên chủ cũ dù tâm lý của người mua luôn muốn Sổ đỏ, Sổ hồng đứng tên mình. Nếu không được cấp sổ mới thì có ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người mua hay không?

* Mua đất là cách thường gọi dùng để chỉ việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Quy định về cấp sổ mới khi sang tên

Khoản 2 Điều 17 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT quy định trường hợp đăng ký biến động được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trong đó bao gồm:

“…

i) Các trường hợp đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà trên trang 4 của Giấy chứng nhận đã cấp không còn dòng trống để xác nhận thay đổi;

k) Các trường hợp đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất quy định tại các điểm a, b, e, g, h, l, m, n và r Khoản 1 Điều này mà người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu cấp mới Giấy chứng nhận”.

Theo đó, khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhà ở sẽ được cấp Giấy chứng nhận mới để đứng tên người nhận chuyển nhượng nếu thuộc 1 trong 2 trường hợp sau:

Trường hợp 1: Người nhận chuyển nhượng không có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận mới nhưng tại trang 4 không còn dòng trống để xác nhận thông tin chuyển nhượng.

Trường hợp 2: Người nhận chuyển nhượng có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận mới.

Khi khai thông tin trong Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất (Mẫu số 09/ĐK) người làm hồ sơ sẽ tích vào một trong hai ô sau: Ô 1 “có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận mới” hoặc ô 2 “không có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận mới”.

Nếu người nhận chuyển nhượng muốn được Giấy chứng nhận mới phải tích vào ô 1.

Mua đất nhưng Sổ đỏ vẫn đứng tên chủ cũ có sao không?
Mua đất nhưng Sổ đỏ vẫn đứng tên chủ cũ có sao không? (Ảnh minh họa)

Sổ đỏ đứng tên “chủ cũ”, người mua vẫn đầy đủ quyền

* Trang 3, 4 Giấy chứng nhận được sử dụng để ghi thông tin chuyển nhượng

Căn cứ khoản 1 Điều 3 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, Giấy chứng nhận gồm một tờ có 04 trang, in nền hoa văn trống đồng màu hồng cánh sen và Trang bổ sung nền trắng; mỗi trang có kích thước 190mm x 265mm, trong đó:

- Trang 3 in chữ màu đen gồm mục "III. Sơ đồ thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất" và mục "IV. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận".

- Trang 4 in chữ màu đen gồm nội dung tiếp theo của mục "IV. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận"; nội dung lưu ý đối với người được cấp Giấy chứng nhận; mã vạch.

- Trang bổ sung Giấy chứng nhận in chữ màu đen gồm dòng chữ "Trang bổ sung Giấy chứng nhận"; số hiệu thửa đất; số phát hành Giấy chứng nhận; số vào sổ cấp Giấy chứng nhận và mục "IV. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận" như trang 4.

Như vậy, có thể thấy trang 3, 4 của Giấy chứng nhận được sử dụng để ghi những thông tin biến động như chuyển nhượng, tặng cho,...

* Quy định về ghi thông tin chuyển nhượng khi không cấp sổ mới

Nếu người nhận chuyển nhượng không có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận mới hoặc “quên” tích vào ô 1 khi làm hồ sơ thì thông tin chuyển nhượng được ghi tại trang 3, trang 4 của Giấy chứng nhận.

Ví dụ: "Chuyển nhượng cho ông Nguyễn Văn A CMND số 020908673 và vợ là bà Nguyễn Thị B, CMND số 020908675, địa chỉ tại số 65 đường Giải Phóng, phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội; theo hồ sơ số 010656.CN.001".

Lưu ý: Nội dung xác nhận thông tin chuyển nhượng sẽ có dấu đỏ của Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai xác nhận theo thẩm quyền do UBND cấp tỉnh quyết định.

Đối với nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tiếp tục thực hiện việc xác nhận vào Giấy chứng nhận đã cấp theo chức năng, nhiệm vụ đã được giao.

Kết luận: Mua đất nhưng Sổ đỏ vẫn đứng tên chủ cũ thì người mua không bị mất hoặc hạn chế quyền theo quy định của pháp luật (vẫn có đầy đủ quyền chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, thế chấp, góp vốn nếu đủ điều kiện).

Khi có vướng mắc về đất đai - nhà ở, bạn đọc vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ nhanh nhất.

Đánh giá bài viết:
(16 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục