Sổ đỏ là gì? Sổ đỏ ghi những thông tin gì?

Sổ đỏ là từ mà người dân thường dùng để gọi các loại Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, nhà ở. Vậy, Sổ đỏ là gì? Sổ đỏ ghi những thông tin gì? hãy cùng tìm hiểu theo những quy định dưới đây.

Sổ đỏ là gì?

Sổ đỏ là từ mà người dân thường dùng để gọi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dựa theo màu sắc của Giấy chứng nhận; pháp luật đất đai từ trước tới nay không quy định về Sổ đỏ.

Tùy theo từng giai đoạn, ở Việt Nam có các loại giấy chứng nhận như:

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

+ Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở;

+ Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở,

+ Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng.

Tuy nhiên, ngày 19/10/2009 Chính phủ ban hành Nghị định 88/2009/NĐ-CP. Theo đó, từ ngày 10/12/2009 Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành mẫu Giấy chứng nhận mới áp dụng chung trên phạm vi cả nước với tên gọi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Hiện nay, Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành kế thừa tên gọi Giấy chứng nhận mới, cụ thể:

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất (theo khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013).

Như vậy, Sổ đỏ là ngôn ngữ thường ngày của người dân để gọi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không được pháp luật quy định. Để thuận tiện cho người đọc, trong nhiều bài viết thường sử dụng từ “Sổ đỏ” thay cho tên gọi của Giấy chứng nhận như quy định của pháp luật.

Xem thêm: Phân biệt Sổ đỏ, Sổ hồng, Sổ trắng.

Sổ đỏ là gì? (Ảnh minh họa)

Thông tin ghi trên Sổ đỏ

Theo Điều 3 Thông tư 23/2014/TT-BTNTM Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành theo một mẫu thống nhất và được áp dụng trong phạm vi cả nước đối với mọi loại đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

- Giấy chứng nhận gồm một tờ có 04 trang, in nền hoa văn trống đồng màu hồng cánh sen (được gọi là phôi Giấy chứng nhận) và Trang bổ sung nền trắng; mỗi trang có kích thước 190mm x 265mm; bao gồm các nội dung theo quy định như sau:

1. Trang 1 của Giấy chứng nhận

Trang 1 gồm:

- Quốc hiệu, Quốc huy và dòng chữ "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất" in màu đỏ;

- Mục "I. Tên người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất" và số phát hành Giấy chứng nhận (số seri) gồm 02 chữ cái tiếng Việt và 06 chữ số, được in màu đen;

- Dấu nổi của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Trang 2 của Giấy chứng nhận

Trang 2 in chữ màu đen gồm:

- Mục "II. Thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất", trong đó có các thông tin về thửa đất, nhà ở, công trình xây dựng khác, rừng sản xuất là rừng trồng, cây lâu năm và ghi chú;

- Ngày tháng năm ký Giấy chứng nhận và cơ quan ký cấp Giấy chứng nhận;

- Số vào sổ cấp Giấy chứng nhận.

3. Trang 3 của Giấy chứng nhận

Trang 3 in chữ màu đen gồm:

- Mục "III. Sơ đồ thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất";

- Mục "IV. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận".

4. Trang 4 của Giấy chứng nhận

Trang 4 in chữ màu đen gồm:

- Nội dung tiếp theo của mục "IV. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận";

- Nội dung lưu ý đối với người được cấp Giấy chứng nhận; mã vạch.

5. Trang bổ sung của Giấy chứng nhận

Trang bổ sung Giấy chứng nhận in chữ màu đen gồm:

- Dòng chữ "Trang bổ sung Giấy chứng nhận";

- Số hiệu thửa đất;

- Số phát hành Giấy chứng nhận;

- Số vào sổ cấp Giấy chứng nhận;

- Mục "IV. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận" như trang 4 của Giấy chứng nhận.

>> Thủ tục làm Sổ đỏ 2019 - Toàn bộ hướng dẫn mới nhất

Khắc Niệm

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Xây nhà trổ cửa sổ nhìn thẳng vào nhà người khác, được không?

Nhiều người cho rằng đã là đất của mình thì mình xây thế nào, làm gì trên đất đó cũng được, miễn không xâm phạm phần đất của hàng xóm. Tuy nhiên, chủ sở hữu phải tuân thủ các quy tắc liên quan đến xây dựng công trình nhà ở, đặc biệt là vấn đề trổ cửa sổ.