1. Sổ đỏ không chính chủ có cầm được không?
Cầm cố tài sản được hiểu là việc bên cầm cố giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên nhận cầm cố nhằm để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại Điều 309 Bộ luật Dân sự 2015.
Căn cứ Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định như sau về tài sản:
Tài sản
1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.
Đồng thời, tại khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013 có quy định Sổ đỏ (hay Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất) được xem là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.
Theo đó, trước hết có thể thấy Sổ đỏ không được xem là tài sản mà chỉ được xem là chứng thư pháp lý và không thể được cầm cố. Thực tế cho thấy nhiều người vẫn chấp nhận nhận cầm cố bằng Sổ đỏ, tuy nhiên bản chất giao dịch này được xem là giao dịch thế chấp quyền sử dụng đất.
Hành vi tự ý lấy Sổ đỏ không chính chủ để thế chấp được xem là hành vi vi phạm pháp luật, bởi lẽ khi thực hiện giao dịch thế chấp tài sản, bên thế chấp phải dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (Điều 317 Bộ luật Dân sự 2015)
Tóm lại, không thể thực hiện cầm cố đối với Sổ đỏ không chính chủ theo quy định pháp luật.
Thực tế, một số cơ sở cầm cố phi pháp vẫn nhận cầm cố Sổ đỏ không chính chủ, tuy nhiên việc này có thể gây ra nhiều hệ quả pháp lý khi xảy ra tranh chấp.
Ngoài ra, cần lưu ý nếu sử dụng Sổ đỏ không chính chủ dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khi vay tiền (thế chấp Sổ đỏ) thì cần có sự cho phép, ủy quyền của chủ sở hữu
2. Cầm Sổ đỏ không chính chủ có bị phạt không?
Như đã phân tích tại phần trên, pháp luật không công nhận hình thức cầm cố đối với Sổ đỏ. Tuy nhiên trên thực tế một số tổ chức, cá nhân vẫn nhận cầm cố Sổ đỏ.
Hành vi cầm Sổ đỏ không chính chủ có thể được xem là hành vi cầm cố trái phép tài sản của người khác và có thể bị xử phạt hành chính từ 03 - 05 triệu đồng (điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
Đối với hành vi nhận cầm cố tài sản không chính chủ mà không có giấy ủy quyền hợp lệ của người đó cho người mang tài sản đi cầm cố thì bị xử phạt hành chính từ 05 - 10 triệu đồng (điểm l khoản 3 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
3. Có cách nào để cầm Sổ đỏ không chính chủ đúng luật không?
Hiện nay, pháp luật không công nhận hình thức cầm cố Sổ đỏ, do đó không có cách cầm cố Sổ đỏ không chính chủ đúng luật.
Tuy nhiên, có thể tiến hành việc thế chấp Sổ đỏ (thế chấp quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất) để vay tiền.
Theo đó, căn cứ Điều 317 Bộ luật Dân sự 2015 để thế chấp tài sản đúng luật thì tài sản thế chấp phải thuộc sở hữu của bên thế chấp, trường hợp tài sản này không chính chủ thì phải có sự đồng ý cũng như ủy quyền của chủ sở hữu tài sản cho người thực hiện việc vay thế chấp Sổ đỏ.
Ngoài ra căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013 việc thế chấp Sổ đỏ được thực hiện khi có đủ điều kiện sau:
- Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp tại khoản 3 Điều 186, trường hợp nhận thừa kế tại khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai 2013.
- Đất này không có tranh chấp;
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để thi hành án;
- Còn trong thời hạn sử dụng đất.
Tóm lại, có thể dùng Sổ đỏ để vay thế chấp tuy nhiên Sổ đỏ này phải chính chủ và thỏa mãn các điều kiện được quy định theo pháp luật về đất đai, trường hợp Sổ đỏ không chính chủ thì phải có sự đồng ý và văn bản ủy quyền, hợp đồng ủy quyền của người sở hữu tài sản cho bên thế chấp.
4. Sổ đỏ đã bị cầm có được xin cấp lại không?
Căn cứ quy định tại Điều 77 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, người dân chỉ có thể xin cấp lại Sổ đỏ khi làm mất. Theo đó, quy định hiện hành không đề cập đến việc cấp lại Sổ đỏ khi đã mang đi cầm cố.
Trường hợp này bên cầm cố có thể khởi kiện yêu cầu bên nhận cầm cố trả lại Sổ đỏ. Do việc cầm cố Sổ đỏ là giao dịch không được pháp luật công nhận nên trường hợp xảy ra tranh chấp thì giao dịch cầm cố này có thể được Tòa án tuyên bố vô hiệu và các bên có nghĩa vụ hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Trên đây là thông tin liên quan vấn đề sổ đỏ không chính chủ có cầm được không? Nếu có bất cứ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ theo số 19006192 để được hỗ trợ.