Hộ gia đình mua đất: Sổ đỏ đứng tên cha mẹ hay ghi cả tên con?

Đứng tên trên Giấy chứng nhận (Sổ đỏ) rất quan trọng vì đó là người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất. Vậy, hộ gia đình khi mua đất thì Sổ đỏ đứng tên cha mẹ hay ghi cả tên con?

Người đã thành lập gia đình và có con khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà Giấy chứng nhận có thể chỉ đứng tên vợ chồng hoặc đứng tên hộ gia đình sử dụng đất.

1. Sổ đỏ đứng tên vợ chồng (cha mẹ)

Về nguyên tắc thì ai có công sức, đóng góp để tạo lập tài sản thì người đó có quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt. Riêng đối với quyền sử dụng đất thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân là người sử dụng đất không phải chủ sở hữu; mặc dù vậy vẫn có quyền đứng tên khi đăng ký, cấp Giấy chứng nhận.

Nếu tiền nhận chuyển nhượng là tài sản chung của cha mẹ thì con không có chung quyền sử dụng đất. Khi các thành viên trong hộ gia đình không có chung quyền sử dụng đất thì Giấy chứng nhận sẽ ghi tên cha mẹ (các con không có quyền).

Điểm d khoản 1 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT quy định trường hợp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của hai vợ chồng thì ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân, địa chỉ thường trú của cả vợ và chồng.

Như vậy, nếu con không góp tiền để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì khi đó Giấy chứng nhận sẽ đứng tên cha mẹ.

Sổ đỏ đứng tên cha mẹ hay ghi cả tên conKhi mua đất Sổ đỏ đứng tên cha mẹ hay ghi cả tên con? (Ảnh minh họa)

2. Sổ đỏ đứng tên hộ gia đình

* Điều kiện Giấy chứng nhận đứng tên hộ gia đình

Khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định:

“Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất”.

Như vậy, khi nhận chuyển nhượng thì Giấy chứng nhận sẽ đứng tên hộ gia đình sử dụng đất khi đủ 03 điều kiện sau:

- Điều kiện 1: Có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng (nuôi dưỡng là quan hệ giữa cha mẹ nuôi với con nuôi và ngược lại chứ không phải là chăm sóc, nuôi dưỡng khi ốm đau, bệnh tật).

- Điều kiện 2: Đang sống chung tại thời điểm nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

- Điều kiện 3: Có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (cùng góp tiền để mua).

* Cách ghi thông tin hộ gia đình sử dụng đất

Điểm c khoản 1 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT quy định về cách ghi thông tin hộ gia đình sử dụng đất như sau:

“Hộ gia đình sử dụng đất thì ghi "Hộ ông" (hoặc "Hộ bà"), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số của giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình như quy định tại Điểm a Khoản này; địa chỉ thường trú của hộ gia đình. Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình.

Trường hợp chủ hộ gia đình hay người đại diện khác của hộ gia đình có vợ hoặc chồng cùng có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi cả họ tên, năm sinh của người vợ hoặc chồng đó”.

Như vậy, khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì Giấy chứng nhận không ghi đầy đủ tên các con có chung quyền sử dụng đất mà ghi “Hộ ông” hoặc “Hộ bà”; mặc dù không ghi đầy đủ tên các con nhưng các con vẫn có chung quyền sử dụng đất nếu cùng nhau góp tiền. Khi chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất vẫn phải có sự đồng ý của các con.

Kết luận: Khi mua đất thì Sổ đỏ đứng tên cha mẹ hay ghi cả tên con phụ thuộc vào tiền nhận chuyển nhượng là của cha mẹ hay là tiền chung tất cả thành viên trong hộ gia đình. Nếu tiền của cha mẹ thì con không có chung quyền sử dụng đất; nếu con góp tiền với cha mẹ thì Giấy chứng nhận sẽ đứng tên hộ gia đình sử dụng đất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh nhất.

>> Hướng dẫn thủ tục sang tên Sổ đỏ chỉ với 3 bước đơn giản

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục